Theo TS Bùi Đình Thụ, nếu không chặt tay trong quản lý chi và thu không triệt để thì nguy cơ tăng bội chi trên 5% GDP là khó tránh khỏi và chúng ta cần nhớ đến bài học của Hy Lạp.
Liên quan đến nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, TS Bùi Đình Thụ – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo giới về một số vấn đề như: tăng lương, khoán xe công và áp lực nợ công.
Vấn đề tăng lương ở thời điểm này đã là cấp bách
– Trong Nghị quyết về dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua, câu chuyện tăng lương được bàn đến như thế nào, thưa ông?
-TS Bùi Đình Thụ: Vấn đề tăng lương là điều bức xúc. Theo lộ trình, đã 3 năm nay chúng ta không tăng lương cho cán bộ công chức. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân có thu nhập thấp, đời sống thiếu ổn định. Vì thế việc tăng lương là cần thiết và ở thời điểm này đã là cấp bách.
Do vấn đề cân đối ngân sách trong những năm gần đây nên năm 2015 chúng ta không thực hiện được lộ trình tăng lương theo kế hoạch mà chỉ giải quyết tăng lương cho những người về hưu và những người có thu nhập thấp dưới hệ số 2,34.
Trong cân đối ngân sách năm 2016, khó khăn hơn dù tỷ lệ bội chi ngân sách thấp hơn so với 2015, chỉ ở mức 4,95% GDP nhưng con số tuyệt đối về bội chi ngân sách nhà nước lại cao hơn so với bội chi ngân sách nhà nước 2015 (cao hơn 28.000 tỉ đồng). Chúng ta đã phải sử dụng nhiều khoản thu ngoài thuế và phí để bố trí chi để giữ được mức bội chi như vậy.
Ngoài số thu về phí, lệ phí, thu cấp quyền sử dụng đất, thu từ dầu khí, bán tài nguyên, chúng ta đã phải sử dụng 30.000 tỉ đồng từ việc bán phần vốn của Nhà nước tại một số doanh nghiệp. Chúng ta đã phải cho một số tỉnh có quỹ lương lớn được sử dụng đến 12.000 tỉ đồng để bổ sung đầu tư.
Chúng ta đã phải yêu cầu các địa phương năm nay vừa thu 4.700 tỉ đồng của năm 2015 chuyển sang năm 2016 để thực hiện cân đối và bổ sung đầu tư.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, quan điểm của chúng tôi là cân đối một cách tích cực để giải quyết chính sách tiền lương với tinh thần là giữ nguyên mức bội chi và phải điều chỉnh cơ cấu thu chi để có nguồn làm lương.
Qua làm việc với các bộ ngành, chúng tôi đã thống nhất là giữ nguyên điều chỉnh tiền lương tăng 8% đối với người có thu nhập thấp (hệ số dưới 2,34) và người về hưu. Từ ngày 1.5.2016 sẽ bố trí tăng 5% tiền lương cơ sở cho những người có mức tiền lương có hệ số trên 2,34. Như vậy, mức tiền lương cơ sở hiện tại là 1.150.000 đồng sẽ tăng thêm 5% nữa.
– Còn vấn đề khoán xe công, ông có quan điểm như thế nào?
-TS Bùi Đình Thụ: Việc duy trì số lượng đầu xe công và cơ chế quản lý sử dụng như hiện nay thì rõ ràng là lãng phí, tiêu tốn một lượng ngân sách rất lớn so với cơ chế thực hiện khoán xe công đối với các chức danh được phép sử dụng xe công đưa đón.
Để khắc phục tình trạng ấy, đợt này Quốc hội đưa vào Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2016 là đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán xe công. Chủ trương có rồi nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào, rà soát lại cơ chế, phương thức, cách làm, đối tượng khoán như thế nào…
Lộ trình và bước đi như thế nào thì Quốc hội đã giao Chính phủ. Nhưng tôi cho rằng cơ chế khoán xe công đem lại hiệu quả rất rõ.
– Thưa ông, khi thảo luận và đưa ra Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2016, vấn đề tiết kiệm chi tiêu đã được bàn như thế nào?
-TS Bùi Đình Thụ: Những nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước những năm gần đây đều có quy định kiên quyết cắt giảm những khoản chi tiêu không thật cần thiết, chưa thật cấp bách, những mua sắm đắt tiền…
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 tiếp tục quy định điều hành ngân sách 2016 với tinh thần thắt chặt tài khóa, triệt để tiết kiệm.
Thứ hai là hạn chế đến mức tối đa các đoàn nghiên cứu khảo sát ở nước ngoài. Ngoài ra, vấn đề tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, mua sắm xe công, lễ hội, khánh tiết cũng được quy định trong Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Một nửa nợ thuế là có khả năng thu hồi
– Trong thời gian vừa qua, liên quan đến vấn đề thu nợ công, các địa phương có được giao định mức không, thưa ông?
-TS Bùi Đình Thụ: Đó là thu nợ thuế mà nói rộng ra là nợ ngân sách nhà nước, chủ yếu đến từ nợ do ngành thuế quản lý và hải quan. Số nợ đọng thuế cho đến thời điểm này là khá lớn, lên đến 76.000 tỉ đồng.
Trong số nợ ngân sách nhà nước đó, có những khoản mới phát sinh trong những năm gần đây nhưng có những khoản lưu từ nhiều năm. Ví dụ như nợ thuế của nhiều doanh nghiệp mà họ đã bị phá sản, giải thể nhưng chúng ta chưa xử lý nên cứ “vắt” từ năm này qua năm kia.
Và để xử lý vấn đề này, ngoài việc quản lý chặt chẽ chi thì phải tăng cường quản lý thu. Tôi đã kiến nghị Chính phủ là kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng của ngân sách nhà nước, trong đó có nợ thuế để đảm bảo cân đối ngân sách.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị sử dụng khoản tiết kiệm của các bộ ngành trung ương trong năm 2015, sử dụng cắt giảm khoản chi chưa thật cần thiết, đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng một phần tiền (khoảng 10.000 tỉ đồng) từ bán phần vốn sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp mà dự kiến trong năm 2015-2016 là 40.000 tỉ đồng vào cân đối ngân sách 2015 để giữ mức bội chi như Quốc hội cho phép.
Không chặt tay, nguy cơ tăng bội chi trên 5%GDP là khó tránh khỏi
– Đã có lần ông có ý kiến tại hội trường rằng dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn, nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực nợ công. Vậy các giải pháp để xử lý vấn đề này trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
-TS Bùi Đình Thụ: Trong những năm gần đây, khi quyết toán đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước không chỉ tăng tuyệt đối mà còn tăng cả về tỷ lệ. Trong năm 2015, nếu điều hành không tốt, không kiên quyết, không chặt tay trong quản lý chi và thu không triệt để thì nguy cơ tăng bội chi trên 5%GDP là khó tránh khỏi.
Bài học của Hy Lạp là ban đầu tỷ lệ nợ công trên GDP là thấp. Đến khi khắc phục nợ công thì phải cắt giảm chi tiêu. Kinh tế suy thoái, tăng trưởng âm, GDP giảm xuống nên cũng với khoản nợ công đó, chưa kể là chưa trả được thì tăng nợ lãi, thì khi chia cho mẫu số nhỏ hơn (GDP giảm), nợ công sẽ tăng lên. Đó là bài học cho chúng ta. Vì thế tôi cho rằng dù nợ công ở dưới mức cho phép nhưng không thể chủ quan. Khi kinh tế suy thoái, nếu vẫn duy trì ở mức nợ công như hiện nay thì có nguy cơ vượt trần.
Để khắc phục tình trạng đó thì hơn lúc nào hết, đó là phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Trước hết là quản lý chi trên tinh thần triệt để tiết kiệm, cắt giảm những khoản chưa thật cần thiết, chưa thật cấp bách, những khoản chi chưa thật hiệu quả. Và để làm được cái này thì phải phân kỳ đầu tư, phải thực hiện cơ chế khoán như khoán xe công, khoán kinh phí hoạt động, phải cải cách hành chính để giảm chi thường xuyên, tăng cường chế độ trách nhiệm của người đứng đầu khi để vượt chi.
Về thu ngân sách, rõ ràng là phải rà soát lại chính sách thu. Phải nghiên cứu hệ thống chính sách thuế và quy định mức nào cho hợp lý. Đặc biệt, tôi lưu ý vấn đề thời điểm cũng cần phải đánh giá một cách bình tĩnh và đánh giá một cách thận trọng.
Trả lời