Trong hơn 100 năm qua, các cấu trúc xã hội Việt Nam đã liên tục có sự thay đổi, kéo theo sự đổ vỡ của nhiều cấu trúc văn hóa sẵn có và một hệ quả không tránh khỏi là sự loạn chuẩn.
Hiểu một cách đầy đủ, giáo dục là “hệ thống của các hệ thống”: gia đình, nhà trường và xã hội. Đó là 3 cấu trúc có quy mô lớn nhỏ khác nhau, được hình thành theo những nguyên lý khác nhau nhưng lại luôn ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong quá trình tích hợp kiến thức, trui rèn kỹ năng sống, và hình thành nhân cách. Vì thế, khi đề cập đến sự suy thoái đạo đức xã hội, không thể không nghĩ đến những bất cập của các cấu trúc gia đình, nhà trường và xã hội.
1. Có một thực tế không thể phủ nhận là trong hơn 100 năm qua, các cấu trúc xã hội Việt Nam đã liên tục có sự thay đổi, kéo theo sự đổ vỡ của nhiều cấu trúc văn hóa sẵn có và một hệ quả không tránh khỏi là sự loạn chuẩn. Sự du nhập văn minh phương Tây từng bước đẩy lùi ảnh hưởng của mô thức nhà nước Khổng giáo và văn minh Nho học đã tồn tại hàng ngàn năm. Các giai đoạn khác nhau của cách mạng dân tộc – dân chủ phá bỏ hoàn toàn các cấu trúc xã hội cũ và từng bước loại bỏ các yếu tố văn hóa “được coi là cổ hủ, lạc hậu”. Đáng buồn, việc đánh giá/phân loại để lựa chọn ra các yếu tố này không phải lúc nào cũng chính xác. Và việc thực hiện chính sách “văn hóa mới” một thời gian dài chủ yếu theo phương pháp mệnh lênh, áp đặt, duy ý chí đã không mang lại những kết quả như mong đợi. Việc xác định các “chuẩn văn hóa quốc gia/dân tộc” cho đến nay vẫn còn lúng túng; các khái niệm về “giá trị văn hóa truyền thống” cũng như tiêu chí “văn hóa mới” còn mơ hồ, chưa mang những nội hàm cụ thể, khó có thể hiện thực hóa thành các chỉ tiêu trong các bản kế hoạch.
Từ sau 1986, Việt Nam đã có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức và hành động với việc đề cao hơn nữa sự tham gia của quần chúng nhân dân vào việc thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa theo hướng “vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc”. Bên cạnh những nỗ lực nội sinh và sự đồng thuận của người dân, việc thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa, cùng với quá trình đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã có nhiều cơ hội tiếp thu các giá trị văn minh nhân loại, tái tạo – bổ sung – làm giàu cho vốn văn hóa dân tộc/quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự nghiệp chấn hưng văn hóa không hề đơn giản. Bên cạnh những mặt tích cực, việc du nhập văn hóa ngoại lai cũng tạo ra nhiều thác thức, trong đó có các chuẩn văn hóa và lối sống không hoàn toàn phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống. Các sản phẩm văn hóa phương Tây như phim ảnh, âm nhạc, quan niệm về luyến ái, gia đình, v.v… ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ. Khi mà các “giá trị văn hóa Việt” chưa được xác định cụ thể, không có những giải pháp truyền bá phù hợp, lớp trẻ khó tránh khỏi sự mất phương hướng trong tư duy và hành động.
Giữa bối cảnh ấy, các hiện tượng tiêu cực của xã hội hiện nay như tham nhũng, hối lộ, chạy chức, bè phái… cũng được biết đến như một quốc nạn. Không chỉ được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, các hiện tượng tiêu cực hiển hiện hàng ngày trong từng ngõ xóm, từng khu phố và mọi người đều dễ dàng nhận thấy. Đối mặt với các tiêu cực, HỆ THỐNG THỰC THI PHÁP LUẬT LẠI LUÔN BỊ HOÀI NGHI VỀ TÍNH LIÊM MINH, CÔNG CHÍNH. Điều này thể hiện rõ qua việc xử lý các vụ tiêu cực trầm trọng ở Trung ương cũng như nhiều địa phương; qua số liệu về các vụ án oan sai, hiện tượng bức cung, mớm cung, làm giả tài liệu điều tra, để sót người, lọt tội, v.v… Xã hội luôn là một tấm gương cho lớp trẻ hướng đến học tập. Hiển nhiên, tất cả các hiện tượng tiêu cực kể trên không thể được coi là những tấm gương tốt.
2. Những bất cập trong công tác quản lý xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống nhà trường với nhiều biểu hiện khác nhau. Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về các tiêu cực trong nhà trường như bạo lực học đường, chạy trường/chạy lớp, trù úm đồng nghiệp hoặc học sinh, v.v… Thực ra, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, chưa nói lên được những vấn đề cốt tử của giáo dục nhà trường hiện nay.
Giáo dục vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là một “kênh truyền bá các giá trị văn hóa”. Nhà trường là một hệ thống cấu trúc bộ phận của cấu trúc xã hội tổng thể. Vì vậy, khi cấu trúc văn hóa xã hội vĩ mô bị tổn thương, đương nhiên cấu trúc nhà trường và dịch vụ giáo dục cũng bị tổn thương. Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay đã và đang phơi bày quá nhiều những khiếm khuyết và hạn chế. Các nhà quản lý giáo dục hiện nay đang hết sức lúng túng trong việc xác định quan điểm/phương châm chung: Nên phát triển một nền giáo dục khai phóng, lấy con người làm trung tâm hay vẫn duy trì một nền giáo dục theo quan điểm cũ, lấy việc áp đặt/nhồi nhét kiến thức làm nhiệm vụ chính?
Với phương châm giáo dục như hiện nay, nhà trường đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền chính trị và phần nào đó là trang bị các kiến thức “mà những người thầy nghĩ rằng học sinh cần phải biết”. Tuy nhiên, phương pháp áp đặt một chiều về mọi vấn đề đã không thể phát huy được tính chủ động sáng tạo, không tôi luyện được các kỹ năng sống cần thiết, làm xơ cứng tư duy nhận thức của học sinh và không thể cung cấp cho học sinh “những kiến thức mà chúng nghĩ rằng chúng cần phải biết”. Chính vì vậy, không thể nói rằng trong thời gian qua, nhà trường đã hoàn thành tốt sứ mạng phát triển nhân cách đạo đức cho con người.
3. Với tư cách là một tế bào thiết yếu của xã hội, gia đình vừa là điểm khởi đầu, vừa là điểm kết thúc của cấu trúc đan lồng trong xã hội Việt Nam. Gia đình vừa là nguồn cội sinh thành, là môi trường giáo dục đầu tiên; vừa là điểm hội tụ các kỹ năng sống, các giá trị văn hóa và tư tưởng nhân cách mà mỗi người tiếp thu được từ nhà trường cũng như xã hội nhưng đã được tái tạo, làm mới và nâng cao. Gia đình từng là chỗ dựa vật chất và tinh thần của mỗi người khi bước vào đời. Nhiều gia đình trong cùng một hệ thống tông tộc dựa trên huyết thống tạo nên dòng họ/gia tộc. Cố kết gia đình – dòng họ là một trong những thông số cơ bản của xã hội Việt Nam truyền thống. Trước khi chịu chế tài của xã hội, mỗi gia đình thường chịu sự chi phối của dòng họ/gia tộc. Chính từ cơ chế đặc thù này, văn hóa gia tộc và giáo dục gia đình/gia tộc có vai trò đặc biệt quan trọng.
Người Việt xưa nay vẫn có câu “nước có quốc pháp, nhà có gia quy”. Hiểu theo nghĩa hẹp, gia quy là những quy tắc ứng xử trong gia đình; hiểu theo nghĩa rộng, gia quy bao trùm cả dòng họ. Gia quy được xem là các quy tắc (thành văn hoặc bất thành văn) của văn hóa gia đình/gia tộc, thường được gọi theo cách khác là “nếp nhà”, là “gia phong lễ giáo”. Cùng những thăng trầm của đất nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, gia quy/văn hóa gia đình đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Vai trò của gia đình trong giáo dục kỹ năng sống và nhân cách đạo đức cũng có nhiều thay đổi. Đến nay, ở nhiều gia đình Việt, “nếp nhà”, “gia phong lễ giáo” đã bị đảo lộn hay thậm chí là hoàn toàn biến mất. Thay vì sự chi phối bởi quan hệ tình cảm huyết tộc, ngay trong nhiều gia đình, các quan hệ lợi ích, tiền hàng đã trở thành điểm quy chiếu phổ quát. Với nhiều cá nhân, gia đình không còn là mái ấm, cũng không còn là chỗ dựa tin cậy về vật chất cũng như tinh thần. Hơn nữa, trong gia đình, nếu cha mẹ không phải là tấm gương tốt, chắc chắn con cái sẽ bị ảnh hưởng xấu. Sự suy thoái nhân cách đạo đức đôi khi được bắt nguồn từ chính nguyên nhân này.
Từ những phân tích trên đây, tôi cho rằng, muốn chống suy thoái đạo đức xã hội và chấn hưng văn hóa, cần thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp chính: i) bên cạnh việc xác định cụ thể chuẩn văn hóa dân tộc/quốc gia, cần đảm bảo một nền luật pháp công chính, nghiêm minh; ii) trong giáo dục nhà trường, cần xác định rõ quan điểm khai phóng, lấy con người làm trung tâm; và iii) kiện toàn môi trường gia đình, coi đó vừa là điểm khởi đầu, vừa là nơi tích hợp các kết quả của hệ thống giáo dục tổng thể.
MAI THANH SƠN (TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN)
- Tại sao trẻ con đương thời không thiết học tập, không kiên nhẫn và rất khó khăn để vượt qua sự buồn chán.
- SỰ NGỘ NHẬN CỦA NGƯỜI VIỆT- NGƯỜI VIỆT TỐT?
- Trump sẽ gặp Putin tại Việt Nam
- Việt Nam từ chối dự án 2 tỷ $ với "Inter RAO"
- Obama yêu cầu Trung Quốc "không gồng mình bằng cơ bắp"
- Phổ thông trung học Ukraina theo cách mới
Trả lời