Nước Đức thống lĩnh Châu Âu? Hitler sống lại hay Angela Merkel đang theo đuổi chính sách hiếu chiến của Đức quốc xã trong thế chiến 2? Không, chỉ đơn giản là vấn đề nước Đức cần làm gì để tối ưu hóa địa vị mới của nó sau hội nghị Minsk ngày 12.2.2015.
Nước Đức đã thực sự trở thành thủ lĩnh chính trị của Liên minh Châu Âu ở Minsk, thay thế vai trò trước đó thuộc về Mỹ, và Đức cũng đã là nền kinh tế số một EU trong một thời gian dài. Nhưng đó là chưa đủ để xác lập địa vị thống lĩnh cả về chính trị lẫn kinh tế của Đức ở EU, đơn giản là vì địa vị nền kinh tế số một của Đức không đồng nghĩa với địa vị thủ lĩnh về kinh tế với EU.
Không còn nghi ngờ gì về việc Đức là nền kinh tế quan trọng nhất của Liên minh Châu Âu ở thời điểm hiện tại, với vai trò cường quốc kinh tế số một Châu Âu, Đức đang có một địa vị bất khả xâm phạm trong khu vực đồng tiền chung Eurozone. Các nước muốn trở thành thành viên của EU đều phải có sự chấp thuận của Đức, và gần như không có vấn đề quan trọng nào của EU có thể giải quyết mà không có sự tham gia của Berlin.
Quan điểm của Berlin gần như đã trở thành một sự cần thiết không thể thiếu trong những quyết định của EU, gần nhất là việc ngân hàng trung ương Châu Âu ECB tưởng như đã không thể triển khai gói kích thích kinh tế QE để đẩy lùi nguy cơ giảm phát mà Châu Âu đang mắc phải khi vấp phải sự không đồng ý của Berlin.
Nhưng, vai trò là nền kinh tế quan trọng nhất không đồng nghĩa với địa vị thống lĩnh về kinh tế ở Châu Âu. Dù ở thời điểm hiện tại Đức đang giữ một địa vị không thể thay thế ở EU, nhưng hãy còn xa mới đạt được địa vị thống lĩnh. Đức hiện nay đang đóng vai trò của một chủ tịch hội đồng quản trị trong công ty EU, mà các nước khác là những thành viên còn lại của hội đồng quản trị, Berlin sẽ chỉ giữ vai trò tác động đến các chính sách của Liên minh Châu Âu theo hướng mà người Đức thấy là cần thiết chứ không thể đưa ra các quyết định ảnh hưởng hoàn toàn đến các nền kinh tế còn lại và nền kinh tế chung của toàn bộ khu vực Eurozone.
Sở dĩ như thế, có vẻ như là vì người Đức vẫn chưa sẵn sàng cho địa vị thống lĩnh về kinh tế của mình. Berlin vẫn giữ một thái độ dè dặt đối với việc hồi phục kinh tế EU ở thời điểm hiện tại. Khi thống đốc ECB Mario Draghi đề xuất chương trình nới lỏng định lượng QE để chống lại nguy cơ giảm phát mà EU đang phải đối mặt, Đức đã là người phản đối gay gắt. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cho rằng việc in thêm tiền để kích thích kinh tế không phải là một giải pháp tốt khi các nền kinh tế thành viên của Eurozone đang có sự chênh lệch đáng kể về kích thước và quy mô.
Cũng không ít lần, Đức đã từ chối thẳng thừng lời đề nghị của Mỹ hay Pháp về việc kích cầu nền kinh tế nội địa của nước này. Cầu nội địa Đức là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến kinh tế Đức và kinh tế EU, với mức cầu lớn của mình, nền kinh tế nội địa Đức có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ của Đức mà còn của cả các nước thành viên Liên minh Châu Âu.
Thế nhưng Berlin và thủ tướng Angela Merkel đã từ chối, lý do đưa ra là Đức muốn một sự tăng trưởng cầu trong nước một cách lành mạnh thay vì thúc đẩy nó một cách cưỡng bức. Quan điểm muốn mọi nền kinh tế, kể cả bản thân, tăng trưởng một cách vững chãi và lành mạnh luôn là quan điểm chủ đạo của các nhà lãnh đạo Đức.
Kể cả khi nước Đức đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng, thì người Đức vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Theo báo cáo mới nhất, Đức đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi mức lạm phát của nước này đã tụt xuống mức – 0,4% dù trong năm 2014 chính phủ Đức đã thông qua việc tăng lương cơ bản cho người lao động nước này, tăng lương và giá cả hàng hóa giảm do giá dầu sụt giảm tưởng như đã có thể khiến chi tiêu của người dân Đức tăng lên, nhưng thực tế nó đã không diễn ra như sự kỳ vọng, tâm lý e ngại về tình hình ảm đạm của kinh tế thế giới và tăng tiết kiệm đã chi phối đến người dân Đức hơn là tăng chi tiêu.
Nhưng kể cả khi phải đối mặt với nguy cơ giảm phát, thì chính sách của chính phủ Đức vẫn là nói không với các biện pháp kích cầu mà các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Trung Quốc hay Nhật Bản đang sử dụng.
Các chuyên gia dự báo, điều này có thể thay đổi khi vị trí thống lĩnh về chính trị của Đức trong EU được củng cố. Một khi đã là thủ lĩnh về chính trị của toàn bộ khu vực đồng tiền chung, Đức cần đưa ra các chính sách có tầm ảnh hưởng bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế của các nước thành viên EU, như một cách thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo cả về chính trị lẫn kinh tế, một trong những vấn đề chủ yếu trong đó là việc Đức cần kích cầu nền kinh tế nội địa của mình.
Ai cũng biết rằng Đức là nước có lợi nhất khi EU kết nạp thêm thành viên mới, khi đó hàng xuất khẩu của Đức sẽ có thêm một thị trường mới đang rộng mở chào đón, thế nên việc Đức luôn miệng khẳng định quan điểm về sự bình đẳng tuyệt đối giữa các nền kinh tế EU với nhau để lẩn tránh trách nhiệm của nền kinh tế số một khu vực khiến các nước thành viên EU khác – kể cả Pháp – bực mình.
Nếu Đức có thể kích cầu nội địa của mình và mở rộng cửa hơn cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước EU khác, khả năng hồi phục của nền kinh tế Liên minh Châu Âu sẽ lớn hơn rất nhiều, và địa vị thống lĩnh về kinh tế của Đức trong EU cũng sẽ được xác lập. Hội nghị Minsk vừa qua cũng đã cho thấy, Đức hoàn toàn có thể nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên EU nếu như Berlin đứng ra bảo vệ quan điểm của riêng mình, việc nghe theo Mỹ một cách mù quáng đã khiến EU trả một giá đắt trong ván bài với Nga trước khi những nước này nhận ra rằng quan điểm của Đức về vấn đề Ukraine là đúng đắn.
Đức đã giúp tháo gỡ tình hình Ukraina một cách hiệu quả, và vì thế cũng có thể tăng cường vai trò của nó trong việc giúp kinh tế EU hồi phục nhanh hơn. Nhưng để làm được điều đó, Angela Merkel và các đồng sự cần rũ bỏ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị trong công ty EU của mình đi.
Một Thế Giới
Trả lời