Việc Trung Quốc khiêu khích gây bất ổn trên Biển Đông bằng những hành động đơn phương trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của kiều bào VN tại nước ngoài. Cộng đồng Việt kiều tại Mỹ đã thể hiện sự bất bình bằng làn sóng nói không với hàng Trung Quốc. Điều này được tờ Los Angeles Times ghi nhận và Một Thế giới xin trích đăng.
Los Angeles Times dẫn dắt câu chuyện bằng việc kể về cô gái Anne Le rời khỏi nhà hàng hải sản Westminster Boulevard với thực đơn trong tay. Le nhanh chóng gọi điện cho hôn phu để khoe về 8 món ăn trong tiệc cưới truyền thống sắp tới của họ.
“Tôm hùm, nấm sò, tổ yến, cua, súp măng tây…” Trong lúc Le đang hào hứng kể thì Eric Huynh chen ngang: “Trước khi em đặt tiệc thì phải xem nguồn gốc nguyên liệu các món”. Anh bạn trai Huynh đã gắng cắt mạch cảm hứng của hôn thê bằng việc nhắc nhở không dùng hàng “made in China”.
Trên các đường phố của Little Saigon, việc hỏi thăm nguồn gốc mỗi sản phẩm như kiểu anh Huynh kể trên đã trở thành quan trọng và là yếu tố hàng đầu để Việt kiều lựa chọn khi mua sắm
Hành vi ngang ngược của Trung Quốc cưỡng chiếm Biển Đông đã đi vào cuộc sống hàng ngày trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam. Trong nhiều tháng, cộng đồng Việt ngày càng tức giận khi Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong tuyên bố chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép một phần).
Các nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt đã tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles, diễu hành trên đường phố Little Saigon để phản đối Trung Quốc.
“Tôi không có những suy nghĩ mạnh mẽ, nhưng tôi không muốn làm phiền lòng các khách dự cưới của tôi”, chị Le nói về kế hoạch đám cưới của mình nhằm thể hiện ý chí của cộng người Việt tại Mỹ quyết tẩy chay hàng Trung Quốc. “Khi chúng ta sống ở nước ngoài, chúng ta luôn luôn phải xem những gì đang xảy ra với cố hương. Nó có tác động ngay tới hành động của chúng ta”.
Thang Tran, chủ công ty du lịch ATNT tại Westminster, cho biết ông cảm thấy phải có trách nhiệm ngưng tổ chức các tour tới Trung Quốc. “Là một người Việt Nam, tôi không thể làm ăn với những kẻ không có ý định tốt đối với Việt Nam. Hơn nữa, còn rất nhiều nơi khác để tới trên thế giới này”
“Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể tiếp cận và lấy bất cứ điều gì họ muốn,” Hoang Tran, một Việt Kiều từ Santa Ana đã tham gia cuộc biểu tình tại Little Saigon và Los Angeles cho biết. “Họ rất cường bạo trong khi Việt Nam lại là một nước nhỏ – chúng ta phải lên tiếng cho quyền lợi của chúng ta. Điều gì xảy ra nếu họ tiếp tục lăm le vùng đất khác?”
Thanh Nguyen Thien, một người quay phim cho kênh Saigon Broadcasting Television Network đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc liên quan đến biển đảo. Và khi không phải quay phim thì ông cũng tham gia biểu tình chống việc làm sai trái của Trung Quốc.
Trong nhiều tháng, ông đã lãnh đạo người biểu tình đến trung tâm mua sắm kêu gọi không dùng hàng Trung Quốc. “Tôi muốn người dân trong nước luôn luôn biết rằng thế hệ trẻ ở đây quan tâm đến họ”, ông Nguyen nói.
Los Angeles đánh giá các tranh chấp ở Biển Đông khuấy động tâm lý của người Việt Nam vốn luôn đấu tranh chống 1.000 năm Bắc thuộc.
Jeffrey Wasserstrom, một giáo sư lịch sử UC Irvine, nói rằng Trung Quốc bây giờ dường như đang muốn trở về với vai trò của họ trước đây: là kẻ xâm lược và muốn áp đặt quyền thống trị lên khu vực. “Nếu bạn đang sống ở khu vực châu Á, đây (Trung Quốc) là quốc gia khiến bạn phải lo lắng nhiều nhất,” Wasserstrom nói. “Trung Quốc dường như không bao giờ hài lòng với thứ mà họ đang có”.
Nguồn: Một Thế giới
Trả lời