Việt Nam và ngân hàng AIIB do Trung Quốc thành lập

Ngày 15/4/2015 tin cho biết có đến 57 quốc gia trên thế giới được công nhận là thành viên sáng lập của ngân hàng phát triển hạ tầng Châu Á, gọi tắt theo tiếng Anh là AIIB, do Trung Quốc khởi xướng. 57 quốc gia này mang tính chất rất đa dạng, từ những quốc gia nghèo khó ở châu Phi cho đến những cường quốc ở Châu Á và châu Âu như Hàn Quốc, Anh… Hai quốc gia hùng mạnh về kinh tế là Hoa Kỳ và Nhật bản không tham gia vào ngân hàng này. Kính Hòa ghi nhận ý kiến các nhà quan sát Việt Nam trong và ngoài nước về vấn đề này cũng như những lợi ích mà Việt Nam có thể có.

Hệ thống mới mang màu sắc Trung Quốc?

Việc thành lập AIIB do Trung Quốc khởi xướng nằm trong kế hoạch lâu dài của nước này nhằm sử dụng thặng dư ngoại tệ của mình để gây ảnh hưởng trên thế giới. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà nội nhận xét về chiến lược này của Trung Quốc:

Tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc dùng cái vốn ngoại tệ thặng dư của mình để đầu tư vào các nước khác để gia tăng bành trướng ảnh hưởng của mình, để rồi từ đấy để khai thác tài nguyên, bù đắp những cái mất cân đối của Trung Quốc, thì theo tôi đấy cũng là một cách đầu tư thông minh chứ không phải không.

-TS Lê Đăng Doanh

“Tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc dùng cái vốn ngoại tệ thặng dư của mình để đầu tư vào các nước khác để gia tăng bành trướng ảnh hưởng của mình, để rồi từ đấy để khai thác tài nguyên, bù đắp những cái mất cân đối của Trung Quốc, thì theo tôi đấy cũng là một cách đầu tư thông minh chứ không phải không. Rồi trên cơ sở đó họ sẽ giảm bớt sự chênh lệch, những bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc. Điều đó là điều mà ông Lý Khắc Cường nói là một cải cách đau đớn, như cầm dao xẻo thịt mình, chứ không dễ dàng như cắt móng tay. Tôi thấy đó là điều hết sức đáng chú ý trong cách tiếp cận của Trung Quốc.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, từ miền Nam California nói rằng dự tính dùng sức mạnh tài chính để gây ảnh hưởng ra các nước khác trong thời gian qua không đạt được thành công, nhất là những tham vọng của họ ở Venezuela và Miến Điện đã hoàn toàn thất bại. Ông cho rằng họ đang có một cách tiếp cận mới:

“Bây giờ họ muốn làm ra một cái có tính chất đa quốc gia, để các nước cùng hùn hạp với họ mà chia sẻ các rủi ro. Cái thứ hai là để các nước khác có thể đóng góp những chuyện kỹ thuật khá hơn để thực hiện những dự án hạ tầng cơ sở.”

Một vấn đề khác được nhiều người bàn tán xung quanh việc thành lập ngân hàng này là vấn đề ảnh hưởng chính trị tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tháng 10 năm ngoái khi những tin tức đầu tiên về việc thành lập ngân hàng này được đưa ra, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược Châu Á Thái Bình Dương tại Hawaii nói với chúng tôi:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Câu chuyện là vấn đề phe phái. Phe phái ở chỗ là Mỹ có một trật tự khu vực của Mỹ, theo cái nhìn của Mỹ. Bây giờ Trung Quốc lập ra một thể chế mới để cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quĩ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á.”

Phát biểu về những trật tự khu vực và trên thế giới về tài chính và kinh tế, hôm 22/4/20015 tại Hội nghị thượng đỉnh Á Phi tổ chức ở Jakarta, Tổng thống mới đắc cử của Indonesia là ông Joko Widodo nói rằng trật tự tài chính cũ đã lỗi thời. Với tư cách là người đứng đầu quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, hồi tháng ba vừa qua ông nói trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng ông ủng hộ ngân hàng AIIB.

Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập

Việt Nam cùng nhiều quốc gia Đông Nam Á đã sớm gia nhập dự án ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với chúng tôi rằng nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng tại Châu Á còn rất lớn, và việc ra đời một ngân hàng mới là điều tích cực.

“Tôi nghĩ rằng là việc Trung Quốc có một thực thể về mặt tài chính, và có một nền kinh tế mạnh là một điều không thể phủ nhận. Mạnh ở đây là một nền kinh tế có qui mô lớn. Việc các nước khác cùng tham gia sẽ làm cho định chế tài chính này công khai minh bạch hơn. Họ sẽ có tiếng nói để làm cho Trung Quốc có cái cách ứng xử phù hợp với các định chế tài chính quốc tế hơn. Hơn nữa có thêm một ngân hàng phát triển như ngân hàng Đầu tư phát triển hạ tầng Châu Á, thì sẽ tạo nên một sự cạnh tranh với các định chế tài chính cũ như là ngân hàng Thế giới, ngân hàng phát triển Châu Á, và tôi nghĩ là cạnh tranh thì tốt hơn là không có cạnh tranh.”

