Cư dân mạng lo lắng về luật hình sự mới của Trung Quốc

 

Ảnh chụp màn hình cho thấy Blogger Yêu nước Trung Quốc, tài khoản Sina Weibo của Chu Tiểu Bình và ảnh chân dung tự chụp gần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức tại Đại lễ đường Nhân dân, trong blog của mình, tại Bắc Kinh ngày 23/10/2014.

Ảnh chụp màn hình cho thấy Blogger Yêu nước Trung Quốc, tài khoản Sina Weibo của Chu Tiểu Bình và ảnh chân dung tự chụp gần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức tại Đại lễ đường Nhân dân, trong blog của mình, tại Bắc Kinh ngày 23/10/2014.

Trung Quốc đã bắt đầu thực thi một tập hợp những tu chính án luật hình sự mới trong đó quy định những hình phạt đối với người sử dụng Internet cho điều mà chính phủ gọi là “tung tin đồn trên mạng.”

Theo luật mới có hiệu lực vào ngày 1 tháng 11, khi cư dân mạng lan truyền “tin tức giả” qua Weibo và những mạng xã hội khác, hoặc đăng những thông điệp “bịa đặt tình hình giả tạo về mối nguy, bệnh tật, thiên tai, cảnh sát” trên những diễn đàn trên mạng, họ có thể bị truy tố và bị kết án lên đến bảy năm tù.

Nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Âu Bưu Phong nói với VOA rằng ông lo ngại chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng những luật này để dập tắt chỉ trích.

“Mục đích của luật mới là để đàn áp những nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền. Nhà chức trách Trung Quốc không cho phép chỉ trích,” ông nói. “Nhưng những nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Với luật mới này, chính quyền sẽ có thể đàn áp hơn nữa tự do ngôn luận, và gây ra nỗi sợ hãi cho cư dân mạng. ”

Ngô Bân, một nhà hoạt động nhân quyền, thắc mắc ai sẽ quyết định thông tin là giả và những tiêu chuẩn nào sẽ được sử dụng? Ông Ngô cũng đặt câu hỏi làm thế nào quyết định liệu bị cáo có “cố ý lan truyền tin tức sai giả hay không.”

Thông tin giả có chủ ý, hay sơ sót?

“Chính phủ đặt ra tiêu chuẩn riêng của họ, họ rất linh hoạt. Nếu họ muốn bắt bạn, họ sẽ nói rằng bạn cố tình lan truyền tin đồn. Đối với chúng tôi những người bất đồng chính kiến và chỉ trích chính phủ, họ sẽ làm mọi thứ có thể để làm như chúng tôi đã phạm tội vậy,” ông Ngô Bân nói.

Một số người dùng Internet Trung Quốc lo lắng chính phủ sẽ lạm dụng luật này. Một người dùng Internet cảnh báo những cư dân mạng khác “ngậm miệng và chỉ giao tiếp bằng mắt.” Một người khác nói: “Tin giả không đáng sợ. Điều thực sự đáng sợ là chính phủ buộc tội bạn lan truyền tin đồn trong khi bạn rõ ràng đang nói sự thật.”

Một số người tin rằng chính phủ Trung Quốc và truyền thông chính thức thường che giấu, hoặc nói dối về số người thương vong trong những vụ tai nạn, thiên tai, hoặc hoạt động của cảnh sát. Câu hỏi là liệu luật pháp cũng sẽ áp dụng cho họ.

Nhà bất đồng chính kiến Ngô Bân nói: “Chính phủ công khai nói dối và không bao giờ bị trừng phạt hoặc chịu trách nhiệm. Mọi người cần phải bình đẳng trước pháp luật. Chính phủ cũng nên bị trừng phạt.”

Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát Internet và bắt một số cư dân mạng về tội “lan truyền tin đồn” để làm gương.

Thí dụ, năm nay cảnh sát Bắc Kinh cáo buộc một người sử dụng Internet lan truyền tin đồn và kết án ông ta năm ngày câu lưu hành chính sau khi ông ta nói rằng mình nhìn thấy những nhà đầu tư tự sát trong vụ sụp đổ thị trường chứng khoán hồi tháng 7.

Sau vụ nổ lớn tại một nhà kho ở Thiên Tân vào tháng 8, chính quyền ban đầu im tiếng về số thương vong, nhưng khi hai người dùng Internet địa phương truyền đi những thông điệp nói rằng có 1.300 người tử vong, họ bị bắt và bị buộc tội lan truyền tin thất thiệt và gây rối trật tự công cộng. Họ cũng bị câu lưu hành chính.

Với luật mới, mức án cho tội “lan truyền tin đồn” là 3-7 năm tù, tùy thuộc vào việc chính phủ cho rằng “có những hậu quả nghiêm trọng” hay không.

Tuần trước, một báo cáo của Freedom House mang tên “Tự do trên mạng năm 2015” xếp Trung Quốc là nước xâm phạm tự do Internet nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề