Bên cạnh những thương vụ hợp pháp giữa các quốc gia, thì còn hằng hà sa số những vụ mua bán chợ đen mà người mua thường là những nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoặc các tổ chức khủng bố. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ điểm qua chân dung của một số những ông trùm lái súng chợ đen lừng danh thế giới.
Buôn súng là… “hỗ trợ hậu cần”
Tên thật của ông ta là Viktor Anatolyevich Bout, sinh ngày 13-1-1967 trong một ngôi làng gần Dushanbe, Tajikistan, Liên Xô (cũ) nhưng trong giới mua bán vũ khí chợ đen, Bout còn được biết đến với những cái tên như: Vadim Markovich Aminov, Viktor Bulakin, Viktor Bout Anatoliyevich, Victor But, Viktor Budd và đặc biệt hơn cả là Merchants of Death (thương gia tử thần)…
Viktor Bout. |
Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Quân sự Moscow, Liên Xô, với khả năng đọc thông nói thạo 6 thứ tiếng, trong đó tiếng Iran và Quốc tế ngữ (Esperanto) Bout đã học từ hồi 12 tuổi, ông ta phục vụ trong quân đội Liên Xô với cương vị là một nhà dịch thuật, hàm trung úy.
Cuối năm 1987, Bout đến Angola, châu Phi. Trước đó, một cuộc nội chiến đã diễn ra giữa Phong trào Nhân dân giải phóng Angola (MPLA), Liên minh dân tộc vì nền độc lập toàn vẹn của Angola (UNITA) và Mặt trận giải phóng quốc gia Angola (FNLA), trong đó UNITA, FNLA được Zaire, Mỹ và Nam Phi hậu thuẫn, còn MPLA do Liên Xô yểm trợ.
Các thiết bị quân sự như xe bọc thép, máy bay, súng đạn cùng nhiều đơn vị quân đội Cuba được Liên Xô đưa tới Angola trong một nỗ lực công khai nhằm tạo ra thế cân bằng quân sự có lợi cho MPLA. Với sự yểm trợ tích cực này, MPLA và quân đội Cuba đã kiểm soát thủ đô Luanda cùng 3/4 lãnh thổ, buộc UNITA phải chuyển sang chiến thuật du kích. Khi Angola tuyên bố độc lập, Agostinho Neto trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa nhân dân Angola (đến năm 1991 đổi tên là Cộng hòa Angola).
Trong thời gian ở Angola, Viktor Bout được biết đến với vai trò của một trung tá điều hành các chuyến bay chở hàng hóa tiếp liệu cho Angola. Khi Liên Xô cùng các nước trong khối xã hội chủ nghĩa tan rã, Bout giải ngũ.
Cũng như nhiều người Nga khác, ông trở thành nhà buôn các mặt hàng rất được ưa chuộng ở Nga lúc bấy giờ như quần jean, bia, nước giải khát Coca Cola nhưng chỉ một thời gian ngắn, Bout nhận ra cơ hội của mình: Khi các kho dự trữ vũ khí của khối Xô Viết đang ở trong tình trạng vô chính phủ, các sĩ quan, binh lính do không được thanh toán tiền lương nên sẵn sàng bán tất cả những gì có thể nếu có người mua.
Bằng một chiếc máy bay vận tải Ilyushin 76 đã tân trang lại, Bout chuyển sang kinh doanh vũ khí, gồm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa đất đối không, súng trường tấn công AK47, trung liên RPD, đại liên Kalimov 12,8mm, súng cối các loại và súng chống tăng RPG…, mà điều trớ trêu là khách hàng của Bout lại là Jonas Savimbi, nhà lãnh đạo cuối cùng của quân du kích UNITA! Chưa hết, Viktor Bout còn cung cấp vũ khí cho Charles Taylor, nhà độc tài Liberia để đổi lấy đá quý, cho đại tá Gaddafi ở Lybia để đổi lấy dầu lửa, và nhất là trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone, súng đạn của Viktor Bout đã khiến 150.000 người thiệt mạng.
Giải thích về chuyện này, Bout nói: “Quý vị có thể cho rằng tôi là một tên lái buôn những mặt hàng giết người nhưng thật ra, nếu tôi không làm điều đó thì cũng có người khác làm!”. Brian Johnson Thomas, thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc khi gặp Viktor Bout trong quầy bar tại một khách sạn ở Congo vào năm 1996, đã nói với Bout: “Máy bay của ông mang súng đến để những người sử dụng thực hiện những hành vi vi phạm nhân quyền”. Đáp lại, Bout nói: “Lạ nhỉ! Thực tế thì tôi chỉ “hỗ trợ hậu cần” mà thôi”…
Tung hoành khắp thế giới
Năm 1995, Viktor Bout nhận được cuộc điện thoại của một talips (là cách gọi những giáo sĩ Hồi giáo dòng Sunni) từ một khu vực ở biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Trong cuộc trò chuyện ấy, người gọi cho biết lãnh đạo Taliban là Mullah Omar muốn gặp ông ta. Bout kể: “Tôi biết Taliban ghét tôi vì tôi bay cho Chính phủ Afghanistan nhưng một khi Mullah Omar đã chính thức lên tiếng mời tôi thì tôi biết họ đang cần”.
Viktor Bout (áo trắng), ảnh do phóng viên Wim Van Cappellen chụp ở Congo, năm 2001. |
Thời điểm này, Taliban đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan, và Mullah Omar đề nghị Viktor Bout cung cấp cho lực lượng của ông ta 30 tấn vũ khí. Lời đề nghị nhanh chóng được đáp ứng. Trong hơn 2 tháng với 45 chuyến bay, Viktor Bout đã chuyển đến Afghanistan cơ man nào súng đạn, góp phần giúp Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Oái oăm thay, khi Liên minh phương Bắc hình thành, do Massoud lãnh đạo với mục tiêu lật đổ sự cai trị hà khắc của Taliban ở Afghanistan thì chính Viktor Bout cũng lại bán vũ khí cho liên minh này!
Tương tự như vậy, năm 2000, Bout cùng một đội ngũ mà ông ta gọi là “những chàng trai trẻ ở Moscow” đã vào Rwanda, châu Phi theo lời mời của Tổng thống Paul Kagame để đào tạo cho quân đội nước này cách sử dụng những loại vũ khí, kể cả vũ khí hóa học – do Bout cung cấp! Bout nói: “Thật khôi hài khi người ta gọi tôi là “thương gia tử thần” trong lúc nhiều quốc gia khác như Mỹ chẳng hạn, những công ty buôn bán vũ khí phải gọi là gì? Có lẽ là “ông chủ của các nhà kinh doanh tử thần mới đúng!”.
30 tuổi, Bout đã trở thành tỉ phú với một phi đội máy bay vận tải gồm 60 chiếc, đăng ký ở Cộng hòa Trung Phi dưới tên gọi rất hiền lành: “Công ty Vận tải hàng không dân sự Trung Phi Viktor Bout”. Ba ngày sau khi cuộc chiến tranh giữa Israel và Hezbollah nổ ra, tình báo Mỹ phát hiện Viktor Bout họp với một số lãnh đạo cao cấp của Hezbollah trong một ngôi nhà an toàn ở ngoại ô thành phố Beirut mà nội dung không ngoài việc mua bán vũ khí, và một trong những loại vũ khí ấy đã bắn hạ một chiếc máy bay của Israel vào năm 2002..
Tuy nhiên ngay sau đó, cái tên Viktor Bout lại được nhắc đến – nhưng lần này ở một khía cạnh khác là giới truyền thông. Kết quả là nhiều quốc gia quyết định hành động nhằm loại trừ Bout. Một nhà báo Bỉ tên là Dirk Draulans, năm 2001 đã đọc một báo cáo về hành vi của Bout trước Liên Hiệp Quốc. Để có được bản báo cáo này, Draulans đã bám theo Bout đến tận Congo, nơi ông ta đang thực hiện một phi vụ bán 16.000 khẩu súng AK và hơn 2 triệu viên đạn. Dirk Draulans kể: “Trông ông ta như một nhà buôn kết hợp với đi du lịch. Lúc một đồng nghiệp của tôi là Wim van Cappellen, phóng viên ảnh, đang tìm cách tiếp cận để có được một bức chân dung của Bout thì bất ngờ một vệ sĩ của ông ta xuất hiện. Vung dao lên, gã này làm động tác kéo lưỡi dao qua cổ như thể muốn cho chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ chết nếu cố tình chụp ảnh Viktor”.
Và cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi Bout thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc của Liên Hiệp Quốc: “Tôi là một doanh nhân. Tôi có rất nhiều máy bay và tôi không quan tâm đến những gì người ta thuê tôi vận chuyển bởi lẽ đó không phải là trách nhiệm của tôi”. Thế nhưng, bản báo cáo của Dirk Draulans đã làm dấy lên một làn sóng trong giới truyền thông.
Theo Petre Hain và Douglas Farah, đồng tác giả của cuốn sách “Thương gia tử thần – Merchant of Death” thì sau vụ khủng bố tòa tháp đôi ở New York xảy ra vào ngày 11-9-2001, việc ngăn chặn vũ khí chợ đen đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với nhiều quốc gia. Dưới áp lực của Chính phủ Mỹ, Rwanda và Cộng hòa Trung Phi cắt đứt mọi quan hệ với Viktor Bout. Theo yêu cầu của Chính phủ Anh, Cộng hòa Trung Phi ra quyết định đóng cửa hãng hàng không của Bout.
Tử thần sa lưới
Để bắt Viktor Bout, yêu cầu tối quan trọng là phải chứng minh được ông ta là người buôn bán vũ khí chợ đen chứ không phải là kẻ môi giới hay vận chuyển thuê. Sau một quá trình chuẩn bị, đầu năm 2007, thông qua một điệp viên bí mật làm việc cho Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA), một luật sư người Nam Phi là Andrew Smulian cùng một điệp viên nữa, tự nhận mình là người của Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC), đã tiếp cận được với Viktor Bout. Trong cuộc nói chuyện, viên luật sư đề nghị Bout cung cấp một lô hàng súng đạn cho FARC để đổi lấy một lượng ma túy cocain lên đến hàng tấn. Rất hào hứng, Bout đồng ý rồi cho Andrew Smulian một điểm hẹn – là một khách sạn ở Thái Lan để thảo luận về phi vụ này.
Sinh nhật lần thứ 30 của Bout với vợ là Alla. |
Cuộc thảo luận được DEA bí mật ghi hình trong gần một năm với hàng chục cuộc gặp gỡ – từ Bangkok, Copenhagen đến Curacao và Bucharest – giữa Bout và Smulian cùng “người của FARC” để bàn về thời gian, địa điểm giao hàng, các chủng loại, số lượng vũ khí, phương thức thanh toán. Sau khi có đủ chứng cứ chứng minh rằng Viktor Bout cam kết sẽ cung cấp cho FARC 6.000 khẩu súng bao gồm tiểu liên, trung liên và đại liên – kể cả súng cối, hàng triệu viên đạn, vài chục nghìn quả lựu đạn cùng 100 tên lửa Igla chống máy bay, tất cả sẽ được thả dù xuống vùng đất do FARC kiểm soát, cuối tháng 3-2008, Chính phủ Mỹ đã nhờ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt khẩn cấp Viktor Bout rồi sau đó, dẫn độ ông ta về Mỹ theo Luật dẫn độ giữa Thái Lan và Mỹ. Phía Nga gọi quyết định cho phép dẫn độ của Tòa án Thái Lan là có động cơ chính trị, đồng thời cảnh báo rằng một số quan chức Mỹ sẽ bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh Nga
Năm 2010, Tòa án liên bang Mahattan, Mỹ, đã mở phiên xét xử Viktor Bout với tội danh buôn lậu vũ khí để Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) sử dụng chống lại công dân và quan chức Mỹ đang hỗ trợ cho Chính phủ Colombia trong cuộc chiến chống ma túy. Ngày 5-4-2012, với sự xuất hiện của nhân chứng là luật sư Andrew Smulian, Viktor Bout bị kết án 25 năm tù giam. Tại phiên tòa, Bout phản bác những luận cứ do phía công tố đưa ra nhằm buộc tội mình: “Nếu quý ông đang định áp dụng những tiêu chuẩn của quý ông cho tôi, thì quý ông cũng nên bỏ tù tất cả những công ty buôn bán vũ khí ở Mỹ”. Bào chữa cho Viktor Bout, luật sư của ông ta nói: “Cho đến khi bị bắt, thân chủ của tôi chưa bao giờ phát biểu rằng ông ta bán vũ khí để giết người Mỹ, mà chỉ là một thành viên của FARC nói với ông ta như vậy thôi”.
Sau khi bị kết án, Viktor Bout được chuyển đến nhà tù Penitentiary, thành phố Marion, bang Illinois. Và mặc dù giữa Mỹ và Nga không có hiệp ước dẫn độ nhưng chỉ hơn một năm sau đó, Viktor Bout được trả về Nga.
Tại đây, ông ta sống trong cảnh bần hàn vì tất cả tài sản ở các ngân hàng nước ngoài đã bị đóng băng, Viktor Bout kiếm ăn bằng nghề mua bán tuần lộc và… bếp gạch! Trong một cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh Nga, Viktor Bout cho biết ông ta “chỉ là vật tế thần trong cuộc chiến chống khủng bố”, còn với cuộc phỏng vấn đăng trên tờ New York Times dưới tựa đề “Con người và vũ khí – Arms and Man”, Viktor Bout nói: “Thật là kỳ lạ khi thức giấc vào chiều ngày 11-9 (là ngày xảy ra vụ khủng bố tòa tháp đôi New York), tôi thấy tên mình chỉ đứng sau Osama bin Laden trong lúc tôi là một doanh nhân với những thương vụ mua bán rất bình thường” (?!)…
Nguồn antg.cand.com
Trả lời