BEIJING / MOSCOW (Reuters) – Hôm nay Tổng thống Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro hai nước cần phải kết hợp các nỗ lực để nâng giá dầu, nhưng từ chối đưa ra bất kỳ hành động cụ thể nào kể cả việc cắt giảm sản lượng.
Nền kinh tế của cả hai nhà sản xuất lớn đều phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ. Giá dầu đã giảm một nửa từ năm ngoái do cung vượt quá cầu và OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng
Tại Bắc Kinh ông Maduro đã có cuộc gặp với ông Putin sau khi tham dự cuộc diễu hành quân sự của Trung Quốc kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Á.
“Cả hai bên trong cuộc hội đàm đều lưu ý rằng lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng do giá dầu không ổn định, tất nhiên để đối phó với điều này hai nước cần phối hợp các nỗ lực để thúc đẩy giá dầu tăng lên,” phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov nói trước báo giới.
Ông Maduro là người tích cực vận động hành lang trong khối OPEC cho biết hai nguyên thủ đã thống nhất với nhau về “một số sáng kiên” để ổn định thị trường dầu mỏ.
“Các sáng kiến sẽ được công bố khi họ đi đến thống nhất đầy đủ,” thông tấn quốc gia Venezuela – AVN dẫn lời Maduro nói với mạng truyền hình RT -Nga và không cung cấp thêm chi tiết.
Venezuela là một thành viên của OPEC nhưng Nga nằm ngoài. Cho đến nay Moscow đã không sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác dầu để hỗ trợ giá và cuộc họp của Putin với Maduro được dự báo sẽ không mang bất kỳ kết quả cụ thể nào, một nguồn tin cao cấp Nga nói với Reuters hôm thứ Tư.
Các thành viên có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ tại vùng Vịnh trong tổ chức OPEC năm ngoái đã thay đổi chiến lượng của nhóm khi cho phép giá giảm để bảo vệ thị phần. Tuy nhiên Venezuela đang trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng, tình trạng thiếu hàng hóa cùng tiền mặt đã buộc Chính phủ tìm mọi cách để tăng giá dầu. Họ đang có chính sách thúc đẩy thỏa thuận mới giữa tổ chức OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối để bình ổn giá.
Từ đầu năm đến nay Nga đã khai thác lượng dầu kỷ lục thời hậu Xô viết với sản lượng trung bình 10,7 triệu thùng mỗi ngày. Moscow muốn giữ sản lượng cao để bảo vệ thị phần và nếu họ cắt giảm sản lượng ít nhất trong ngắn hạn sẽ mất doanh thu cho ngân sách quốc gia.
Đức Dũng
Trả lời