Số phận nghiệt ngã của đứa con nuôi Babylift

Năm lên 8 tuổi, Stacy, một trong hàng nghìn đứa trẻ mà Mỹ đưa ra khỏi Sài Gòn cuối chiến tranh Việt Nam, tự sát lần đầu tiên bằng một con dao. 9 năm sau, cô gái trẻ lại cố gắng từ bỏ cuộc sống bằng 100 viên thuốc an thần.

“Tôi ghét Chúa và thực sự mất niềm tin rằng có một ông Chúa trời, ít nhất là một Chúa trời mà tôi có thể yêu và tự hào. Nếu ông có có một kế hoạch cho tôi, thì thật khó để hiểu và tôn trọng kế hoạch ấy. Ông ta ném tôi xuống địa ngục dù tôi có đi bất kỳ đâu”, cô viết, nhiều năm sau lần tự sát không thành.

Stacy được đưa khỏi Sài Gòn vào tháng 3/1975, là một trong hàng nghìn trẻ em mồ côi đã được đưa đi trong chiến dịch Không vận Trẻ em (Babylift) mà chính phủ và các tổ chức dân sự Mỹ thực hiện. Mẹ Stacy, Ngô Thị Điệp, là một cô gái trẻ miền Tây, đã có mang với một người lính Mỹ, và không thể nuôi nổi cô vì nghèo.

Tháng 8/1974, bà viết vào một tờ “Cam kết cho con” và gửi lại cô cho một trung tâm nuôi trẻ ở Sài Gòn. Trong tờ đơn ấy có đoạn: “Tôi ưng thuận cho em bé này xuất ngoại từ Việt Nam vì lý do tôi cho nó làm con nuôi những bậc cha mẹ có đầy đủ phương tiện để đảm bảo tương lai cho nó…”.

Nhưng bà Điệp đã nhầm. Bà muốn con mình thoát khỏi sự nghèo khó và chiến tranh – nhưng bóng ma của sự bất hạnh vẫn đeo đuổi Thúy ngay cả khi cô đã sang bên kia bờ đại dương.

Cha nuôi của Thúy là một cựu phi công từng tham chiến ở Việt Nam. Vợ chồng ông đã có hai đứa con trai, và muốn nhận nuôi một đứa con gái sau hai lần sảy thai. “Có thể lúc đầu ông ấy mang một nguyện ước tốt, thực sự muốn nhận một đứa con gái. Nhưng đôi khi tôi tự hỏi rằng liệu có phải là ông không thể thoát ra khỏi ký ức hậu chiến và đó là lý do ông ta trút sự phẫn uất lên mình”.

Cha và anh nuôi của Thúy đã đánh đập cô suốt cả tuổi thơ; liên tục nói với cô rằng “mày là quỷ dữ, không ai cần mày ở đây”. Cô tự đổ lỗi cho mình: cô tin rằng mình sinh ra là một sai lầm, và không ai mong muốn cô có mặt trên đời này. Và đứa trẻ ngày ấy đã tự tìm cách kết liễu cuộc sống.

Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Stacy Thúy bước vào tuổi thiếu niên. Nhà trường phát hiện ra các vụ bạo hành. Các trung tâm xã hội vào cuộc, và điều đó chỉ càng khiến cho những trận đòn thù tăng lên mỗi lần cô gặp cha nuôi. “Tôi trốn thực tại bằng ma túy, âm nhạc, bỏ học và trốn khỏi nhà”, Stacy viết. Bác sĩ nói rằng việc cô sống sót sau 100 viên thuốc an thần ở tuổi 17, là một điều vô lý.

“Tôi còn căm ghét Chúa trời hơn vì đã để tôi sống”, Stacy nghĩ khi ấy.

Stacy không phải đứa trẻ Babylift duy nhất bị bóng ma của cuộc chiến đeo đẳng. Thúy Nguyễn, một người bạn thân của Stacy cũng đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ đen tối cùng cha nuôi. Vì một lý do nào đó, cha mẹ nuôi của Thúy Nguyễn nhận nuôi tới 4 đứa trẻ lai giữa phụ nữ Việt Nam và lính Mỹ da màu, và rồi sau đó, không đủ sức nuôi nấng.

“10 tháng sau khi tôi đến Mỹ, mẹ nuôi tôi chết vì một cơn đau tim ngay trên bàn ăn, trước mặt lũ trẻ chúng tôi. Và chúng tôi được để lại cho một người đàn ông đáng lẽ không bao giờ được phép nuôi trẻ em”.

Cô bắt đầu bị cha nuôi lạm dụng tình dục từ năm 5 tuổi. Ông ta cho Thúy bất kỳ thứ gì cô muốn, và điều đó khiến các anh chị em ghét cô. “Họ cho rằng tôi được nuông chiều, nhưng không bao giờ họ biết cái giá phải trả là gì”.

Thúy Nguyễn đã lớn lên, cũng như Stacy, trong một trạng thái đầy bất cần với cuộc sống – cô từng một lần ngồi tù, và trải qua nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ.

Tìm về cội nguồn

Chỉ có tình yêu mới chữa lành được những vết thương nơi họ. Năm 19 tuổi, Stacy Thúy gặp người đàn ông của đời mình. Khi ấy, cô đang nghiện cocaine nặng. Chính anh đã giúp cô cai nghiện, rồi họ cưới nhau và cùng xây dựng một gia đình nhỏ. Họ đã ở bên nhau hơn 20 năm. “Bây giờ, ở bên chồng, tôi mới hiểu rằng tại sao Chúa muốn tôi phải sống tiếp”.

Thúy Nguyễn cũng chỉ tìm thấy được sự bình yên ở những đứa con, sau rất nhiều vấp váp trong đời. “Tôi từng phạm nhiều sai lầm trong cuộc sống, nhưng bây giờ tôi là mẹ của những đứa con tuyệt vời và tôi tự hào về điều đó. Bây giờ, tôi yêu bản thân mình”.

Stacy Thúy bên mộ mẹ ruột.

Stacy Thúy bên mộ mẹ ruột.

Tháng 4/2015, lần đầu tiên Stacy cùng chồng quay trở về Việt Nam để tìm lại mẹ ruột. Đó là một cuộc tìm kiếm dài và nhiều nước mắt: mẹ cô đã mất, chỉ còn lại những người anh em cùng mẹ.

Nhưng ở đó, cô tìm lại được sự thanh thản cuối cùng. “Trái tim tôi tan nát vì biết mẹ đã mất; nhưng cũng trái tim tôi, lại vỡ òa vui sướng vì tìm lại được gia đình”, cô nhắn tin cho bạn bè vào ngày 23/4 mới đây, ngày kết quả ADN được công bố.

Còn Thúy Nguyễn, cô chưa tìm lại được mẹ ruột – bởi bao nhiêu lâu nay cô không hề có ý định đi tìm, mà nuôi một nỗi thù hận với người đã bỏ rơi mình. Nhưng thời gian cũng đã đủ lâu để người phụ nữ đứng tuổi này bỏ qua tất cả. “Chị cũng sẽ đi tìm mẹ”, Thúy Nguyễn bật khóc, và nói khi Stacy quỳ bên nấm mộ của mẹ cô.

VnExpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Số phận nghiệt ngã của đứa con nuôi Babylift”:

  1. Nhu viết:

    Em da xem  clip hanh trinh tim ve que me cua chi, xem 2-3 lan, lan nao cung khoc, thuong chi qua, ma em muon biet them nua, sau khi chi da nhan duoc gia dinh cua minh roi the nao?  Chi lam tiep cho moi nguoi xem duoc kg? 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề