Tiếp tục khủng hoảng an ninh toàn cầu

Biển Đông tiếp tục nóng với các hành vi gây hấn của Trung Quốc, căng thẳng Ukraine rơi vào bế tắc, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo kéo dài… Đó là những nhận định của giáo sư Carl Thayer về năm 2015 này.

Năm 2014 đã trôi qua với quá nhiều xung đột và bất ổn. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định các cuộc khủng hoảng an ninh toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2015, và không có nhiều dấu hiệu để lạc quan trong 12 tháng tới.

* Trước hết chúng ta hãy nói về tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Giáo sư có cho rằng liên minh Mỹ – Ả Rập có thể “hạ cấp và hủy diệt” IS trong năm 2105?

– Chính phủ Mỹ đang áp dụng chiến lược kết hợp không kích, hỗ trợ các nhóm đối lập và tái thiết quân đội Iraq để đối phó với IS. Tuy nhiên liên minh Mỹ – Ả Rập sẽ không thể đánh bại IS trong năm 2015.

Tướng James Terry thuộc Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ từng dự báo sẽ phải mất ít nhất ba năm thì cuộc xung đột ở Syria và Iraq mới có bước ngoặt.

Là cường quốc bên ngoài, Mỹ không thể chiến thắng ở Iraq và Syria. Washington không có chiến lược hiệu quả nào ngoài việc hỗ trợ các nhóm đối lập IS và hi vọng IS đánh mất sự kết dính nội bộ.

Liên quân Mỹ – Ả Rập đã thực hiện khoảng 1.500 đợt không kích, giành được một số thành công chiến thuật chứ không đem lại chiến thắng chiến lược. Chừng nào Tổng thống Mỹ Barack Obama còn tại vị ở Nhà Trắng, Mỹ sẽ không điều bộ binh vào Iraq.

Điều duy nhất chúng ta có thể chờ đợi trong năm 2015 là đà tấn công của IS bị chặn lại. Năm 2016, Chính phủ Mỹ mới sẽ phải đưa ra một chiến lược cụ thể. Do đó cuộc chiến chống IS sẽ còn kéo dài.

* Nhiều người đánh giá một cuộc chiến tranh lạnh mới đã nổ ra. Căng thẳng giữa phương Tây và Nga sẽ tiếp diễn như thế nào? Liệu sẽ có hòa bình ở đông Ukraine? Tổng thống Nga Vladimir Putin có tiếp tục con đường hiện tại khi nền kinh tế đang khủng hoảng?

– Căng thẳng giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) với Nga – hay là một cuộc chiến tranh lạnh mới – sẽ còn tiếp diễn chừng nào ông Putin còn nắm quyền ở Matxcơva.

Ông Putin đã khẳng định sức mạnh quân sự khi tăng cường các chuyến bay tuần tra quân sự gần không phận NATO, Mỹ và các nước đồng minh. Nền kinh tế Nga đang khủng hoảng và ông Putin tận dụng những khó khăn trong nước để thúc đẩy tinh thần chống phương Tây của người dân Nga.

Tình hình ở đông Ukraine có thể sẽ rơi vào ngõ cụt “ổn định”. Cả quân đội Ukraine và phe ly khai sẽ tăng cường sức mạnh quân sự tại các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát.

Những cuộc đụng độ thỉnh thoảng sẽ nổ ra nhưng không dẫn tới xung đột quy mô lớn, bởi không bên nào có đủ sức mạnh để đánh bại hoàn toàn đối thủ. Còn bán đảo Crimea đã được cộng đồng quốc tế xem là “sự đã rồi”.

* Chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á có bền vững? Mỹ và các nước sẽ đạt thỏa thuận Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015? Quan hệ Mỹ – Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào?

– Chính sách “tái cân bằng” của Mỹ sẽ tiếp diễn cho đến khi chính quyền Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016. Tổng thống mới dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa cũng sẽ công bố một chiến lược mới.

Nhưng không một chính phủ mới nào ở Washington có thể thay đổi vai trò chiến lược của châu Á – Thái Bình Dương đối với nước Mỹ.

Đàm phán TPP đang đi đến giai đoạn cuối cùng và Tổng thống Obama sẽ làm tất cả để đảm bảo đạt thỏa thuận TPP trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Đó sẽ là di sản của ông ấy.

Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Trung Quốc để đảm bảo một trật tự ổn định dựa trên pháp luật và các quy định quốc tế ở châu Á, dù những bất đồng giữa hai nước tiếp tục nảy sinh.

Washington sẽ cương quyết phản đối bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh để thiết lập thế bá quyền ở châu Á. Chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ cải tổ hiến pháp để đảm bảo quyền phòng thủ tập thể. Nhật chủ động tạo thế cân bằng với Trung Quốc.

Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong tương lai tam giác Mỹ – Nhật – Úc sẽ phát triển. Thậm chí một tứ giác Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ sẽ được hình thành.

* Liệu có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn trên biển Đông trong năm 2015 như thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)? Vụ kiện của Philippines sẽ có kết quả?

– Trong năm 2015 Tòa án trọng tài sẽ quyết định hai vấn đề chủ chốt. Thứ nhất là liệu Philippines có đưa ra được cơ sở pháp lý về những vấn đề nêu ra trong đơn kiện hay không?

Thứ hai là liệu Tòa án trọng tài có thẩm quyền xử lý các vấn đề này không? Nhiều khả năng tòa án sẽ quyết định “có” ở cả hai vấn đề và đưa ra phán quyết cuối cùng vào năm 2016.

Trong năm 2015, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát biển Đông bằng nhiều chiến thuật khác nhau. Bắc Kinh sẽ tăng cường các cuộc tập trận hải quân, tăng số lượng tàu cảnh sát biển, thành lập các cơ sở nửa dân sự nửa quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này đang xây trên biển Đông.

Các đảo nhân tạo này giống như những “thuộc địa” của Trung Quốc trên biển Đông. Bắc Kinh sẽ điều động ồ ạt nhiều cầu cảng lớn đến các “thuộc địa” này, đồng thời tăng cường số lượng tàu đánh bắt và chế biến hải sản cỡ lớn.

Trung Quốc cũng sẽ mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông bằng những giàn khoan khổng lồ như Hải Dương 981 và ít nhất ba giàn khoan khác cỡ này.

Kể cả khi Tòa án trọng tài ra phán quyết chống lại Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ phớt lờ phán quyết này. Bắc Kinh đang quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát hoàn toàn biển Đông.

* Liệu có khả năng CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân trong năm 2015?

– Rất khó dự đoán các động thái của chính quyền CHDCND Triều Tiên. Ngay cả Trung Quốc cũng từng bày tỏ lo ngại với CHDCND Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa nước này. Vũ khí hạt nhân là lá chắn đảm bảo sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên.

Và việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân buộc Washington và Bắc Kinh phải quan tâm đến bán đảo Triều Tiên. Do đó không thể loại trừ khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ thử cả vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong năm 2015.

Hạt nhân và tên lửa còn là công cụ để CHDCND Triều Tiên đàm phán. Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép ngoại giao để buộc Bình Nhưỡng thực hiện các cam kết cũ.

Tuy nhiên khó có thể có một sự tiến triển nào cho đến khi những căng thẳng xung quanh vụ tấn công mạng Hãng Sony Pictures lắng xuống.

Tổng thống Mỹ Obama chắc chắn không muốn rời Nhà Trắng với việc phải nhượng bộ CHDCND Triều Tiên hoặc khiến quan hệ với CHDCND Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn nữa.

Nguồn: Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề