Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đang mang giấc mơ về loài cây có thể biến nông dân thành tỷ phú trong khoảnh khắc.
Mới cách đây hai tháng, tôi nhận được cuộc điện thoại của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ông bảo: “Sao lâu lắm đồng hương không ghé mình chơi?”. Ông Tạn gọi, tôi biết rằng lại có ý tưởng gì mới mẻ. Ông là người đẻ ra ý tưởng hàng ngày.
Cứ đúng 8 giờ sáng, chuẩn giờ hành chính, ông Tạn có mặt ở căn phòng thuê của một khu chung cư trên đường Khuất Duy Tiến. Căn phòng ấy ông thuê lại với giá 7 triệu đồng/tháng, để làm việc, thực hiện các giấc mơ nông nghiệp.
Câu chuyện của ông, từ sáng đến đêm chỉ loanh quanh với cây, con. Lần gặp này, ông vui lắm. Ông khoe rằng, dự án trồng thảo dược thạch hộc tía của ông đã thành công rồi.
Nghiên cứu nhiều về thảo dược, biết nhiều loài cây cỏ quý, song tôi cũng phải ngỡ ngàng, khi cỏ thạch hộc tía trồng được ở Việt Nam. Người Trung Quốc giữ bí quyết trồng loài thảo dược này, chế thuốc chống ung thư, bán giá cực đắt. Việt Nam mà trồng được thạch hộc tía thì quả là kỳ tích.
Tác giả trong một lần trò chuyện với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Nhớ lại ngày gặp ông 16 năm trước, khi ông đang là Phó Thủ tướng Chính phủ. Lúc ấy, tôi mới là sinh viên vừa ra trường…
Ngày kỷ niệm giải phóng đất nước, lang thang ở tận vùng rừng rú Thanh Sơn (Phú Thọ), lạc vào khu nghĩa địa hoang tàn, tôi được nghe một câu chuyện bi thương: 45 thanh niên xung phong bị bom Mỹ thảm sát.
Điều đau xót, là không ai biết đến vụ thảm sát kinh hoàng diễn ra vào ngày 20/9/1972. Tất cả họ đều chết một cách bi tráng, nhưng không được phong liệt sỹ, cũng không có một dòng nào nhắc đến trên các phương tiện truyền thông.
Ngày đó, ông Tạn là Phó Giám đốc Khu kinh tế Thanh Niên (đặt tại xã Minh Đài, Thanh Sơn, Phú Thọ), phụ trách chỉ đạo mảng sản xuất.
Đang giờ nghỉ trưa, thì 4 chiếc bay ngang qua Minh Đài. Những khối sắt như đốm đen lao xuống, tiếng nổ trầm đục vang lên, khói bụi mịt mù. Toàn bộ nông trường bị san phẳng.
Đích thân ông Tạn cùng anh em gom nhặt từng xác chết, từng mẩu xương, mảng thịt, cẳng tay ghép lại thành hình hài.
Có đồng chí, ông cởi áo, buộc cái chân đứt lìa, vừa bế lên, thì tắt thở trên tay ông.
Ông Nguyễn Công Tạn thắp hương cho các liệt sỹ Thanh niên xung phong ở Khu kinh tế Thanh Niên
Suốt mấy ngày trời, ông Tạn cùng 6 đảng viên gom xác các nạn nhân. Có tổng cộng 48 xác người chết thảm do bom Mỹ, trong đó có 45 người là cán bộ công nhân viên của Khu kinh tế Thanh Niên.
Khi viết lại câu chuyện ấy, nhiều người bàng hoàng. Sự hy sinh nào cũng là bất diệt, nhưng có sự hy sinh được tôn vinh, có sự hy sinh lại rơi vào quên lãng.
Đọc được chuyện ấy, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã gọi tôi đến nhà. Lúc ấy, tôi mới biết, quê ông ở Thái Sơn (Thái Thụy, Thái Bình), cạnh nhà tôi. Từ bấy, ông gọi tôi là đồng hương.
Ông kể lại kỷ niệm đau lòng ở cái nông trường ấy, mà nước mắt rưng rưng. Bao năm trời, ông sống trong sự ám ảnh. Ông sống, còn đồng đội chết gần hết. Ông thấy trách nhiệm của mình là phải chạy đôn chạy đáo, để các liệt sỹ được ghi công. Và rồi, họ đã thành liệt sỹ.
Xuất thân từ quê lúa Thái Bình, nên đất đai, ruộng vườn, cây con ám vào ông từ nhỏ. Sau này, đi dạy học, nhưng rồi niềm đam mê cây cối khiến ông rẽ ngang. Ông lên Ty Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình công tác. Rồi ông được điều động lên Vĩnh Phú gây dựng nông trường Thanh Niên.
Ngay khi về hưu, ông bắt tay vào nghiên cứu những loài cây mang giá trị cao để phổ biến cho nông dân
Khu kinh tế Thanh Niên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thành lập vào cuối năm 1970. Thủ tướng muốn khu kinh tế này sẽ là hình mẫu lao động sản xuất, nơi đào tạo ra các nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu, nên cán bộ, công nhân toàn là những thanh niên ưu tú, xuất sắc, được huy động từ cấp tỉnh, cấp bộ. Những nhà khoa học đầu ngành cũng được đưa lên đây. Ngoài ra, còn có cả họa sỹ, nhà văn, vận động viên thể thao…
Là nơi quy tụ tài năng, tuổi trẻ, nên thời kỳ đó, người ta gọi Khu kinh tế Thanh Niên là Khu con cháu Bác Hồ. Người dân trong vùng chỉ biết đến cái tên đó.
“Khu kinh tế Thanh Niên, ngoài nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, còn là một trường học lao động cộng sản cho lớp thanh niên từ nhiều miền quê đất nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhớ lại.
Nằm trong số những cán bộ đầu tiên lên xây dựng Khu kinh tế Thanh Niên, ông Tạn nếm trải đủ khó khăn, vất vả, rồi cảnh bệnh tật, rừng thiêng nước độc. Những ngày đầu, thử nghiệm trồng rất nhiều loại cây, nhưng đều thất bại. Trồng chuối thì chuối chết, trồng dứa thì vận chuyển khó khăn, không tiêu thụ được sản phẩm. Cuối cùng, chuyển sang trồng chè.
Ông Tạn nhân giống thành công loài ngỗng giời Thái Bình
Từ 300 héc-ta chè của Khu kinh tế Thanh Niên, giờ đây, có đến một nửa huyện Thanh Sơn trồng chè, với những đồi chè mướt mát, cho năng suất cao nhất cả nước.
Cũng có thể nói, ông Nguyễn Công Tạn là một trong số những người gây dựng nên sự nghiệp trồng chè theo hướng công nghiệp của nước nhà.
Đam mê nông nghiệp, nên ngay khi về hưu, không một ngày nghỉ ngơi, ông lập tức bắt tay vào các dự án, mà thời kỳ công tác ông nung nấu nhưng chưa làm được vì thời gian không cho phép.
Ông cùng các tiến sĩ, lập một viện nghiên cứu, quy tụ các nhà khoa học giỏi về nông nghiệp nghiên cứu, rồi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, nhằm làm giàu cho nông dân, cho đất nước.
Hồi đương chức, đi khắp thế giới, đến vùng đất nào ông cũng dò hỏi, tìm hiểu về cây, con đặc sản, cho năng suất cao. Nếu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam phù hợp, ông lập tức cùng các nhà khoa học nghiên cứu, di thực chúng về.
Loài ngỗng giời miền Trung được ông Tạn nhân giống, thuần hóa
Giấc mộng lớn nhất của ông là cây mắc-ca, mà ông gọi là “cây tỷ đô”. Ngay khi về hưu, ông đã đi khắp cả nước để giới thiệu về nó. Ông đã mất nhiều năm để chứng minh rằng, nếu được đầu tư thích đáng, thì cây mắc-ca sẽ mang lại giá trị xuất khẩu hàng tỷ đô-la cho Việt Nam. Điều ông nói đã được chứng minh trên cơ sở khoa học thực tế. Giờ, nhiều nơi đang trồng, nhân giống và đã cho thu hoạch mắc-ca.
Có lúc, ông Tạn lại gọi tôi đến, và say sưa nói về… trồng dâu. Giời ạ! Cây dâu tằm thì người Việt trồng ngàn năm nay, có gì mới mẻ? Nhưng, cây dâu của ông cũng làm tôi bất ngờ.
Ông và các nhà nghiên cứu nông nghiệp đã lai tạo thành công một giống dâu của Đài Loan, sinh trưởng phù hợp ở Việt Nam, cho năng suất cực lớn, gấp vài chục lần dâu Việt Nam.
Ông mơ đến một vương quốc rượu vang dâu tuyệt hảo, thứ nước ép dâu ngon lành và hệ thống nuôi tằm dệt tơ xuất khẩu thứ vải hảo hạng đi khắp thế giới. Một héc ta trồng dâu thu bạc tỷ mỗi năm chứ chẳng đùa.
Lại có thứ khoai lang kỳ lạ đến… không tưởng. Ông gọi là “siêu khoai lang”. Đích thân ông Nguyễn Công Tạn đã đưa nó về Việt Nam, rồi nhân giống ở Lương Sơn (Hòa Bình).
Bình thường, khoai lang Việt Nam cho năng suất 15 tấn/héc-ta, nhưng giống khoai lang này cho năng suất tới 100 tấn! Quả là kinh ngạc. Mấy năm nay, nhiệm vụ của ông cùng các nhà khoa học là nhân thật nhiều giống để cấp cho nông dân cả nước.
Ông Nguyễn Công Tạn đã nghiên cứu thạch hộc tía từ nhiều năm nay
Và còn rất nhiều thứ cây mà ông ngày đêm cùng các nhà khoa học tìm cách phổ biến cho người nông dân. Ông bảo: “Tớ già rồi, chẳng sống được mấy nữa, nên chỉ nghiên cứu, tìm cách mở đường thôi. Sau này các doanh nghiệp cứ thế triển khai, nông dân cứ thế mà làm”.
Quay lại câu chuyện mà ông gọi tôi đến gặp, để khoe về thứ thảo dược mà người Trung Quốc coi là đầu bảng, đó là thạch hộc tía.
Xe chạy bon bon một loáng đã đến cuối Hoài Đức, giáp huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội. Mảnh đất giữa cánh đồng như một vườn sinh thái của một trường đại học nông lâm. Ở đây, nông dân cùng các nhà khoa học đang cày cuốc, nghiên cứu, chiết ghép.
Có cả nơi nuôi vịt giời, các loại ngỗng giời, le le… vị Phó Thủ tướng ngày nào cùng cộng sự đã thuần hóa thành công vịt giời, ngỗng giời và nuôi chúng làm đặc sản cao cấp, mở hướng cho người nông dân làm theo.
Vô số loài thảo dược, cây quả chiết ghép, trồng theo công nghệ vi sinh trong khu vườn rộng hàng héc-ta ấy. Tôi đã tận mắt thạch hộc tía mọc ở giữa thủ đô.
Những khu vườn rộng mênh mông, có mái che, với công nhân miệt mài làm việc, nâng niu từng chiếc lá loài lan đất có tên thạch hộc tía hoặc thạch hộc rỉ sắt. Ông Nguyễn Công Tạn bảo: “Nói cho đồng hương biết nhé, đã có thu hoạch rồi đấy. Thạch hộc tía 3 triệu đồng một kg lá tươi, 30 ngàn đồng một cây giống, bao nhiêu bán cũng hết”.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn giữa khu vườn trồng thạch hộc tía, loài cây cho thu hoạch cả triệu USD/ha
Thứ thảo dược có tác dụng giải độc cực mạnh này, vốn là thứ không chịu sự chăm sóc của con người, không ngờ lại mọc giữa thủ đô, lại phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam.
Và, ông Nguyễn Công Tạn, đang mang một giấc mơ, về một loài cây có thể biến nông dân thành tỷ phú trong khoảnh khắc. Ông bảo: “Tớ tính toán rồi, nếu mọi thứ thuận lợi, thì mỗi héc-ta thạch hộc tía sẽ cho doanh thu 30 tỷ/năm và lãi khoảng 1 triệu đô. Đây sẽ là kỳ tích của nông nghiệp”.
Nhưng, giấc mơ của ông đã thành dang dở. Mới hôm qua, ông vẫn còn xăm xăm lội ruộng, chỉ đạo nông dân dọn cỏ chỗ này, đắp bờ chỗ kia, mà giờ ông đã thành thiên cổ.
Nhưng, tôi tin rằng, trong tương lại không xa, những người nông dân Việt sẽ biết ơn ông – người mở đường cho những cây trồng tỷ đô.
Theo VTCNews.
Trả lời