Sau khi EU tiếp tục trừng phạt Nga vì không thực hiện thỏa thuận Minsk. Hiện tại các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu không có gì để hợp tác cùng Nga chính vì vậy Vladimir Putin càng phải xích lại gần Trung Quốc, điều này sẽ được chứng minh vào ngày 25 tháng này.
Phát biểu tại diễn đàn kinh tế hàng năm St. Petersburg Tổng thống Nga hy vọng sẽ lôi kéo Trung Quốc thành một mối thương mại tương tự như đối tác xuyên Thái Bình Dương của Washington. Chưa đầy 48 giờ sau khi Brussels quyết định trừng phạt về năng lượng và ngành tài chính của Nga thêm 6 tháng, ông Putin tuyên bố sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này để thảo luận về “các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ,” theo báo chí chính thức đưa tin. Trong cuộc gặp mặt này hàng loạt các hiệp định song phương sẽ dự kiến được ký kết. Thị trường đang chú ý đến việc liệu ông Putin có thuyết phục được Tập Cận Bình gia nhập quỹ đạo của Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) hay không?
Hiện EEU có năm thành viên thuộc Liên xô cũ gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga. Trung Quốc có thể quan tâm đến hội nhập nếu như họ lợi dụng liên minh này để xuất khẩu hàng hóa. Ví dụ như các khu thương mại tại biên giới đang quan tâm đến than, xe ô tô và hàng hóa copy của Trung Quốc. Ngoài những yếu tố này Trung Quốc cần một đồng minh như Nga khi Mỹ tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự tại biển Đông. Mặc dù về quan hệ thương mại nền kinh tế Trung Quốc có quan hệ sâu sắc với Mỹ hơn với Nga. Một điều dễ nhận thấy từ khi quan hệ giữa Nga và phương Tây lạnh giá giao dịch thương mại của Nga chủ yếu đến từ đối tác Trung Quốc.
Tất nhiên dầu và khí đốt tiếp tục là trung tâm của giao dịch thương mại. Hôm thứ Hai, huyền thoại quỹ đầu cơ George Soros nói rằng ông nhìn thấy Nga đang trở thành một cường quốc thế giới còn Liên minh châu Âu đang có nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng di dân và nền kinh tế yếu ở Nam Âu. Ông trùm đầu cơ không phải là fan của nước Nga vì vậy bình luận của ông như một lời cảnh báo giúp EU chấn chỉnh hoặc kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga sôi sục hơn. Khi ông nói ra điều này cũng là lúc nền kinh tế Nga vẫn đang chìm trong khủng hoảng, bất chấp chính phủ Nga đã lấp liếm rằng “nền kinh tế đã hoàn toàn chạm đáy”. Mặc dù giá dầu trong thời gian gần đây đã nhích lên nhưng yếu tố đó không giúp nền kinh tế Nga khởi sắc. Ngành xây dựng giảm 9% và doanh số bán lẻ giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền lương thực tế còn ảm đạm hơn, giảm 1% trong tháng 5 theo cơ quan thăm dò theo Rosstat.
Sự xoay trục của Nga sang châu Á với khởi đầu tốt đẹp nhưng vẫn đi sau Mỹ nhiều thập kỷ, một điều không may mắn đối với Nga là hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Đối với Nga, quốc gia đang cần nguồn tài chính từ Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa trong một thời gian dài không phải là điềm tốt. Bản thân Nga cũng cần phải phát triển ngành sản xuất riêng để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ Trung Quốc. Khi Nga bị phương Tây cấm vận về công nghệ cao, buộc lòng Nga phải mua từ Trung Quốc. Mặc dù Nga hiểu rằng công nghệ của Trung Quốc thua xa phương Tây nhưng với các dự án về quân sự đang phát triển dang dở Nga không còn sự lựa chọn. Khi cuộc bầu cử Nga đang đến gần (vào năm 2018) trong tình thế ngân sách thiếu tiền mặt ông Putin buộc phải bán một phần tài sản trong các công ty nhà nước, điều mà ông không muốn. Nga đang có ý định và đã cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp nhà nước như Rosneft, Bashneft (Nga nắm giữ 50,08% cổ phần doanh nghiệp này và thêm khoảng 25% +1 cổ phần thuộc sở hữu của Bashkortostan- nước cộng hòa thuộc LB Nga), Aeroflot, Bưu chính LB Nga và nhiều công ty khác. Tuy nhiên Chủ tịch Rosneft Igor Sechin đang đưa ra một cái giá quá cao đối với công ty năng lượng khi giá dầu đang ở mức thấp “giá trị của công ty có thể vượt mức 100 tỉ USD và thậm chí còn nhiều hơn nữa, tức là khoảng 120-130 tỉ USD”.
Có nhiều khách hàng trong nước đã mua cổ phần của nhà nước tuy nhiên Nga cần phải có một lượng ngoại tệ lớn. Nga vẫn bị cấm vận về tài chính quốc tế vì vậy để có khách hàng từ phương Tây quan tâm đến các doanh nghiệp Nga là điều rất khó và tất nhiên khách hàng không ai khác là Trung Quốc. Chỉ có Trung Quốc mới đủ lượng tiền để mua. Hơn nữa nhân lúc Nga khó khăn Trung Quốc sẽ tranh thủ sự ủng hộ trong vấn đề biển Đông.
Đối với ông Tập Cận Bình có lẽ cần Putin về mặt chính trị nhiều hơn cần về kinh tế vì như phân tích ở trên Nga đã cạn kiệt tài chính và cần phải bán thật nhiều nguyên liệu, năng lượng, vũ khí để cân bằng ngân sách để duy trì hoạt động của các công ty nhà nước. Vì vậy đây là lúc thuận lợi nhất để Trung Quốc đưa ra các yêu cầu với Nga ủng hộ về các vấn đề quốc tế. Trong quá khứ Trung Quốc luôn là đồng minh theo sau Nga trong các cuộc phủ quyết của Hội đồng thường trực Bảo an Liên Hợp Quốc mỗi khi Nga thấy bất lợi và cần sự cân bằng về địa chính trị với phương Tây. Tuy nhiên như tình hình thực tế hiện nay của Nga, Trung Quốc sẽ cung cấp tài chính cho Nga đổi lại Nga phải ủng hộ Trung Quốc về đường chín đoạn. Lập trường của Nga về vấn đề biển Đông luôn mập mờ nhưng không che dấu được sự ủng hộ đối với Trung Quốc. Mặc dù tại Sochi nơi diễn ra hội nghị Nga – Asean Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố “các bên liên quan cần triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Nga ủng hộ việc ASEAN và Trung Quốc phối hợp xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”. Tuy nhiên khi hội nghị Asean đã kết thúc các quan chức đại diện cho Nga tiếp tục ra tuyên bố có lợi cho Trung Quốc về biển Đông.
Trước ngày Tổng thống Nga sang thăm Trung Quốc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại nước này đã trả lời phỏng vấn trong đó có đoạn “Nếu không phải là cáo buộc thì chí ít cũng là những nghi ngờ chống lại Trung Quốc do một số nước khác dựng lên, rằng Trung Quốc đang là mối đe dọa đối với quyền tự do đi lại trên Biển Đông, tất cả đều là ngụy tạo và không có liên hệ gì với thực tế”. Mặc dù ông không nói rõ nước nào nhưng chúng ta có thể hiểu ông muốn nói đến Mỹ. Thực tế Trung Quốc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn trong đó tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông bao gồm cả đường huyết mạch hàng hải và các khu vực biển quốc tế. Biển Đông ngoài các tranh chấp giữa các nước tại các vùng chồng lấn còn có vùng biển quốc tế. Sau đó Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo đã chiếm đoạt của Việt nam, quân sự hóa các đảo này đồng thời nhăm nhe thực hiện vùng cấm bay ADIZ. Trước tình hình tự do hàng hải bị đe dọa, vùng biển quốc tế bị Trung Quốc nhăm nhe chiếm đoạt buộc Philipines đâm đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế đồng thời Mỹ phải lên tiếng và thực hiện các biện pháp răn đe. Như vậy chính Trung Quốc đã vô tình kích hoạt quốc tế hóa vấn đề biển Đông chứ không phải “các nước dựng lên” như vị Đại sứ này nói.
“[Quan điểm của chúng tôi] logic và tương đối rõ ràng. Chúng tôi kêu gọi giải quyết bất kì tranh chấp nào bằng biện pháp đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Để tiếp nối “căng thẳng do các thế lực bên ngoài” vị Đại sứ này đưa ra giải pháp các bên phải đàm phán song phương với Trung Quốc. Trên thực tế Trung Quốc mạnh hơn về mọi mặt so với cả khối Asean cộng lại vì vậy đàm phán song phương có khác gì “cá lớn nuốt cá bé” khi đó mọi quyền quyết định sẽ Trung Quốc định đoạt, nước nào phản đối sẽ đối mặt với biện pháp quân sự. Chắc chắn Trung Quốc sẽ dễ dàng thực hiện mưu đồ của mình để tuyên bố chủ quyền gần trọn biển Đông. Mặt khác biển Đông không chỉ riêng lãnh hải của các nước đang tranh chấp mà còn có vùng biển quốc tế, về luật pháp không có nước nào đem tài sản của thế giới để chia chác với nhau.
“Trung Quốc là một trong những nước quan tâm nhất đến tự do hàng hải vì từ lâu đã đứng đầu thế giới về xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển”. Vấn đề quan tâm tự do hàng hải giữa Trung Quốc và các nước trong đó có Mỹ hoàn toàn khác nhau. Với Mỹ họ chỉ thông thương, tự do theo đúng luật pháp quốc tế mà không đòi hỏi gì. Với Trung Quốc là sự tước đoạt, cưỡng đoạt để tuyên bố chủ quyền và hoàn toàn sở hữu đường hàng hải theo ý mình. Họ sẽ dễ dàng thực hiện chiến lược thâu tóm biển Đông biến các nước đang tranh chấp vào quỹ đạo hay chư hầu của họ. Họ sẽ dễ dàng thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ. Khi đó tất cả các máy bay bay qua vùng này đều phải xin phép Trung Quốc, họ cho mới được bay nếu không cho phải thay đổi đường bay. Đối với ngư dân các nước có vùng biển tranh chấp khi đó sẽ phải treo lưới gác thuyền vì ra quá 20 hải lý sẽ coi là xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thống trị hoàn toàn nghề khai thác biển, những nước có vùng biển sẽ phải mua hải sản từ Trung Quốc. Các căn cứ quân sự hải quân trở thành ao tù. Đối với các tàu thương mại sẽ phải nộp tô, nước nào hữu hảo với Trung Quốc sẽ được thông thương, nước nào Trung Quốc không ưa sẽ không được đi qua đó. Chắc chắn việc tuyên bố gần như toàn bộ biển Đông sẽ giúp nước này thực hiện giấc mơ trở thành siêu cường trên thế giới. Thiết lập hệ thống các nước chư hầu.
Mặc dù vị Đại sứ Nga tại Trung Quốc có thòng một câu “Nga đứng trung lập và không ủng hộ bên nào”. Thực tế những gì ông nói đã quá rõ ràng, câu nói này để phòng khi lãnh đạo Nga có thăm các nước Asean hay nó như sợi dây dùng để đu cho dễ mà thôi. Bản thân Nga có thể hiểu được nếu Trung Quốc thực hiện giấc mơ siêu cường có thể sẽ biến Nga trở thành chư hầu của họ tuy nhiên khi đó Nga sẽ ngả sang phương Tây để làm đối trọng với Trung Quốc nhằm đổi lấy những lợi ích cho nước Nga, hoặc làm con bài mặc cả với một số nước yếu. Tựu chung trong chuyến thăm Trung Quốc ông Putin sẽ thuyết phục Trung Quốc trở thành một thành viên liên kết của tổ chức EEU, ký kết các hiệp định thương mại và cần tài chính từ phía Trung Quốc. Về phía Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra yêu cầu ủng hộ trong vấn đề biển Đông
Đức Dũng
Trả lời