Theo báo “Liên hợp Buổi sáng”, năm 2014 là một năm quan trọng đối với ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo nước này đã dồn dập tới khắp nơi trên thế giới, đến bất cứ đâu hợp đồng cũng được ký kết rất nhiều. Đồng thời, họ cũng để lại các “món quà viện trợ hào phóng” cho một số nước.
Bất luận là đầu tư 40 tỷ USD để thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa hay cam kết rót các khoản tiền vốn 10 tỷ USD và 41 tỷ USD lần lượt vào Ngân hàng Phát triển BRICS và Quỹ BRICS, việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế làm đòn bẩy cho những thay đổi cục diện địa chính trị cho thấy ảnh hưởng nổi trội cũng như tham vọng nước lớn đã quá rõ ràng của họ.
Cách làm này của Trung Quốc không phải gần đây mới xuất hiện. Trong 10 năm qua, mỗi lần các nhà lãnh đạo Trung Quốc có các chuyến thăm nước ngoài, hoặc các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Trung Quốc, Bắc Kinh đều “gửi tặng” các bản hợp đồng lớn hàng tỷ USD, thậm chí là chục tỷ USD. Đối với các nước đang phát triển, Trung Quốc cũng thường xuyên dành tặng các khoản tiền và vật chất lớn dưới hình thức viện trợ nhằm củng cố quan hệ song phương. Có khi Trung Quốc còn sử dụng mức độ nhiều ít của các hợp đồng và khoản viện trợ để thể hiện mức độ quan hệ thân sơ, đồng thời cũng sử dụng thủ đoạn hủy bỏ hoặc cắt giảm các hợp đồng, các khoản viện trợ để trừng phạt những nước gây khó dễ cho họ về mặt chính trị.
Kiểu ngoại giao kinh tế mang đặc trưng Trung Quốc này khiến cho họ trở thành “địa chủ” lớn nhất thế giới, với lượng tiền dường như tiêu mãi không hết của mình, Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nước một khi những nước đó “làm vừa lòng” họ.
Ngày 5/5/2014, trong một bài báo có tựa đề “Trung Quốc dùng tiền để kết bạn và tạo ảnh hưởng”, hãng tin Bloomberg của Mỹ đã miêu tả rất rõ kiểu ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra trạng thái tâm lý của Trung Quốc là: Đối với các nước khác, nếu bạn không thể đánh bại họ, chỉ cần dành cho họ nhiều tiền là có thể chiến thắng.
Sử dụng biện pháp kinh tế để đạt được mục đích về chính trị và chiến lược, cách làm này không chỉ riêng Trung Quốc; Mỹ viện trợ cho Ai Cập, Nhật Bản mở rộng quy mô đầu tư ở khu vực Đông Nam Á đều có sự tính toán và cân nhắc mạnh mẽ chứ không chỉ là hành vi kinh tế đơn thuần. Đối với Trung Quốc, trong bối cảnh sức mạnh mềm của bản thân còn chưa đủ lớn thì việc phát huy sở trường nhằm che lấp sở đoản, phát huy ưu thế về sức mạnh kinh tế được xem là việc làm cần thiết và hợp lý.
Trung Quốc sử dụng lượng tiền lớn cho lĩnh vực ngoại giao không phải là việc làm vô ích, trên thực tế đã đạt được những thành tựu nhất định về mặt kinh tế, chính trị và lợi ích chiến lược.
Thứ nhất là giảm bớt căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước. Một số nước dù không thừa nhận chế độ chính trị và một số cách làm của Trung Quốc, song trước sức hấp dẫn của các hợp đồng và các khoản viện trợ, cũng như tính toán đến những nhu cầu kinh tế trong nước, nên luôn giữ quan hệ ôn hòa với Trung Quốc trong một số vấn đề.
Thứ hai là tạo ra giới doanh nghiệp có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc ở một số nước, để khi quan hệ hai nước phát triển không thuận lợi các doanh nghiệp này có thể phát huy vai trò trong việc điều hòa cũng như nói tốt cho Trung Quốc. Điểm này được thể hiện rất rõ trong những năm 1990 khi Mỹ ban hành quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc. Có thể nói phần lớn các thời kỳ trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung, các doanh nghiệp lớn của Mỹ đều là những người ủng hộ Trung Quốc kiên định nhất, và là những người có tiếng nói mạnh nhất trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Ngoài ra, “ngoại giao hợp đồng” cũng giúp Trung Quốc thực hiện một số các mục tiêu địa chính trị. Hiện nay mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ nước ngoài là gần 60%. Tháng 9/2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong đó việc vận chuyển dầu thô bằng đường biển gần như phải đi qua eo biển Malacca. Trong bối cảnh sức mạnh hải quân Trung Quốc còn chưa đủ mạnh như hiện nay và việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đường hàng hải quốc tế đều do Mỹ thực hiện, việc Trung Quốc đầu tư vào một loạt các cảng ở Pakistan, Sri Lanka và Bangladesh không chỉ là đầu tư kinh tế đơn thuần mà còn mang ý nghĩa địa chính trị to lớn.
Mạnh gạo bạo tiền