Thế độc quyền của ngành điện Việt Nam
Ở Việt Nam, người dân và các doanh nghiệp chỉ có cách duy nhất là mua điện do EVN phân phối. Các nhà máy phát điện bao gồm thuỷ điện, nhiệt điện phần lớn đều do EVN quản lý. Tính đến thời điểm này, mặc dù EVN đã tiến hành cổ phần hoá một số nhà máy điện như Vũng Ánh, Phả Lại, Cát Bà,… nhưng cuối cùng thì, đơn vị duy nhất được quyền mua bán điện hiện giờ là EVN. Người tiêu dùng điện không có quyền mặc cả, cũng không có sự lựa chọn nào khác.
Vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện, vừa thực hiện chức năng kinh doanh, cộng với chức năng phân phối, rõ ràng ông lớn này vẫn đang một mình một chợ dù về lý thuyết thì EVN phải chịu sự kiểm soát của Bộ Công Thương, nhưng những “quyết sách” của EVN nhiều khi nằm ngoài tầm với của Bộ.
Ở thế độc quyền nên dù giá điện cao trong khi chất lượng dịch vụ, cung ứng còn tồn tại nhiều bất cập thì người dân cũng “ráng cắn răng mà chịu”.
Nếu như ở một thị trường mà có nhiều doanh nghiệp cùng cạnh tranh nhau thì doanh nghiệp nào có sản phẩm chất lượng tốt, dịch vụ chu đáo, giá cả hợp lý sẽ được khách hàng lựa chọn. Lúc bấy giờ, khách hàng mới thật sự là “thượng đế”.
Nhớ lại câu chuyện của thị trường viễn thông hay mạng di động trước đây, khi chỉ có một nhà cung cấp, giá cước khi đó luôn ở mức “trên trời”. Nhưng chỉ sau mấy năm mở cửa, thị trường này xuất hiện nhiều nhà cung cấp dịch vụ, cả trong nước và nước ngoài, giá cả đã thấp hơn rất nhiều. Trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi.
Lợi ích của việc mở cửa ngành năng lượng
Ở Mỹ, hầu như mỗi bang đều có ít nhất 2 đơn vị cung cấp điện và nhiều nhất lên tới 12 đơn vị ở Texas. Vì có sự cạnh tranh từ nhiều phía, giá cả cũng vì vậy mà trở nên phải chăng và dễ thở hơn. Nếu người tiêu dùng không ưng ý với dịch vụ và giá cả của hãng này có thể lập tức đổi sang hãng khác. Cách làm này khiến các doanh nghiệp phân phối điện phải thật sự chú trọng đến chất lượng dịch vụ và quyền lợi khách hàng.
Các đơn vị cung cấp điện ở Mỹ còn đưa ra các gói sử dụng điện hấp dẫn người tiêu dùng và phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình. Ví dụ như hãng United Illuminating Company đưa ra hai gói cơ bản. Một là đồng giá cho mọi khung giờ, hai là giá rẻ cho giờ thấp điểm và cao hơn cho giờ cao điểm. Tuỳ vào nhu cầu sử dụng, các hộ gia đình có thể chọn lựa sao cho phù hợp và tiết kiệm hơn.
Chỉ không lâu trước đây, Mỹ cũng trong tình trạng độc quyền điện nước như Việt Nam hiện nay. Hậu quả là, kể cả là một nước lớn mạnh và có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới thì ngành điện tại Mỹ cung không hề phát triển trong suốt 50 năm. Hiệu năng sản xuất điện tại nước này không hề nhúc nhích, cho thấy được sự tàn phá của thế độc quyền đối với một thị trường có tiềm năng như điện.
Khi nước Mỹ quyết định thay đổi ngành điện, rất nhiều “ông lớn” đã nhanh chóng đầu tư tiền bạc vào các nguồn năng lượng.
Google đã đổ vào 3,2 tỷ USD – gấp đôi số tiền bỏ ra để mua Youtube – mua lại Nest, công ty sản xuất máy điều nhiệt và phát hiện khói cháy nhưng hiện nay đã quay hướng sang phục vụ các dịch vụ thiết yếu của nhà thông minh liên quan đến quản lý khoá, điện, nước và Internet.
Tesla cũng dành tới 5 tỷ USD cho nhà máy sản xuất pin. Khả năng dự trữ năng lượng của pin cũng là một mối lo ngại cho thế độc quyền của Mỹ lúc bấy giờ. Pin của Tesla có thể cung cấp điện đủ cho 1 gia đình sử dụng trong 3,5 ngày, nên vừa đe đoạ đơn vị cung cấp điện, đồng thời tích cực thúc đẩy việc sản xuất các loại phương tiện bằng điện.
Không chịu thua kém, General Motors đã đầu tư 450 triệu USD để cải thiện pin của chiếc Volt (xe ôtô chạy điện) giúp nó có thể sử dụng được thêm 200 dặm nữa trong một lần sạc. Còn có rất nhiều các công ty khác cũng đang nhắm tới việc phát triển pin để bù đắp cho khoảng thời gian không thể sử dụng năng lượng mặt trời vào chiều tối hoặc vào mùa đông ít nắng.
Ngoài việc tăng lợi ích và quyền lợi của người tiêu dùng, việc mở cửa cho ngành năng lượng còn giúp kích thích khả năng sáng tạo từ việc có cạnh tranh. Càng nhiều công ty cùng đầu tư vào ngành năng lượng thì giá thành và công nghệ sẽ càng tiến bộ. Tương lai, chúng ta có thể có những công nghệ sản xuất ra nhiều điện hơn mà chỉ sử dụng ít nhiên liệu, sức nước hơn. Việc này không chỉ tăng hiệu năng, giảm giá thành mà còn giúp ích cho việc bảo vệ môi trường.
Trí Lê (Theo Trí Thức trẻ)
Trả lời