Khi chim ưng quay đầu về hướng Đông

Giữa lúc Moscow vẫn trong vòng vây cấm vận của các nước phương Tây, chính sách “chim ưng hai đầu” của nước Nga đang hướng dần nhiều hơn nữa về hướng Đông và đích đến của họ là đất nước mà suốt một thời gian dài điện Kremlin luôn e dè: Trung Quốc.

Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít ở Moscow hôm 9-5, một hình ảnh nổi bật là Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục trao đổi với ông Tập Cận Bình ngồi cạnh. Ngay trước lễ kỷ niệm, hai ông cùng chứng kiến lễ ký kết 32 thỏa thuận song phương khác nhau giữa hai nước.

Đáng chú ý trong số này có bản lộ trình về phát triển Trung Á trong đó có hơn 6 tỉ đô la Mỹ Bắc Kinh sẽ đầu tư vào tuyến đường sắt ở Nga, thỏa thuận về an ninh thông tin mà người ta coi như thỏa thuận về “không gây hấn” trên không gian mạng. Cả hai cũng đạt được thỏa thuận về một quỹ đầu tư nông nghiệp trị giá 2 tỉ đô la Mỹ và một khoản tín dụng gần 1 tỉ đô la cho Ngân hàng Sberbank của Nga… Cùng lúc, Bắc Kinh đang đề nghị đầu tư 5,2 tỉ đô la Mỹ cho tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow với Kazan và về lâu dài sẽ được nối tới Trung Quốc.

Cuối tháng 4-2015, Hội đồng Liên bang Nga đã phê chuẩn hợp đồng được ký kết năm ngoái giữa Nga-Trung cung cấp 38 tỉ mét khối khí từ Siberia tới Trung Quốc trị giá khoảng 400 tỉ đô la Mỹ trong vòng 30 năm.
Tổng cộng, kim ngạch thương mại song phương đạt 95,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014 và dự kiến sẽ đạt 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Chuyển trục quân sự

Ngoài các thỏa thuận kinh tế, điểm rõ nét nhất của sự xoay trục của Nga chính là việc tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc. Trong chuyến thăm cuối tháng 4 tới Hàng Châu, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nói hai nước sẽ sớm hoàn tất kế hoạch phát triển chung máy bay trực thăng có thể sử dụng cho cả mục tiêu quân sự và dân sự.

Kế hoạch này có thể được ký trong tháng 5 trong khi cùng lúc hai bên đang tính toán việc phát triển cơ sở chung trên mặt trăng có trị giá tới 40 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc.

Các động thái này là dấu hiệu mới nhất về việc Nga mở rộng và chia sẻ với Trung Quốc về công nghệ quân sự và vũ trụ, lĩnh vực mà hai nước vốn là đối thủ trong thời gian dài và những nghi ngờ vẫn còn cho đến tận gần đây sau khi Liên Xô sụp đổ.

Nhưng mọi thứ đang thay đổi dần. Kremlin đang xích gần hơn bao giờ hết với Trung Nam Hải khi vòng vây phương Tây siết chặt Nga quanh chuyện Ukraine. Tháng 4 năm nay, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được phép mua hệ thống phòng không S-400, một trong những hệ thống vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới. Trước đó một tháng, theo The Moscow Times, tập đoàn hàng không Nga UAC nói dự án xây dựng máy bay hàng không thân rộng giữa hai nước sẽ hoàn tất vào năm 2021.

“Nga và Trung Quốc giờ, như chúng ta mong muốn, không chỉ là láng giềng mà còn là những nước có kết nối sâu với nhau”, trang web của UAC trích lời Phó Thủ tướng Nga Rogozin, người phụ trách về quốc phòng, nói.

Hợp tác quốc phòng sâu hơn giữa hai nước là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh hợp tác với Bắc Kinh khi Moscow vẫn trong vòng vây của cấm vận phương Tây. Sau gần một thập kỷ đàm phán, vào tháng 5-2014, Nga thông báo hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỉ đô la Mỹ với Trung Quốc trong vòng 30 năm tới. Cùng với đó là một loạt thỏa thuận thương mại khác.

Ben Moores, một nhà phân tích của cơ quan tư vấn quốc phòng IHS Jane’s cho rằng hợp tác không chỉ đơn thuần là vì câu chuyện Ukraine. “Đây là chính sách đã được cân nhắc từ lâu, Nga muốn dùng lợi thế kinh nghiệm để tham gia vào các dự án mới của Trung Quốc, vốn có rất nhiều tiền”, ông Moores nói với The Moscow Times.

Căn cứ mặt trăng, trực thăng Mi-26

Tháng 6-2014, Phó thủ tướng Rogozin thông báo Nga và Trung Quốc đang đàm phán để hiện đại hóa trực thăng Mi-26 từ thời Liên Xô. Theo RIA Novosti, phiên bản trực thăng mới sẽ nhẹ hơn nhưng sẽ vẫn chở được khối lượng 15 tấn như hiện tại.

Một dự án đáng chú ý nữa là khu căn cứ trên mặt trăng giữa Nga và Trung. Theo ông Rogozin, đây sẽ là cơ sở nghiên cứu mặt trăng chung giữa hai nước với sự kết hợp của cơ quan không gian Nga Roscosmos và phía Trung Quốc. Hiện Roscosmos đang kêu gọi 12.500 tỉ rúp (242 tỉ đô la Mỹ) cho dự án dự kiến đến năm 2050 này. Vẫn chưa rõ Moscow có chấp nhận chi một dự án lớn như vậy giữa bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện tại hay không. Theo hãng thông tấn TASS, ngoài dự án này, cơ quan định vị GPS GLONASS của Nga cũng có kế hoạch hợp tác với cơ quan định vị của Trung Quốc.

Đáng chú ý nhất về hợp tác đương nhiên là việc Nga chấp nhận cho Trung Quốc là nước đầu tiên bên ngoài được mua hệ thống phòng không S-400 hiện đại. Moscow có vẻ đã vượt qua nỗi sợ rằng việc bán vũ khí như vậy có thể dẫn tới việc Bắc Kinh nhanh chóng “thuổng” mất công nghệ của Nga và sử dụng vào các hệ thống trong nước.

Anatoly Isaikin, người đứng đầu cơ quan xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, nói Trung Quốc sẽ mua từ 4-6 hệ thống S-400 với tổng trị giá khoảng 3 tỉ đô la Mỹ.

S-400 là hệ thống hiện đại có thể đối phó với một loạt mục tiêu trên không cùng lúc ở khoảng cách 400 ki lô mét. Vassily Kashin nói với hãng thông tấn quốc phòng Nga, Bắc Kinh dự kiến sẽ nhận được hệ thống này vào năm 2017.

Một dự án lớn khác là việc xây dựng loại máy bay dân dụng mới. Cơ quan hàng không Nga (UAC) đã thông báo sẽ kết hợp với tập đoàn hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) để phát triển loại máy bay đường dài thân rộng mới.

Cuối tháng 3-2015, người đứng đầu UAC Yury Slyusar nói với tờ báo Vedomosti rằng máy bay mới sẽ được sản xuất trên diện rộng vào năm 2025 và ước tính dự án này sẽ có chi phí khoảng 13 tỉ đô la Mỹ. Phía Nga hiện kỳ vọng phần lớn chi phí này sẽ được Trung Quốc đầu tư.

Trong tháng này, sáu tàu chiến Nga và ba tàu chiến Trung Quốc cũng sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Địa Trung Hải, là lần đầu tiên mà cả hai cùng tập trận tại Địa Trung Hải sau các cuộc tập trận chung ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nguy cơ Nga phụ thuộc

Dù có quan hệ ấm nồng, Giáo sư Mark Galeotti, chuyên gia hàng đầu về Nga của Đại học NYU (Mỹ), trong một bài viết trên The Moscow Times chỉ ra nguy cơ Nga đang dần trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh. Trong quan hệ đang tốt lên nhanh chóng này, theo ông Galeotti, Moscow lúc này đang cần Bắc Kinh hơn rất nhiều so với chiều ngược lại và Bắc Kinh rất hiểu điều đó.

Trong dự án khí đốt 400 tỉ đô la, Bắc Kinh đã mặc cả quyết liệt khi biết rõ Putin đang rất cần tiền từ dự án. Kết quả là Bắc Kinh được giá vô cùng hời từ hợp đồng này. Theo ông Galeotti thì “Bắc Kinh không phải đặc biệt quan tâm đến các cơ hội ở Nga nếu không có lợi ích kinh tế trực tiếp với họ. Đó là năng lượng, các ngành khai khoáng khác và cơ sở hạ tầng để đưa năng lượng đó ra khỏi Nga đến Trung Quốc”. The New York Times trích lời Alexander Gabuyev, Giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại Viện Carnegie ở Moscow, nói “Nga cuối cùng đã hiểu Trung Quốc sẽ chỉ đầu tư nếu họ thấy có lợi”.

Kết luận của Giáo sư Galeotti là “trên nhiều khía cạnh Bắc Kinh không hẳn là bạn mà chỉ là kẻ cho vay nóng của Moscow. Họ muốn tận dụng khó khăn hiện tại của Nga để mua bất cứ thứ gì với giá hời hơn là giúp nước láng giềng của mình”.

Ngoài khía cạnh này, các hợp tác của Trung Quốc với Nga chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng trên thế giới.

Dmitri Trenin của Trung tâm Nghiên cứu Carnegie ở Moscow gần đây viết, “thay vì một Đại châu Âu từ Lisbon tới Vladivostock, một Đại châu Á từ Thượng Hải tới St. Petersburg đang hình thành”.

Theo Giáo sư Galeotti thì “nếu ai nghĩ rằng đây là Đại châu Á chi phối bởi Moscow thì sẽ sớm thất vọng. Trung Quốc có thời gian và tiền bạc trong tay. Putin có thể sẽ sớm nhận ra chuyển trục về châu Á chỉ là một vòng xoáy lốc.”

Vũ Văn (Theo TBKTSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề