Gần đây, chuyên gia vấn đề Triều Tiên là giáo sư Lý Đôn Cầu của Đại học Triết Giang viết bài đăng trên Thời báo Hoàn Cầu, cho rằng “Có một số học giả chiến lược kiến nghị Trung Quốc từ bỏ Triều Tiên, vấn đề cực kỳ quan trọng”.
Tôi không đồng ý quan điểm của GS Lý Đôn Cầu, bởi lẽ hiện nay Trung Quốc không tồn tại vấn đề từ bỏ Triều Tiên.
Thứ nhất, giáo sư Lý nói “Trung Quốc và Triều Tiên là hai quốc gia độc lập”, điểm này tôi hoàn toàn tán thành, nhưng nói “Hai nước Trung Quốc-Triều Tiên có lợi ích nhất trí” thì tôi không dám gật đầu bừa. Trung Quốc-Triều Tiên mỗi nước có lợi ích của mình, có lợi ích có thể gần nhau hoặc nhất trí, có lợi ích thì khác nhau nhiều.
Thí dụ Triều Tiên muốn sở hữu [vũ khí] hạt nhân còn Trung Quốc thì yêu cầu Triều Tiên bỏ [vũ khí] hạt nhân, khi đưa ra và kiên trì vấn đề này đều dựa trên lợi ích quốc gia khác nhau. Trên các vấn đề nguyên tắc lớn, Trung Quốc không cần phải vì lợi ích của Triều Tiên mà làm tổn hại lợi ích của mình. Triều Tiên sở hữu hạt nhân đã gây ra đe dọa nghiêm trọng ô nhiễm hạt nhân đối với vùng biên giới Trung Quốc. Vì sự an toàn của dân chúng Trung Quốc tại các vùng đó, không những phải nghiêm khắc phê bình Triều Tiên sở hữu hạt nhân mà còn hoàn toàn có lý do yêu cầu Triều Tiên đặt thiết bị hạt nhân cách xa Trung Quốc, không được gây ra đe dọa hạt nhân. Trên điểm này, phải chăng “Lợi ích của hai nước Trung Quốc-Triều Tiên là nhất trí”?
Ngoài ra, Triều Tiên sở hữu [vũ khí] hạt nhân thì có thể kích thích Nhật, Hàn Quốc cũng có [vũ khí] hạt nhân. Giả thử một vùng Đông Bắc Á bé nhỏ mà các nước Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật đều đồng thời sở hữu [vũ khí] hạt nhân, cộng thêm bóng đen hạt nhân của Mỹ, thì Đông Bắc Á có còn được an toàn không? Trên một loạt vấn đề nguyên tắc, Trung Quốc kiên trì lập trường của mình, phản đối Triều Tiên có những cách làm gây thiệt hại lợi ích của nước ta, không thể coi như thế là bỏ Triều Tiên. Trước đây Trung Quốc đã có quá nhiều sự việc “chùi đít” [ý nói xử lý hộ những tình hình khó khăn – ND] cho Triều Tiên rồi, chuyên gia [tức GS Lý] nên biết rõ hơn tác giả bài viết này. Sau đây thì có thể không phải làm như vậy nữa.
Thứ hai, GS Lý nói “Triều Tiên là nước theo chế độ chính trị XHCN, họ khó có sự lựa chọn địa chính trị nào thay thế cho Trung Quốc”.[1] Thực ra, từ lâu Triều Tiên đã từ bỏ việc lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm tư tưởng chỉ đạo xây dựng đảng, trên ý thức hệ họ không có bất cứ điểm nào tương đồng với Trung Quốc, họ không phải là chính đảng của giai cấp vô sản và nhà nước XHCN. Trong Hiến pháp năm 1972, Triều Tiên còn quy định: “Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê vào tư tưởng tự chủ của Đảng Lao động Triều Tiên hiện thực ở nước ta, dùng làm phương châm hoạt động của mình”, nhưng đến Đại hội VI Đảng Đảng Lao động Triều Tiên thì lấy “Tư tưởng cách mạng, tư tưởng tự chủ của đồng chí Kim Nhật Thành làm phương châm chỉ đạo duy nhất”, “Lãnh tụ là ân nhân và người cha hiền từ của sinh mệnh nhân dân”, khi ấy Triều Tiên đã vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê. Trong “Mười nguyên tắc lớn” của Đảng Đảng Lao động Triều Tiên (có địa vị cao hơn Điều lệ Đảng và Hiến pháp) đã xác định rõ dưới sự dẫn dắt của tư tưởng tự chủ, “phải làm sâu sắc việc tạo dựng sự nghiệp cơ chế lãnh đạo duy nhất của Đảng, và đời đời tiếp nối”, và quy định “Phải mãi mãi tiếp nối huyết thống Bạch Đầu Sơn (tức huyết thống nhà họ Kim) – huyết mạch của Đảng và cách mạng, và kiên quyết giữ gìn tính thuần khiết tuyệt đối của huyết thống đó”. Ở đây có một chút mùi vị nào của chủ nghĩa Mác không nhỉ?
Những suy đoán tương tự còn rất nhiều, mong chuyên gia kể nhiều thêm cho bạn đọc nghe, để bạn đọc tự đưa ra phán đoán!
Hai nước Trung Quốc – Triều Tiên chỉ có mối quan hệ về lợi ích quốc gia, tức quan hệ nhà nước, mà không tồn tại mối quan hệ đồng chí giữa các chính đảng XHCN, đây là [do] Triều Tiên chủ động vứt bỏ.
Khác đường đi thì không thể cộng sự với nhau. Tư tưởng xây dựng đảng của giai cấp vô sản thì tiên tiến hơn rất nhiều, cũng cao siêu hơn rất nhiều so với tư tưởng xây dựng đảng của giai cấp tư sản, càng tiến bộ rất nhiều so với tư tưởng chuyên chế phong kiến, phù hợp với phương hướng lớn của sự phát triển xã hội nhân loại. Nước ta do Đảng Cộng sản nắm chính quyền, các đảng phái dân chủ tham gia chính quyền, qua hiệp thương và bầu cử mà bầu lên các thế hệ tập thể lãnh đạo và người lãnh đạo cao nhất. Còn ở Triều Tiên thì ba thế hệ người lãnh đạo là cha truyền con nối [nguyên văn thế tập]. Hai điểm đó có gì tương đồng hay không? Đảng CSTQ và Chính phủ Trung Quốc chung sống với Triều Tiên theo nguyên tắc hai chính đảng bình đẳng, hai nhà nước bình đẳng, như với các chính đảng hữu hảo và quốc gia hữu hảo với Trung Quốc. Đó mới là mối quan hệ bình thường giữa chính đảng và nhà nước với nhau. Ngoài ra, các nước có chế độ chính trị khác nhau chung sống hòa hợp với nhau là chuyện trên thế giới đâu đâu cũng có. “Triều Tiên khó mà có sự lựa chọn địa chính trị thay thế cho Trung Quốc” là do chính sách bế quan tỏa quốc của Triều Tiên tạo ra, không thể trách Trung Quốc được, Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm về chuyện đó.
Thứ ba, các nước phương Tây ma quỷ hóa Triều Tiên, giương là cờ “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ Triều Tiên, chuyện ấy Trung Quốc tuyệt đối không can dự. Triều Tiên tách xa cộng đồng quốc tế, nội bộ họ có sự đề phòng và kiểm soát rất nghiêm ngặt, đối ngoại rất cảnh giác, đây là sự thực không thể tranh cãi. Nước nào trên thế giới cũng đều có cái gọi là vấn đề “nhân quyền”, kể cả bản thân nước Mỹ. Mới đây tại thị trấn nhỏ Ferguson ở Mỹ, cảnh sát bắn chết một thiếu niên da đen 12 tuổi mang súng giả, vụ này đang gây ra bạo loạn phạm vi lớn trên cả nước, lại là một minh chứng. Nói thực ra, Trung Quốc không biết một chút gì về tình trạng nhân quyền của Triều Tiên, không thể nghe lời kể miệng của mấy người chạy trốn ra khỏi miền bắc Triều Tiên là đã kết luận về Triều Tiên; Đại hội đồng Liên Hợp Quốc còn thông qua nghị quyết xét xử người lãnh đạo Triều Tiên. Trong tình hình chưa rõ về trạng thái nhân quyền mà nói nhân quyền ở Triều Tiên tốt hay không tốt đều không có căn cứ, Trung Quốc bỏ phiếu phản đối là lẽ đương nhiên.
Hai bên Trung Quốc – Triều Tiên năm 1961 đã ký “Hiệp ước hữu hảo hỗ trợ Trung-Triều”, đã hai lần ký gia hạn hiệp ước này. Hiệp ước quy định: “Khi một bên ký Hiệp ước bị một nước hoặc vài nước liên kết nhau tấn công bằng vũ khí, vì thế mà ở vào trạng thái chiến tranh, thì bên còn lại phải lập tức toàn lực viện trợ quân sự và các loại viện trợ khác.” Hiệp ước này có hiệu lực đến năm 2021. Trên thực tế điều đó đã đem lại cho Triều Tiên sự bảo vệ về chính trị và quân sự. Hiệp ước còn quy định: “Hai bên ký Hiệp ước sẽ tiếp tục tiến hành hiệp thương về tất cả những vấn đề quốc tế lớn liên quan tới lợi ích chung của hai nước.” Thử hỏi Triều Tiên sở hữu [vũ khí] hạt nhân có hiệp thương với Trung Quốc không? Hiệp ước còn quy định: “Hai bên ký Hiệp ước sẽ tiếp tục hết sức cố gắng bảo vệ hòa bình châu Á và thế giới, bảo vệ an toàn của nhân dân các nước.”
Nếu Triều Tiên thiết thực tuân thủ Hiệp ước này thì sẽ không có chuyện khi máy bay hàng không dân dụng nước ta bay gần đến bầu trời Triều Tiên thì họ bắn đạn tên lửa lên đường bay, đặt 1-2 trăm con người trên máy bay ở vào tình trạng nguy hiểm lớn, cũng không có chuyện họ bắt giữ ngư dân nước ta trên vùng biển quốc tế gần Triều Tiên, gây ra đe dọa nghiêm trọng tới an toàn tính mệnh và tài sản của ngư dân nước ta. Triều Tiên còn năm lần bảy lượt tuyên bố phế bỏ “Hiệp định đình chiến” Bản Môn Điếm, làm cho hai phía Triều Tiên – Hàn Quốc (và Mỹ) rơi vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh. Trong tình hình “Hiệp ước hữu hảo hỗ trợ Trung-Triều” còn hiệu lực, một khi hai phía Triều Tiên – Hàn Quốc (và Mỹ) đánh nhau thì Triều Tiên đặt Trung Quốc vào địa vị như thế nào? Đấy là Trung Quốc “từ bỏ Triều Tiên” hay là Triều Tiên cứ đơn phương làm theo ý mình? “Hiệp ước hữu hảo hỗ trợ Trung-Triều” hãy còn kia, cách làm của Triều Tiên đã gây tổn hại lợi ích căn bản của Trung Quốc, không biết giáo sư vì sao lại có được kết luận “Lợi ích căn bản của hai nước Trung-Triều là nhất trí”.
Thứ tư, coi Triều Tiên là chiếc “bình phong chiến lược” của nước ta; có lẽ không có cái “bình phong chiến lược” ấy, trong thời đại toàn cầu hóa, tin học hóa, xét trên mặt chính trị và quân sự của mối quan hệ địa lý thì địa vị quan trọng của vấn đề này đã giảm đi nhiều – đây cũng là sự thực không thể tranh cãi. Trong lịch sử, bán đảo Triều Tiên xưa nay chưa bao giờ là phương hướng chiến lược chủ yếu của chính quyền trung nguyên [tức Trung Quốc], nhưng khi phương hướng này có chuyện thì phải gắn với phương hướng chiến lược chủ yếu, thường thường có liên lụy đến chính quyền trung nguyên, địa vị tác dụng tương đối quan trọng.
Nhưng từ khi tiến sang thế kỷ XXI, xét trên mặt chính trị, các nước xung quanh, kể cả Triều Tiên, có thái độ hữu hảo với ta, đương nhiên là quan trọng, có quốc gia nào không muốn xung quanh là láng giềng thân thiện, không phải là láng giềng xấu? Trung Quốc coi trọng sự thân thiện với láng giềng [vì thế mà] không sử dụng vũ lực với một nước nhỏ như Philippines, điều đó thậm chí bị cộng đồng quốc tế và một bộ phận dân chúng trong nước xem là biểu hiện mềm yếu. Nhưng nhìn tổng thể, xung quanh dù là láng giềng xấu thì cũng không ngăn nổi bước tiến hiện đại hóa của Trung Quốc; Trung Quốc đang trỗi dậy. Xét về mặt quân sự, miền bắc bán đảo Triều Tiên từ vĩ tuyến 38 tới biên giới nước ta, chiều sâu cũng chỉ có 5-6 trăm km, cùng lắm chỉ là một chiều sâu chiến dịch hiện đại. Trong chiến tranh kháng Mỹ viện Triều, ta chỉ dùng 3 hành động chiến dịch, sau hơn hai tháng là đánh “quân đội Liên Hợp Quốc” tiến sát biên giới ta lui trở về vĩ tuyến 38. Chiến tranh tin học hiện đại đã mở rộng không gian và rút ngắn thời gian, cái gọi là “bình phong chiến lược” chỉ có một chiều sâu chiến dịch thì có ý nghĩa lớn bao nhiêu ?
Giáo sư Lý cho rằng “bỏ Triều Tiên” thì sẽ xuất hiện ba kết quả: một là Triều Tiên lao vào vòng tay một nước thứ ba; hai là Triều Tiên sụp đổ; ba là Triều Tiên quyết tử chiến, bán đảo này lại bùng lên ngọn lửa chiến tranh. Ba loại kết quả này làm cho cái mũ đội [lên đầu Trung Quốc] trở nên quá to, có chút làm người ta khiếp sợ.
Trước tiên, Triều Tiên xưa nay chưa bao giờ lao vào vòng tay Trung Quốc thì cớ sao lại lao vào vòng tay một nước thứ ba? Chính quyền Kim Nhật Thành khi khởi sự đánh [nguyên văn khai đả] cuộc chiến tranh Triều Tiên đã không lắng nghe đầy đủ ý kiến của Trung Quốc; vào thập niên 60-70 thế kỷ trước thậm chí còn lãnh đạm với Trung Quốc hơn các nước nói chung; khi nước ta lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, đặc biệt sau khi nước ta cải cách mở cửa họ lại càng nói lăng nhăng bậy bạ với nước ta, mãi cho đến khi Liên Xô – Đông Âu thay đổi lớn thì tình hình mới có cải thiện. Thiết nghĩ, là một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, GS Lý phải hiểu rõ tình hình hơn người viết bài này.
Thứ hai, sự sụp đổ một quốc gia chủ yếu không được quyết định bởi ngoại lực, nếu một chính quyền không được nhân dân ủng hộ thì “sụp đổ” chỉ là chuyện sớm muộn. “Lôi kéo” cũng vậy, “từ bỏ” cũng vậy, đều không có tác dụng quan trọng, chớ nên coi mối quan hệ Trung Quốc đối với Triều Tiên là mối quan hệ triều cống từng có trong lịch sử, Trung Quốc không phải là Chúa Cứu thế, Triều Tiên thật sự sụp đổ thì Trung Quốc cũng không cứu nổi họ. Trung Quốc có chuẩn bị tương ứng là được rồi, nói to lên cũng tức là vùng Đông Bắc nước ta có chịu ảnh hưởng nhất định, chứ không thể làm gián đoạn tiến trình hiện đại hóa của nước ta.
Thứ ba, cần thấy rõ là Trung Quốc thao túng không nổi cục diện, tình thế bán đảo Triều Tiên, ngay cả một chuyện hội đàm 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên còn không làm được thì Trung Quốc có thể chịu trách nhiệm đối với “ngọn lửa chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên chăng? Nếu Triều Tiên “quyết tử chiến một trận, đốt lại ngọn lửa chiến tranh” thì mục tiêu của hai bên [tham chiến] cũng không phải là Trung Quốc; Trung Quốc không cần thiết phải châm lửa tự đốt mình. Ai gây ra lửa chiến tranh thì kẻ đó chịu trách nhiệm. Giờ đây, khi từ lâu đã không còn “phe XHCN” nữa thì con em Trung Quốc không phải đánh nhau vì nước khác. Đạo lý này ai cũng hiểu chứ?
Tóm lại, mối quan hệ hai đảng hai nước Trung Quốc – Triều Tiên phải xây dựng trên nền tảng giao lưu bình thường về nhà nước và về đảng. Xuất phát từ lợi ích quốc gia của nước ta, đồng thời chiếu cố lợi ích của Triều Tiên (kể cả bất kỳ quốc gia đối ứng nào), nên ủng hộ thì ta ủng hộ, nên phản đối thì ta phản đối, bênh vực công bằng chính nghĩa, tạo dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, vừa không “lôi kéo” Triều Tiên, cũng không “từ bỏ” Triều Tiên – đây phải là thái độ cơ bản của nước ta.
Trung tướng Vương Hồng Quang nguyên là Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh (Trung Quốc).
Nghiên cứu Quốc tế
Trả lời