Trong khi VKS cáo buộc tham nhũng của các bị cáo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ODA và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thì các luật sư nói thân chủ mình không phạm tội.
Ngay sau khi Viện kiếm sát đề nghị mức án cho 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN, các luật sư đã thực hiện bào chữa cho các bị cáo.
Cáo trạng xác định quá trình thực hiện dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), các bị cáo nguyên là lãnh đạo RPMU đã nhận khoản tiền “lót tay” 11 tỉ đồng từ nhà thầu Nhật Bản (JTC).
Đòi tuyên vô tội
Khi bào chữa cho cựu lãnh đạo RPMU, hầu hết các luật sư đều cho rằng các bị cáo… không phạm tội.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Nam Thái (nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3) đề nghị đại diện VKS nêu rõ hành vi các bị cáo ảnh hưởng mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là như thế nào, Nhật Bản có chấm dứt việc cấp vốn ODA hay không?
Luật sư còn cho rằng tiền các bị cáo nhận được không phải tiền lấy trong dự án, không phải tiền ngân sách nhà nước, cũng không phải tiền vốn ODA mà là tiền của tổ chức. Trên cơ sở đó, luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo Thái không phạm tội.
Tương tự, bào chữa cho bị cáo Phạm Hải Bằng (nguyên phó giám đốc RPMU), luật sư Hoàng Minh Được cho rằng vụ án này không có bị hại, vì vậy không thể xác định trách nhiệm bồi thường đối với các bị cáo.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục (nguyên giám đốc RPMU) cho rằng trong vụ án này không có nguyên đơn dân sự, JTC không có yêu cầu thu hồi số tiền đã mất, không yêu cầu xử lý các bị cáo thì không nên xử lý các bị cáo về mặt hình sự.
Một số bị cáo thì nói cáo trạng của Viện KSND tối cao đã làm tăng nặng hành vi phạm tội của các bị cáo.
Tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây hiệt hại về lợi ích kinh tế của VN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ODA của Nhật Bản, ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước VN – Nhật Bản.
Sai phạm của các bị cáo cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của VN trên trường quốc tế. Những thiệt hại này không đong đếm được bằng vật chất.
Các luật sư đã trình bày xong phần bào chữa dành cho các bị cáo. Dự kiến ngày 27-10, tòa sẽ tuyên án.
Từ 11-13 năm tù
Trước đó, chiều 26-10, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đề nghị bị cáo Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN) từ 11- 13 năm tù, truy thu sung công quỹ số tiền bị cáo nhận từ JTC là 4, 8 tỷ đồng. Trừ đi số tiền gia đình bị cáo đã khắc phục cho cơ quan điều tra, bị cáo phải nộp thêm 3,6 tỷ đồng.
Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 10-12 năm tù, buộc bị cáo Thái nộp lại 3,4 tỷ đồng đã nhận từ JTC.
Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN) từ 7-9 năm tù, buộc nộp lại 30 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 7-9 năm tù, truy thu 50 triệu đồng mà bị cáo thu lợi bất chính.
Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) từ 8-10 năm tù, buộc bị cáo nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính là 2,3 tỷ đồng.
Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 6-8 năm tù, nạp lại 100 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Ngoài ra, VKS đề nghị kê biên tài sản đối với Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy để đảm bảo thi hành án.
Theo Tuổi trẻ
Trả lời