Tôi mong mỏi Miss Saigon đỡ cái ngọt nhức đầu, mong Thorakao làm ra nước hoa mùi nghệ, mong những đấng sáng tạo mùi hương nước nhà bước qua được cái bóng khổng lồ của làng nước hoa thế giới, thôi đuổi hình bắt bóng với những mùi hương đã thành tên tuổi mà mang thúng mang võng đi đánh bắt những mùi hương “made in Việt Nam” còn đang thong dong ngoài kia…
Nàng cứ tấm tắc kể với tôi về xà bông Cô Ba. Cái thứ xà bông dầu dừa, cứng thật là cứng, màu vàng đục sần sùi, cả đến mùi thơm cũng nửa chừng ngai ngái. Thế mà nàng yêu lắm. Cô nàng của tôi – môi đỏ chót, móng tay chải chuốt điệu đà, không bao giờ đi ra đường mà không ăn diện, thế mà cứ vấn vương mãi cái mùi dầu dừa xà bông Cô Ba.
Nàng cũng kể với tôi rằng Saigon Square hồi bữa có quầy nhỏ xíu bán mấy mùi hương gọi tên nào là Hà Nội, nào là Sài Gòn, mà mùi… ra mùi lắm. Thế mà tôi – đứa gò lưng bán chữ về các mùi hương – lúc mò vào Saigon Square thì chỉ còn thấy toàn quần áo Quảng Châu và nhạc chát xình từ các quầy băng đĩa sao chép, còn xà bông Cô Ba thì đã tuyệt chủng từ đời nào. Ngoài mùi dầu gió Trường Sơn, tôi ít biết đến mùi hương nào mang danh “Made in Vietnam”.
Diptyque có hai chai nước hoa mang tên địa danh Việt Nam hẳn hoi: Tam Đảo và Đồ Sơn. Nhưng Diptyque lại là nhãn hàng Pháp trứ danh. Người Pháp ngửi mùi của Việt Nam khác người Việt ngửi mùi Việt lắm chứ. Dầu gió Trường Sơn tôi ngửi thấy là muốn ốm, nhưng vẫn ngửi, như là đang ngửi thấy trưa hè oi bức nào đó bà ngoại tóc bạc phơ vấn khăn xức dầu đi ra đi vào sân nắng. Thế là tôi mong mỏi Miss Saigon đỡ cái ngọt nhức đầu kia đi, mong Thorakao làm ra nước hoa mùi nghệ cũng được, mong những đấng sáng tạo mùi hương nước nhà bước qua được cái bóng khổng lồ của làng nước hoa thế giới, thôi đuổi hình bắt bóng với những mùi hương đã thành tên tuổi mà mang thúng mang võng đi đánh bắt những mùi hương đẹp đẽ của Việt Nam còn đang thong dong ngoài kia.
Tôi nói chuyện với một cô gái yêu Việt Nam trong một quán cà phê nằm trên tầng hai của tòa nhà chung cư xưa cũ. Mắt cô sáng lên khi kể cho tôi nghe về ánh sáng buổi hoàng hôn trên sông Sài Gòn, khi gió mang về cái mùi xanh mênh mang của sông nước, nhấn thêm một chấm ấm nóng của nước sông về chiều, và cả một chút tanh của bùn lầy. Thế là cô cho ra mùi hương lá lục bình và hoa chanh, cái mùi mà cô gái yêu xà bông Cô Ba của tôi bảo hít vào như là được ôm tay bố ngày nhỏ khi ông mới đi làm vườn về. Tình yêu của cô bạn tôi với Việt Nam được lãng mạn hóa, được phủ lên cái rực rỡ Đông Dương của một tiểu thư nước Anh, nên Cochine cũng dịu dàng và lãng mạn như thế. Và tôi kết luận rằng để ôm gom được tình yêu cho một vùng đất vào chai lọ, tình yêu ấy phải được xé từ những mảnh ký ức long lanh, và cái hy vọng không lay động vào vùng đất kia cứ mãi trọn vẹn đẹp đẽ như thế. Những cô bạn gái của tôi, mỗi tháng tư là rồ dại lên với loa kèn Hà Nội, mùa hạ là ngây ngất với sen hồ Tây, hoa sữa dọc Đà Nẵng, rồi mùi mênh mang mùa nước nổi miền Tây, và đám mùi già linh thiêng ngày Tết. Những cô bạn gái ấy nằng nặc đòi tôi chia sẻ chai dầu thơm mùi sen tôi mua rẻ hều ở Bangkok về, bởi nốt sen ấy đem về cả một lãng mạn – đam mê – đau đáu – ngây thơ – sôi nổi – hờn ghen – tự lập – người vợ – người mẹ trong họ, những cô gái “Made in Vietnam” của tôi!
Tôi vẫn chăm chú theo dõi những chai nước hoa “Made in Vietnam” ra mắt tương đối đều đặn trên các quầy kính sáng bóng của siêu thị hoặc sân bay, vẫn thảng thấy mùi thân quen của một nốt nào xa lắm, và vẫn mong chờ cái nốt sẽ gợi lại mạnh mẽ những mảnh ký ức khác nhau của người Việt được gom về một mối, và vẽ lên một ngàn cái đẹp đẽ của đất nước mình.
Theo Đẹp Online
Trả lời