Dù các bên vẫn giữ được niềm tin về triển vọng đàm phán song rõ ràng vẫn còn đó nhiều mâu thuẫn sâu sắc.
Đúng như dự đoán, vòng đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) về chương trình hạt nhân của Iran, bắt đầu từ ngày 19/11, đã không tạo được bước đột phá. Việc thêm một lần nữa lỡ hẹn thời hạn chót (24/11) khiến bế tắc suốt 12 năm qua của tiến trình đàm phán càng thêm nan giải.
Không phải lúc để từ bỏ
Sau năm ngày thảo luận liên tục, Iran và Nhóm P5+1 vẫn không giải quyết được hết bất đồng, đặc biệt về quy mô làm giàu urani và tiến độ nới lỏng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với quốc gia Hồi giáo này. Trong khi Mỹ và các nước muốn Iran giảm số lượng máy ly tâm hiện có để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đang gây tác động nặng nề lên nền kinh tế của nước này, chính quyền Tehran kiên quyết bảo vệ quyền được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và yêu cầu phương Tây phải ngừng phong tỏa các tài khoản của Iran ở ngân hàng nước ngoài.
Sau cùng, để những nỗ lực trước nay không bị “đổ sông đổ bể”, Iran và sáu cường quốc thế giới đã quyết định lùi hạn chót đàm phán đến ngày 1/7 năm sau, để tạo cơ hội đi tới một thỏa thuận toàn diện lâu dài. Đây là lần thứ hai các bên buộc phải lựa chọn phương án gia hạn, sau khi đã một lần đưa ra quyết định này cách đây bốn tháng khi thời hạn chót 24/7 bị bỏ lỡ.
Dẫu vậy, phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn rất lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ông khẳng định: “Hầu hết khác biệt đều đã được loại bỏ… Quan điểm của chúng tôi với các bên còn lại đã thu hẹp hơn”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết bởi lẽ các bên đã đạt nhiều tiến triển thật sự, vì vậy “giờ đây không phải là thời điểm để từ bỏ”. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán vừa qua là không vô ích và đã đánh dấu một bước quan trọng trong công việc khó khăn này mà chúng ta đều biết chắc rằng sẽ mang lại kết quả”.
Trên đài VOA, chuyên gia về Trung Đông Stephen Zunes thuộc Đại học San Francisco (Mỹ) nhận định việc kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân Iran dường như là điều không thể tránh được, bởi vì các bên đã dành ra rất nhiều công sức kể từ khi đạt thoả thuận tạm thời năm 2013. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng vẫn có một khoảng cách giữa lập trường của mỗi bên. “Iran muốn dỡ bỏ các biện pháp chế tài ngay tức thời, trong khi các nước phương Tây muốn việc dỡ bỏ được thực hiện từng bước trong một thời gian để bảo đảm chính phủ Iran tuân thủ các cam kết”, ông Zunes nói.
Giải pháp tạm thời
Trong thời gian gia hạn đàm phán, từ nay đến tháng 7/2015, một động thái mà tạp chí National Interest bình luận sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho thỏa thuận với Iran, đó là việc Mỹ và các nước phương Tây cho phép Iran được quyền tiếp cận khoảng 700 triệu USD mỗi tháng trong tài khoản của nước này ở các ngân hàng nước ngoài.
Mặt khác, theo Moscow Times, Iran có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ về kinh tế cũng như đối ngoại từ Nga và Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Iran tiết lộ: “Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với bạn bè quốc tế của mình và cung cấp cho họ nhiều cơ hội về thị trường tiềm năng của đất nước. Chúng tôi đồng quan điểm với Nga và Trung Quốc trong nhiều vấn đề”. Vì vậy, giới phân tích nhận định, cả hai cường quốc này đều có thể làm “lá chắn” cho Iran trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì họ có thể sử dụng quyền phủ quyết nhằm ngăn chặn sự mở rộng các biện pháp trừng phạt lên Tehran.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng cái giá của thất bại trong vòng đàm phán vừa qua được cảnh báo là không hề rẻ. Theo một bài viết trên mạng Al-Monitor, kết quả của cuộc đàm phán được cho là sẽ ảnh hưởng tới cục diện an ninh Trung Đông. Giờ đây các bên sẽ khó có cơ hội để cùng nhau bàn thảo các biện pháp đối phó với những thách thức an ninh ở khu vực, chẳng hạn như cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một kịch bản nguy hiểm hơn là căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang làm bùng phát cuộc xung đột mới ở khu vực. Đó là chưa kể vấn đề hạt nhân Iran đóng một vai trò quan trọng đối với tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân ở khu vực cũng như trên toàn cầu.
Thậm chí, như nhận định của tờ Foreign Policy ngày 25/11, việc kéo dài thời hạn đàm phán thêm một lần nữa chỉ là giải pháp “chữa cháy” tạm thời. Nhiều khả năng các cuộc thương lượng tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn và triển vọng về một thỏa thuận cuối cùng, toàn diện và lâu dài giữa các bên càng trở nên xa vời.
Nguồn: TG&VN
- Cũng vì các lệnh trừng phạt của Mỹ mà Nga buộc phải đình chỉ việc sản xuất hàng loạt máy bay, được gọi là đối thủ cạnh tranh với Boeing
- Israel sẵn sàng tiêu diệt S-300 khi nó được sử dụng ở Syria
- Crưm hoãn việc phụ thuộc năng lượng
- Israel đã không kích khu vực sát nách sân bay Damascus
- Iran sẽ đánh bật Nga khỏi thị trường năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ
- Nga chuẩn bị đón một thời chật vật vì dầu ở giá 30USD
Trả lời