Mỹ lực bất tòng tâm khi dốc sức diệt IS

Hạn chế năng lực chiến đấu cùng sự lảng tránh của các đồng minh khiến Mỹ khó có thể can dự quy mô lớn vào Trung Đông trong cuộc chiến chống IS.

my-luc-bat-tong-tam-khi-doc-suc-diet-is

Lính Mỹ tại căn cứ tiền tuyến Zeebrugge ở Afghanistan. Ảnh: AFP

Sau vụ tấn công của hai vợ chồng ủng hộ phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở San Bernardino, California hôm 2/12, nhiều chính trị gia Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng tăng cường cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, thậm chí là điều bộ binh đến Syria và Iraq.

Trong một cuộc khảo sát mới đây của CNN, đa số người dân Mỹ nói họ ủng hộ một cuộc tấn công bằng bộ binh ở Trung Đông. Tuy nhiên, giới phân tích và các quan chức quân sự Mỹ cho rằng nước này đang gặp quá nhiều rào cản để có thể dốc toàn lực cho cuộc chiến chống khủng bố này, theoIBTimes.

Các chỉ huy quân sự Mỹ cho biết sau hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, cỗ máy chiến tranh của Mỹ đang gặp trục trặc về năng lực sẵn sàng chiến đấu, bị quá tải về nhiệm vụ và thiếu thốn về quân số, ảnh hưởng tới khả năng chuẩn bị cho một chiến dịch can thiệp mới.

Hồi đầu năm, tướng Ray Odierno, tham mưu trưởng lục quân Mỹ thừa nhận rằng lục quân “không thể sẵn sàng tham gia các chiến dịch bất ngờ” và năng lực sẵn sàng chiến đấu của bộ binh “đang ở mức thấp trong lịch sử”.

Các chỉ huy thủy quân lục chiến, không quân và hải quân Mỹ cũng cho rằng lực lượng của họ không sẵn sàng thực thi các sứ mệnh hay các chiến dịch quy mô lớn trong thời gian trước mắt, khi ngân sách liên tục bị cắt giảm. Tướng Larry Spencer, phó tham mưu trưởng không quân Mỹ, nói rằng “chỉ dưới 50% lực lượng không quân Mỹ hiện nay là sẵn sàng thực thi đầy đủ các nhiệm vụ được giao”.

Trang bị vũ khí, khí tài dần trở nên lỗi thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2010 cho thấy các máy bay chiến đấu của không quân Mỹ đều phục vụ 22-29 năm, và chiến đấu cơ F-18 đã phải bay hơn 60% so với công suất thiết kế. Cuối tuần trước, không quân Mỹ đã cảnh báo nguy cơ hết bom sau hơn một năm không kích IS.

Mackenzie Eaglen, một chuyên gia phân tích quốc phòng ở Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua cắt giảm chi ngân sách các hoạt động ở nước ngoài năm 2013 đã ảnh hưởng lớn tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng Mỹ.

Cắt giảm ngân sách cũng khiến chính quyền Mỹ đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm 120.000 quân, tương đương 21% quân thường trực, ở thời điểm nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama.

Trong dự thảo ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2016, quân đội Mỹ cho biết nếu ngân sách quốc phòng tiếp tục bị cắt giảm sẽ hủy hoại khả năng sẵn sàng chiến đấu, dù chỉ là thực hiện một chiến dịch ứng phó khẩn cấp gồm nhiều giai đoạn kéo dài, chẳng hạn như cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq.

“Rõ ràng là cường độ, nhịp độ cao của các chiến dịch trong 10 năm qua trên hai chiến trường Afghanistan và Iraq đã khiến quân đội Mỹ bị quá tải. Cắt giảm ngân sách sau đó đã hủy hoại đáng kể tới năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội đến mức không thể khôi phục cho đến năm 2020”, bà Eaglen nói.

Khó trông cậy vào đồng minh

Do hạn chế về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, Mỹ đã phải tính tới nước cờ dựa vào lực lượng đồng minh trong cuộc chiến chống IS, tuy nhiên các đồng minh lại lảng tránh và chưa sẵn sàng triển khai quân cho cuộc chiến dài hơi và tốn kém này, giới phân tích nhận định.

Một số thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất triển khai ít nhất 100.000 quân tới Trung Đông để đánh bại IS, với công thức 90% quân đồng minh ở khu vực và 10% quân Mỹ cùng NATO.

my-luc-bat-tong-tam-khi-doc-suc-diet-is-1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters

Bình luận viên David Sirotar của IBTimes cho rằng đề xuất này khó có thể thành hiện thực, khi các quốc gia đồng minh không hề mặn mà với việc đưa lực lượng bộ binh chống IS.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ cân nhắc điều khoảng 20.000 bộ binh dọc biên giới với Syria để chống IS, nhưng lực lượng này cũng chỉ được triển khai nếu có sự tham gia của một liên minh quốc tế. Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết họ sẵn sàng cử bộ binh tới Syria, nhưng lực lượng 44.000 quân của nước này lại đang bận can dự vào cuộc chiến đang lan rộng ở Yemen. Saudi Arabia, Morocco, Ai Cập và Qatar vẫn chưa cam kết triển khai quân và quân đội của họ cũng đang được triển khai ở Yemen.

Ở châu Âu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây cho biết “việc triển khai bộ binh không nằm trong chương trình nghị sự của liên minh cũng như đồng minh NATO”. Tổng thống Pháp Francois Hollande tháng trước cho biết “Pháp sẽ không can thiệp quân sự trên bộ” ở Syria.

Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch triển khai quân tới Trung Đông, nhưng chỉ có 1.200 binh sĩ đóng vai trò hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu của các quốc gia khác. Thủ tướng Anh đã cam kết không triển khai bộ binh tới Trung Đông và chỉ hỗ trợ không kích cho lực lượng đối lập Syria.

Theo giới phân tích, khi không đủ tiềm lực và ý chí để triển khai một chiến dịch trên bộ tiêu diệt IS, trong lúc các đồng minh khu vực và trên thế giới không muốn động binh, Mỹ cần có những động thái hợp tác với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq và Syria.

“Khi cả Mỹ và Nga nhận ra chỉ riêng chiến dịch không kích sẽ không giúp họ loại trừ được mối đe dọa khủng bố, hai nước buộc phải ngồi lại với nhau, thu hẹp những bất đồng để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho cuộc xung đột”, Aron Lund, chuyên gia phân tích thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhấn mạnh.

Nguồn vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề