Vấn đề căn bản ẩn sau cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp là một vấn đề của bản thân Hy Lạp: tâm lý không sẵn sàng hiện đại hóa đất nước đã ăn sâu. Hy Lạp từng bị Đế chế Ottoman thống trị trong một thời gian dài. Mạng lưới chính trị và kinh tế già cỗi lâu năm của nó đang mục ruỗng tận gốc. Cơ chế trọng dụng nhân tài vẫn chưa xuất hiện. Ngay cả niềm tin vào các thể chế nhà nước cũng đang xói mòn, và một tâm lý ỷ lại, lệ thuộc đã nảy sinh.
Người ta có thể lập luận rằng những người dân Hy Lạp không đáng được giúp đỡ. Nhưng việc khai trừ Hy Lạp khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng không phải là giải pháp tốt nhất cho cả nước này lẫn Liên minh châu Âu (EU). Dù Hy Lạp có xứng đáng được cứu trợ hay không thì EU cũng nên làm điều này vì lợi ích của chính họ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Ngân hàng Thế giới đã liên tiếp nhấn mạnh rằng nền kinh tế Hy Lạp không có khả năng cơ bản là tạo ra một sự phát triển bền vững trong dài hạn. Hệ thống giáo dục xoàng xĩnh và thiếu ngân sách. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển không đủ. Khu vực xuất khẩu có quy mô nhỏ. Tốc độ tăng năng suất còn thấp.
Gánh nặng các quy định điều tiết của Hy Lạp, được phản ánh rõ qua những chỉ số của Ngân hàng Thế giới về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, đang là một rào cản đáng kể ở nhiều lĩnh vực, về cơ bản làm mất sức cạnh tranh của toàn bộ các ngành công nghiệp và các ngành nghề. Kết quả là nền kinh tế Hy Lạp đang phải vật lộn để tái phân bổ các nguồn lực, bao gồm cả nhân công, do sự cứng nhắc của thị trường lao động.
Sau khi Hy Lạp được kết nạp vào khu vực đồng tiền chung châu Âu, tác động của thống nhất lãi suất, cùng với giá bất động sản bị thổi phồng, đã làm tăng các khoản nợ hộ gia đình và khiến thị trường xây dựng nóng quá độ, đặt nền kinh tế vào một lộ trình không bền vững. Trong những năm trước khi khủng khoảng kinh tế ập đến, những thâm hụt tài khoản vãng lai và giá tài sản bong bóng đẩy tăng trưởng GDP lên tới 4,3% mỗi năm. Cùng lúc đó, chi tiêu công tăng tới mức cao tương đương như của Thụy Điển, trong khi nguồn thu từ thuế vẫn chỉ ngang bằng các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải.
Trong suốt 8 năm tôi (Anders Borg) làm việc tại Hội đồng châu Âu về Các vấn đề kinh tế và tài chính cùng bảy vị Bộ trưởng Hy Lạp, họ đều từng thừa nhận, ở một mức độ nhất định, rằng những con số thâm hụt mà nước này báo cáo cần phải được điều chỉnh tăng (cho đúng với thực tế). Vào mỗi lần như vậy, họ đều quả quyết rằng chuyện tương tự sẽ không bao giờ lặp lại. Nhưng mọi chuyện vẫn tiếp diễn. Quả thật, mức thâm hụt trước khủng hoảng 2008 cuối cùng đã phải điều chỉnh lên mức 9,9% GDP – tức là cao hơn 5% so với con số ban đầu được báo cáo tới Hội đồng.
Tuy vậy, dù nền kinh tế và văn hóa chính trị của Hy Lạp có tồi tệ đến đâu thì hậu quả của việc đẩy nước này ra khỏi eurozone cũng đơn giản là quá tàn khốc. Rốt cuộc, một kết cục như vậy có thể là kết quả của một quyết định chính trị, và những giá trị châu Âu đang bị đe dọa trong quyết định đó sẽ quan trọng hơn bất kỳ toan tính kinh tế nào.
Thứ nhất, việc Hy Lạp bị khai trừ khỏi eurozone sẽ là một đòn đánh kiệt quệ vào quốc gia này. Nếu không có sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ bị loại trừ khỏi các thị trường quốc tế. Vào đầu năm 2015, Hy Lạp đã sử dụng tới 90 tỉ euro (tương đương 96 tỉ đô la Mỹ) hỗ trợ thanh khoản từ ECB. (Nếu không có khoản hỗ trợ này), chính phủ đáng lẽ đã phải đóng của các ngân hàng một hoặc hai tuần, rồi in tiền khẩn cấp, giới hạn khắt khe việc người dân tiếp cận khoản tiền gửi của mình, và ban hành biện pháp kiểm soát luồng vốn. Khi thị trường mở cửa trở lại, thì đồng nội tệ cũng sẽ mất giá từ 30-40% trước khi tìm được điểm cân bằng.
Tệ hơn nữa, khủng hoảng kinh tế có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị và khiến việc thực hiện các cải cách thể chế mà Hy Lạp đang rất cần trở nên bất khả thi. Quả thật, hệ thống chính trị rối loạn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Giai đoạn tái cơ cấu tài khóa tuy làm giảm thâm hụt xuống mức 8,9% vào năm 2012 từ mức 9,9% vào năm 2008 nhưng cũng làm dấy lên tình trạng bất ổn dân sự đáng kể. Một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn có thể châm ngòi cho sự gia tăng mạnh mẽ những bất ổn chính trị và xã hội. Khai trừ một nền dân chủ đang bấp bênh như vậy khỏi eurozone sẽ thật sự là thiếu trách nhiệm.
Châu Âu cũng cần xem xét môi trường địa chính trị. Những căng thẳng leo thang từ cuộc xung đột Ukraine có nguy cơ gây bất ổn cho các bộ phận khác của châu lục. Việc đẩy Hy Lạp vào môi trường quốc tế không ổn định như vậy sẽ khiến cả khu vực dễ bị tổn thương hơn trước các thế lực tin rằng họ sẽ được hưởng lợi từ một châu Âu suy yếu và thiếu đoàn kết hơn – mà tiêu biểu là những nhà lãnh đạo Nga hiện nay.
Cuộc khủng khoảng Hy Lạp đặt ra nhiều câu hỏi còn quan trọng hơn việc liệu nước này có xứng đáng được cứu trợ bằng tiền thuế của những người dân châu Âu hay không. Thứ đang bị đe dọa chính là những giá trị cốt lõi và những cân nhắc chiến lược quan trọng đối với Liên minh châu Âu. Châu Âu đơn giản là sẽ vững mạnh hơn nếu đối tác của họ ở Athens được ổn định.
Anders Borg, cựu Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, hiện là Chủ tịch Sáng kiến Hệ thống Tài chính Toàn cầu (Global Financial System Initiative) thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Nghiên cứu Quốc tế
- KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2019. DỰ BÁO CỦA CHUYÊN GIA MỸ
- FSB Nga: nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay tại Ai Cập là do khủng bố
- Thắng lợi của đảng Syriza: Hy vọng cho Hy Lạp và Châu Âu
- Người dân Hy Lạp đi tổng tuyển cử
- Tại sao EU cứu trợ cho Hylap nhiều hơn Ukraina?
- Yatsenyuk: Ukraina đã đóng cửa không phận cho máy bay Nga
Trả lời