Tư liệu lịch sử chứng minh rõ ràng các nhà làm chính sách Mỹ sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp Trung Quốc có ý đồ thống trị Châu Á. Từ khi trở thành một đại cường đến nay, Mỹ không bao giờ chịu chấp nhận các địch thủ ngang hàng với mình. Như đã chứng tỏ điều này trong Thế kỷ 20, hiện nay Mỹ vẫn muốn mình là bá quyền duy nhất của thế giới tại khu vực này. Vì thế, Mỹ sẽ tung ra nhiều nỗ lực to lớn để ngăn chặn Trung Quốc và sẽ làm bất cứ điều gì để không cho phép Trung Quốc có đủ khả năng thống trị Châu Á. Trên cơ bản, rất có thể Mỹ sẽ ứng xử với Trung Quốc gần như trước đây đã ứng xử với Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.
Các láng giềng của Trung Quốc chắc chắn cũng lo sợ sự trỗi dậy của nước này, và họ cũng sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để ngăn chặn Trung Quốc chiếm địa vị bá quyền khu vực. Thật vậy, đã có nhiều bằng chứng đáng kể cho thấy những nước như Ấn Độ, Nhật Bản, và Nga, cũng như các tiểu cường như Singapore, Hàn Quốc, và Việt Nam, đang lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và đang tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của nó. Nhiên hậu, các nước này sẽ gia nhập một liên minh quân bình lực lượng do Mỹ lãnh đạo để kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc, gần như theo cung cách mà Anh, Pháp, Tây Đức, Ý, Nhật Bản, và sau cùng là Trung Quốc, đã liên minh với Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô.
Chú Sam chọi với Rồng
Còn lâu Trung Quốc mới có đủ khả năng quân sự để theo đuổi địa vị bá quyền khu vực. Nói vậy không có nghĩa là từ chối những lý do chính đáng khiến thế giới lo lắng về các cuộc xung đột có tiềm năng bùng nổ hiện nay do các vấn đề như Đài Loan và Biển Đông; nhưng đó lại là một vấn đề khác. Rõ ràng là, Mỹ quan tâm sâu sắc về việc phải đảm bảo rằng Trung Quốc không thể trở thành một bá quyền khu vực. Dĩ nhiên, việc này dẫn đến một câu hỏi cực kỳ quan trọng: chiến lược tốt nhất của Mỹ nhằm ngăn ngừa Trung Quốc thống trị Châu Á là gì?
Chiến lược tối ưu để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy là ngăn chặn sự bành trướng của nó. Việc này đòi hỏi Mỹ phải tập trung vào nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh dùng các lực lượng quân sự để chiếm lãnh thổ và nói chung là để bành trướng ảnh hưởng của mình tại Châu Á. Để thực hiện mục tiêu này, các nhà làm chính sách Mỹ sẽ tìm cách thành lập một liên minh quân bình lực lượng gồm càng nhiều nước láng giềng của Trung Quốc càng tốt. Mục tiêu nhiên hậu là sẽ xây dựng một cơ cấu liên minh theo đường lối của NATO, vốn từng là một công cụ hữu hiệu cao độ nhằm ngăn chặn Liên Xô trong Chiến tranh lạnh. Mỹ cũng sẽ ra sức duy trì sức mạnh khống chế của mình tại các đại dương trên thế giới, khiến Trung Quốc khó phóng chiếu quyền lực có hiệu quả vào các khu vực xa xôi như Vịnh Ba Tư và, đặc biệt là, Tây Bán cầu.
Chính sách ngăn chặn trên cơ bản là một chiến lược phòng thủ, vì nó không đòi hỏi phải khiêu chiến với Trung Quốc. Trên thực tế, ngăn chặn là một phương án thay thế cho chiến tranh nhằm chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy. Tuy vậy, chiến tranh luôn luôn là một khả năng. Không vì một lý do gì để Mỹ không thể duy trì các trao đổi kinh tế quan trọng với Trung Quốc trong khi thực thi một chiến lược ngăn chặn đối với nước này. Dẫu sao, lịch sử cho thấy Anh, Pháp và Nga vẫn buôn bán rộng rãi với Đế chế Wilhelm Đức suốt hai thập niên trước Thế chiến I, mặc dù họ đã ký kết Thoả ước Ba bên lập liên minh với mục đích ngăn chặn sự bành trướng của Đức. Dù có đi theo đường lối này chăng nữa, chắc chắn quan hệ mậu dịch Mỹ-Trung sẽ gặp một số hạn chế vì lý do an ninh quốc gia. Nói tổng quát hơn, Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác trên nhiều vấn đề khác nhau trong bối cảnh của một chiến lược ngăn chặn, nhưng từ gốc rễ, quan hệ giữa hai nước sẽ có tính cạnh tranh.
Căn cứ vào kinh nghiệm phong phú của một cường quốc từng quân bình lực lượng trên đại dương, chiến lược lý tưởng của Mỹ là đứng đằng sau được chừng nào hay chừng ấy và để cho các nước láng giềng của Trung Quốc nhận lãnh gần hết gánh nặng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Trên cơ bản, Mỹ sẽ đưa trách nhiệm cho các nước tại Châu Á hiện đang lo sợ Trung Quốc. Nhưng điều này sẽ không xảy ra, vì hai lý do. Lý do chủ yếu là, các láng giềng của Trung Quốc sẽ không đủ mạnh để tự mình chặn đứng Trung Quốc.
Vì thế, Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào hơn là phải lãnh đạo nỗ lực chống Trung Quốc và tập trung phần lớn sức mạnh hùng hậu của mình vào mục đích này. Hơn nữa, có những khoảng cách không gian rộng lớn giữa các nước Châu Á sẽ là thành viên của khối liên minh quân bình lực lượng chống Trung Quốc – như giữa Ấn Độ, Nhật Bản, và Việt Nam. Vì thế, các nước này cần Washington phối hợp các nỗ lực của họ và tạo ra một hệ thống liên minh hữu hiệu. Dĩ nhiên, Mỹ đã từng ở vào một tình thế tương tự trong Chiến tranh lạnh, khi Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhận lãnh gánh nặng ngăn chặn Liên Xô tại Châu Âu cũng như tại Đông Bắc Á. Trên cơ bản, các cường quốc quân bình lực lượng trên biển cũng phải tham chiến trên đất liền khi các quốc gia địa phương không thể tự mình ngăn chặn được sự bành trướng của cường quốc có tiềm năng bá quyền.
Có ba phương án chiến lược thay thế cho chính sách ngăn chặn cần được bàn tới. Hai phương án đầu nhắm vào việc chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc bằng cách phát động một chiến tranh đánh phủ đầu để ngăn ngừa hoặc bằng cách theo đuổi các chính sách nhằm kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng cả hai chiến lược này đều không phải là phương án khả thi đối với Mỹ.
Phương án thay thế thứ ba, gây sức ép để Trung Quốc thay đổi chính sách, là một chiến lược khả thi, nhưng kết quả sẽ ở mức tối thiểu. Chiến tranh ngăn ngừa là một phương án không thể thực hiện chỉ vì Trung Quốc cũng có vũ khí hạt nhân. Mỹ sẽ không tung ra một cuộc tấn công tàn phá lãnh thổ của một nước có thể trả đũa Mỹ và đồng minh của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng thậm chí nếu Trung Quốc không có vũ khí hạt nhân đi nữa, ta cũng khó tưởng tượng một vị Tổng thống Mỹ phát động một chiến tranh phòng ngừa như thế. Mỹ chắc chắn sẽ không cho quân đổ bộ lên Trung Quốc là nước có một đội quân khổng lồ; còn nếu muốn làm tê liệt Trung Quốc bằng các đợt không kích dữ dội, thì gần như chắc chắn sẽ đưa đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều đó có nghĩa là biến Trung Quốc thành một “đống tro tàn bốc khói và nhả phóng xạ”, xin mượn một cụm từ của thời Chiến tranh lạnh mô tả cách đối xử mà Không lực Mỹ định dành cho Liên Xô trong trường hợp xảy ra một chiến tranh nóng giữa hai nước. Nội bụi phóng xạ hạt nhân thoát ra từ một cuộc tấn công như thế cũng đủ khiến phương án này không được sử dụng từ đầu. Vả lại, không ai biết chắc Trung Quốc có còn tiếp tục cuộc trỗi dậy nhanh chóng của mình nữa hay không và do đó cũng khó biết chắc Trung Quốc cuối cùng có còn là một mối đe dọa thống trị Châu Á hay không. Tình trạng không biết chắc tương lai này cũng giúp loại trừ việc sử dụng chiến tranh ngăn ngừa.
Làm cho đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại chắc chắn là một lựa chọn hấp dẫn hơn chiến tranh hạt nhân, nhưng đây không phải là một phương án khả thi. Vấn đề chủ yếu là không có một phương cách thực tiễn nào để làm cho kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại mà đồng thời không gây phương hại cho kinh tế Mỹ.
Người ta có thể tranh luận rằng kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn hơn, do đó nâng cao địa vị quyền lực của Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Nhưng điều này chỉ có khả năng xảy ra nếu Mỹ có thể tìm ra các đối tác thương mại mới, còn Trung Quốc thì không. Mỹ cần phải hội đủ hai điều kiện cùng một lúc.
Không may là, nhiều nước trên thế giới sẽ sẵn sàng gia tăng giao lưu kinh tế với Trung Quốc, do đó sẽ điền vào chỗ trống để lại do nỗ lực của Washington nhằm cắt giảm mậu dịch và đầu tư với Trung Quốc. Chẳng hạn, các nước Châu Âu, vốn không bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, sẽ là những ứng viên đầu tiên chiếm lấy vị trí của Mỹ và tiếp tục nuôi dưỡng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tóm lại, vì Trung Quốc không thể bị cô lập về kinh tế, Mỹ không thể làm cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại một cách có ý nghĩa.
Thực tế lịch sử cho thấy, Anh đã từng đối phó một vấn đề tương tự với một nước Đức đang trỗi dậy trước Thế chiến I. Một sự kiện được nhìn nhận rộng rãi trong chính giới Anh lúc bấy giờ là, kinh tế Đức tăng trưởng ở một tốc độ nhanh hơn kinh tế Anh, điều này có nghĩa là cán cân lực lượng giữa hai nước đang nghiêng về phía có lợi cho Đức. Một cuộc tranh luận dữ dội đã diễn ra sau đó về việc Anh có nên ra sức làm chậm bước tăng trưởng kinh tế của Đức bằng cách nhanh chóng cắt giảm giao lưu kinh tế giữa hai nước hay không. Các nhà làm chính sách của Anh kết luận rằng chính sách này sẽ gây tổn thất cho Anh nhiều hơn cho Đức, một phần lớn vì Đức có thể tìm đến các nước khác, tức những nước sẵn sàng mua các hàng xuất khẩu mà Đức gửi qua Anh, cũng như cung cấp hầu hết các hàng nhập khẩu mà Đức nhận từ Anh. Trong khi đó, kinh tế Anh sẽ bị tổn thương ghê gớm do mất các hàng nhập khẩu từ Đức, những mặt hàng rất khó thay thế. Vì thế, Anh vẫn tiếp tục giao thương với Đức – dù cho Đức sẽ mạnh hơn và Anh sẽ yếu đi – chỉ vì đây là phương án ít tai hại nhất.
Phương án chiến lược thứ ba có thể thay thế cho chính sách ngăn chặn là gây sức ép buộc đối thủ phải thay đổi chính sách, theo đó Mỹ sẽ tìm cách làm Trung Quốc suy yếu bằng cách lật đổ các chế độ thân Bắc Kinh và có lẽ ngay cả bằng cách gây bất ổn bên trong Trung Quốc. Chẳng hạn, nếu Pakistan nằm gọn trong phe thân Trung Quốc, đây là một điều rất có thể xảy ra trong tương lai, Washington có thể tìm cách thúc đẩy việc thay đổi chế độ tại Islamabad và đặt vào vị trí lãnh đạo một nhân vật thân Mỹ. Hoặc Mỹ có thể âm mưu khuấy động gây bất ổn bên trong Trung Quốc bằng cách hậu thuẫn các nhóm phục quốc tại Tân Cương hay Tây Tạng.
Mặc dù trong Chiến tranh lạnh, Mỹ theo đuổi chiến lược ngăn chặn chống Liên Xô là chính, nhưng nay chúng ta biết rõ rằng Mỹ cũng đã vận dụng các yếu tố trong chính sách dùng áp lực để thay đổi đường lối của Liên Xô. Không những Mỹ đã ra sức gây bất ổn trong nội bộ Liên Xô vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950, mà Mỹ còn tìm cách lật đổ nhiều nhà lãnh đạo chính phủ trên thế giới được coi là thân Liên Xô. Trên thực tế, Washington đã tung ra nhiều hoạt động ngầm trực tiếp nhắm vào Trung Quốc trong các thập niên 1950 và 1960. Những nỗ lực gây sức ép lên chính sách của Liên Xô ít khi có tác dụng trên cán cân quyền lực của hai siêu cường và không đóng góp gì cho việc thúc đẩy Liên Xô đi đến chỗ sụp đổ. Tuy nhiên, các lãnh đạo Mỹ vẫn theo đuổi chính sách dùng sức ép bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào họ có thể, và không có lý do gì để tin rằng các nhà làm chính sách tương lai tại Washington sẽ tránh né chính sách này trong nỗ lực chống lại một Trung Quốc đầy quyền lực. Tuy nhiên, chính sách ngăn chặn sẽ là chiến lược hữu hiệu nhất, vượt hẳn các phương án khác rất xa.
Vẫn có một khả năng nhỏ là cuối cùng Trung Quốc sẽ trở nên hùng mạnh đến nỗi Mỹ không thể ngăn chặn được sự bành trướng của nó cũng như việc nó sẽ thống trị Châu Á, dù cho quân đội Mỹ vẫn duy trì các căn cứ tiền phương trong khu vực. Một ngày nào đó Trung Quốc có thể có sức mạnh tiềm ẩn lớn hơn bất cứ một trong bốn bá quyền tiềm năng mà Mỹ đã đối đầu trong Thế kỷ 20. Về dân số và sự giàu có – nền tảng của sức mạnh quân sự – cả Đế chế Wilhelm Đức, lẫn Đế chế Nhật hoàng, lẫn Đức Quốc xã, lẫn Liên Xô đều thua Mỹ khá xa. Nhưng căn cứ vào việc dân số Trung Quốc hiện nay lớn hơn bốn lần dân số Mỹ và dự đoán sẽ lớn hơn ba lần vào năm 2050, Bắc Kinh sẽ hưởng được lợi thế đáng kể về sức mạnh tiềm ẩn nếu một ngày nào đó dân Trung Quốc có được một lợi tức đầu người tương đương với lợi tức đầu người của dân Hồng Kông hay Hàn Quốc.
Tất cả sức mạnh tiềm ẩn ấy sẽ cho phép Trung Quốc có lợi thế quân sự quyết định đối với các đối thủ chính tại Châu Á, đặc biệt khi ta xét rằng Trung Quốc sẽ hoạt động ngay trên sân sau của mình, trong khi Mỹ phải hoạt động cách Calfornia hơn 6.000 dặm. Trong bối cảnh đó, chúng ta khó tưởng tượng Mỹ có thể ngăn chặn việc Trung Quốc trở thành một bá quyền khu vực. Hơn nữa, Trung Quốc rất có thể sẽ là siêu cường ngày càng đáng sợ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu diễn ra sau đó với Hoa Kỳ.
Nhưng thậm chí nếu lợi tức đầu người của Trung Quốc không vươn tới những mức nói trên, và rốt cuộc Trung Quốc không hoàn toàn có sức mạnh tiềm ẩn như Mỹ, Trung Quốc vẫn ở vào vị trí thuận lợi để theo đuổi địa vị bá quyền tại Châu Á. Tất cả điều này ngụ ý rằng Mỹ rất muốn thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khựng lại đáng kể trong những năm tới. Hậu quả có thể không tốt cho sự phồn thịnh của Mỹ, lại càng không tốt cho sự phồn thịnh toàn cầu, nhưng sẽ tốt cho an ninh của Mỹ, vì điều này là quan trọng hơn cả.
Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào?
Đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, câu hỏi then chốt được đặt ra là, liệu họ sẽ liên minh với Mỹ để quân bình lực lượng với Trung Quốc, hay họ sẽ hùa theo một Trung Quốc đang trỗi dậy. Một số nhà quan sát thời sự có thể lý luận rằng có một lựa chọn thứ ba, là đứng bên lề và giữ thái độ trung lập. Nhưng, các nước tại Châu Á sẽ không thể ngồi chờ cho cuộc đọ sức trôi qua. Gần như mọi quốc gia sẽ phải chọn cho mình một liên minh, không phải chỉ vì Bắc Kinh và Washington sẽ áp đặt sức ép to lớn lên họ, mà còn vì hầu hết các quốc gia này – vốn yếu hơn Trung Quốc hoặc Mỹ rất nhiều – sẽ muốn có một nước đàn anh hùng mạnh bảo vệ cho mình trong trường hợp an ninh của họ bị đe dọa, đó là điều hợp lý.
Vì sự khẩn thiết của sự sống còn, hầu hết các láng giềng của Trung Quốc sẽ đứng về phe chống lại nó, như hầu hết các nước Đông Bắc Á và Châu Âu, nếu được tự do lựa chọn trong Chiến tranh lạnh, đã chọn phương án liên minh với Mỹ để chống lại Liên Xô. Lý do rất đơn giản: Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng hơn Mỹ, và các quốc gia luôn luôn đứng về phe nào chống lại kẻ thù nguy hiểm nhất của họ, chứ không liên minh với kẻ thù này. Trung Quốc nguy hiểm hơn Mỹ chính vì lý do địa lý. Cụ thể là, Trung Quốc là một cường quốc bản địa tại Châu Á; hoặc là nó nằm ngay sát nách hoặc là nó có khoảng cách dễ dàng tấn công các nước láng giềng. Điều này đã đúng với Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh; Liên Xô là mối đe dọa trực tiếp có khả năng đánh chiếm Tây Đức và Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác tại Châu Âu và Đông Bắc Á.
Mỹ, trái lại, ít đe dọa hơn đối với các nước láng giềng của Trung Quốc. Mặc dù rõ ràng là, Mỹ là một cường quốc hùng mạnh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ duy trì sự hiện diện của mình thêm một thời gian nữa, nhưng Mỹ là một đại cường xa xôi và chưa bao giờ có ý đồ to lớn về bành trướng lãnh thổ tại Châu Á hoặc Châu Âu. Lý do chính là vì Mỹ ở quá xa không thể lao vào nỗ lực xâm chiếm lãnh thổ của các nước tại những khu vực này. Mỹ phải ra sức phóng chiếu quyền lực của mình qua các khoảng cách bao la và qua hai vùng nước khổng lồ – Thái Bình Dương và Đại Tây Dương – chỉ để vươn tới những khu vực quan trọng chiến lược nói trên. Như vậy, các nước Châu Âu hoặc Châu Á không có nguy cơ bị Mỹ nuốt chửng hay thống trị, như đã từng lo lắng bị Liên Xô xâm chiếm trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1990, và lo lắng sẽ bị Trung Quốc nuốt chửng khi nước này trở thành hùng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Nói vậy không có nghĩa là để chối cãi sự kiện Mỹ đã từng sử dụng sức mạnh quân sự chống lại nhiều nước tại Châu Á và Châu Âu. Dẫu sao, Mỹ đã tham gia hai cuộc chiến lớn tại Châu Á trong thời Chiến tranh lạnh. Nhưng điểm then chốt ở đây là, quân đội Mỹ chưa bao giờ đe dọa chiếm đóng hay thống trị những nước này, như một Trung Quốc hùng mạnh có thể sẽ làm.
Một khía cạnh khác trong tư thế của Mỹ tại Châu Á nêu bật lý do tại sao Mỹ ít đe dọa các nước Châu Á hơn Trung Quốc. Là một đại cường đến từ phương xa, Mỹ có được sự lựa chọn cắt giảm phần lớn sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực này, và có thể rút hết quân về nước – đây là điều có thể quan niệm được. Trung Quốc rõ ràng không có lựa chọn này. Thật ra, điều mà các nước láng giềng của Trung Quốc lo sợ nhất là, Mỹ sẽ không đứng bên cạnh họ khi khủng hoảng xảy ra, chứ không phải quân đội Mỹ có thể tấn công hay khống chế họ. Đây chính là lý do tại sao Chính quyền Obama đã công bố vào mùa Thu 2011 rằng Mỹ sẽ “xoay trục chiến lược hướng về Châu Á”, một lối nói vắn gọn rằng Mỹ sẽ thực sự gia tăng sự hiện diện của mình tại khu vực này. Washington đang cố gắng trấn an các đồng minh Châu Á của mình rằng, mặc dù Mỹ tập trung vào Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố suốt một thập kỷ sau biến cố 9-11, nhưng họ vẫn có thể trông cậy Mỹ canh gác sân sau cho mình.
Người ta cũng có thể tranh luận rằng Trung Quốc giữ trong tay một con bài chủ cho phép mình tạo sức ép ít ra đối với một vài nước láng giềng của Trung Quốc, buộc họ không đứng chung với Mỹ mà phải liên minh với Bắc Kinh. Một số nước Châu Á, kể cả Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan, có quan hệ mậu dịch rộng lớn với Trung Quốc và cũng đầu tư nhiều vốn tại đó. Vì thế, sự thịnh vượng của những nước này tùy thuộc vào việc duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Theo quan điểm trên, tình hình này sẽ tạo cho Trung Quốc một thế đòn bẫy kinh tế đối với các đối tác thương mại của mình, nghĩa là nếu các nước này gia nhập liên minh quân bình lực lượng chống Trung Quốc do Mỹ lãnh đạo, Bắc Kinh có thể đe dọa cắt quan hệ kinh tế và gây phương hại cho sự phồn thịnh của họ. Thật vậy, theo quan điểm này, Bắc Kinh chắc chắn có khả năng dùng lợi thế kinh tế để o ép các nước láng giềng nói trên liên minh với mình.
Điều kiện quan trọng cần phải nhấn mạnh trong luận cứ nói trên là: kinh tế Trung Quốc phải không bị tổn thương nghiêm trọng nếu giao lưu kinh tế với một hay nhiều nước láng giềng này bị hạn chế hay thậm chí gián đoạn. Nói cách khác, điều kiện này không phải là một trường hợp hai bên đều bị tổn thương, vốn làm nền tảng cho lý thuyết tương thuộc kinh tế, một đề tài mà tôi sẽ bàn đến trong một đoạn sau. Ở đây sự tổn thất chỉ diễn ra một chiều mà thôi, điều kiện này cho phép Trung Quốc có đủ khả năng o ép các nước láng giềng và qua đó phá hoại hay ít ra làm suy yếu nghiêm trọng bất cứ một liên minh quân bình lực lượng chống Trung Quốc nào mà Mỹ có thể cố gắng tổ chức.
Trên cơ bản, đây là một tình hình mà các cân nhắc kinh tế và chính trị-quân sự xung đột nhau; điều này nêu lên một câu hỏi quan trọng: yếu tố nào cuối cùng sẽ thắng thế? Tôi cho rằng các cân nhắc về an ninh quốc phòng gần như luôn luôn khuynh loát các cân nhắc kinh tế và rằng các quốc gia sẽ theo đuổi việc quân bình lực lượng để chống lại chứ không hùa theo kẻ lấn chiếm một khi họ phải lựa chọn giữa hai chiến lược. Lôgic cơ bản trong luận cứ của tôi đến đây chắc hẳn đã rõ ràng. Các nước thường liên minh để quân bình lực lượng chống lại các địch thủ hùng mạnh hơn mình vì đó là đường lối hữu hiệu nhất để tối đa hóa viễn ảnh sống còn, vốn là mục đích cao cả nhất của một quốc gia. Chạy theo một quốc gia hùng mạnh hơn mình, trái lại, sẽ làm suy giảm viễn ảnh sống còn của một nước đàn em, vì nước đàn anh đáng sợ kia được tự do hành động để trở nên ngày càng hùng mạnh hơn và do đó nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, lý thuyết áp lực kinh tế lại đi theo một lôgic khác, nó đặt sự phồn thịnh lên trên sự sống còn của một quốc gia. Luận cứ cốt lõi của nó cho rằng một quốc gia có sức mạnh thị trường đáng kể có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế của một nước trong tầm ngắm của mình, và rằng sự đe dọa trừng phạt kinh tế sẽ đủ sức uy hiếp một nước yếu kém phải hùa theo một quốc gia hùng mạnh hơn mình. Hẳn nhiên, cơn đau trầm trọng về kinh tế là một viễn ảnh đáng sợ, nhưng thảm trạng mất nước lại lù lù xuất hiện như một nguy cơ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Nói cách khác, sự sống còn của quốc gia là một mệnh lệnh mạnh mẽ hơn sự phồn thịnh kinh tế rất nhiều. Đó là lý do tại sao cái lôgíc thực tế chủ nghĩa thường khuynh loát các luận cứ đặt cơ sở trên áp lực kinh tế, và là lý do tại sao các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ đứng về phe chống lại nó.
Thật vậy, hiện đã có bằng chứng đáng kể cho thấy các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, và Nga, cùng với các tiểu cường như Singapore, Hàn Quốc, và Việt Nam, đang lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và bắt đầu tìm cách ngăn chặn nó. Ấn Độ và Nhật Bản, chẳng hạn, đã ký kết một “Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh” vào tháng Mười 2008, chính vì họ lo lắng về sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc. Ấn Độ và Hoa Kỳ, vốn có những quan hệ khá xung khắc trong thời Chiến tranh lạnh, đã trở thành những người bạn tốt trong thập kỷ qua, một phần lớn vì cả hai đều sợ Trung Quốc. Tháng Bảy 2010, Chính quyền Obama, trong đó có nhiều cá nhân thường lên lớp thế giới về sự quan trọng của nhân quyền, đã công bố nối lại quan hệ với các lực lượng đặc biệt ưu tú của Indonesia. Lý do cho sự thay đổi chính sách này là vì Washington muốn Indonesia đứng cùng phe với mình trong khi Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh, và như tờ New York Times đưa tin, các quan chức Indonesia “gợi ý rằng nhóm lực lượng đặc biệt có thể thăm dò xây dựng các quan hệ với quân đội Trung Quốc nếu các lệnh cấm của Mỹ vẫn được duy trì.”
Singapore, một nước nằm ngay trên Eo biển Malacca cực kỳ quan trọng và đang lo ngại về sức mạnh ngày một gia tăng của Trung Quốc, rất muốn đẩy mạnh các quan hệ vốn đã gần gũi với Hoa Kỳ. Vì mục đích đó, Singapore đã xây một bến tàu nước sâu tại Căn cứ Hải quân Changi để Hải quân Mỹ có thể điều động một tàu sân bay từ Singapore trong trường hợp hữu sự. Và quyết định của Nhật Bản vào giữa năm 2010, cho phép Lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp tục đồn trú tại Okinawa, được thúc đẩy một phần do những lo lắng của Tokyo về tính quyết đoán ngày một gia tăng của Trung Quốc ở trong khu vực và do nhu cầu liên hệ là cần phải duy trì chiếc dù an ninh của Mỹ trên đất Nhật Bản. Khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, các quan hệ giữa những nước láng giềng của Trung Quốc sẽ trở nên đậm đà hơn trước, đồng thời quan hệ của họ với Mỹ sẽ trở nên gần gũi hơn.
Sau cùng, cũng nên nói một đôi điều về tương lai của Đài Loan. Vì tầm quan trọng của Đài Loan trong việc kiểm soát các tuyến đường biển tại Đông Á, Mỹ có động lực mạnh mẽ là cần phải ngăn chặn khả năng Trung Quốc chiếm lấy đảo quốc này. Ngoài ra, các nhà làm chính sách Mỹ rất quan tâm về tuy tín và danh dự quốc gia, điều này càng làm cho Mỹ khó bỏ Đài Loan hơn. Nói vậy không có nghĩa là bác bỏ cái viễn cảnh là cuối cùng Trung Quốc có thể trở nên hùng mạnh đến nỗi quân đội Mỹ không thể bảo vệ đảo quốc này. Nhưng trong tình hình hiện nay, Đài Loan có khả năng gia nhập một liên minh quân bình lực lượng chống Trung Quốc do Mỹ lãnh đạo, điều này chắc chắn sẽ gây phẫn nộ cho người dân Trung Quốc đủ mọi chính kiến và gia tăng cường độ cạnh tranh an ninh quốc phòng giữa Bắc Kinh và Washington.
Nói tóm lại, lý thuyết của tôi cho rằng, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của mình trong vài thập niên nữa, việc này có khả năng dẫn đến một cuộc cạnh tranh an ninh quốc phòng gay gắt với Mỹ và với các nước láng giềng của Trung Quốc. Tôi đã đề cập khá nhiều về các chính sách cụ thể mà chúng ta dự kiến các tác nhân quan trọng sẽ theo đuổi. Chẳng hạn, chúng ta phải dự kiến Trung Quốc sẽ đưa ra một phiên bản của mình về Học thuyết Monroe và tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Và chúng ta phải dự kiến là hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ gia nhập một liên minh quân bình lực lượng do Mỹ lãnh đạo với mục đích chặn đứng sự bành trướng của Bắc Kinh.
Bài viết trích dịch một phần từ chương kết luận của cuốn The Tragedy of the Great Power Politics (Bi kịch của Chính trị Đại cường) của John J. Mearsheimer, phiên bản mới nhất được cập nhật vào tháng Tư 2014 và phần kết luận này được đăng lại trên National Interest dưới nhan đề “Can China Rise Peacefully?” Nhan đề của bản dịch này vốn là một tiểu đề trong chương sách.
Tiến sĩ John J. Mearsheimer là Giáo sư Khoa học Chính trị của Đại học Chicago và nằm trong Hội đồng Cố vấn của tạp chí The National Interest.
Ngồn: The National Interest
Trả lời