Động thái ồ ạt bồi đắp cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang báo động cả khu vực cũng như Mỹ và các nước khác. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 cũng ra tuyên bố chung quan ngại về hoà bình, ổn định, an ninh, môi trường ở biển này.
Động thái ồ ạt bồi đắp cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang báo động cả khu vực cũng như Mỹ và các nước khác. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 cũng ra tuyên bố chung quan ngại về hoà bình, ổn định, an ninh, môi trường ở biển này.[1]
Để trấn an dư luận, ngày 30/4/2015 trong một cuộc điện đàm với Tư lệnh hải quân Mỹ Jonathan Greenert, Đô đốc Ngô Thắng Lợi chỉ huy lực lượng hải quân Trung Quốc cho rằng, hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông không ảnh hưởng tới tự do hàng hải hoặc hàng không. “Thay vào đó, nó sẽ cải thiện khả năng các dịch vụ công như dự báo thời tiết, nghiên cứu hàng hải, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế để duy trì an ninh ở các vùng biển quốc tế…Chúng tôi hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và những nước liên quan sử dụng các cơ sở này trong tương lai khi điều kiện cho phép” .[2]
Đây là một tuyên bố mới nhưng nội dung không mới. Nó chỉ làm rõ hơn phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/4/2015.[3] Chiến thuật này đã được Trung Quốc áp dụng thành thục trong quá khứ. Tháng 2 năm 1995, trước sự phản đối của Philippines về hoạt động xây dựng ở đá Vành Khăn, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là ông Trần Kiện đã khẳng định: “Các công trình được Trung Quốc xây trên đá [Vành Khăn] là để đảm bào sự an toàn và tính mạng, cũng như hoạt động sản xuất, của các ngư dân đánh cá ở vùng biển quần đảo Trường Sa (Nam Sa – theo cách gọi của Trung Quốc)”. [4] Các hình ảnh vệ tinh cho thấy cuối năm 2014, các công trình nhân tạo duy nhất tại bãi đá này chỉ gồm một trạm gác, một trạm đánh cá, một đồn quân sự với các tàu chiến và tàu tuần tra biển của Trung Quốc. Tháng 4 năm 2015, đá Vành Khăn đã được tôn tạo lên diện tích hơn 32.000 m2.[5] Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8/5/2015, với việc bồi đắp đảo từ tháng 1/2014, Trung Quốc đã “mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần”, tương đương với 800 ha mà 3/4 số này thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay. Báo của Lầu Năm Góc chỉ ra bốn vùng trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã san lấp xong và đã chuyển qua giai đoạn “xây dựng hạ tầng cơ sở” như cầu cảng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giám sát và có ít nhất một đường băng sân bay.[6]
Trong vụ Scarborough 2012, ngư dân Philippines bàng hoàng khi không được đánh bắt bình thường trên chính vùng biển của mình vì một sợi dây thừng đã đánh dấu vùng biển này nằm dưới sự kiểm soát quân sự của Hải quân Trung Quốc. Trước đó ngày 4/6/2012, hai bên đã đạt thỏa thuận cùng rút hết tàu khỏi Scarborough. Manila tuân theo thỏa thuận này, nhưng Bắc Kinh thì không, lại còn tăng cường hiện diện trong khu vực.[7]
Ông Hồng Lỗi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không quên gắp lửa bỏ tay người trong tuyên bố ngày 30/4/2015 rằng Manila và Hà Nội đã tiến hành các hoạt động cải tạo đất trên các đảo chiếm đóng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.[8] Lập luận này của Trung Quốc chỉ có tình đánh lạc hướng dư luận khi các hoạt động trên được thực hiện trên các đảo với quy mô nhỏ đủ để duy trì cuộc sống trên đảo chứ không phải như các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc biến các bãi cạn nửa nổi nửa chìm thành các đảo nhân tạo phục vụ quốc phòng. Các hoạt động này hoàn toàn trên các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chỉ bốn ngày sau khi ông Ngô Thắng Lợi “đề xuất sáng kiến”, ngày 4/5/2015 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị hư máy, sau một thời gian trôi tự do, đến bãi Đá Ga Ven quần đảo Trường Sa đã bị tàu và thủy thủ có vũ trang của Trung Quốc ngăn cản, xua đuổi không cho vào để sửa chữa. Sáng 6/5/2015, tàu cá QNg 96293 TS và 16 ngư dân đã được các tàu cá khác lai dắt ra ngoài vùng Đá Ga Ven và được an toàn. Hành động của thủy thủ vũ trang Trung Quốc bị phê phán là vô nhân đạo, khi trước đây ngư dân Việt Nam đã nhiều lần giúp đưa nhiều tàu cá Trung Quốc gặp nạn vào Đảo Lý Sơn, cho ngư dân thủy thủ ăn uống nghỉ ngơi, trước khi giao trả cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.[9] Giữa “lời mời” của ông Ngô Thắng Lợi và hành động của thủy thủ Trung Quốc phải chăng là “cái bẫy mênh mông”? Trước đó, các máy bay của Philippines đã bị tàu chiến Trung Quốc tại các vùng nước xung quanh các đá đang được cải tạo xua đuổi và bị gọi là “máy bay nước ngoài xâm nhập vào vùng quân sự Trung Quốc”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố để ngỏ khả năng thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.[10]
Việc Trung Quốc tuyên bố mời các tổ chức quốc tế, Mỹ và những nước liên quan sử dụng các cơ sở trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép này nhằm nhiều mục đích:
– Tỏ rõ Trung Quốc là một quốc gia hoà bình, có trách nhiệm với quốc tế, đặc biệt trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở Biển Đông.
– Nếu Mỹ và các nước không phản ứng, Trung Quốc sẽ có cơ hội tuyên truyền Mỹ và các nước công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông và hợp pháp hoá các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn đi ngược lại tinh thần của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) và điều 5 của Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.- Làm dư luận quốc tế xao lãng với các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, nghi ngờ hành xử của Việt Nam và Philippin, chia rẽ các nước ASEAN.
– Tạo hình ảnh một Trung Quốc “dịu giọng” trước phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, đằng sau phát biểu của ông Ngô Thắng Lợi là quyết tâm không lay chuyển của Trung Quốc. Họ hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và những nước liên quan sử dụng “các cơ sở này trong tương lai” có nghĩa là các cơ sở này đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng bồi đắp trong tương lai bất chấp sự phản ứng của cộng đồng quốc tế và “…khi điều kiện cho phép” chỉ là cách nói với những người cả tin. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ cùng ASEAN xây dựng và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) khi thời gian chín muồi. Nếu các cơ sở xây dựng mới chỉ có tính chất trợ giúp cứu nạn, tại sao không bàn giao cho một tổ chức dân sự quốc tế? Các căn cứ trên các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép chỉ phục vụ cho mục tiêu chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Thế giới không dễ bị ăn “bánh vẽ”. Ngày 1/5/2015 Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố, các hoạt động của Trung Quốc nhằm cải tạo đảo ở Biển Đông không góp phần vào việc đảm bảo hòa bình trong khu vực bất kể các cơ sở xây dựng được sử dụng như thế nào.[11] Ngày 8/5/2015, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN.
Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông”.[12]
Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc gia Hà Nội)
[1] Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur & Langkawi, 27/4/2015 khẳng định: “Các nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất đang được tiến hành ở Biển Đông, hành động có thể gây xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực này.” Bernama, 28/4/2015 xem tại
http://www.themalaysianreserve.com/new/story/chairmans-statement-26th-asean-summit-kuala-lumpur-langkawi-27-april-2015-our-people-our
[2] Reuters and Lawrence Chung, “China says US welcome to use bases built in disputed areas of South China Sea”, South China Sea Morning Post, 1/5/2015, http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/1783156/china-says-us-welcome-use-bases-built-disputed-areas
[3] Edward Wong, “China Says Construction in Contested Waters Is for Maritime Purposes”, xem tại http://www.nytimes.com/2015/04/10/world/asia/china-south-china-sea-spratly-paracel-islands.html?_r=1, Bà Hoa phát biểu rằng Trung Quốc đang xây dựng “các cơ sở vận hành dân sự như địa điểm tránh bão, trợ hướng hàng hải, trung tâm tìm kiếm cứu nạn, trạm dự báo thời tiết biển, dịch vụ nghề cá và văn phòng hành chính dân sự.” Bà Hoa cho rằng các dự án này sẽ “cung cấp các dịch vụ cần thiết cho Trung Quốc và các nước láng giềng, cũng như đối với các tàu biển quốc tế đi qua Biển Đông,” “Các công trình xây dựng này nằm trong chủ quyền của Trung Quốc, và hoàn toàn hợp pháp, không ảnh hưởng và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, vì vậy không thể bị chỉ trích.”
[4] Philip Shenon, “Manila Sees China Threat On Coral Reef”, New York Times, 19/2/1995, http://www.nytimes.com/1995/02/19/world/manila-sees-china-threat-on-coral-reef.html#h[PFVPFV]
[5] Dự án Đại sự ký Biển Đông, Hồ sơ đảo nhân tạo tháng 4/2015 (sắp công bố)
[6] http://www.anninhthudo.vn/binh-luan/lau-nam-goc-cao-buoc-trung-quoc-tang-toc-cai-tao-dao-tren-bien-dong/609263.antd
[7] “Philippines tố Trung Quốc giăng dây thừng bao Scarborough”, Thanh Nien Online, 3/8/2012,
http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/philippines-to-trung-quoc-giang-day-thung-bao-scarborough-59821.html
[8]“Beijing tells Manila, Hanoi to stop copying it in South China Sea”, Xinhua and Staff Reporter,
http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20150430000125&cid=1101
[9] http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/cn-ship-blck-vn-ship-05062015121229.html
[10] http://m.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/235947/philippines–tq-dang-thu-lap-vung-nhan-dien-o-bien-dong.html
[11] “U.S. says China’s activity in South China Sea won’t help peace,” Reuters, 1/5/2015,
http://www.reuters.com/article/2015/05/01/us-china-usa-southchinasea-state-idUSKBN0NM46N20150501
[12] http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns150508104033
Trí Lê (Theo Đại Ký sự Biến đông)
- Mỹ sẽ triển khai 8 căn cứ quân sự ở Philippines
- Ông John McCain: Mỹ đang thiếu những hành động quyết liệt ở Biển Đông
- Trung Quốc đòi Mỹ “dừng khoe cơ bắp” ở biển Đông
- Bộ Ngoại giao lên tiếng về vụ tàu chiến TQ chĩa súng vào tàu Việt Nam
- Cuộc gặp Obama-Tập và tác động tới tình hình Biển Đông
- Biển Đông: Giờ phút của sự thật
Trả lời