Vấn đề Biển Đông tiếp tục gây chia rẽ trong khối ASEAN

KUALA LUMPUR— Những ý kiến bất đồng về những từ ngữ đề cập tới vụ tranh chấp Biển Đông đã gây trì hoãn cho các nước Đông Nam Á trong việc soạn thảo một bản thông cáo chung giữa lúc họ chuẩn bị kết thúc các cuộc họp của ASEAN trong ngày hôm nay. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tường thuật từ Kuala Lumpur.

Những dự án gây tranh cãi của Trung Quốc nhằm xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là một đề tài chính của hội nghị cấp cao tại Kuala Lumpur của khối ASEAN.

Trước đó trong ngày hôm nay, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với báo chí rằng “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để tiến tới” về vấn đề Biển Đông. Nhưng các giới chức cho biết thông cáo chung của ASEAN đã bị trì hoãn vì vấn đề là văn kiện này sẽ mô tả vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông như thế nào.

Trung Quốc trong thời gian qua đã ráo riết xây dựng những hòn đảo nhân tạo trong vùng biển mà Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Philippines cũng có những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau.

Hôm qua, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng nước ông đã ngưng hoạt động lấp biển lấy đất trong khu vực.

Trong khi đó, các vị Ngoại trưởng ASEAN đã đồng ý ủng hộ thoả thuận hạt nhân Iran, có tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Hỗn hợp.

Trong thông cáo phổ biến hôm nay, các vị ngoại trưởng nói rằng nếu được thực thi đầy đủ, thoả thuận này “sẽ góp phần xây dựng sự tin tưởng đối với bản chất hoàn toàn hoà bình của chương trình hạt nhân Iran.”

Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh dấu kỷ niệm năm thứ 70 ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật. Ông nói rằng thoả thuận hạt nhân Iran cũng quan trọng không khác gì những tác động của sự kiện xảy ra cách nay đúng 70 năm.

“Không thể nào không suy nghĩ về việc này”, ông Kerry phát biểu như vậy tại cuộc họp với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida bên lề hội nghị ASEAN. Ông nói tiếp “Hiển nhiên là sự kiện đó là một sự nhắc nhở mạnh mẽ về những tác động của chiến tranh kéo dài cho tới ngày nay đối với nhân loại và quốc gia. Nó cũng nêu bật tầm quan trọng của thoả thuận mà chúng tôi đã đạt được với Iran để giảm thiểu khả năng có thêm vũ khí hạt nhân.”

Hoa Kỳ và các nước đồng minh cho rằng hai vụ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản đã góp phần làm cho thế chiến thứ hai chấm dứt.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sắp sửa kết thúc chuyến công du 5 nước vùng Trung Đông và Đông Nam Á, gồm Ai Cập, Qatar, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Xế ngày hôm nay ông Kerry rời Kuala Lumpur để lên đường sang thăm Việt Nam. Tại Hà Nội, ông sẽ tham dự những sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ.

Hai nước cựu thù này đã xây dựng những mối quan hệ mật thiết về kinh tế, với kim ngạch thương mại song phương vượt mức 36 tỉ đô la trong năm 2014. Hà Nội và Washington đều tham gia cuộc điều đình về Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ tiếp tục nêu lên những mối quan tâm về thành tích nhân quyền của Việt Nam, trong đó có những vụ bắt bớ những người bất đồng chính kiến.

Hồi tháng trước, Tổng thống Barack Obama đã tiếp kiến ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, tại Tòa Bạch Ốc.

Nguồn voatiengviet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề