Trong năm 2015, tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraina và việc Nga sáp nhập Crimea vẫn tiếp tục được cảm nhận trên khắp châu Á, với những sắc thái khác biệt ở từng khu vực. Cuộc khủng hoảng Ukraina đã đặt ra câu hỏi về tương lai của sự can dự của Mỹ tại châu Á, một câu hỏi rất quan trọng đối với cả hai đồng minh của Mỹ cũng như các nước khác trong khu vực.
Liệu sự nổi lên của cuộc khủng hoảng này ở châu Âu có khiến Mỹ sao nhãng châu Á? Liệu nó có ảnh hưởng đến chính sách “tái cân bằng” của Tổng thống Barack Obama? Cuộc khủng hoảng Ukraina cũng làm dấy lên câu hỏi về độ tin cậy của Mỹ trong việc đối phó với những tình huống ngẫu sinh tại châu Á: Nếu Washington đã không thể ngăn chặn Nga tiến vào Crimea thì liệu họ có thể quản lý các tranh chấp về chủ quyền ở châu Á hay không? Những câu hỏi này sẽ trở nên sáng tỏ hơn trong năm 2015.
Trong năm 2015, Moskva sẽ cố gắng đẩy mạnh hợp tác về năng lượng với châu Á nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm của giá dầu. Việc tái cơ cấu hoạt động cung cấp năng lượng đã được bắt đầu với hai thỏa thuận được ký kết vào năm 2014 giữa Trung Quốc và Nga liên quan đến vấn đề cung cấp khí đốt. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, Nga cũng đã ký một thỏa thuận cung cấp dầu thô cho Ấn Độ trong vòng 10 năm.
Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực y tế và giáo dục của Triều Tiên, đồng thời sẽ xây dựng một đường ống dẫn khí lớn chạy từ đảo Sakhalin của Nga tới bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc – nước nhập khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới sau Nhật Bản – đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với dự án này, cũng như đối với các sáng kiến khác nhằm kết nối mạng lưới giao thông của Hàn Quốc với tuyến đường sắt xuyên Siberia. Trong những ngày đầu tháng 12/2014, than đá của Nga lần đầu tiên được xuất sang Hàn Quốc bằng đường sắt chạy từ Khasan qua Rajin của Triều Tiên. Sự quan tâm mới của Nga đối với thị trường năng lượng châu Á có thể tạo điều kiện cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất hơn.
Nhưng đối với một quốc gia như Nhật Bản, năm 2015 là năm mà nhiều quốc gia trong khu vực sẽ cạnh tranh để tiếp cận các nguồn tài nguyên của Nga. Những nỗ lực của Tokyo nhằm sự xích lại gần hơn với Moskva trong vấn đề quần đảo Kuril /Vùng lãnh thổ phía Bắc cũng đã trở nên phức tạp do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đối với Triều Tiên, việc Nga sáp nhập Crimea cho thấy rằng họ sẽ phải tiếp tục nắm chắc kho vũ khí hạt nhân của mình. Ukraina đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân vào năm 1994 để đổi lấy sự bảo đảm về an ninh từ các cường quốc hạt nhân khác, trong đó có cả Nga. Kim Jong-un có thể nghĩ rằng một Ukraina có vũ khí hạt nhân hẳn sẽ không phải đứng nhìn lãnh thổ của mình bị mai một như hiện nay.
Cuối cùng, việc phương Tây cô lập Nga có lẽ sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ chiến lược của nước này với Trung Quốc trong năm 2015. Hai nước này vẫn chưa thật sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng họ đều có những nỗi lo chung và các đối thủ chung, và điều này đã tạo cơ sở vững chắc cho một cuộc “hôn nhân” thuận lợi. Trung Quốc đã đổ lỗi cho Liên minh châu Âu và NATO về các rối loạn chính trị ở Ukraina , khiến Nga cuối cùng phải can thiệp.
Không tìm được lối thoát thế thực tế nào, Nga có thể trở thành một đối tác “dễ bảo” hơn của Bắc Kinh. Khi Trung Quốc thúc đẩy chính sách “ngoại giao tơ lụa”, lấy Trung Á làm trung tâm, họ có thể sẽ được chào đón trong khu vực vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nga – nhất là tại thời điểm mà các nước Trung Á đang cảnh giác dõi theo những diễn biến tại Ukraina.
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông/The Diplomat
Trả lời