Bạo lực vẫn đe dọa miền Đông Ukraine

Tình hình miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu thực sự hạ nhiệt dù lệnh ngừng bắn mới đã có hiệu lực 10 ngày qua. Lực lượng đòi độc lập tại đây tuyên bố đã rút hàng trăm đơn vị vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến theo đúng thỏa thuận, tuy nhiên tiến trình này có thể bị phá hoại do phía chính quyền Kiev không tuân thủ đúng cam kết.

Theo thông báo chung ngày 25-2 của đại diện Cộng hòa nhân dân (CHND) Donetsk và Lugansk tự xưng, kể từ khi lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực hôm 15-2, lực lượng đòi độc lập ở Donbass đã rút 400 đơn vị vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến khu vực chiến sự. Tuy nhiên, phía quân chính phủ đã không thực hiện đầy đủ cam kết và điều này rất dễ làm đổ vỡ thỏa thuận mới đạt được. Đại diện CHND Donetsk và Lugansk tự xưng bày tỏ hy vọng, tại cuộc họp của nhóm tiếp xúc về Ukraine, dự kiến diễn ra hôm 26-2, các bên sẽ đưa ra được biện pháp ngăn chặn Kiev phá vỡ cam kết rút vũ khí, làm đổ vỡ tiến trình hòa bình ở Donbass.

Mặc dù lực lượng đòi độc lập ở miền Đông khẳng định họ đang rút pháo, bệ phóng tên lửa và xe tăng khỏi một số khu vực, nhưng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OSCE vẫn chưa xác nhận thông tin này. Các quan sát viên OSCE cho biết, các bên tham chiến tại Ukraine đã không cung cấp thông tin cần thiết để tổ chức này có thể xác định việc rút vũ khí đã diễn ra hay chưa. Trong khi đó, đại diện của Nga tại OSCE đã bày tỏ quan ngại vì lực lượng chính phủ Ukraine vẫn chưa rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến như đã thỏa thuận. Về phần mình, chính quyền Kiev cho biết sẽ không rút vũ khí cho tới khi một lệnh ngừng bắn đầy đủ và toàn diện được giám sát.

Cũng theo thông báo này, ngày 25-2 là ngày đầu tiên quân đội Ukraine không bị tổn thất về lực lượng trong các cuộc giao tranh.

Các chuyên gia của tờ The Economist cho rằng “Thỏa thuận Minsk-2” được ký kết giữa các bên tại Belarus ngày 12-2 vừa qua khó có khả năng tạo ra một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Theo thỏa thuận này, chính phủ Ukraine buộc phải tiến hành cải cách hiến pháp để phân quyền cho khu vực Donetsk và Lugansk hiện nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng ly khai thân Nga. Mặc dù một số quyền hạn dự kiến sẽ được chuyển giao cho Donetsk và Luhansk đã được liệt kê trong phần chú thích cuối trang, nhưng “Thỏa thuận Minsk-2” không đưa ra giải thích rõ ràng về sự phân quyền (khu vực tự trị lớn hơn hay theo hình thức liên bang) và cũng không thiết lập bất cứ cơ chế đàm phán nào để có thể thảo luận những vấn đề này và đi đến một giải pháp toàn diện.

Xe tăng của lực lượng đòi độc lập rút khỏi tiền tuyến. Ảnh: TL

Xe tăng của lực lượng đòi độc lập rút khỏi tiền tuyến. Ảnh: TL

Đối với chính phủ Ukraine, đây là bước đi cần thiết nhằm khôi phục chủ quyền lãnh thổ, đồng thời ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí và điều động binh lính từ Nga sang cho lực lượng ly khai. Những diễn biến sau khi “Thỏa thuận Minsk-2” được ký kết cho thấy chính phủ Ukraine có rất ít cơ hội để giành lại quyền kiểm soát khu vực biên giới này. Theo thỏa thuận trên, chính phủ Ukraine chỉ được kiểm soát biên giới giáp với Nga trước “thời điểm cuối năm 2015” sau khi tiến hành cuộc bầu cử địa phương và cải cách hiến pháp, nhưng với điều kiện là phải tham vấn và nhận được sự nhất trí từ các đại diện của hai khu vực Donetsk và Lugansk. Nga và lực lượng ly khai có thể lợi dụng tình trạng thiếu sự rõ ràng về những cải cách hiến pháp để tranh cãi rằng chính phủ Ukraine không thực hiện đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận và do đó sẽ trì hoãn việc thực hiện các cam kết của họ.

Đối với Moscow, vấn đề quan trọng nhất không phải là quyền chính trị của người dân khu vực Donbass hay của cả cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine mà là “Định hướng địa chính trị” của Ukraine. Giới lãnh đạo Nga hiện nay coi chính phủ Ukraine, với ý định hội nhập sâu hơn vào Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là mối đe dọa hiện hữu. Không có cấp độ tự trị nào của Donbass có thể giải quyết được vấn đề này của Nga trừ khi các đại diện của khu vực có quyền phủ quyết đối với chính sách đối ngoại của Ukraine – điều mà Kiev chắc chắn không đồng ý. Chính phủ Ukraine càng xa rời Donbass thì Nga càng có ít khả năng để lợi dụng khu vực này làm công cụ để gây ảnh hưởng chính trị đối với Kiev. Do vậy, Nga sẽ không hứng thú với bất cứ giải pháp chính trị nào đối với cuộc xung đột mà không đáp ứng được các mục tiêu địa chính trị tổng thể của Moscow. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể có lợi, ít nhất là trong ngắn hạn, khi cuộc xung đột bớt “nóng” và thỏa thuận ngừng bắn được duy trì cho dù là rất mong manh. Cuộc chiến ở Donbass đã gây ra nhiều rủi ro về chính trị và kinh tế cho Nga.

Trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn đang được triển khai, chính phủ Ukraine có những động thái nhằm hiện đại hóa lại quân đội. Theo các nguồn tin của “Stratfor”, trang thiết bị mà Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) bán cho Ukraine chỉ hạn chế ở các loại vũ khí như xe bọc thép chứ không phải các loại vũ khí có thể làm thay đổi cuộc chiến. Các thỏa thuận quốc phòng giữa Abu Dhabi và Kiev không mới. Trong thời gian xung đột ở miền Đông diễn ra, UAE đã chuyển giao xe bọc thép cho quân đội Ukraine và chúng đã được sử dụng cho tác chiến. UAE phát triển ngành công nghiệp quốc phòng với mức độ hạn chế và việc xuất khẩu các loại xe bọc thép này là hoạt động bình thường. Lời mời Tổng thống Poroshenko tới triển lãm công nghiệp quốc phòng IDEX 2015 ở UAE chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Nga, bởi nó diễn ra sau chuyến thăm gần đây tới Iran của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong đó hai bên lại bàn việc chuyển giao các hệ thống phòng không Nga cho Iran.

Bối cảnh và thời điểm cũng khiến thỏa thuận vũ khí giữa UAE và Ukraine thu hút nhiều sự chú ý. Sự kiện này diễn ra khi lực lượng ly khai dường như đang mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Đông Ukraine. Mối đe dọa về việc chuyển giao vũ khí từ Mỹ sẽ giúp ngăn chặn những suy nghĩ như vậy. Nói cách khác, Mỹ đang muốn nhắn nhủ với Nga rằng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ để lại hậu quả đau thương hơn nếu Moscow tiếp tục sử dụng tình hình trên chiến trường hiện nay làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Kiev. Chiến lược này cho tới nay đã đạt được hiệu quả nhất định khi các bên phải chấp nhận thực hiện lệnh ngừng bắn dù chưa được nghiêm túc. Việc đe dọa chuyển giao vũ khí cho Ukraine sẽ tiếp tục được đưa ra. Việc kết hợp giữa những lời đe dọa của Mỹ và thỏa thuận chuyển giao vũ khí có chọn lọc của UAE cho Ukraine đã dẫn tới những suy đoán khác nhau. Thỏa thuận này cho tới nay mới chỉ dừng lại ở việc chuyển giao các loại vũ khí có sức mạnh không lớn và được dùng như lời cảnh báo, tuy vậy, nhiều lựa chọn vẫn để ngỏ khi cuộc xung đột tiếp tục leo thang. Tất cả các bên có thể tiếp tục thảo luận và suy đoán về các cuộc đàm phán cũng như bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào trong tương lai với Ukraine nếu tình hình ở miền Đông nước này tiếp tục xấu đi.

Ngọc Anh (theo PLXH)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề