Tương lai nào cho nước Nga khi giá dầu tụt giảm?

Nước Nga đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin trở lại nắm quyền. Chính sách bao vây kinh tế của phương Tây và sự sụt giảm giá dầu khiến Nga đang lao đao. Điều gì sẽ đến với nước Nga trong tương lai

Một nước Nga cô độc.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên giá dầu giảm gây ra những khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dầu vốn đem lại một phần lớn thu nhập quốc gia của nước Nga, nhưng nếu như những lần giảm giá dầu khác chỉ có tác dụng khiến ngân sách vốn một nửa đến từ xuất khẩu dầu của Nga bị giảm sút, thì việc giá dầu tụt xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua và vẫn có chiều hướng tiếp tục giảm ở thời điểm hiện tại lại đang có nguy cơ trở thành cú đánh mạnh nhất đe dọa đánh gục nền kinh tế vốn đang đối mặt với đủ mọi vấn đề của xứ sở bạch dương.

Nước Nga đang thực sự phải đối mặt với một nguy cơ tụt dốc của nền kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Đồng Rup đang là đồng tiền có tốc độ mất giá nhanh nhất thế giới trong thời gian qua, hàng hóa khan hiếm và lạm phát tăng vọt đe dọa đẩy nền kinh tế Nga vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Tất cả đều bắt nguồn từ những căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh việc Nga sát nhập bán đảo Crimea, đã dẫn đến việc Mỹ và EU đã áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Các lệnh trừng phạt này cộng với những bất ổn đã và đang dẫn tới những hậu quả trầm trọng cho nền kinh tế Nga.

Trước hết, nó ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị đồng Rup, việc khan hiếm ngoại tệ do các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến đồng Rup đang có tốc độ mất giá vào loại hàng đầu thế giới; và nghịch lý là những động thái được coi là trả đũa của chính phủ Nga, như cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ và EU, lại càng khiến giá cả tăng vọt do hàng hóa trở nên khan hiếm và đồng Rup mất giá nhanh hơn.

Đồng Rup mất giá với tốc độ chóng mặt buộc chính phủ Nga phải sử dụng đến quỹ dự trữ ngoại hối để làm chậm lại đà mất giá của đồng tiền quốc gia. Chỉ tính riêng từ tháng 9 tới nay, gần 4 tỉ USD đã được ngân hàng trung ương Nga tung ra để giữ giá đồng Rup. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm gần 60 tỉ USD kể từ đầu năm và đang có nguy cơ tụt giảm hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, việc giá dầu chạm đáy thấp nhất trong gần 3 năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại trong tương lai gần đang là một đòn chí mạng giáng vào nền kinh tế Nga. Nếu giá dầu không tăng trở lại, ngân sách Nga sẽ tiếp tục bị đe dọa nặng nề trong khi vẫn phải tiếp tục phải nới hầu bao để giữ giá đồng Rup và tránh những tác động khó lường về chính trị và xã hội. Chỉ tính riêng trong tháng 9, lạm phát ở Nga đã lên tới 8% và gần như sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Một sự cô lập, cả về chính trị và kinh tế, đang bủa vây nước Nga và gây ra những hậu quả nặng nề cho quốc gia Đông Âu này.

Tương lai nào cho nước Nga?

Tình trạng bị cô lập kinh tế gần như sẽ không thể chấm dứt trong tương lai gần khi chính phủ của Tổng thống Putin vẫn tiếp tục đường lối cứng rắn và không nhượng bộ. Để thoát khỏi tình trạng cô lập về kinh tế và chính trị, Nga đã chọn cách xích lại gần Trung Quốc.

Sự ủng hộ về chính trị và những cam kết thương mại có giá trị lớn, đặc biệt là những hợp đồng mua khí tài quân sự quy mô lớn của cường quốc Châu Á sẽ mang lại một giải pháp kép cho những vấn đề cả về chính trị lẫn kinh tế mà nước Nga đang phải đối mặt. Nhưng liệu đó phải là một giải pháp lâu dài.

Liệu pháp mang tên Trung Quốc sẽ giúp Nga giải quyết tình hình khó khăn trước mắt của nền kinh tế, nhưng sẽ không phải là một giải pháp bền vững để vực dậy nền kinh tế Nga về lâu về dài. Hướng phát triển dựa vào xuất khẩu dầu và vũ khí của xứ sở bạch dương đang ngày càng trở nên bấp bênh và buộc nước Nga phải có một lối đi khác.

Về lâu dài, Nga vẫn cần phải hàn gắn lại mối quan hệ kinh tế với Mỹ và EU, những thị trường quan trọng nhất của hàng hóa Nga và cũng là những nhà đầu tư quan trọng hàng đầu có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nền kinh tế Nga.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này cũng đã cho thấy ảnh hưởng của kinh tế phương Tây đối với nền kinh tế Nga lớn hơn so với dự đoán của nhiều người và một sự cô lập một lần nữa có thể đẩy Nga vào một cuộc suy thoái khác. Mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Nga và phương Tây đang ngày càng lớn, đặc biệt là về phía Nga.

Trừ khi Nga quay trở lại mô hình kinh tế khép kín thời Liên Xô, còn một khi đã tham gia vào guồng quay kinh tế toàn cầu, Nga sẽ phải chấp nhận một số luật chơi mà sự phủ nhận nó sẽ chỉ khiến Nga chịu thiệt thòi.

Nguồn: BizLive


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề