“Thực chất đây là sự cạnh tranh giữa hai siêu cường. Do vậy phải nghiên cứu thật kỹ vì không khéo mình đứng giữa hai làn đạn. Còn những gì Trung Quốc vi phạm thì đương nhiên Việt Nam cương quyết đấu tranh”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng nói.
Ngày 2/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội – đã chia sẻ với báo chí những vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn
Từ khi Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành cường quốc biển, còn Mỹ quyết định xoay trục sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thì tình hình biển Đông ngày càng nóng hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?
Biển Đông tuyến hàng hải hết sức quan trọng cho nên nó là mối quan tâm, lợi ích chung của nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Đối với Trung Quốc, một điều rõ ràng là họ có xu hướng mở rộng, độc chiếm Biển Đông. Điều đó cho thấy Biển Đông là khu vực nhạy cảm, do vậy, phải bảo đảm lợi ích giữa các nước trong hòa bình. Còn nếu xảy ra xung đột, không chỉ riêng chúng ta mà nhiều nước bị thiệt hại.
Vậy Việt Nam ứng xử thế nào trong các mối quan hệ liên quan đến lợi ích giữa hai cường quốc này?
Ở những vùng biển quốc tế, quyền lợi giữa các nước là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không có chuyện anh to, anh bé. Còn khi người khác xâm phạm đến chủ quyền của mình thì mình phải bảo vệ trước chứ không thể tôn trọng lợi ích nào cả.
Trước sự việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ đã đem tàu chiến và máy bay bay qua khu vực này để khẳng định tự do hàng hải. Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng có những tuyên bố rất cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông nhìn nhận thế nào thái độ đó của Mỹ trong thời gian qua?
Đây là vấn đề lợi ích của các nước lớn, đan xen, lợi dụng lẫn nhau, còn Việt Nam như đứng giữa hai làn đạn. Do vậy, theo tôi mình phải cương quyết, nhất quán, không ngả về bên nào. Ứng xử vấn đề này phải rất khéo léo, cái gì tranh thủ được thì phải tranh thủ, còn cái gì ảnh hưởng đến quyền lợi thì mình phải cương quyết.
Kiên quyết đấu tranh những gì Trung Quốc vi phạm
Chiều ngày 5/6, Quốc hội sẽ họp riêng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, sau đó Quốc hội có ra Nghị quyết hay thông báo để cử tri nắm được tình hình hay không?
Trong chương trình trước đó thì không có, thế nhưng trước sự phức tạp tình hình, Quốc hội sẽ họp riêng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông vào chiều 5/6 tới. Còn việc ra Nghị quyết thì Quốc hội phải có cả một quy trình cụ thể. Thực tế đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ.
Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông như xây cảng, sây bay quân sự, đưa pháo ra các đảo ở Trường Sa còn nghiêm trọng hơn cả sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 trước đây? Do vậy, nhiều cử tri cho rằng, phản ứng của ta hiện nay là chưa tương xứng với tình hình?
Thực chất đây là sự cạnh trang giữa hai siêu cường. Do vậy, vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ vì không khéo mình đứng giữa hai làn đạn. Còn những gì Trung Quốc vi phạm thì đương nhiên Việt Nam cương quyết đấu tranh.
Trước khi sang đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Thượng nghị sĩ John McCain có chia sẻ gì về vấn đề biển Đông không?
Ông John McCain còn phản đối việc Trung Quốc tôn tạo, xây đắp trái phép các bãi đá, đảo ở biển Đông gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước trên thế giới vì đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Trước hành động của Trung Quốc, ông John McCain mong muốn các bên dùng biện pháp hòa bình để đảm bảo vấn đề an ninh trong khu vực.
Việc Mỹ mở cửa bán vũ khí sát thương cho Việt Nam liệu có là điều kiện để ta tăng cường năng lực quốc phòng, bảo đảm vấn đề an ninh Biển Đông?
Có thể nói, việc Mỹ mở cửa bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mang ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Tức là độ tin cậy của Việt Nam trong vấn đề hội nhập ở mức cao hơn. Khi độ tin cậy cao hơn thì các xu hướng hợp tác thuận lợi hơn nhiều.
Việc Mỹ mở cửa như vậy, còn Việt Nam mua như thế nào thì phải cân nhắc, tính toán kỹ. Vì thực chất tiềm lực quốc phòng của mình trên biển mình không thiếu, nhưng sử dụng lúc nào, có nên sử dụng hay không hay dùng liệu pháp hòa bình? Nói như thế không phải là chủ quan nhưng khả năng của mình là cũng đảm bảo được.
Xin cảm ơn ông!
Trí Lê (Theo Dân Trí)
- Trung Quốc ngày càng lộ rõ bộ mặt của kẻ giang hồ
- Henry Kissinger đã bán Hoàng Sa cho Trung Quốc như thế nào?
- Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa là khởi đầu của cuộc khủng hoảng Biển Đông
- Mỹ sẽ triển khai 8 căn cứ quân sự ở Philippines
- Ông John McCain: Mỹ đang thiếu những hành động quyết liệt ở Biển Đông
- Trung Quốc lại kéo giàn khoan Hải Dương 981 ra Biển Đông
Trả lời