Tương lai nào cho Hy Lạp?

Trong lúc cuộc chiến của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để giữ chân Hy Lạp đã bước sang năm thứ 6, sự kiên nhẫn của các nước thành viên trong khu vực dường như vơi dần, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Athens gần như đã cạn tiền.

Bất chấp sự lạc quan của các quan chức Hy Lạp về triển vọng “bộ ba chủ nợ” (Liên minh châu Âu – EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF, Ngân hàng T.Ư châu Âu – ECB) sẽ thông qua gói cải cách và giải ngân khoản cứu trợ mở rộng cho nước này vào tuần tới, chính quyền Athens đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tiền mặt. Sau khoản cứu trợ được rót lần cuối vào ngày 28/2, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã xoay xở nhiều cách để có thể duy trì hoạt động của các cơ quan Chính phủ, các dịch vụ công. Tuy nhiên, việc chủ nợ không giải ngân 1,2 tỷ Euro hôm 22/3 khiến Hy Lạp chỉ có thể cầm cự tới ngày 20/4 tới trước khi ngân khố trống rỗng.

Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp đã nhận 2 đợt cứu trợ với tổng giá trị lên tới 240 tỷ Euro nhưng GDP của nước này vẫn suy giảm 25%, tình hình xã hội rơi vào bất ổn do người dân liên tục phản đối các biện pháp khắc khổ mà các chủ nợ đưa ra. Chính quyền mới của Hy Lạp đã tìm nhiều cách để thay đổi cục diện như gửi thư mật cho Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị xóa nợ và đưa ra các gói cứu trợ mới khi thỏa thuận cứu trợ kéo dài tới tháng 6 này hết hiệu lực hay gấp rút chuẩn bị cho chuyến thăm Nga nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ tài chính từ Moscow… Nhưng sức ép về thời gian và sức ép phải đàm phán với tất cả các chủ nợ từ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dồn Athens vào chân tường. Chỉ riêng các cuộc đàm phán diễn ra gần như hàng ngày với EU đã làm giới chức Hy Lạp đau đầu, nội bộ trong nước bất ổn, nên khó tưởng tượng được các cuộc đàm phán với cả “bộ ba chủ nợ” sẽ khiến Athens rối ren đến mức nào. Nếu tiếp tục lao vào các cuộc đàm phán, mặc cả với chủ nợ và các nhà đầu tư, chính quyền Hy Lạp sẽ không có thời gian để tìm ra giải pháp ổn định nền kinh tế, giải quyết bài toán việc làm cho 1/4 dân số.

Lựa chọn sử dụng đồng tiền chung luôn được coi là tấm vé một chiều cho các nước thành viên khi lên con tàu của Eurozone, vì thế chưa có một tiền lệ về pháp lý hay lộ trình chính trị nào về việc rời khỏi liên minh này nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc Athens rời Eurozone và phải in đồng tiền riêng chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều duy nhất mà cả Hy Lạp và châu Âu có thể làm bây giờ là tìm ra các biện pháp để hạn chế tối đa hậu quả của việc Athens buộc phải rời khỏi cuộc chơi. Nhưng các nhà quan sát đã cảnh báo, dù lựa chọn bất kỳ một lối thoát nào, cả Eurozone lẫn Athens đều phải trả giá đắt.

Kinh tế Đô thị


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề