Con đường Tơ lụa – con bài đối trọng với Xoay trục của Mỹ

Cùng với đề xuất về một khu vực tự do mậu dịch châu Á, chiến lược Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh là cách đối phó trực diện với chính sách tái cân bằng hay còn gọi là “xoay trục” về châu Á của Washington.

Theo Foreign Policy, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại Bắc Kinh năm nay, chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các hiệp định thương mại tự do của Mỹ và Trung Quốc.

7
Hai tuyến đường nằm trong dự án Con đường Tơ lụa mới mà Trung Quốc mong muốn xây dựng. Ảnh: Star Daily

Washington muốn thúc đẩy sự hình thành của hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của 12 nước, nhưng không bao gồm Trung Quốc. Bắc Kinh lại hy vọng thu hút thêm sự ủng hộ đối với hiệp định Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), một thỏa thuận với mức độ bao phủ hẹp hơn nhưng có Trung Quốc tham gia. Đây là động thái mà nhiều chuyên gia nhận định là cách để Bắc Kinh chống lại chính sách tái cân bằng châu Á của Washington.

Tuy nhiên, FTAAP không hẳn là câu trả lời mạnh mẽ và trực diện nhất của Trung Quốc đối với hiệp định TPP. Thay vào đó, chiến lược Con đường Tơ lụa, một tổ hợp các điều khoản liên quan tới thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng, mới thật sự là con át chủ bài của Bắc Kinh nhằm đối chọi với Washington.

Đây là chiến lược do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc với các nước láng giềng phía tây và đông nam. Kế hoạch dựa trên nền tảng tuyến giao thương nổi tiếng nối Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á, trong khoảng thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ X.

Với Con đường Tơ lụa, Bắc Kinh cũng mong muốn làm bền chặt thêm mối liên kết giữa Trung Quốc và các nước bằng hợp tác thương mại, đầu tư, năng lượng và xây dựng hạ tầng, đồng thời, từ đó quốc tế hóa tiền tệ của nước này.

Hôm 8/11, trong một cuộc họp với lãnh đạo nhiều nươc trong khu vực, ông Tập thông báo chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường Tơ lụa nhằm tập trung xây dựng “tuyến giao thông, đường sắt, bến cảng, sân bay xuyên qua Trung và Nam Á”, theo Reuters.

TPP hay Con đường Tơ lụa

Washington tin rằng TPP sẽ khiến Trung Quốc có động thái phản ứng và đều có lợi cho Mỹ.

Đầu tiên, những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn lao động và điều kiện môi trường của TPP sẽ tạo thế khó cho Trung Quốc, loại họ ra khỏi một khối thương mại lớn và đầy tiềm năng ngay trên chính sân sau của mình. Hoặc có thể Trung Quốc sẽ nhiệt tình tham gia và trở thành một quốc gia cởi mở hơn về kinh tế.

Các nước trong khu vực châu Á lại hy vọng rằng TPP sẽ khiến Trung Quốc thay đổi thái độ, nhiệt tình hơn với các cuộc đàm phán, từ đó có sự kiềm chế trong các xung đột lãnh thổ.

Nhưng đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẽ thuận theo các kỳ vọng này bởi chiến lược Con đường Tơ lụa có khả năng đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích hơn khi đem ra so sánh với TPP.

Con đường Tơ lụa không đề ra bất kỳ tiêu chuẩn nào ngoại trừ ý tưởng không rõ ràng về một lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia.

TPP tìm cách giảm thiểu vai trò của chính phủ trong hoạt động của thị trường và hạn chế tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế thành viên. Kế hoạch Con đường Tơ lụa, ngược lại, chủ yếu dựa vào sự phối hợp của chính quyền cấp cao nhất, đồng thời, gia tăng quyền lực của công ty nhà nước và chính phủ.

TPP tập trung vào mảng dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và quy tắc trong từng quốc gia. Con đường Tơ lụa thì nhắm vào việc tạo dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, giao dịch trong lĩnh vực năng lượng và vận tải, cũng như tái phân bổ các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa.

Nhiều nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu Trung Quốc nhìn nhận TPP có thể khiến Bắc Kinh suy yếu. Đó là một chính sách “thay đổi hiện trạng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới”, Foreign Policy dẫn lời Gu Gouda, giáo sư tại Đại học Chiết Giang, mới đây nhận xét trong một bài viết trên tạp chí Probe. Một vài người khác cũng tin rằng những thay đổi mà TPP yêu cầu quanh các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, lao động, môi trường, kinh tế số và sản xuất chuỗi cung ứng, sẽ là mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống chính trị xã hội hiện tại của Trung Quốc.

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đang ra sức tìm cách gây dựng bản thân trở thành một nền kinh tế và thể chế tương đương với Mỹ. APEC năm nay dường như chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa TPP và FTAAP. Tuy nhiên, khi nhắc tới cuộc chiến thật sự nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, không thể không kể tên Con đường Tơ lụa.

Nguồn: Foreign Policy/VnExpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề