Bộ trưởng thương mại của các nước trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hủy cuộc gặp dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 28-5 bên lề hội nghị APEC, sau khi Washington không thể chốt được quyền đàm phán nhanh (TPA) dù đã vượt qua thượng viện.
Trước đó đã có rất nhiều hi vọng các nghị sĩ ở Washington chốt được TPA và TPP có thể kết thúc ngay tại cuộc họp dự định ở Manila này của các bộ trưởng. Các nhà đàm phán khi trả lời báo chí đã thẳng thắn nói họ không thể đưa ra những nhượng bộ chính trị một khi chưa chắc chắn có TPA của Mỹ trong tay.
Ở Washington, dù TPA đã được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 23-5 nhưng các thảo luận về dự luật này thậm chí vẫn chưa bắt đầu ở hạ viện – nơi hầu hết hạ nghị sĩ Dân chủ đều chống và một nhóm Cộng hòa cực đoan không muốn trao bất cứ thứ gì cho Tổng thống Obama. Các hạ nghị sĩ Mỹ nói sẽ thảo luận TPA khi họ trở lại sau kỳ nghỉ tuần này.
Lúc này chỉ có khoảng 13 trên tổng số 188 nghị sĩ Dân chủ ở hạ viện ủng hộ TPA và theo tính toán, nếu đem TPA ra bỏ phiếu lúc này ở hạ viện thì gần như chắc chắn thất bại. Hi vọng lúc này của ông Obama là ở phe Cộng hòa.
Jiji Press trích lời Bộ trưởng Thương mại Nhật Akira Amari nói cuộc gặp của các bộ trưởng có thể sẽ diễn ra trong tháng 6 hoặc muộn hơn để đảm bảo chắc chắn Washington có TPA. Quốc hội Mỹ sẽ làm việc trở lại từ ngày 1-6 sau kỳ nghỉ của ngày tưởng niệm.
RẮC RỐI NỘI BỘ MỸ
Theo The Hill – tờ báo chuyên theo dõi tình hình Quốc hội Mỹ, đây không phải lần đầu tiên một tổng thống Dân chủ ở nhiệm kỳ II phải nhờ đến phe Cộng hòa để thông qua TPA. Tổng thống Bill Clinton thông qua Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là nhờ TPA còn sót lại từ đời tổng thống Reagan. Sau khi TPA hết hiệu lực năm 1994, ông không bao giờ thông qua được TPA lần nữa (thất bại trong các năm 1995, 1997 và 1998). Lần cuối vào năm 1998 là cuộc đấu gay cấn ở hạ viện với 171 nghị sĩ Dân chủ và 71 nghị sĩ Cộng hòa chống lại.
Frederick Burke, giám đốc điều hành Hãng luật Baker & McKenzie ở Việt Nam, khi rời khỏi cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ở TP.HCM hôm 19-5 nói với TTCT: “Theo tôi hiểu thì vẫn còn một khoảng thời gian nữa trong tháng 6”. Theo ông Burke, Thứ trưởng Blinken tỏ ra rất lạc quan về khả năng TPA có thể sẽ được chốt lần này.
Ở Guam, nơi các cuộc đàm phán tiếp diễn từ ngày 15 đến 28-5, nội dung vẫn xoay quanh những vấn đề hóc búa như quyền sở hữu trí tuệ. Đã có thông tin các cuộc đàm phán này sẽ phải kéo dài để thảo luận những vấn đề như thời gian bản quyền đối với các sản phẩm dược – một trong những vấn đề gai góc mà các nước đang phát triển đặc biệt chống lại.
Kịch bản của TPP giờ đã khá rõ: Mỹ sẽ phải chốt sớm được TPA trước khi Quốc hội nghỉ hè. Vì nếu chậm trễ, các đàm phán có thể kéo dài tới năm 2016 – năm bầu cử tổng thống – và hầu như chắc chắn Washington sẽ chẳng quyết được gì nữa.
Trước đó, các lãnh đạo phe Cộng hòa vẫn nói họ đã có đủ phiếu cho TPA. Ở hạ viện, nghị sĩ Paul Ryan, chủ tịch Ủy ban tài chính, tuyên bố: “chúng tôi đã có đủ phiếu”. Giới quan sát đã hi vọng Philippines có thể là điểm chốt cho những cam kết chính trị cuối cùng nhưng sau gần năm năm đàm phán và trễ gần hai năm sau cột mốc cuối 2013, TPP vẫn đang chờ Washington tự dàn xếp ổn thỏa những rắc rối nội bộ của mình.
Trên bàn đàm phán, mâu thuẫn Mỹ – Nhật được coi là cuộc chiến căng thẳng nhất khiến đàm phán đình trệ. Về mặt kỹ thuật, TPA là mảnh ghép quan trọng duy nhất còn thiếu khiến đàm phán bế tắc suốt 18 tháng qua.
Với TPA, khi TPP được ký kết đưa về đệ trình, Quốc hội Mỹ sẽ buộc phải bỏ phiếu chấp thuận hoặc bác bỏ hiệp định chứ không được phép thay đổi nội dung. Với 11 nước còn lại đang đàm phán TPP, TPA là phép bảo đảm để các kết quả đàm phán suốt mấy năm cam go không bị lật ngược. Cả 11 nước của TPP đã tuyên bố thẳng sẽ không đưa ra nhượng bộ cuối cùng nếu Washington chưa có TPA, vì các nhượng bộ cuối cùng của mỗi nước thường là những vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị với nội bộ từng nước và không ai muốn “lộ bài” cho đến khi Washington đảm bảo được về Quốc hội và TPA.
SỞ HỮU TRÍ TUỆ: RÀO CẢN CUỐI CÙNG?
Sau gần 10 năm đàm phán, TPP dự kiến sẽ có khoảng 30 chương với một loạt điều khoản về thương mại, đầu tư, lao động, mua sắm chính phủ…
Các nước tham gia TPP gồm có Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. GDP của 12 nước tham gia đàm phán là khoảng 28.000 tỉ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu.
Trong khi các vấn đề như tiếp cận thị trường (với nông sản Nhật, ôtô Mỹ), nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, lao động đều là những chủ đề gai góc và sẽ cần nhượng bộ chính trị của các bộ trưởng, Jiji Press trích nguồn tin từ các nhà đàm phán ở Guam cho rằng rào cản cuối cùng hiện nay chính là các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ.
Các nhà đàm phán từ hôm cuối tuần đã bắt đầu khoanh vùng các nhóm vấn đề sẽ được để lại để bộ trưởng các nước chốt lại tại cuộc gặp lần tới, dự kiến trong tháng 6.
Trong vấn đề sở hữu trí tuệ, các nước đặc biệt chia rẽ quanh chuyện dữ liệu thử nghiệm lâm sàng (clinical trial data) các loại thuốc mới sẽ được bảo vệ trong bao lâu. Điều này liên quan tới việc sản xuất thuốc generic (thuốc thay thế có công thức tương đương hoặc giống với biệt dược) vốn đặc biệt quan trọng với các nước nghèo do giá thành thấp hơn nhiều.
Ở Nhật, hiện thời gian bảo hộ cấm phát triển thuốc generic là khoảng tám năm kể từ khi biệt dược (brand name) xin được giấy phép để lưu hành trên thị trường. Dù đã giảm yêu cầu của mình, hiện Mỹ vẫn đang đề xuất phải bảo hộ biệt dược trong thời hạn 12 năm. Các yêu cầu này bị coi là rất khó chấp nhận với các nước nghèo vì một số yêu cầu của Washington còn cao hơn tiêu chuẩn trong chính nội bộ nước Mỹ.
Hiện Úc và các nền kinh tế mới nổi đang vận động rất mạnh để thời hạn này ở mức năm năm hoặc thấp hơn do các nước chủ yếu phải dựa vào thuốc generic vì chi phí rẻ hơn nhiều. Một nhượng bộ lúc này giữa các nước là đề xuất giảm ngắn thời gian bảo hộ với thuốc cảm và các loại thuốc có chi phí phát triển thấp, nhưng đề xuất này vẫn bị Úc phản đối.
Một chi tiết gai góc nữa của vấn đề này là thời gian bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ (ở Mỹ và Úc hiện là 70 năm sau khi người chủ sở hữu trí tuệ mất đi, ở Malaysia và Canada là 50 năm). Mỹ hiện đòi thời gian bảo hộ này cũng là 70 năm trong TPP.
Ngoài những vấn đề này, vấn đề bảo hộ danh từ địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng là vấn đề dự kiến sẽ phải để lại cho cuộc họp bộ trưởng. Các nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp ủng hộ yêu cầu này trong khi Mỹ, Úc thì phản đối vì cho rằng nó sẽ cản trở xuất khẩu.
Quy định chặt hơn về sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng nhiều tới các nước nghèo như làm tăng giá các loại dược phẩm và giảm khả năng tiếp cận các công nghệ mới (do chi phí trả bản quyền cao) của các nước. Theo họ, quy định về bản quyền trí tuệ không hợp lý và việc áp dụng quy định chung với tất cả các nước ở các trình độ phát triển khác nhau như vậy là không công bằng.
THẾ KHÓ CỦA NĂM 2016
Thách thức của các nước lúc này là chạy đua với mốc năm 2016, khi chính trị Mỹ sẽ bị cuốn hoàn toàn vào cuộc bầu cử tổng thống. TPP sẽ không thể được phê duyệt nếu kéo dài đến năm sau khi cuộc đua tổng thống vào giai đoạn nước rút (các đảng đấu nhau quyết liệt nên không có cơ hội cho nhượng bộ).
Phía quan chức Mỹ cho biết kể cả sau khi đàm phán kết thúc thì sẽ cần nhiều tháng để hiệp định có thể trình ra Quốc hội, vì vậy hiện họ cần TPP phải kết thúc đàm phán sớm trong tháng này hoặc tháng sau để Quốc hội có thể phê duyệt TPP trước cuối năm nay. Nếu không kịp cột mốc này, đàm phán TPP có thể sẽ bị đình trệ tới tận năm 2017 sau khi Washington hoàn tất cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Việc các hiệp định bị mắc kẹt trong đấu đá nội bộ Mỹ đã có tiền lệ. Các hiệp định thương mại tự do ký với Colombia, Panama và Hàn Quốc được ký dưới thời tổng thống Bush từ năm 2006 nhưng đã không thể thông qua ở hạ viện (khi đó do phe Dân chủ kiểm soát) và phải đợi đến tận năm 2011 khi phe Cộng hòa lấy lại hạ viện và “Tổng thống Obama cảm thấy an toàn khi ký hiệp định” – theo lời ông Barry Jackson, cựu cố vấn của tổng thống George W. Bush. Kể cả khi đó Tổng thống Obama vẫn còn ngần ngại vì những phức tạp trong nội bộ Đảng Dân chủ.
Các thành viên phe Dân chủ, vốn có mối liên hệ thân thiết với các nghiệp đoàn, phản đối TPP vì cho rằng các hiệp định thương mại tự do sẽ làm công nhân nước này mất việc làm. Thông điệp của các nghị sĩ và các nghiệp đoàn là TPP chỉ giúp các tập đoàn và những kẻ giàu giàu thêm trong khi tổn thất chính là công nhân và người thu nhập thấp. Phe Cộng hòa vẫn giữ truyền thống của mình là ủng hộ các hiệp định thương mại.
Vũ Văn (Theo Tuổi trẻ)
- Avraham Shmulevich: Trump bị dồn vào chân tường, chính sách của ông trong quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga đã được vạch sẵn.
- Nga đã sẵn sàng "làm tan băng" các mối quan hệ với Mỹ
- Obama kêu gọi Nga không nên là "phần của các vấn đề" cho toàn thế giới
- Obama khẳng định: trong nền chính trị quốc tế, ông Putin dường như đã thực sự ở bên ngoài cuộc chơi
- Dân và Nhà nước: Ai lo cho ai nhiều hơn?
- Người nước ngoài hưởng chiếc bánh TPP của Việt Nam?
Trả lời