Đối với một nước lớn như Trung Quốc thì ảnh hưởng quốc tế và khu vực của họ là một điều khó có thể tránh khỏi. Tôi nghĩ là nếu chúng ta gắn nhiều quá vấn đề chính trị vào kinh tế thì khó có thể hài hòa được trong vấn đề phát triển.

-TS Nguyễn Quang A

Năm ngoái khi được hỏi về khả năng Việt Nam vay tiền từ AIIB, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với chúng tôi:

“Đối với một nước lớn như Trung Quốc thì ảnh hưởng quốc tế và khu vực của họ là một điều khó có thể tránh khỏi. Tôi nghĩ là nếu chúng ta gắn nhiều quá vấn đề chính trị vào kinh tế thì khó có thể hài hòa được trong vấn đề phát triển. Với Việt Nam cũng cần khôn khéo để tận dụng tất cả những lợi thế của mối quan hệ của Trung Quốc với khu vực.”

Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm cũng nói là việc có thêm vốn thì tốt cho người có nhu cầu đi vay. Nhưng bên cạnh đó ông thận trọng về sự chi phối của Trung Quốc:

“Bây giờ Trung Quốc lập riêng một ngân hàng mà Trung Quốc chi phối với những tiêu chí riêng của họ. Tiêu chí của Trung Quốc thì người Việt Nam quá quen thuộc rồi, vì chơi với Trung Quốc bao nhiêu năm, và Trung Quốc bây giờ chi phối kinh tế Việt Nam như thế thì sẽ biết tiêu chí của Trung Quốc như thế nào. Tức là họ sẽ tỏ ra dễ dãi cho anh trong rất nhiều cái, nhưng cuối cùng lại là sợi dây thòng lọng cột chặt anh vào họ, và biến anh trở nên lệ thuộc vào họ.”

Ông Lê Đăng Doanh có ý kiến tích cực hơn, ông cho rằng với sự tham gia của nhiều quốc gia, với những đồng vốn khác nhau, chuyện Việt Nam vay tiền từ ngân hàng mới này sẽ bớt rủi ro:

“Tôi nghĩ rằng đây không thuần túy vốn của Trung Quốc, mà Việt Nam sẽ xem xét thận trọng, và có thể vay tiền để phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam. Điều đó tôi cho rằng cũng cần làm để phát triển.”

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, người theo sát các động thái về tài chính của Trung Quốc trong những năm gần đây cũng cho rằng AIIB cũng là cơ hội cho Việt Nam nhưng cần cẩn trọng:

“Tôi nghĩ là Việt Nam nên tham dự, và lần này thì nên học những bài học của quá khứ, vì Việt Nam từng cho Trung Quốc thực hiện những hợp đồng đầu tư hạ tầng cơ sở cho Việt Nam với rất nhiều tai họa về kinh tế cho Việt Nam. Mà lúc đó không ai biết vì Việt Nam cứ chuyên làm chuyện lén lút với Trung Quốc, người dân Việt Nam còn không biết huống chi các quốc gia khác.”

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cũng nêu một khả năng thống trị trong tương lai của Trung Quốc trong định chế tài chánh này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc ép các công ty kỹ thuật hạ tầng khác để giành hợp đồng cho các công ty Trung Quốc, như họ đã từng làm ở nhiều nơi. Việt Nam cũng từng nhiều lần chịu những hậu quả không tốt khi giao các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nhà thầu Trung Quốc.

Ngoài ra giới quan sát còn lo ngại và sự chi phối của Trung Quốc sẽ làm cho các tiêu chuẩn về môi trường trong các dự án bị xem nhẹ, cũng như vai trò của những cư dân địa phương liên quan đến dự án bị bỏ qua. Và cũng như những công ty kinh tế của Trung Quốc, ngay cả ở hình thức tư nhân cũng được xem là gắn chặt với chính quyền Trung Quốc, người ta lo ngại rằng AIIB sẽ bị đảng cộng sản Trung Quốc chi phối. Giới thạo tin cho biết là hiện vị Tổng giám đốc tạm quyền của AIIB là ông Kim Lập Quân từng là Thứ trưởng Bộ tài chính Trung Quốc, và cũng từng là thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, một định chế nhà nước. Tin cho hay là ông Kim sẽ tìm kiếm phân nửa số nhân viên của AIIB từ Bộ tài chính Trung Quốc.

RFA


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề