Nói với đồng hương về Maidan

“Nhiều người Việt ta sống tại Ukraine không muốn đất nước này thay đổi. Họ chỉ coi nơi đây đơn thuần là chỗ để họ kiếm tiền”.

Thân tặng bạn Trần Chung Tú

Tôi tuy người Việt nhưng lại trót sống ở tận xứ Ukraine xa xôi. Mà cái xứ này thì hơn một năm nay nổi tiếng như cồn với Maidan, với khái niệm “phát-xít”, với chuyện Crimea tự nhiên bị “sáp nhập”, với cuộc chiến không tuyên bố của nước Nga tại vùng Donbas… ai mà chẳng biết. Chuyện còn thế này nữa, tôi cũng ti toe có tài khoản trên mạng Facebook nên cũng tham gia các trang FB tùm lum, thế là xảy ra chuyện. Cũng chả phải chuyện to lớn gì nhưng khổ nỗi lại làm tôi trăn trở suốt cả năm nay.

Đến mấy hôm trước, một người bạn FB gửi cho tôi một link bài báo có tiêu đề “Giấy gọi ra… nghĩa địa” của một đồng bào sống tại Odessa đăng trên một tờ báo ở Việt Nam về tình hình tuyển quân tại Ukraine. Bạn tôi buồn, chán và thất vọng vì người Việt của mình. Tôi thì đã buồn chán và thất vọng từ cả tuần trước rồi, sau khi chồng tôi đến gặp đại diện của Hội Hữu nghị Ukraine – Việt Nam để hoàn thành công đoạn cuối cùng cho việc tham gia vào Hội.

Chồng tôi kể rằng anh bạn làm việc trong Hội rất vui vẻ, nhưng trong câu chuyện làm quà cùng anh, chồng tôi đã đắng lòng khi anh ấy kể rằng Bộ Ngoại giao Ukraine đã thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối truyền thông Việt Nam liên tục đưa tin thiên vị về tình hình Ukraine. Thế là tôi nghĩ về trang FB tôi tham gia bấy lâu nay, nghĩ về điều tôi trăn trở đã bao ngày tháng mà chưa thể viết được thành lời.

vì sao có những người Việt đang sống tại Ukraine và không hề bị bạc đãi mà lại có cái nhìn bạc bẽo đến vậy với đất nước này?

Cảm ơn người bạn đã gửi cho tôi đường dẫn bài viết nói trên, bởi bạn đã cho tôi có đủ lòng dũng cảm để cố tìm lời đáp cho câu hỏi: vì sao có những người Việt đang sống tại Ukraine và không hề bị bạc đãi mà lại có cái nhìn bạc bẽo đến vậy với đất nước này?

Trước hết, tôi không nói về những cái nick rất đẹp (thường mang tên các cô nàng) gọi Putin là “thánh”, vì tôi e rằng nếu đụng vào những kẻ này thì chắc thế giới sẽ có thêm vài thảm kịch giống vụ khủng bố vừa rồi ở Paris. Thôi cứ để họ phong thánh cho thần tượng của mình. Sau nữa, các đối tượng sống ở Việt Nam và điên cuồng xông pha vào các trang mạng có hơi hướng liên quan đến Ukraine để bôi nhọ, để hả hê cũng không khiến tôi quá chú tâm: họ có nhiệm vụ bảo vệ chế độ hay bảo vệ nồi cơm của họ.

Tôi chỉ muốn nói về những người Việt đang sống tại ngay chính mảnh đất này, gồm khá nhiều thành phần: có người đã sống ở đây từ thời Xô-viết, có người được anh em họ hàng “kéo” sang đây làm ăn, có người lưu lạc từ Nga về đây sau những vụ vỡ Dom 5, đóng cửa chợ Vòm, trốn tránh bắt bớ xua đuổi bởi chính sách nhập cư của Nga… Thôi thì rất nhiều hoàn cảnh nhưng chung quy, chủ yếu lý do để người Việt có mặt tại mảnh đất này là để kiếm tiền và sinh kế.

Kể từ khi Maidan xảy ra vào cuối tháng 11-2013, ngay trong cộng đồng người Việt cũng phân hóa. Một số anh chị thì uất hận vì “đang yên đang lành, Maidan làm cho việc buôn bán của chúng tôi thất bát”. Các bà con ở Donetsk thì còn tức tối hơn nữa vì tiếc của, “công sức cả đời của chúng tôi bỗng dưng bị mất trắng ai mà chẳng xót” (!!!). Tôi cũng sống ở nơi này quá nửa thời gian tôi có mặt trên trái đất này, và chắc chắn tôi cũng xót xa như các anh chị nếu một ngày nào đó tôi phải đứng trước sự lựa chọn. Và chắc rằng ai cũng thế.

Nhưng tôi chợt nghĩ, các cụ ngày xưa có nói “thiên tai, địch họa”, ai mà lường trước được những gì sẽ xảy ra. Các anh chị đã sống và làm việc ở đây nửa đời người, nghĩa là ít nhất trong mấy chục năm đó đất nước này đã thay tổ quốc Việt Nam gánh vác trách nhiệm tạo công ăn việc làm để các anh chị có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Chắc chẳng có ai trong số các anh chị phải mang tiền bạc từ Việt Nam sang đây để cống hiến cho nước sở tại mà chỉ có ngược lại, khi các anh chị có chút ít dư thừa thì ai cũng gửi về quê nhà.

Vậy hôm nay, các anh chị sao lại trách cứ những việc không thể lường trước được? Maidan không kêu gọi chiến tranh, Maidan chỉ kêu gọi thay đổi theo hướng dân chủ và nhân bản của Châu Âu. Còn chiến tranh là do những kẻ muốn chiến tranh gây ra. Một số anh chị thì tuyên bố rằng, “tôi trung lập”. Vâng tôi sẽ hiểu là các anh chị bàng quan, trung lập nếu các anh chị im lặng, nhưng một khi các anh chị viết báo hoặc có các ý kiến trên công luận thì không thể còn trung lập.

Tôi được đào tạo nghề phiên dịch, một nghề chắc chắn đòi hỏi sự trung lập. Bởi vậy, tôi biết rõ hơn ai hết, việc sử dụng ngôn từ khi dịch chỉ riêng với các đại từ nhân xưng, các thể động từ bị động cũng đủ nói lên thái độ của người dịch đối với sự việc. Vậy xin hỏi các anh chị có thực sự trung lập hay không khi cung cấp thông tin đến công chúng? Các anh chị có thể nói rằng, “vâng, tôi không trung lập, nhưng những tin tức tôi đưa đều có thật”! Hoàn toàn không biết những gì các anh chị đưa ra “thật” đến mức độ nào, nhưng rõ ràng trong thời buổi thế giới là cả một biển thông tin như hiện nay thì những “thông tin có thật” ấy có thực sự là đại diện cho toàn xã hội hay không?

… các anh chị đưa ra thông tin “thật” đến mức độ nào??

Ngay trong cộng đồng người Việt tại Ukraine, việc sinh con rồi bỏ rơi cho các bà giữ trẻ, thậm chí bán con… đã bị báo chí Ukraine nói đến không chỉ một lần, các anh chị sẽ nói gì khi một người kém hiểu biết nào đó, đọc được những bài báo đó nhất định cho rằng tất cả người Việt ở Ukraine chỉ là những kẻ tàn bạo bỏ rơi con cái không một lần đoái hoài? Và chắc suy nghĩ đó của người bạn đó sẽ được củng cố hơn nữa khi đầy rẫy trên báo chí Việt Nam là tin cướp bóc, giết người, bạo hành người già, trẻ em…

Vâng, tôi cho rằng việc lựa chọn thông tin cũng là một cách trực tiếp nói lên quan điểm của mình. Thêm một ngụy biện nữa của các anh các chị, “tôi yêu đất nước Ukraine nhưng tôi căm ghét chính quyền hiện nay ở Ukraine!”. Thưa các anh các chị, tôi và chắc cũng nhiều người như tôi, cả người Việt cũng như người Ukraine không yêu và cũng không ghét chính quyền này. Họ chỉ là những người buộc phải thừa hành nhiệm vụ và đáng thương thay cho họ, nhiệm kỳ làm việc của họ là một nhiệm kỳ khó khăn gần như không thể khó khăn hơn đối với bất cứ chính quyền nào.

Chúng tôi không yêu, không ghét mà thông cảm với họ cho đến khi nào còn thông cảm được, nếu họ lại quay trở về lối mòn cũ của những chính quyền trước, nếu họ phản bội lại lợi ích của dân tộc thì dù có là ai, họ cũng phải ra đi – một Maidan mới sẽ chờ đợi họ! Và hơn nữa, lý do các anh chị thù ghét chính quyền này sao thật mù mờ, không hiểu nổi! Nếu tổng kết lại, chắc chung quy chỉ vì bọn này “ăn bả Phương Tây – Mỹ” đòi tự do dân chủ. Vậy liệu có cần phải nhắc rằng đường lối không đổi của đất nước này suốt hơn hai chục năm nay là tiến tới hòa nhập Châu Âu?

Và chính nhờ đường lối ấy mà luật nhập cư ở đây dễ dàng hơn nhiều nước mà các anh chị đang hâm mộ. Như có một bạn khá nổi tiếng trong số các bạn đưa tin (mà nhiều người trong số chúng ta đều biết) từng tuyên bố, “tôi căm ghét bọn miền Tây, tôi không muốn chung sống với họ”. Vâng, hiển nhiên rồi, bạn không muốn chung sống với họ nên bạn đã không còn ở nơi này (một việc làm đúng đắn, hơn nhiều kẻ căm ghét chính quyền nhưng vẫn ngồi đây la ó) nhưng “bọn miền Tây” có điều gì để bạn căm ghét?

Bạn mới chỉ căm ghét hay đã căm ghét từ lâu rồi, bởi rõ ràng “bọn miền Tây” này đã sống ở đây hàng thế kỷ nay, trước khi bạn có mặt ở đây? Tôi không thấy có gì khác giữa người miền Tây và miền Đông, họ đều là chủ nhân của đất nước mà tôi là khách. Suốt ba tháng trời họ sống trong những căn lều dã chiến ở Maidan, tôi thường gặp họ. Họ vui tươi, họ chân thật. Giữa một đại lộ Kreshachik đầy các cửa hàng bán đồ hiệu, có những chiếc áo lông thú giá 50.000 USD, những chiếc đồng hồ hàng trăm nghìn đô-la, nhưng chưa hề có một ô kính nào bị đập, một cửa hàng nào bị tấn công.

Trong cả một biển người khổng lồ đến hàng chục nghìn người trong các buổi “họp mặt nhân dân” (nguyên văn từ tiếng Nga “Вече”), tôi không cần phải giữ chặt miệng túi xách tay mà vẫn đeo lủng lẳng nó ở bên mình mà quên rằng trong đó có ví tiền và điện thoại. Những ai sống ở Kiev những ngày sau biến cố có thể chứng thực lời tôi, cả gần một tháng trời không có cảnh sát giao thông trên đường, không có bóng dáng cảnh sát đi tuần nhưng chúng tôi vẫn sống và làm việc tốt.

Vậy lý do gì để bạn, một người khách đến tá túc ở đất nước này căm ghét người ở một vùng miền nào đấy của xứ sở ấy (đến đây tôi có liên tưởng buồn cười vì đã từng đọc những bài viết trên báo Việt ta kiểu “không nhận người Thanh Hóa vào làm việc”, “cái bọn Bắc Kỳ”, “bọn Hà Nội”…). Thực tế, tôi không nhìn thấy lý do nào chính đáng cho tình cảm yêu ghét ấy, ngoài lý do chủ quan ở chính bạn.

Các bạn đưa ra “bằng chứng”, bảo đó là “bọn phát-xít” với “bằng cứ” là những đoạn video trên mạng Youtube về những thanh niên có dấu thập ngoặc trên cánh tay áo, những tuyên bố mang tính dân tộc của thủ lĩnh Right Sector (phải nói cho rõ, đây là một tổ chức được hình thành chính trong quá trình diễn ra Maidan chứ không phải có thâm niên từ trước) hay của thủ lĩnh Đảng Dân tộc Tự do.

Cần nói rằng tôi sống trong hơi thở của Maidan và chưa bao giờ nhìn thấy dấu thập ngoặc trên tay áo ai đó ở khắp cả thành phố này chứ chưa nói đến bị kỳ thị theo kiểu phát-xít. Các đảng viên Đảng Tự do hè nhau lật đổ tượng Lenin và ở một vài tỉnh lẻ, cả tượng các chiến sĩ Hồng quân, thì câu trả lời cho những hành động quá khích của họ là họ thậm chí còn không thu đủ số phiếu để đưa đảng họ có mặt trong Quốc hội. Vậy điều gì khiến các bạn bức xúc đến vậy?

Vâng, tôi một bà nội trợ sống giữa nồi niêu và bát đĩa, thỉnh thoảng rỗi rãi lướt mạng xem tin tức thế thái nhân tình, luôn đặt ra cho mình câu hỏi đầy trăn trở: điều gì đã làm cho một bộ phận không nhỏ người Việt sống tại Ukraine lại căm thù Maidan, căm thù chính quyền này? Xin trở lại với khá nhiều comment trên mạng xã hội của người Việt khi chúng tôi nói ra những gì được chứng kiến về Maidan: “Đừng tuyên truyền để Maidan xảy ra ở Việt Nam. Chúng tôi muốn sự yên ổn”.

Và tôi cũng xin nhắc lại mục đích của Maidan mà tôi đã nói ở trên. Maidan không cổ vũ chiến tranh. Maidan đòi hỏi sự thay đổi đến tận cùng thể chế xã hội, đòi một xã hội công bằng và minh bạch. Điều này tất cả có thể thấy rõ, không có một cái tên nào được tung hô suốt quá trình xảy ra cách mạng, không một thần tượng cá nhân nào được đưa ra như một lãnh tụ tinh thần. Khắp mọi nơi chỉ có hình ảnh của nhà thơ, nhà hội họa lỗi lạc của dân tộc từ thế kỷ 19 Taras Shevchenco.

Có nghĩa là tất cả những ai đảm bảo sẽ đưa đất nước đi theo con đường đổi mới đều được nhân dân đón vào lòng, còn những gì đi trái với mong muốn ấy sớm muộn đều sẽ bị tẩy chay.

Đến đây tôi nghĩ rằng mình đã hiểu. Nhiều người Việt ta sống tại Ukraine không muốn đất nước này thay đổi. Họ chỉ coi nơi đây đơn thuần là chỗ để họ kiếm tiền. Đất nước đổi thay nghĩa là họ sẽ phải một lần nữa thích ứng với những thay đổi đó, có thể tốt và có thể không. Con bò tạm thời không còn sữa để người Việt chúng ta vắt nữa, vậy nó còn có ý nghĩa gì! Những ai thương con bò đã phục vụ chúng ta thì sẽ yêu thương nó, còn những ai vội vã cho công cuộc làm giàu hoặc tiếp tục làm giàu thì đổ lỗi cho con bò sao bỗng dưng “ăn bả” Phương Tây để rồi hết sữa!

Và vốn chẳng gắn bó với đất nước này bằng tình yêu thương đích thực của một con dân, họ nào có xá gì khi trút những ấm ức của mình dưới cái vỏ “xót của”, “trung lập”, “chỉ nói sự thật”, “yêu đất nước nhưng ghét chính quyền”, v.v…

Bây giờ đang vào dịp gần tết Ất Mùi, sân bay Borispol nhộn nhịp hẳn lên bởi người Việt gần như tập trung về đây để bay về nước. Người thì vì khó khăn quá sẽ về nhà hẳn (lại thêm một gánh nặng công ăn việc làm cho tổ quốc Việt Nam), người về ăn Tết cùng người thân rồi sẽ quay trở lại. Tại sân bay, có hôm một nhóm người Việt từ thành phố xa đến quá giang để bay về Việt Nam gặp chồng tôi đi tiễn người quen. Họ hỏi thăm, “anh ơi, chồng em sang đây bây giờ về quá hạn visa thì làm thế nào để không rắc rối?”.

Chồng tôi hướng dẫn, “anh chị đi vào chỗ kia, gặp nhân viên chức năng, làm biên bản, nộp phạt ở quầy thu ngân chỗ kia”. Mấy người đi cùng họ mách nước ngay, “ôi dào, kẹp vào hộ chiếu một ngàn Hryvnia, nếu nó không cho qua thì kẹp thêm ngàn nữa…”. Đến đây tôi xin không viết tiếp nữa. Biết làm sao được. Trong huyết quản của tôi chảy dòng máu Lạc Hồng, thôi đành lòng đi cùng với nỗi buồn này bởi người Việt ta muốn giải quyết mọi việc theo cách của mình và không muốn thay đổi.

Buồn ơi, chào mi!

Nguyễn Hồng Giang
viết từ Kiev

Theo nhipcauthegioi


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 12 phản hồi cho bài viết “Nói với đồng hương về Maidan”:

  1. Vinh Nguyen viết:

    Nguyễn Hồng Giang просто молодец ! đã nói thẳng,nói thật những nỗi niềm mà đồng hương ta nhiều người cứ lăn tăn từ bấy lâu nay. Bởi vì quả thực lượng đồng hương có quan điểm như trong bài này hầu như rất nhiều, lắm lúc mình cứ nghĩ hay do trình độ dân trí? nhưng có lẽ không phải , mà đúng ra văn hóa hòa nhập của người VN ta ở nơi đây đang thực sự còn hạn chế và nó là cả một vấn đề không phải tồn tại trong một ,hai năm nay khi khủng hoảng kinh tế và chiến tranh xảy ra mà lâu lắm rồi, nhưng thời điểm này thì bộc lộ nhiều nhất và rõ nét nhất. Con người và đất nước Ukraina thật tuyệt vời, trình độ dân trí cao, họ rất thông cảm cho tình hình hiện nay,cho đất nước, cho lãnh đạo, bởi vì tình huống như thế này cả gần thế kỷ nay chưa bao giờ chạm phải , do vậy muốn hay hay không thì đồng hương chúng ta có sự lựa chọn, và không ai ép buộc chúng ta ở lại hay rời bỏ Ukraina này cả. Mong quý đồng hương hiểu cho, và nhân dịp năm mới chúc tất cả mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

  2. Hoàng Lan viết:

    Những lời giải đáp rất rõ ràng cho những gì đang diễn ra. Cứ cho đằng sau CQ hiện tại là Mỹ và EU thì họ vẫn làm mọi thứ trong phạm vi pháp luật, còn Nga thì đã vượt quá giới hạn, ngay cả dưới chiêu bài ly khai thì nó cũng chỉ qua mặt được những con người mê muội. Yanukovich thân Nga cầm quyền đã bao lâu đã làm cho Ukraina tham nhũng tràn lan, cơ hội cho thân Nga đã hết, hãy dành cơ hội cho những người thân Mỹ-EU xem ra làm sao ta sẽ thấy kết quả liền sau 5-10 năm nữa Ukraina sẽ lột xác.

  3. Hồng Giang Nguyễn viết:

    Dạ , Anh Vinh Nguyễn, bài này em viết chắc chừng một tháng trước rồi ạ , nó có tên là ” Buồn ơi , chào mi” vì ý em muốn nói đến sự thụ động của người Việt chúng ta và vì chúng ta là người Việt nên chúng ta đành chung sống với nỗi buồn ấy vậy . Ở một diễn đàn khác , em có nói về nỗi buồn này như sau ạ : đọc lại bài của chính mình mà thấy buồn cho người Việt chúng ta. Chúng ta dù ở đâu, trong nước hay ngoài nước có lẽ đều sợ sự thay đổi , thôi thì bị ức hiếp cũng được , chịu thiệt thòi cũng được nhưng đừng có thay đổi vì thay đổi chẳng biết có hơn được cái đã có hay không !!! Và chúng ta chịu đựng , và chúng ta gọi đó là sự ổn định !!!
    Cảm ơn các anh chị em đã chia sẻ mặc dù mình đã nghĩ rằng nếu bài này được đăng , chắc mình sẽ hứng cả rổ gạch đá đấy ạ .

  4. Vuanh Nguyen viết:

    Trong bài chị Nguyễn Hồng Giang đã đưa ra chi tiết về Right Sector được hình thành trong quá trình Maidan là chưa chính xác. Right Sector đã được hình thành trước đó từ lâu. RS là tập hợp của vài nhóm theo chủ nghía dân tộc cực đoan. RS là một tổ chức bán quân sự mà các thành viên được đào tạo, huấn luyện khá bài bản. Ai huấn luyện, RS lấy kinh phí từ đâu là một dấu hỏi lớn.
    Thêm nữa, mục tiêu lúc đầu của Maidan là đấu tranh ôn hòa. Với sự tham gia của RS, Maidan đã không còn ôn hòa nữa. Đỉnh điểm là cuộc tấn công chiến dinh Tổng thống mà các phần tử RS đi đầu. Có thể dễ dàng tìm thấy video các binh lính đứng thành hàng chịu trận cho những kẻ cực đoan ném đá, quật xích sắt, dùng cả xe ủi để đẩy hàng rào cảnh sát. Việc leo thang từ biểu tình hòa bình dẫn đến xung đột vũ trang ở Maidan có thể thấy tiến trình cố tình do RS gây ra để tiến hành lật đổ chính quyền.
    Nếu không có những đảng, những kẻ cực đoan lãnh đạo hay can thiệp vào chính quyền U hậu Yanukovich thì có lẽ tình hình U đã khác đi chứ không tồi tệ như thế này
     

  5. Vadim Tetudo viết:

    Một bà nội trợ từ con phe chuyển nghề mà cũng bon chen lập phây định hướng dư luận thì nước Tiểu Nga này loạn thật rồi!

    1. Anh Lan viết:

      Nên nghĩ ngược lại, đó là Nga Putin đã làm gì và những kẻ Cuồng Nga vượt trên cả đạo lý như thế nào để chị Giang phải thốt thành lời. Cảm ơn chị đã có bài viết rất hay và ý nghĩa.

  6. Nguyen Duc Huy viết:

    Vadim Tetudo, ban nen noi cho ro rang “ba noi tro” la ai.Neu do la Nguyễn Hồng Giang thi xin loi ban la tat ca chung ta deu binh dang va chuyenj lap facebook la quyen rieng cua moi nguoi cho khong phai la “bon chen” nhu ban viet.Con cai nuoc “tieu Nga’ no nam o dau vay ban?Toi tim mai ten ban do ma chang thay dau het!

  7. Hoàng Xuân Kiểm viết:

    Vuanh Nguyen lại cũng không hòa toàn đúng. 1) Right Sector đúng là xuất hiện lần đầu vào thời kỳ Euromaydan như Hồng Giang Nguyễn viết. Tuy nhiên nó lại được tập hợp từ 3 tổ chức dân tộc chủ nghĩa đã có trước đó: Trezub, Patriot Ukraina và Đại hội dân tộc Ukraina thành tổ chức chung được gọi là “Phái cực hữu” (Right Sector). Ba tổ chức hợp thành là tiền thân, và tổ chức có mặt sớm nhất là vào năm 2004 (trezub), về sau mới cuất hiện thêm 2 tổ chức nữa vào năm 2008. 2) Điển thứ 2 cái sai sự thật thể hiện ở chỗ không phải các lực lượng này tấn công vào dinh tổng thống với xe ủi đi trước, mà thực chất người ta đã chứng minh đây là một vụ khiêu khích của chính quyền Yanukovich để lấy cớ đàn áp biểu tình. Vở kịch này được dựng lên thông qua một tổ chức gọi là “Huynh đệ trắng” mà người cầm cầm đầu tổ chức này hiện nay đã trốn khỏi Ukraina (khả năng là ơ Nga rồi). Hiện đã có lệnh truy nã hắn ta – Korchinskiy (tóc đã bạc, có ria mép, dáng không lấy gì dễ mến). Chính Korchinskiy chỉ huy chiếc xe ủi tiến vào cảnh sát trước cửa Phủ tổng thống. hãy xem lại video vụ này sẽ nhận ra mặt hắn. Đơn giản thôi, thời nào cũng có kẻ phản bội, kẻ xu nịnh và sẵn sàng làm tiền trên máu của đồng bào mình, kể cả ở Vn ta thì cũng không loại trừ. 

  8. nguyễn viết:

    tham vọng quyền lực của một số chính trị gia và các ông trùm tài phiệt đã đẩy người dân ucraina vào cuộc chiến và sự chia rẽ.
    các vị có thể dùng bài viết trên để biện hộ cho quan điểm của mình và tự an ủi bản thân nhưng hãy gạt đi cái cảm xúc cá nhân mà nhìn vào thực tế , hệ thống lại các vấn đề các vị sẽ nhận ra ai là kẻ muốn đất nước ucraina thanh bình biến thành bãi chiến trường đầy mùi thuốc súng và chết chóc . hãy là người việt độc lập trong suy nghĩ đừng để thần tượng âu mỹ xô đẩy ngả nghiêng quan điểm của mình.
    bản thân tôi đang sống ở phương tây nhưng không vì vậy mà mình nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện .sự chia rẽ ở ucraina mỹ là thủ phạm và EU là đồng phạm , khối bắc đại tây dương đang dùng ucraina để đánh nga và kết cục ucraina tan nát , nga lao đao, EU thiệt hại chỉ có mỹ là đắc lợi ……..
    vấn đề không như cảm tính yêu , ghét của chúng ta đâu nếu quan tâm tới chính trị thì hãy dẹp cái cảm xúc lại đi trước khi đặt tay vào bàn phím.

    1. Anh Lan viết:

      @nguyễn: Nếu chính quyền Yanukovich mà như trưởng lão Lý Quang Diệu thì làm gì đã có Maidan, ngay cả chính quyền hiện tại nếu không làm tốt thì chắc chắn sẽ lại có Maidan. Con người hơn con thú ở chỗ là sống không chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải liên tục phát triển đi lên bằng bạn bằng bè, mà cụ thể ở đây là phấn đấu làm sao dân chủ văn minh như Mỹ và Tây Âu.

  9. Nguyễn Nguyễn viết:

    Một bài viết khác lạ so với phần lớn các bài khác của người Việt trong và ngoài nước. Đối với tôi, nó chân thực, khách quan và trí tuệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề