Trang Trung Quốc bình luận thông tấn xã ngày 05/04/2015 đăng tải bài viết “Trò chơi địa chính trị trên Biển Đông, Trung Quốc cần nâng cao cảnh giác” cho rằng, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, không ngừng can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, xúi giục họ khiêu khích, cổ vũ các bên tố cáo và tạo thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, buộc Trung Quốc phải hành động đáp trả.
Trong vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc đã khiến quan hệ hai nước trở nên tồi tệ, tờ báo này ngang nhiên cho rằng, nhờ sự tác động của tư tưởng “vì lợi ích chung” mà Trung Quốc chủ trương, cuối năm 2014 quan hệ hai nước đã đạt được bước đột phá.
Hai nhà lãnh đạo đã đạt được “sự kiểm soát tốt những sự khác biệt trên biển, nỗ lực lựa chọn các biện pháp để kiềm chế không để tranh chấp mở rộng, phức tạp hơn”, tích cực tìm ra các biện pháp và cơ chế mới để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Bên cạnh đó, âm mưu của Mỹ là lợi dụng tranh chấp lãnh hải của Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc bị thất bại, Mỹ vì vậy cũng mất đi một quân cờ địa chính trị có hiệu lực.
Ngoài ra, Mỹ còn tập trung hỗ trợ một quốc gia láng giềng khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là Philippines, với ý đồ nắm trong tay một nước cờ địa chính trị mới.
Hồi giữa tháng 01/2015, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel trong chuyến thăm Philippines, đã thổi phồng tình hình căng thẳng ở Biển Đông, cổ vũ cho Philippines, đồng thời cam kết một khi phát sinh xung đột vũ trang ở Biển Đông, Mỹ sẽ không ngại đứng về phía Philippines.
Sau Mỹ có sự tham gia của Nhật Bản, tạo thành một nhóm hành động Biển Đông đối phó với Trung Quốc. Cuối tháng 01/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thăm Nhật Bản và ký một biên bản ghi nhớ tăng cường quan hệ quốc phòng Nhật – Philippines. Hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh cùng nhau đối phó với các thách thức trong tranh chấp trên Biển Đông.
Trong tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ, Nhật và Philippines đã hợp lực với nhau tạo chiến lược kiềm chế Mỹ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh địa chính trị của Trung Quốc, tác động nghiêm trọng đến tình hình địa chính trị trong khu vực Đông Á.
Trang mạng của Trung Quốc cho rằng, trên thực tế, các quốc gia ASEAN không hy vọng có bất kỳ một nước lớn nào chỉ đạo chi phối tình hình trong khu vực, vì vậy trước sự nổi lên của Trung Quốc, các nước này mong muốn các nước lớn can thiệp vào khu vực chỉ nhằm mục đích cân bằng lực lượng với sự nổi lên không ngừng của Trung Quốc. Từ các bài học trong lịch sử có thể thấy, bất kỳ trò chơi địa chính trị giữa các nước lớn nào, các nước nhỏ luôn luôn trở thành “con tốt thí mạng” cho trò chơi chiến lược của các nước lớn.
NguyenTanDung.org
Trả lời