Một phụ nữ gốc Việt trả lại cây vĩ cầm trị giá hàng triệu đô-la

Bà Thanh Trần, một phụ nữ gốc Việt, đã không hề biết gì về cây vĩ cầm Stradivarius trị giá hàng triệu đô-la mà chồng bà đã cất giấu dưới tầng hầm của ngôi nhà của họ.

Cây đàn Stradivarius đã bị đánh cắp từ nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Roman Totenberg vào năm 1980 đã được trả lại.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 550 cây đàn Stradivarius và trong cuộc bán đấu giá năm 2011, một đàn Stradivarius đã được bán với giá 15,9 triệu đô-la.

Bà Thanh là một người gốc Việt di cư sang Hoa Kỳ với cha mẹ. Bà gặp ông Johnson vào đầu những năm 1990 sau một buổi trình diễn nghệ thuật tại Los Angeles. Họ hẹn hò vài năm trước khi cưới. Họ có hai con gái và đã ly dị vào năm 2008.

Ông Philip Johnson, chồng bà Thanh, đưa vợ cũ xuống tầng hầm ngôi nhà ở Venice, California, khi biết mình bị ung thư tuyến tụy.

Ở đó, ông đưa cho bà Thanh một chiếc hộp và không nói gì về nó. Bà Thanh đoán rằng đó là cây vĩ cầm mà bà đã từng mua cho ông ấy.

4 năm sau, bà Thanh phát hiện ra sự thật rằng cây đàn đã bị chồng bà đánh cắp của nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Roman Totenberg từ năm 1980.

Chồng bà Thanh qua đời tháng 11 năm 2011 và đến tháng 5 năm sau, nghệ sĩ vĩ cầm Roman Totenberg cũng qua đời.

Lần cuối cùng ông Totenberg nhìn thấy cây vĩ cầm của mình là vào năm 1980, sau khi biểu diễn tại một trường âm nhạc ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts.

Hối tiếc

Trong cuộc phỏng vấn với AP hôm 11/8, bà Thanh nói, hối tiếc lớn nhất của bà là đã không phát hiện ra cây đàn sớm hơn để trả lại chủ nhân của nó khi ông còn sống.

Bà nói: “Tôi mong rằng chồng tôi đã nói với tôi sớm hơn để tôi có thể trả nó lại cho ông Totenbergs. Tôi rất buồn vì điều đó”.

Vào mùa Xuân năm nay, khi đang sửa chữa nhà cửa, bà Thanh cùng con gái của mình đã tò mò về chiếc hộp đựng cây đàn vĩ cầm.

Bà và vị hôn phu mới đã mở chiếc hộp ra. Bà nói: “Cây vĩ cầm nhìn rất đẹp nhưng tất cả các dây đàn đã bị đứt”.

Khi nhìn thấy nhãn hiệu Stradivarius, bà Thanh quyết định mang nó đi thẩm định vì bà nghĩ có thể đó chỉ là hàng giả.

Sau khi có kết quả thẩm định vào tháng Sáu, vị hôn phu của bà Thanh thông báo cho bà một tin tốt, rằng cây đàn là thật, và một tin xấu, rằng họ phải gọi cho FBI.

Bà Thanh kể về cuộc gặp với FBI mà không có luật sư đi cùng: “Họ đã hỏi tôi rằng liệu tôi có để cho họ lấy cây đàn đi không, và tôi nói ‘Vâng, tất nhiên rồi. Nó không phải là của tôi. Nó đã bị đánh cắp’. Họ đã đưa cho tôi một giấy biên nhận”.

Sau đó, FBI đã cho bà Thanh biết rằng ông Johnson từng bị phát hiện có mặt tại hiện trường vụ trộm và là nghi can duy nhất.

Tuần trước, chính quyền liên bang đã trao cây vĩ cầm cho ba cô con gái của nghệ sĩ vĩ cầm Roman Totenberg.

Nina Totenberg cho biết cha cô đã luôn nghi ngờ Johnson ăn cắp cây vĩ cầm nhưng chính quyền đã không có đủ bằng chứng để có được lệnh khám xét.

Ông Johnson đã từng bị buộc phải bán một cây vĩ cầm từ thế kỷ 18 do Đức sản xuất. Đến cuối những năm 1990, bà Thanh mua lại nó cho chồng mình với giá khoảng 4.500 đô-la và bà nghi rằng ông ấy không sở hữu bất cứ thứ gì có giá trị hơn.

Nguồn Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề