Kinh tế Ukraina sụt giảm mạnh, kinh tế các nước Liên xô cũ bị tác động

Cơ quan thống kê quốc gia Ukraine ngày 15-5 cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 1-2015 của Ukraine suy giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, do bạo lực leo thang tại trung tâm công nghiệp ở miền đông.

Mức suy giảm mạnh như trên đã được các tổ chức quốc tế đoán trước, khi cuộc xung đột bạo lực giữa quân đội chính phủ với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine vẫn tiếp diễn, làm suy yếu hoạt động sản xuất công nghiệp của quốc gia Đông Âu này.

Trước đó một ngày, Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) dự báo GDP năm 2015 của Ukraine sẽ suy giảm 7,5% – mức giảm sâu hơn so với dự báo suy giảm 5% đưa ra vào tháng 1-2015.

Trong dự báo đưa ra vào cuối tháng 4-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh mức suy giảm kinh tế năm 2015 của Ukraine từ -2,3% xuống -7,5%. Theo WB, cuộc xung đột ở miền đông Ukraine là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng và để ngăn chặn nguy cơ, Ukraine cần nỗ lực ổn định tình hình tại miền đông và khôi phục hệ thống ngân hàng.

Cuộc xung đột tại miền đông kéo dài hơn một năm qua đã đẩy nền kinh tế Ukraine vào tình trạng suy sụp với đồng hryvnia Ukraine giảm giá xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lãi suất chạm đỉnh cao nhất 15 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Ukraine hiện đã lên mức 45,8% do đồng hryvnia bị mất giá “không phanh.”

Để ngăn chặn nguy cơ phá sản, chính quyền Ukraine đã đàm phán với các chủ nợ về khoản vay 15,9 tỉ euro (17,5 tỉ đô la Mỹ) trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính trị giá 40 tỉ đô la Mỹ kéo dài 4 năm.

Đến nay, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua khoản cứu trợ 17,5 tỉ đô la Mỹ cho Ukraine để nước này thực hiện những cải cách kinh tế, ngân sách và tiền tệ. Tuy nhiên, IMF cảnh báo kế hoạch cứu trợ sẽ bị phá hỏng nếu để xảy ra rắc rối chính trị tại Ukraine, vi phạm lệnh ngừng bắn được ký giữa chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai, hay thất bại trong việc dàn xếp lại nợ với các nhà cho vay tư nhân. Theo ước tính của IMF, Ukraine cần huy động 40 tỉ đô la Mỹ để tránh vỡ nợ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tới Kiev trước tin xấu về tình hình miền đông Ukraine

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Poroshenko có cuộc gặp Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu Victoria Nuland tại thủ đô Kiev, Ukraine, liên quan đến tình hình tại miền đông Ukraine và việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh: “Với Ukraine, hợp tác với Mỹ là vấn đề quan trọng sống còn. Chúng tôi đang tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận Minsk”.

Trong khi đó, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh việc các bên phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông Ukraine.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) thảo luận về tình hình miền đông Ukraine và việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, cuộc gặp này không mang lại bước tiến đáng kể để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn Minsk đạt được vào tháng 2-2015, tiếng đạn pháo vẫn vang lên xung quanh thị trấn ven biển Shyrokyne, gần thành phố chiến lược Mariupol tại miền đông Ukraine. Ukraine và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga cung cấp vũ khí và quân đội để hỗ trợ lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine. Trong khi đó, Nga bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng Ukraine liên tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.100 người.

Kinh tế Nga tác động tới các nước Liên xô cũ xấu hơn dự kiến

Ngày 15-5, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho biết tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế Nga tới các nước Liên xô cũ, đặc biệt là các nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga, lớn hơn dự kiến trước đó và sẽ kéo dài sang năm 2016.

Tình trạng đi xuống của nền kinh tế Nga bắt nguồn từ các biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây và giá dầu giảm mạnh. Theo dự báo mới nhất công bố tại cuộc họp thường niên của EBRD ở Tbilisi (Gruzia), GDP của Nga dự báo sẽ suy giảm 4,5% vào năm 2015 và suy giảm tiếp 1,8% vào năm 2016. EBRD vẫn đưa ra dự báo ảm đạm về nền kinh tế Nga dù có những ý kiến ở Nga cho rằng sự phục hồi của đồng rúp trong thời gian gần đây sẽ làm giảm nhẹ những thiệt hại kinh tế và kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2016.

Dưới tác động xấu của nền kinh tế Nga, EBRD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước thuộc Liên xô cũ. Cụ thể, GDP năm 2015 của Gruzia dự báo chỉ tăng 2,3% – giảm so với mức dự báo  trước đó là 4,2%; trong khi GDP năm 2015 của Moldova được dự báo có thể suy giảm 2%. Hai nước giàu tài nguyên dầu mỏ thuộc Liên xô cũ là Azerbaijan và Kazakhstan được dự báo chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015. Trong khi đó, nền kinh tế Belarus đối mặt với nguy cơ suy giảm 2,5% và nền kinh tế Armenia có khả năng suy giảm 1,5%.

Nga có thể nhận tiền bồi thường vụ Pháp không bàn giao tàu Mistral

Ngày 15-5, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Nga có thể nhận bồi thường vụ Pháp không bàn giao 2 tàu đổ bộ lớp Mistral ký kết năm 2011 bằng tiền hoặc hàng hóa. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí với phương án này.

Theo truyền thông Nga, phía Pháp đã đề xuất đền bù cho Nga 785 triệu euro để hủy bỏ hợp đồng cung cấp 2 tàu đổ bộ lớp Mistral, bị đình chỉ do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Quyết định tạm ngừng cung cấp cho Nga 2 tàu chiến trị giá 1,2 tỉ euro của Pháp diễn ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, tác động xấu đến quan hệ hai nước thời quan qua.

Anh Thư theo The Saigon Times


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề