Tết của thời chiến tranh

Tết với mỗi người luôn là thiêng liêng và đầy cảm xúc, những cái Tết cổ truyền dù đã đi qua, cách xa mấy chục năm nhưng vẫn hằn sâu trong ký ức và rồi lại được gợi nhớ lại mỗi khi Tết đến xuân về. Với tôi đó là những cái tết nơi vùng quê sơ tán miền trung du Bắc Bộ, những của tết của thời chiến tranh, của tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm.

Năm 1972 cơ quan của mẹ sơ tán đến khu Gang thép Thái Nguyên rồi ở lại luôn trên đấy, tuổi thơ của một cậu bé đã quen với phố phường, ánh điện thật sự khó khăn khi đối mặt với đèn dầu, đường đất cùng với cái lạnh đến cắt da, cắt thịt của vùng trung du. Mọi sự cũng phải thich nghi, với bọn trẻ con thì thật nhanh, chẳng bao lâu tôi đã có bao bạn bè đề cùng chạy nhảy, reo hò…

Thấm thoát chẳng bao ngày thì Tết đã đến, như bao gia đình chúng tôi được mua cung cấp hộp mứt, bánh pháo, mét vải…để chuẩn bị đón Tết, có lẽ cả một thế hệ của tôi, của các anh, các chị, của các em…vẫn không thể quên được hương vị của mứt tết, ngon sao mà ngon đến thế, ăn hết rồi vẫn cố giữ lại cái hộp đặt vào nơi trang trọng nhất trong nhà để mà nhìn mà ngắm và thèm, hồi ấy nhà chỉ là vách đất mái tranh. Pháo tết cái khoản mà bất cứ đứa trẻ nào cũng mê mẩn, những bánh pháo được mua phân phối bé tí đốt cứ tì tạch, lũ trẻ chúng tôi lao vào nhặt những quả pháo đang xì khói rồi cho nổ trên tay, miệng há ra cười sung sướng, mũi hít lấy hít để mùi khói pháo thoang thoảng thơm rất đặc trưng. Ngày ấy người ta lấy những cây tre to cắt dài khoảng hơn một mét, đục thông các đốt , chỉ để lại đốt cuối cùng, cách đốt cuối cùng đấy khoảng 1/3 ống tre đục một lỗ nhỏ. Vậy là xong khâu chuẩn bị, ống tre được gác lên hai thân tre nhỏ bắt chéo vào nhau, nhìn oai vệ như một khẩu thần công mà hồi đấy tôi thấy trong truyện tranh ‘’Sát Thát”. Tiếp đến là cho một cục đất đèn, đổ một chút nước vào trong ống tre. Đất đèn gặp nước sôi sung sục trong ống tre, lúc này lấy cây đóm bằng tre mồi lửa vào cái lỗ nhỏ và đ..ù..n..g, tiếng nổ đinh tai, tức cả ngực, lửa bùng lên phụt ra ở đầu ống. Lũ trẻ con dúm dó cả người lại dù đã bịt chặt cả hai tai.

Tết thời ấy dù khó khăn nhưng mỗi nhà cũng cố phải có một nồi bánh chưng. Ba tôi đi chiến trường đằng đẵng không bao giờ có một cái Tết với gia đình, mọi lo toan đổ lên đầu mẹ, may mà anh tôi cũng lớn học đến cấp3, các chị cũng học đến cấp 2 vì thế việc gói bánh đều do các anh chi đảm trách. Tôi thì lăng xăng bên cạnh lau lá rồi đợi đến cuối cùng để xem thừa nắm đậu nào thì sẽ được ăn. Cả nhà quay quần bên nồi bánh chưng, xung quanh bếp được bắc thêm những nồi nước để mọi người thay nhau tắm cho sạch sẽ chuẩn bị đón Tết. Đêm, ánh lửa từ bếp nấu bánh bập bùng soi tỏ những khuôn mặt ửng hồng lên vì hơi nóng, háo hức chờ đón Giao Thừa, văng vẳng khắp nơi là tiếng nổ của những khẩu ‘’ thần công’’ bằng tre cùng những quầng lửa bùng lên từ miệng súng nhập nhòa đêm cuối năm.

Ngày mồng 1 Tết lũ trẻ con chúng tôi xúng xính trong những bộ quần áo mới, thò thụt trước cửa nhà, chẳng dám đi đến nhà ai vì sợ là người xông đất đầu năm, phần nữa cố đợi có người đến nhà để được mừng tuổi, đơi đến trưa tập hợp nhau lại rủ nhau đi chơi quẩn quanh, đứa nào có pháo thì lấy ra đốt, ném lung tung .

Tết nơi vùng quê và đang có chiến tranh nên cũng không có nhiều trò chơi gì được tổ chức. Đám thanh niên cỡ tuổi anh tôi lao vào trò chơi đánh đáo ăn tiền, đấy là những đồng 5 xu được rải xuống đất rồi dùng con cái bằng chì chọi hoặc ấp vào xu thì được ăn cả. có lẽ đây là nơi tập trung đông vui nhất thời ấy. Giờ đây đã hơn 40 năm tôi vẫn nhớ một câu các anh hay nói ‘’ Hội đáo mừng xuân tết Giáp Dần”.

Đi chơi chán về lại mở cái đài Sông Hồng nghe , tết thì chủ yếu là tin thắng trận miền Nam với bài hát thường phát như ‘’ Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tuyền tuyến chắc càng thắng to, vì độc lập vì tự do ớ ớ ơ…” .Hay ‘’ Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên, đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới, ngàn triệu dân siết tay nhau…”. Đêm đến người ta lại lấy súng ‘’thần công’’ ra đốt vang cả góc trời, đất nước có chiến tranh nên người ta cũng hướng súng về hướng Nam như đang nhằm vào kẻ thù nơi tuyền tuyền.

Thời gian cứ trôi đất nước rồi cũng thống nhất nhưng cái cách thức đón Tết thì cũng chẳng đổi khác là bao, có chăng những bài hát Tết thay đổi theo thời cuộc, ngợi ca, ca ngợi rồi lại ngợi ca. Giờ đây trải qua những thăng trầm của đất nưóc, cuộc sống ngày càng đi lên, Tết đã đủ đầy, trẻ con không còn phải mơ về những hộp mứt tết, có chăng là chúng không biết thế nào là tiếng pháo tết, âm thanh tết của một thời khó khăn nhưng cũng ngập tràn cảm xúc, mỗi khi Tết đến khiến ta lại nhớ về Tết xưa, Tết của thời chiến tranh.

Lê Thắng


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề