Vì sao Indonesia tính kiện Trung Quốc về Biển Đông?

Indonesia đã khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố có thể cũng sẽ đưa vấn đề yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông lên một cơ chế Tòa án Quốc tế để phân xử. Vì sao “quốc gia vạn đảo” lại chọn thời điểm này để tỏ thái độ quyết liệt với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông? Phải chăng, đã đến lúc Jakarta không còn có đường lùi?

Giữa những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ, không nhiều người biết rằng, tranh chấp ở Biển Đông đã bước vào một giai đoạn mới khi Philippines – một trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông – quyết định tìm kiếm và theo đuổi giải pháp pháp lý trước các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan).

Trong công hàm nộp cho tòa án vào tháng 1/2013, Philippines đã đề xuất 5 điểm chống lại tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông: Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực thi “quyền lịch sử” ở khu vực này. Thứ hai, “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế. Thứ ba, yêu sách của Trung Quốc liên quan đến các tính năng địa lý theo luật quốc tế không được thừa nhận quy chế Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Thứ năm, Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) do đã gây tổn hại môi trường biển trong khu vực.

Cuối ngày 29/10/2015, PCA đã ra phán quyết về quyền tài phán đối với tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc do cả hai nước đều ký UNCLOS. Theo PCA, quyết định xử vụ kiện liên quan tới vai trò của “quyền lợi lịch sử” và nguồn gốc của các quyền lợi hàng hải trên Biển Đông. Trung Quốc từ đầu đã từ chối tham gia các cơ chế pháp lý và tuyên bố Thẩm phán Thomas Mensah – Chủ tịch đầu tiên của Tòa án Quốc tế về Luật Biển là đại diện cho mình. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Trung Quốc hay bất kỳ phản đối nào của Bắc Kinh về thẩm quyền, hay phán quyết nào của tòa, cũng không thể cản trở Tòa án Trọng tài thường trực thực thi công việc của mình, dự kiến sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2016.

Đối với những ai nghi ngờ cách tiếp cận pháp lý có thể giải quyết tranh chấp dai dẳng hàng thập niên cũng như đem lại công lý cho các bên tranh chấp và phán quyết của Tòa án có thể giúp giảm căng thẳng, mang lại an ninh và ổn định trong khu vực hay không thì phán quyết mới nhất của PCA dường như là một tín hiệu tốt, cổ vũ cho những quốc gia nhỏ trên hành trình đi tìm công lý trong các vấn đề tranh chấp với các nước lớn.

Trên tờ Jakarta Post gần đây, Tiến sĩ Kresno Buntoro – luật sư về Luật Biển tại Liên Hiệp Quốc cho rằng, đây là thời điểm mà Indonesia phải thể hiện rõ ràng lập trường của mình đối với các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Hiện nay, quốc gia “vạn đảo” này coi tuyên bố “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và trái với các quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, Jakarta vẫn luôn kêu gọi tất cả các bên tranh chấp tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài phù hợp với các nguyên tắc và tinh thần trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.

Thực tế, tranh chấp Biển Đông bắt nguồn từ các vấn đề sở hữu đối với các đảo, bãi đá, tính năng địa lý tự nhiên mà các nước tranh chấp lẫn nhau cũng như các vấn đề biên giới trên biển, trong đó không chỉ diễn ra giữa các nước có yêu sách mà còn có các nước bị ảnh hưởng như Indonesia, bởi quần đảo Natuna của nước này cũng bị “đường lưỡi bò” “liếm” vào. Do đó, việc xác định tình trạng pháp lý của các đảo, bãi đá, tính năng địa lý tự nhiên phải được quyết định trước, sau đó sẽ xác định ranh giới hàng hải thông qua các hiệp định hoặc các cơ chế khác.

Vấn đề tiếp theo là liệu mỗi quốc gia có thể xác định các vùng lãnh hải thiếu quy chế pháp lý cụ thể của các thực thể địa lý trong các vùng nước hoặc không có quy định cụ thể cơ chế pháp lý để tiến hành phân định biển hay không. UNCLOS không đặt yêu cầu đó mà chỉ quy định vùng nước lịch sử như một không gian biển có thể được tuyên bố là một phần lãnh thổ của một quốc gia. Tuy nhiên, theo pháp lý quốc tế, tiêu đề lịch sử gắn với vùng nước được thừa nhận dù không được UNCLOS quy định. Các tranh chấp Biển Đông với các lợi ích chồng chéo giống như một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Việc xác định quyền sở hữu của các đảo, bãi đá, tính năng địa lý cũng như ranh giới hàng hải rõ ràng không thể được giải quyết “một sớm, một chiều”.

Mặc dù Indonesia không phải một bên nguyên đơn và cũng không phải một bên trong cuộc chiến pháp lý, nhưng bất cứ phán quyết nào của Tòa án Trọng tài, như ủng hộ tất cả các yêu cầu của Philippines hoặc ủng hộ Trung Quốc, cũng sẽ gây ảnh hưởng đến quốc đảo này. Thềm lục địa của Indonesia và EEZ sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của tòa án vì dù tòa án sẽ không quyết định tình trạng sở hữu các đảo, bãi đá, tính năng tự nhiên khác ở Biển Đông, nhưng sẽ quyết định tình trạng pháp lý của vùng biển và các thực thể khác liên quan đến “đường 9 đoạn”. Việt Nam và Đài Loan đã can thiệp vào vụ kiện và có thể các nước khác có lợi ích ở Biển Đông cũng sẽ làm theo để khẳng định quyền và lợi ích của họ. Indonesia cũng nên tuyên bố lập trường của mình về vấn đề này.

Sự căng thẳng tăng cao trước và sau khi tòa án ra phán quyết cuối cùng sẽ “tràn qua” Indonesia sớm hay muộn. Do đó, Indonesia phải ngay lập tức thể hiện quan điểm về tiến trình tố tụng của Tòa án Trọng tài. Quan điểm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vai trò, cũng như quyền lợi của Indonesia – nước được coi như một trong những nhà môi giới trung thực với tư cách người khởi xướng giải quyết tranh chấp và cũng có lợi ích bị tác động trực tiếp bởi “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra.

Nói như Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Panjaitan, “Indonesia không muốn thấy bất kỳ động thái triển khai sức mạnh nào tại Biển Đông” và “Jakarta đang cố gắng tiếp cận Trung Quốc và muốn thấy một giải pháp về vấn đề Biển Đông trong tương lai gần thông qua đối thoại”, nhưng một khi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông không được giải quyết thông qua đối thoại, thì Indonesia buộc lòng phải đưa vấn đề này lên Tòa án Quốc tế.

Trí Lê (Theo PetroTimes)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề