Phải chăng cuộc khủng hoảng Syria đã lên đến một điểm gây biến chuyển?

Tuần này, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia Trung Đông và Nga để bàn về cách thức phục hồi tiến trình chính trị ở Syria tan nát vì chiến tranh.

Nỗ lực ngoại giao đó đã được thử nhiều lần trước đây và mỗi lần đều thất bại không ngăn chặn được vụ xung đột khiến hàng trăm ngàn người Syria thiệt mạng và tạo ra vụ khủng hoảng người tị nạn tệ hại nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Lần này, cuộc vận động ngoại giao diễn ra vào một thời điểm có thể là cấp thiết, trong bối cảnh Nga tăng cường hậu thuẫn quân sự và ngoại giao cho đồng minh lâu đời là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các chiến đấu cơ của Nga đã oanh kích phe nổi dậy tìm các lật đổ ông Assad, và nhiều tuần oanh kích như thế đã giúp quân đội Syria chiếm lại một số lãnh thổ.

Ông Assad thực hiện chuyến đi đầu tiên được mọi người biết tới trong tuần này kể từ khi bạo động khởi sự năm 2011, đến Moscow để họp tại điện Kremli với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhìn kỹ hơn vào tình hình ở Syria, VOA đã nói chuyện với một số chuyên gia về khu vực, kể cả một số đặt hy vọng vào khả năng nối lại những nỗ lực cho một giải pháp được thương nghị ở Syria nay đã gia tăng.

Sau đây là trích đoạn một số các cuộc phỏng vấn:

Ông Nabeel Khoury là một giáo sư thỉnh giảng cho chương trình Nghiên cứu về Trung Đông và Bắc Phi tại trường Đại học Northwestern ở Evanston, Illinois, và là một giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Rafik Hariri của Hội đồng Đại Tây Dương.

Hỏi: Liệu cuộc họp của ông Assad với ông Putin có làm cho nhà lãnh đạo Syria táo bạo hơn? Hậu thuẫn quân sự của Nga thay đổi sự tính toán trên chiến trường đến mức nào?

Đáp: Quân đội Syria đang chiếm lại phần đất đã bị mất trước kia về tay lực lượng đối lập, và Iran và phe Hezbollah ở Liban đã tăng cường sự yểm trợ trên chiến trường. Do đó rõ ràng trong mấy tuần vừa qua, ông Assad đã cảm thấy hài lòng về những gì đang xảy ra ở chiến trường. Tôi nghĩ chuyến thăm này không hẳn làm cho ông táo báo hơn mà chỉ là để phô trương rằng Nga nắm ưu thế về mặt quyết định mọi việc sẽ diễn tiến ra sao ở Syria – và có lẽ xa hơn nữa, là trong toàn khu vực.

Hỏi: Liệu việc Nga can thiệp thêm như thế này có phải là một dấu hiệu hứa hẹn, hay đây là một thất bại của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ?

Đáp: Ta có thể coi như cả hai đều đúng. Đó là một sự thất bại của chính sách Hoa Kỳ bởi vì trong 4, gần 5 năm vừa qua, Hoa Kỳ ở thế sẵn sàng theo kế hoạch đó. Và những kế hoạch thụ động mà chính quyền này đã theo đã không đi đến chỗ hoàn tất được điều gì ở chiến trường hay về mặt chính trị. Phía Nga đã xen vào và hiện nay về mặt quân sự, đã xoay chuyển được tình thế.

Và đây là mục tiêu của sự can thiệp quân sự của Nga: không hẳn là chỉ để tiến hành một số cuộc tấn công tượng trưng nhắm vào những người mà họ không thích, mà thực ra là để đảo ngược tình thế sách lược trên chiến trường. Đó là một sự can thiệp quân sự rất có mục đích, và rõ ràng nó đã tạo được sự khác biệt. Nay đã đến lúc phải có một hình thức quyết định chính trị. Rõ ràng những hình ảnh video từ cuộc họp giữa hai ông Putin và Assad cho thấy chủ yếu là ông Putin dạy dỗ ông Assad và bảo cho ông ta biết rằng những thành quả quân sự nay đang diễn ra, là lúc cho một giải pháp chính trị sắp đến.

Ông David W. Lesch là Giáo sư Lịch sử Trung Đông tại phân khoa Lịch sử của trường Đại học Trinity ở San Antonio, Texas.

Hỏi: Cuộc họp ở Moscow giữa Tổng thống Assad và Tổng thống Putin có ý nghĩa như thế nào?

Đáp: Đối với ông Putin, một lần nữa, nó lại đặt ông vào giữa sân khấu ngoại giao. Ông đã vẽ ra một hình ảnh rằng mọi con đường đều dẫn đến Nga. Hãy nhìn vào người ông ta tiếp đón ở Nga trong tháng vừa qua và một nửa trong số đó là các nhà lãnh đạo hay giới chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ả Rập Xê-út, Iran. Và từ lâu ông đã gặp gỡ các thành phần trong phe đối lập Syria. Và nay là ông Assad. Hình ảnh ông đưa ra là chỉ có ông mới gặp được tất cả những thành phần đóng vai trò trong vụ xung đột, từ mọi phía của cuộc xung đột, và chỉ có ông mới có thể khơi ra được hồi kết thúc cho vụ xung đột.

Và đối với ông Assad, dĩ nhiên ta biết ông từng là một người bị gạt ra ngoài lề trên trường quốc tế, ông ta đã bị nhiều người coi là một lãnh tụ bất hợp pháp. Nhưng nay, ông ta có thể đã gặp gỡ nhà lãnh đạo lừng lẫy và nhiều thế lực nhất thế giới. Và chỉ qua suy luận, thì ông ta đã đạt được phần nào tính hợp pháp. Và ông trưng ra hình ảnh mình là rất có vẻ là một chính khách, bình tĩnh và đang lên, rằng ông ta đang phá được vòng vây cô lập.

Hỏi: Thế còn phe đối lập Syria thì sao? Hiện trạng này đưa họ đến đâu?

Đáp: Các cuộc tấn công của quân đội đã làm xuống cấp phe đối lập không phải là ISIS. Và nói thẳng ra, tôi nghĩ ông Putin và Nga đã tham gia vào việc này bởi vì họ đã đi đến kết luận là một giải pháp chính trị hay một giải pháp thương lượng không còn là vấn đề nữa; chắc chắn sẽ không xảy ra việc đó. Họ cố gắng và vì thế ta hãy thử một chiến thuật khác. Và chiến thuật này là hạ cấp vị trí phi-ISIS xuống tới mức là, trong ngắn hạn, nếu như ông Putin đạt được các mục tiêu của mình, thì chỉ còn có Assad và ISIS. Và ông ta ăn chắc là phần lớn thế giới trong tình hình như thế sẽ đứng về phía chọn lựa cái xấu ít hơn, và đứng về phe ông Assad.

Hỏi: Liệu sách lược đó có hiệu quả hay không?

Đáp: Tôi nghĩ ông đánh giá quá thấp khả năng chiến đấu của phe đối lập không phải là ISIS ở Syria. Và tôi cũng nghĩ có lẽ ông ta đã đem lại sức mạnh mới cho một số vương quốc bảo thủ Ả Rập Sunni đặc biệt trong vùng Vịnh – các cá nhân và các chính phủ – gia tăng hậu thuẫn cho các thành phần Sunni ở Syria để chống lại ông Assad. Vì thế tôi nghĩ ông Putin có thể đáng giá quá thấp sự kiện đó. Nhưng nếu ông ta thành công, thì ông ta sẽ đạt được một số mục tiêu trung hạn cấp thời với một cái giá tương đối thấp.

Ông Micheal Kerr là Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung đông và Trung tâm Nghiên cứu các Xã hội chia rẽ tại trường Đại học King’s ở London.

Hỏi: Cơ may các cuộc họp của ông Kerry sẽ đem lại điều gì có thực chất hơn so với các cuộc họp khác ông đã có trong nhiều năm là gì?

Đáp: Thách thức đối với Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu cùng các bên khác là đưa ra một chính sách đem lại một hậu thuẫn nhất quán và vững mạnh cho bất kỳ nhóm đối lập ôn hòa nào nổi nật nhất trong mọi kế hoạch chính trị mới. Và điều đó đã thiếu vắng một cách đáng tiếc. Tôi không chắc liệu nó có xảy ra hay không. Bởi vì chính sách của Hoa Kỳ về Syria đã được định trước là không tham gia, ít nhất trong cái nghĩa như Nga đã làm.

Hỏi: Một số các phương cách khả dĩ có thể giải quyết vụ xung đột Syria là gì?

Đáp: Có một số phương án khác nhau. Một phương án là một chiến thắng quân sự; điều đó dường như cực kỳ khó xảy ra. Một phương án khác là chia cắt’ điều đó hiện cũng rất khó xảy ra vì Nga đã hậu thuẫn cho ông Assad. Một phương án khác sẽ là một hình thức phi tập trung hóa nào đó. Và một cách nữa sẽ là một hình thức chia quyền nào đó.

Nay tôi sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên, trong bối cảnh các nhận định phát xuất từ Moscow trong vòng 48 giờ qua, nếu như ông Putin đã nói với ông Assad rằng cái giá phải trả để chế độ của ông sống sót và để cá nhân ông có thể sống sót là một hình thức chia quyền nào đó với một số lực lượng đối lập. Và ông Assad có thể đã chấp nhận điều ấy, bởi lẽ không thương nghị sẽ không phải là một chọn lựa cho ông ta. Tương lai của ông ta nay sẽ được quyết định phần lớn bởi Moscow.

Hỏi: Vậy ông có nghĩ có nhiều cơ may là hậu thuẫn gia tăng của Nga dành cho ông Assad trên thực tế sẽ đem lại một sự chuyển động hướng tới một giải pháp chính trị?

Đáp: Không. Tôi sẽ không cho là có nhiều cơ may. Nhưng các lá bài trên bàn đã được đảo lên và chơi lại.

Không có một sự liên kết quốc tế hay thỏa thuận về Syria. Chúng ta ở cách xa, rất xa điều đó. Nhưng có một cơ hội để phương Tây làm áp lực Nga về mặt ngoại giao trong những tháng sắp tới thông qua Liên Hiệp Quốc. Cái khó khăn sẽ là đối với phương Tây, và phương Tây sẽ cần phải dung hòa với Nga để có thể đạt được điều này, đó là đưa ra một chính sách với Nga và một chính sách chính trị phù hợp với các yêu cầu về quân sự ở chiến trường. Và chìa khóa cho sự kiện này có thể là đánh bại ISS.

Song một bối cảnh quốc tế cho Syria, nơi Nga và Hoa Kỳ đồng ý và tất cả các bên đóng vai trò đáng kể trong khu vực tiếp tục phó hội – điều đó sẽ rất khó mà có được. Nhưng Moscow đang dẫn dầu việc này. Con đường tới Damascus đang chạy vào lúc này ngang qua Moscow, chứ không phải qua Washington.

Hỏi: Hy vọng tốt nhất về một giải pháp cho vụ xung đột Syria ở thời điểm này là gì?

Đáp: Có lẽ đó sẽ là phương án ít được tán đồng nhất đối với tất cả mọi người ở Syria, nhưng một hình thức nào đó của một sắp xếp chia quyền là điều có nhiều phần chắc. Liệu điều đó có diễn ra trên cơ sở chia quyền đều giữa các phe phái hay trên một cơ sở đối lập, khu vực, tôi không rõ được. Nhưng tôi nghĩ khái niệm đó có thể dẫn tới những cuộc ngưng bắn và dẫn tới những cuộc thương nghị và dẫn tới một liên minh các lực lượng sẵn sàng thách thức và cô lập hóa ISIS. Bởi vì điều quan trọng cơ bản là Syria được duy trì bên trong các đường ranh nhà nước hiện đang tồn tại, cho nên sẽ có một thực thể Hồi giáo tàn dư vượt lên trên các biên giới hiện tại của Syria, và không có bên nào trong vụ xung đột muốn nhìn thấy điều đó xảy ra.

Ông Ammar Abdulhamid là một nhà hoạt động đòi dân chủ của Syria, một tác già, hiện đang làm việc ở Silver Spring trong tiểu bang Maryland. Ông là người sáng lập Quỹ Tharwa, một tổ chức phi lợi nhuận có mục đích quảng bá dân chủ, xây dựng hòa bình và tái thiết hậu xung đột.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng các cuộc họp của ông Kerry chứa một triển vọng nào đem lại thành công hay không? Chúng ta đã có tình trạng này bao giờ chưa? Liệu có thể có một giải pháp chính trị hay không?

Đáp: Rất khó mà đặt nhiều trông đợi vào vòng cụ thể này. Ông Kerry trước đây đã nêu ra rằng chính quyền có thể sẵn sàng chấp nhận việc để cho ông Assad dự phần trong một sắp xếp tạm thời, như thế là từ bỏ một lằn ranh đỏ khác trước đây đã được chính quyền vạch ra có liên quan đến vụ xung đột ở Syria. Nhưng ngay cả sự nhượng bộ này có thể cũng chưa đủ ở giai đoạn này. Ông Putin dường như muốn có một thỏa thuận bao quát hơn, một thỏa thuận hợp thức hóa chuyện ông can dự vào Syria, mà dường như là một dự án dài hạn hơn so với dự tưởng. Ông Putin cũng có thể muốn liên kết các diễn biến ở Syria với những diễn biến ở miền đông Ukraina.

Hỏi: Ông mô tả ra sao về sách lược Syria của chính quyền Obama tính đến nay? Ông sẽ thay đổi gì để làm cho sách lược đó hữu hiệu hơn?

Đáp: Nếu có một sách lược nào, thì dường như nó tập trung vào việc hạn chế mọi sự can dự có thể có vào Syria, và mọi nơi khác, bởi vì chính quyền Obama coi chủ nghĩa can thiệp tự thân nói đã là một vấn đề, ngay cả để ngăn ngừa bạo lực, như trường hợp những tháng đầu của cuộc Cách mạng Syria, và ngay cả vì những lý do nhân đạo, như tình hình hiện nay.

Có nhiều bước có thể được mô tả để có thể xây dựng một sách lược thực sự tập trung vào việc chấm dứt sự đau khổ cho người dân Syria. Thứ nhất là: có một vị tổng thống mới, một tổng thống không bị mù quáng vì những quy luật chủ thuyết. Một khi có được điều đó, chúng ta có thể bàn đến các bước khác. Ngay lúc này, cái khó là giữ đủ người Syria ở Syria và có đủ chỗ có thể ở được tại Syria cho đến khi một tổng thống mới lên nhậm chức.

Hỏi: Chiến dịch không kích của Nga và hậu thuẫn tăng cường dành cho ông Assad thay đổi như thế nào sự tính toán cho một giải pháp chính trị?

Đáp: Ngay cả trước khi chiến dịch diễn ra, đã có đủ sự hậu thuẫn của Nga dành cho ông Assad và đủ sự do dự của chính quyền Obama để biến Nga thành một đối tác cần thiết trong mọi tiến trình chính trị nghiêm túc ở Syria. Với chiến dịch này – và điều dường như là ý muốn xây dựng một sự hiện diện kinh tế và quân sự rộng lớn hơn nữa dọc theo các vùng ven biển, và có thể là Damascus và Aleppo – một hình thức nhiệm quyền Nga – Iran dường như nổi lên ở nhiều phần phía tây Syria, một nhiệm quyền mà phía Nga và Iran muốn Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ả Rập Xê-út chấp nhận. Phe đối lập có thể phải chấp nhận với một điều gì đó theo các nguyên tắc náy, nhưng chừng nào Nga và Iran còn nhất mức đòi ông Assad ở lại chức tổng thống, thì sẽ không thể nào đạt được một thỏa thuận như thế, và cuộc chiến tranh đánh thuê ở Syria sẽ tiếp tục. Cách này hay cách khác, ông Assad phải từ từ ra đi, hay bị lật đổ một cách bất ngờ. Sự ra đi của ông có thể không mở màn cho dân chủ, nhưng ít nhất nó cũng đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và mở đầu cho một kỷ nguyên mới. Người dân Syria cần điều đó để có thể đem lại sự hợp lý cho tất cả những gì đã diễn ra trước đây.

Hỏi: Các cơ may cuộc xung đột Syria leo thang thành một cuộc chiến đánh thuê giữa Hoa Kỳ và Nga là gì?

Đáp: Có nhiều cơ may xảy ra điều đó, khi một chính quyền bị áp lực phải cứng rắn mà không cần thực sự can thiệp không có chọn lựa nào khác.

Theo Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề