Ký sự: Ukaraina – Phía Đông có gì lạ?

Nhan đề của ký sự này tất nhiên không phải của tôi. Tôi mượn tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đức Erich M. Remarque (1898 – 1970) hầu như chỉ viết về chiến tranh, có lẽ, là nhà văn duy nhất viết về cả hai cuộc Thế chiến.

“Phía Tây không có gì lạ” là bản dịch từ tiếng Pháp xuất bản ở Hà Nội trước năm 1975, sát với tên nguyên bản tiếng Đức (Im Western nichs Neues) hơn là bản dịch của Sài Gòn thời ấy qua tiếng Anh: “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Phải chăng cái tên Ukraina giờ đây đã quá quen thuộc và ngay cả vùng nóng bỏng nhất là miền Đông Ukraina cũng không có gì lạ?

Kỳ I: Khởi đầu từ Kiev

Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đến Ukraina trong thời gian này. Mặc dù, hơn một năm nay, cái tên Ukraina đã được cả thế giới biết đến. Cũng giống như, cứ nói đến Việt Nam là người ta nghĩ đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Không thể so sánh mức độ, nhưng Ukraina cũng đang chìm đắm trong cuộc chiến, có thể không tàn khốc về sức hủy diệt của vũ khí, không quá nhiều người phải bỏ mạng, nhưng cũng không vì thế mà bớt đi thảm kịch, sự chia rẽ, hận thù đau đớn giữa những người anh em. Nó sẽ làm đất nước băng hoại, trì trệ và là bước lùi đằng đẵng của Ukraina.

Người làm báo lẽ ra phải có mơ ước một lần đến đất nước ấy. Thế nhưng tôi chưa hề nghĩ đến. Phải có cơ duyên chăng? Tôi được mời đi Nga trong một đoàn làm việc về vật liệu xây dựng chỉ đúng 3 ngày trước khi họ rời Hà Nội. Tổng Biên tập Báo Lao Động Trần Duy Phương biết rằng, chuyến đi Nga với tôi sẽ không có gì mới. Và anh gợi ý tôi nên đi Ukraina. Ban đầu tôi cũng thấy ngại. Không có gì đáng buồn hơn một người chỉ có cung Thiên Di là tốt nhất trong bảng tử vi nhưng nay đã là một gã giang hồ đau yếu mệt mỏi. Cao bồi già sợ thằng trẻ ranh, còn giang hồ già ngại cả việc xuống phố uống trà vặt. Nhưng rồi, tôi cũng không cưỡng nổi chuyến đi Ukraina bởi nhóm máu Đi vẫn còn đó trong cơ thể.

Mặc dù vậy, khi chia tay đoàn ở sân bay Seremetyevo (Moskva), tôi lại đặt câu hỏi, lẽ ra nên về, sao lại một mình đến một đất nước hoàn toàn chưa biết gì ấy? Tôi biết gì ngoài một chút thông tin qua các phương tiện truyền thông, ngoài một số tác phẩm văn học Nga-Soviet về một nước Ukraina đã khá xa xưa; ngoại trừ cuốn tiểu thuyết có cái tên khô khốc, rất đỗi lạ tai “Lược sử chiếc máy kéo bằng tiếng Ukraina” của một nhà văn gốc Ukraina nhưng sinh ra và lớn lên ở Anh – Maria Lewycka. Đây là một cuốn sách hay, viết lạ và đầy ắp tính chân xác lịch sử về đời sống người dân Ukraina những năm tháng cay đắng đó. Phải cảm ơn Nhà sách Nhã Nam đã tìm được cuốn sách ấy.

Sau này khi đến Kiev, tôi đã đến tượng đài kỷ niệm – chỉ tiếc rằng bảo tàng đang tu sửa – hàng triệu người Ukraina chết đói trong những năm 1932 – 1933 vì chính sách trưng thu lương thực tàn bạo của chế độ Stalin trong khi Ukraina lại là vựa lúa mỳ lớn nhất của cả Liên Xô.

Nhưng không sao! Tôi nhớ hình như F. Nietzsche đã viết: “Con người là cái gì đó cần phải vượt qua”. Vậy thì, đến một đất nước mới, có gì để e ngại?

Vừa được đi những bước đi đầu tiên trên đất Kiev, tôi đã quên đi nỗi cay đắng khi đất nước Ukraina đã “chào đón” tôi quá tệ. Tôi chọn sân bay nhỏ bé Zulyany cho gần Kiev, và cũng để mua vé rẻ hơn của một hãng hàng không Ukraina nhỏ. Sân bay không nhiều tuyến bay, nó tiện cho việc đón các chính khách và cũng là nơi để máy bay tư nhân. Vì thế nhà ga hệt như một sân bay tỉnh lẻ. Gã an ninh cửa khẩu trẻ như cậu học sinh vừa tốt nghiệp trung học, nhưng vì nghề nghiệp đã sớm có bộ mặt lạnh lùng, khinh bạc dù chưa “chuyên nghiệp” lắm ngó qua các hộ chiếu rồi hỏi tôi có Pa Ruski (nói tiếng Nga) không, rồi tiếp tục mà tôi lờ mờ hiểu rằng, “từ Moskva đến à?”.

Tôi đã cáu vì rõ ràng suốt cả buổi trưa này chỉ có một chuyến bay quốc tế từ Moskva đến, hẳn anh ta quá hiểu. Dù không thích hay nghi ngại các “quý ông từ Moskva đến” thì có lẽ anh ta cũng không nên như thế. Bất hạnh thay chỉ mình tôi là người Việt Nam. Nhưng tôi không đơn độc, một lát sau anh ta – giữ vị trí ở một cửa duy nhất dành cho khách không mang hộ chiếu Ukraina – chỉ tay tôi cùng 7 – 8 người có các quốc tịch khác nhau ra hàng ghế cuối phòng nhỏ hẹp chờ. Sau chừng nửa tiếng uống cà phê, hút thuốc chán chê, anh chàng sĩ quan trẻ vẫy tay tôi vào phòng riêng. Đã có 3 vị sĩ quan ngồi sẵn. Một anh không Pa Ruski nữa mà nói tiếng Anh khá tệ như tôi. Hỏi lằng nhằng mấy câu, anh ta bảo, có vé về không? Tôi bực mình, ở lại cái nước này làm gì và đưa vé điện tử tôi đã in sẵn ra giấy. Rồi xong. Vừa kéo cái túi ra, đã có 2 anh chị hải quan chờ sẵn. Cả phòng vắng ngắt. Tôi cáu thêm, “Mệt lắm rồi, tự mở ra đi!”.

Người đàn bà có lẽ nhìn bộ mặt tôi đang tức giận, biết rằng không thể kiếm chác gì, đưa tay như hất tôi ra khỏi sân bay.

Khi tôi kể với mọi người rằng, đây là chuyện chưa từng có với tôi khi ra nước ngoài thì có người nói kiểu chính trị, Ukraina đang có chuyện, anh lại từ Moskva đến, giá thử anh bay từ Pháp, từ Mỹ chẳng hạn thì… ngon lành. Nhưng phần đông lại khẳng định, người Việt mình bị kiểm tra dữ lắm, nhiều người sang để ở lại hoặc tìm đường sang Tây Âu, nên họ chẳng phân biệt loại hộ chiếu, cứ nắn, dân ta kém tiếng lại hay sợ nên phải đút tiền đã thành thông lệ. Mà phải, cả hệ thống chính quyền Ukraina đã bị phương Tây lên án về chuyện tham nhũng. Còn nhân dân đã từ lâu không còn mấy tin tưởng vào bộ máy công quyền. Có đến dăm triệu người rời bỏ Tổ quốc, phần lớn ra đi chỉ để kiếm miếng ăn hằng hàng ngày cho mình và gia đình.

Giờ, ở Kiev, tòa nhà riêng xa hoa lộng lẫy của Tổng thống chạy trốn V. Yanukoviych đã thành nơi tham quan lúc nào cũng đông cứng người, xe, trong khi lương hưu một người chỉ có khoảng 1.250 Grypna (dân Việt gọi tắt là g) với tỉ giá khi tôi mới sang, khoảng 14g mới ăn 1USD thì rõ ràng là quá khổ sở. Tôi cứ nghĩ đến những gì nhà văn K. Paustovsky kể về những năm tháng ông ở Kiev cùng thời với những nhà văn A.Kuprin, M. Bulgakov… A. Kuprin ngay từ năm 1896 đã viết dài kỳ trên báo, rồi xuất bản cuốn sách “Những kiểu người Kiev” rất tinh tế với giọng điệu phần lớn là giễu nhại được đánh giá cao. Tôi không và sẽ không bao giờ hiểu về người Kiev, chỉ biết dư luận thế giới nhìn nhận rằng, kể từ khi Ukraina độc lập, hàng ngũ lãnh đạo đất nước chưa bao giờ xứng tầm.

Tôi đang đi vào Kiev, mơ hồ nhớ lại những gì K. Pautovsky viết trong cuốn “Bông hồng vàng” đã từng được đọc cuối những năm 1960. Ông viết tính chuộng lạ của mình “Làm cho cái thành phố Kiev quen thuộc đến phát ngán của tôi thay đổi hẳn trong mắt tôi. Ráng chiều vàng bỗng lộng lẫy trong các công viên thành phố. Chớp loang loáng trong bóng đêm bên kia sông Dnepr. Tưởng chừng ở đó có một nước chưa ai biết đến – một đất nước đầy giông tố và ẩm thấp – tràn ngập tiếng lá chuyển động ào ào. Mùa xuân trút xuống thành phố cơ man nào là hoa dẻ vàng nhạt với những cánh lốm đốm đỏ. Hoa nhiều đến nỗi khi trời mưa chúng rơi xuống thành từng đống, ngăn nước mưa lại làm cho một số đường phố biến thành những hồ con. Nhưng sau cơn mưa thì bầu trời Kiev lại sáng như một vòm đá trắng…”.

Những ngày tôi qua lại Kiev không mưa, cả các thành phố khác tôi đến cũng thế. Và Kiev đã khác, rất khác so với những gì K. Pautovsky từng yêu quý, từng viết về nó.

9
Góc tưởng niệm một phần trong số những người đã chết ở Quảng trường Độc lập. Ảnh: Y Trang

Giờ ai đến Kiev, càng phải đến Maidan. Maidan được phiên âm từ tiếng Ukraina, có nghĩa là Quảng trường. Maidan giờ như là tên riêng của Quảng trường Độc lập, để mọi cái quảng trường khác ở Ukraina trở thành vô nghĩa. Cái từ ấy còn để nói đến cuộc Cách mạng màu Cam, những cuộc nổi dậy suốt hàng chục năm qua ở quảng trường này. Người Ukraina có tự hào không khi đóng góp cho thế giới cụm từ Euro maidan (có nghĩa là Euro Square)? Tất cả đều bắt đầu từ đây.
Những năm qua, một số cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền ở Bắc Phi có thể từ các thành phố nhỏ, không phải thủ đô, nhưng ở Ukraina là Kiev, là Maidan. Đến nỗi từ maidan đã thành câu cửa miệng của người Ukraina, kể cả người nước ngoài sống và làm việc ở đây nữa, đám Maidan có nghĩa là những người nổi dậy ủng hộ con đường đi đến Liên minh Châu Âu, nơi biểu thị thái độ chống những nhà lãnh đạo tham nhũng, và cũng là nơi để cho nhiều người dân có quyền ước mơ và hy vọng…

Đại lộ chính trước mặt Quảng trường Độc Lập đã trở lại dáng vẻ xưa, ngay cả con phố Khresatyk phía sau nó đã sửa xong – có một phần đóng góp nhỏ của cộng đồng người Việt tại Kiev. Tòa nhà Công đoàn sừng sững trước quảng trường hư hỏng nặng được quây hai mặt bằng những tấm panô khổng lồ với những dòng chữ tôn vinh nước Ukraina, tôn vinh thành phố. Nhưng những ký ức như vẫn còn nguyên. Nỗi đau thương không chỉ để trong lòng mỗi người mà đang còn phơi bày ở nơi bao ngày đầy tang thương và hỗn loạn. Hàng loạt panô dựng lại hình ảnh đỡ u ám hơn, chụp cảnh những người lính, công chức các ngành đang “tháo gỡ, băng bó vết thương”.

Dọc bên tường đi lên dốc phố, vẫn xếp hàng ảnh của người đã chết cùng cờ, hoa và nến… Thư, cả thơ nữa viết về họ, gửi tới linh hồn họ nỗi niềm của những người thân. Trong số đó, có một người làm nghề của chúng tôi, Vyatcheslav Verelyi, nhà báo người Kiev mới có 32 tuổi. Tôi gặp một bà già đang chùi nước mắt, một ông già đang viết gì đó trước tấm ảnh. Không dám hỏi và không nên hỏi. Họ đang làm gì? Người trong bức ảnh ấy là thế nào với họ? Lớp trẻ thì bước nhanh hơn và có thể một ngày nào đó, ở cái đất nước kỳ lạ này, họ lại có mặt ở đây, nhưng ở vị thế khác, làm việc khác…

Từ Maidan, những người dân Ukraina, Kiev đã tự chọn số phận cho đất nước mình. 10 năm trước, tháng 11.2004, cuộc Cách mạng Cam bùng phát bởi sự tranh giành giữa hai đối thủ cùng tên khác họ, Victor Yushenko và Victor Yanukovych. Thất bại nhưng V. Yanukovych lại chiến thắng vào năm 2010. Nhưng cũng đúng vào tháng 11, chín năm sau, cuộc nổi dậy có đến hàng chục vạn người, lớn nhất kể từ sau cuộc Cách mạng Cam ở Maidan kéo dài đến tháng 12.2014 đã đưa V. Yanukovych “lên đường” sang Nga sau khi có bao người đổ máu và mất mạng sống.

Nhà báo Daniel Sandford của BBC đã phải mô tả về Maidan: “Quảng trường trung tâm thành phố Kiev nhìn giống như quang cảnh của địa ngục”. Sự trốn chạy của ông ta đã để lại cho đất nước một thảm họa – dù rằng, trước sau nó cũng đến.

Đã có bao câu hỏi về hiện tại và tương lai của Ukraina mà chưa thể có sự trả lời thỏa mãn mọi người ở nhiều quan điểm chính trị khác nhau. Tại sao Ukraina lại có chiến tranh? Tại sao Ukraina lại cần sự giúp đỡ của phương Tây và muốn gia nhập Liên minh Châu Âu? Tại sao quân đội Nga lại giúp đỡ lực lượng nổi dậy? Tôi cứ nghĩ mãi, cứ tự hỏi rằng, có bao giờ Ukraina có thể quyết định số phận của mình. Rất khó và có lẽ cũng không nên hy vọng vào điều này.

10
Tượng đài Lenin ở Kharkov, lớn nhất của Ukraina bị phá bỏ tối ngày 28.9.2014. Ảnh: Y Trang

Tôi cũng không hứng thú đi tìm những nơi đẹp đẽ, những tòa nhà, giáo đường, nẻo phố lịch sử hàng ngàn năm của Kiev, một trong những thành phố cổ xưa nhất của Đông Âu nữa. Cũng không thể đắm say như một nhà văn tầm cỡ như K.Pautovky, dù cố học ở ông tính chuộng lạ.

Tôi trở về với cái cộng đồng nhỏ bé nhưng không mấy hòa thuận ở Kiev vậy. Tôi thích dân chợ, cánh áo ngắn mà chợ Troesina là đông những người đồng bào thật sự của tôi nhất. Ngoài ra tôi muốn tìm đến những người Việt ở tỉnh Donetsk (Oblast, tiếng Nga, Ukraina không dễ quy là tỉnh như ở ta) “đang ăn nhờ ở đậu” tại Kiev. Cũng là một cách để tìm hiểu về phía Đông, tìm đường về phía Đông để xem có gì lạ. Khi chiến sự nổ ra ở phía ấy, người Việt Donetsk chạy sang Odessa nơi có số lượng đồng bào thứ hai, ngược lên Kharkov – nơi cộng đồng đông nhất và nếu không có quen biết với tình đồng hương thì ngược hẳn lên thủ đô Kiev cho lành.

Anh Nguyễn Văn Thuân, Bí thư I, Phó lãnh sự kể với tôi, lúc ấy tình hình căng quá, Đại sứ Nguyễn Minh Trí chỉ thị chuẩn bị lều bạt để căng trên sân, trên vườn hoa của Đại sứ quán để đón người Việt tỵ nạn. Nhưng tòa Đại sứ chật hẹp không đủ điều kiện sinh hoạt. Rồi mọi việc phải nhờ đến tấm lòng của người Việt Kiev, và Trung tâm thương mại Cầu Vồng – Cty TNHH N-M đón tiếp hơn chục gia đình. Kiev không phải là chỗ dựa lâu dài bởi đất thủ đô đắt đỏ, không dễ làm ăn cũng như không thể ăn nhờ ở đậu lâu dài, hầu hết dân Việt đánh đường tìm về Kharkov, nơi từng là thủ đô Ukraina dưới thời Soviet cho đến tận năm 1934, và cũng là “thủ phủ” của người Việt. Tôi phải đi về về Odessa, cái cảng kinh tế yết hầu của Ukraina, nơi có nhiều bà con từ miền Donetsk kéo sang và dường như gió biển cũng làm người ta dễ thở hơn. Vậy nhưng, chuyện buôn bán của người Việt, cũng như các sắc tộc khác.

Tôi nhớ lần gặp cô Phương, người Yên Mỹ, Hưng Yên mới theo chồng sang năm 2008, chồng cô đến Ukraina năm 2001. Phương thuê Lát bán hàng, ăn ở vẫn phải nhờ, cô bảo cố bán nốt số hàng quần áo mang từ Donetsk về. Khó khăn quá, lại bỏ nhà cửa ở Donetsk mà không biết khi nào mới trở lại. Ngậm ngùi cô nói, “Bao giờ hoàn bình có lẽ cháu mới về được Donetsk”. Câu nói quá quen và rất lâu rồi tôi không còn được nghe nữa, bao giờ hòa bình trở lại… Tôi hỏi cô cách nào theo xe chở hàng để về trung tâm Donetsk. Rất khó cho những người như chúng tôi, nhưng nếu liều và có cơ may thì biết đâu đấy…

Tôi không đi con đường chạy theo Biển Đen và biển Azov để đến Mariupol, đến tỉnh lỵ Donetsk. Trở về Kiev, mua vé tàu nhanh đi Kharkov, nơi mà đúng ngày tôi sang, tôi 29.9, bức tượng lớn nhất của Lenin ở Ukraina bị giật đổ.

Từ đây tôi sẽ đi về phía Đông, tàu không thể đến trung tâm Donetsk, đi Mariupol cũng phải đi vòng. Phải đi ô tô, nhưng cũng “mua đường”, vòng tránh bằng con đường qua tỉnh Zapozihya…

(Mời đón đọc tiếp kỳ II)

Nguồi bài viết: Báo Lao Động


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề