Báo chí nước ngoài tiếp tục tung ra thông tin liên quan đến tài sản của người thân nhiều nhân vật cấp cao ở Trung Quốc xuất hiện trong Hồ sơ Panama.
Trong nhiều ngày, Trung Quốc không có bình luận gì về Hồ sơ Panama, tên gọi của 11,5 triệu tài liệu về hoạt động của Hãng luật Mossack Fonseca (Panama) do Nhóm phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) tung ra.
Báo chí nước này cũng không có dòng nào ngoại trừ chỉ trích truyền thông nước ngoài “ác cảm với các lãnh đạo không thuộc phương Tây” khi đưa tin về vụ việc, theo Reuters. Mãi đến ngày 6.4, khi bị các phóng viên hỏi dồn dập trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi mới trả lời là “không có bình luận gì về những cáo buộc vô căn cứ” và không giải thích gì thêm.
Lý do của thái độ này có thể vì Hồ sơ Panama nhắc đến 8 đương kim hoặc cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong đó, người thân của họ bị cho là sở hữu nhiều tài sản ở nước ngoài được quản lý bởi các công ty thành lập thông qua Mossack Fonseca. Việc có tên trong Hồ sơ Panama hay nói chung là lập công ty đầu tư ở nước ngoài không đồng nghĩa với phạm pháp.
Đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy những nhân vật bị điểm danh muốn trốn thuế, rửa tiền hay che giấu tài sản. Tuy nhiên, chỉ riêng việc dính đến các công ty hoạt động ở những “thiên đường thuế” như Panama hay quần đảo Virgin (Anh) cũng khiến dư luận xôn xao, đặc biệt khi chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc.
Ban đầu, người ta chỉ biết trong Hồ sơ Panama có anh rể Chủ tịch Tập là ông Đặng Gia Quý và bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng. Hôm qua, tờ The Guardian và CNN tiếp tục tung ra nhiều chi tiết cụ thể hơn và những cái tên mới lần lượt xuất hiện.
Những khách hàng cao cấp
Theo Hồ sơ Panama, vợ chồng chị ruột của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua Mossack Fonseca có 3 công ty ở quần đảo Virgin, tích lũy được “hàng trăm triệu USD”. Trong đó, ông Đặng Gia Huy, chồng bà Tập Kiều Kiều, thu mua Công ty Supreme Victory Enterprises Ltd vào năm 2004 rồi 5 năm sau tiếp tục mua 2 công ty Best Effect Enterprises Ltd và Wealth Ming International Ltd.
Đến nay vẫn chưa rõ lĩnh vực kinh doanh của các công ty này. Supreme Victory bị giải tán vào năm 2007 trong khi 2 công ty còn lại rơi vào tình trạng “ngủ đông” từ năm 2012, thời điểm ông Tập trở thành Tổng bí thư.
Ngoài Chủ tịch Tập, 2 đương kim Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác bị nêu tên là Bí thư Ban Bí thư trung ương Lưu Vân Sơn và Phó thủ tướng thường trực Trương Cao Lệ. Theo tờ The Guardian, con rể của ông Trương là Lý Thánh Bát nắm giữ cổ phần của 3 công ty tại quần đảo Virgin gồm Zennon Capital Management, Sino Reliance Networks Corporation và Glory Top Investments Ltd. Trong khi đó, ông Lưu Vân Sơn có con dâu tên Giả Lập Thanh là giám đốc của Ultra Time Investments Ltd, thành lập tại Virgin năm 2009.
Bà Lý Tiểu Lâm, con gái ông Lý Bằng, thì lâu nay vẫn được báo chí phương Tây gọi là “nữ hoàng năng lượng” vì nắm giữ nhiều doanh nghiệp kinh doanh điện tại Trung Quốc. Theo CNN, bà Lý từng là người thụ hưởng một quỹ ở Liechtenstein được điều hành bởi Công ty Cofic Investments Ltd đăng ký tại Virgin trong giai đoạn cha mình còn tại chức (1987 – 1998). Ngoài ra, bà bị cho là liên quan đến 2 công ty khác ở Virgin và các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ.
Cựu Chủ tịch Chính hiệp (tương đương Mặt trận Tổ quốc – NV) Giả Khánh Lâm (nhiệm kỳ 2003 – 2013) thì có cô cháu ngoại tài giỏi Jasmine Li. Tờ The Irish Times trích Hồ sơ Panama cho thấy khi còn là sinh viên năm nhất ở Đại học Stanford (Mỹ) hồi năm 2010, cô đã là chủ Công ty Harvest Sun Trading Ltd tại Virgin. Sau đó, Jasmine Li lập thêm 2 công ty khác để thông qua đó nắm giữ cổ phần của một số doanh nghiệp tại Bắc Kinh mà không cần lộ mặt trên giấy tờ.
Một chính trị gia cùng thời với ông Giả Khánh Lâm là cựu Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng (2003 – 2008) thì có em trai Tăng Khánh Hoài từng là Giám đốc Công ty China Cultural Exchange Association Ltd, thành lập ở đảo quốc Niue (Nam Thái Bình Dương) trước khi chuyển đến “thiên đường thuế” Samoa năm 2006.
Thậm chí tên của Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng xuất hiện trong Hồ sơ Panama vì cháu rể Trần Đông Thăng của ông bị cho là đã thành lập Công ty Keen Best International Limited tại Virgin từ năm 2011. Trần Đông Thăng hiện còn đang sở hữu một công ty bảo hiểm nhân thọ và một doanh nghiệp chuyên tổ chức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, theo tờ The Irish Times.
Tổng thống Putin lên tiếng
Ngày 7.4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu tiên lên tiếng về Hồ sơ Panama. Tên của ông không một lần xuất hiện trong các tài liệu. Thế nhưng Hãng luật Mossack Fonseca quản lý tài sản của 4 công ty mang tên Sonnette Overseas, International Media Overseas, Sunbarn và Sandalwood Continental do những người được cho là vô cùng thân cận với ông Putin đứng tên. Trong đó có nghệ sĩ đàn cello Sergei Roldugin, cha đỡ đầu của con gái ông Putin, làm chủ 2 công ty có nhiều giao dịch đáng ngờ.
Reuters dẫn lời Tổng thống Nga khẳng định vụ này là “một phần trong âm mưu gây mất ổn định nước Nga”. Ông cũng khẳng định việc làm ăn của nghệ sĩ Roldugin là hoàn toàn trong sạch và hợp pháp đồng thời ca ngợi bạn mình đã thường xuyên bỏ tiền mua nhạc cụ đắt tiền rồi quyên góp cho các tổ chức công.
Cùng ngày, tổ chức WikiLeaks, nơi chuyên tung ra các tài liệu mật của Mỹ, tuyên bố vụ Hồ sơ Panama là đòn tấn công nhằm chủ yếu vào ông Putin với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và nhà tài phiệt George Soros. Các bên liên quan chưa có phản ứng về tuyên bố này.
Trọng Kha – Thụy Miên (thanhnien.vn)
Trả lời