Với việc giải tán Hạ viện, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng một tương lai sáng sủa hơn cho cục diện chính trường nước này
Chiều ngày 21/11 (giờ Nhật Bản), Hạ viện Nhật Bản đã công bố giải tán. Đây là hành động đã được báo trước khi đêm ngày 18/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc họp báo đã công bố rằng sẽ giải tán hạ viện vào ngày 21/11.
Mục đích của việc giải tán Hạ viện lần này nhằm tiến tới cuộc bầu cử Hạ viện dự định tổ chức vào ngày 14/12 tới. Điều này đồng nghĩa với việc các nghị sĩ nhiệm kỳ 4 năm từ thời điểm 16/12/2012 sẽ kết thúc công việc của mình, thay vào những nghị sĩ mới.
Nhưng thực chất của cuộc bầu cử Hạ viện lần này là một “cuộc đấu tranh giành chính quyền” giữa các chính đảng, là cuộc bầu cử quan trọng trong chính trường Nhật nhằm bầu ra Thủ tướng. Vậy tại sao Thủ tướng Abe lại quyết định giải tán Hạ viện và bầu cử sớm hơn so với dự định?
Lý do giải tán Hạ viện
Lý do thứ nhất mà ai cũng có thể nghĩ tới đó là chính sách của Abenomics của Thủ tướng Abe sẽ phải phản ứng thế nào trước cục diện đang gây bất lợi cho chính sách này. Cuối tháng 12/2012, chính sách Abenomics được đưa ra bao gồm 3 bước, đó là, thực hiện gói kích thích tài chính lớn, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong thời gian dài.
Tuy chính sách đã kích thích nền kinh tế phát triển trong năm 2013, nhưng vẫn có những học giả tỏ thái độ nghi ngờ đối với chính sách này. Các nhà học giả cảnh báo rằng chính sách này không tạo nên sự phục hồi mang tính bền vững cho nền kinh tế Nhật Bản, ngược lại sẽ có những tác dụng phụ. Nền kinh tế Nhật Bản những năm trước có nhiều khó khăn không chỉ do vấn đề giảm phát, mà còn do chu kỳ của nó. Do vậy, không thể nói kinh tế Nhật Bản thời gian qua phục hồi kinh tế là nhờ “Abenomics”.
Một trong những buồi họp của Quốc hội Nhật Bản (Ảnh: AP)
Không chỉ dư luận trong nước, mà còn có cả dư luận ngoài nước lo ngại về chính sách “Abenomics” sẽ có những ảnh hưởng không tích cực tới các nền kinh tế khác trên thế giới. Chính sách này cuối cùng có thành công hay không còn quá sớm để kết luận. Hàn Quốc đã tỏ ý lo ngại về chính sách này. Theo Hàn Quốc, trong trường hợp chính sách này thất bại thì đầu tư của Nhật Bản vào Hàn Quốc sẽ giảm, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ bị phá vỡ, kéo theo thiệt hại lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Một chuyên gia kinh tế của Mỹ phân tích rằng: “Chính sách “Abenomics” có hai mặt. Nếu chính sách được thực hiện thành công thì các công ty của Nhật sẽ làm cho lực cạnh tranh của các công ty Hàn Quốc giảm, cũng là mối lo ngại của Hàn Quốc. Nếu chính sách thực hiện không thành công cũng sẽ ảnh hưởng tới Hàn Quốc. Còn nếu chính sách thực hiện thành công một nửa cũng không thể nói là có lợi cho Hàn Quốc”.
Theo Trưởng ban biên tập kinh tế của Hãng tin Kyodo Taniguchi, trong chiến lược tăng trưởng kinh tế mà chính quyền Abe đưa ra đã đưa ra tất cả những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển mang tính lâu dài nhưng không đưa ra biện pháp cụ thể. Ví dụ như trong vòng 10 năm tới cố gắng tăng thu nhập bình quân đầu người lên thêm 1.500.000 Yên (tương đương 15.000 USD), nhưng không đưa ra cụ thể những công việc cần phải làm là gì. Do vậy có thể nói chiến lược lâu dài của Thủ tướng Abe chưa có thể nói là thành công hay không.
Việc ông Abe đã kéo dài thời hạn tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% trước thời điểm quyết định giải tán Hạ viện được coi là động thái làm yên lòng dân, nhưng thực tế trong dân chúng Nhật Bản đã bắt đầu có nhiều thất vọng và không mấy tin tưởng vào hiệu quả của chính sách này.
Vấn đề tăng thuế ở Nhật Bản, từ những nhiệm kỳ trước được coi là vấn đề khó. Năm 1983 Nội các chính quyền Thủ tướng Takeshita đã đại bại trước cuộc bầu cử Thượng viện cũng chỉ vì có quyết định tăng thuế tiêu thụ lên 3%. Năm 1997, Thủ tướng Hashimoto cũng thất bại thảm hại bởi có ý đồ tăng thuế lên 5%. Và gần đây nhất trước khi ông Abe lên nắm quyền, Thủ tướng Noda buộc phải từ chức khi có dự định cải cách thuế tiêu thụ. Và lần này không biết ông Abe có trụ vững khi quyết định tăng thuế tiêu thụ?
Lý do thứ hai, gần đây thành viên Nội các Nhật Bản liên tiếp vướng vào những vụ bê bối về tài chính, chi tiêu công quĩ không đúng mục đích. Điều này khiến cho uy tín của chính quyền Abe và bản thân ông Abe bị giảm đáng kể.
Lý do thứ 3 là khôi phục uy tín và thực hiện duy trì chính quyền lâu dài. Uy tín của chính quyền Abe từ khi được thành lập cho tới nay liên tiếp giảm. Mặc dù Thủ tướng Abe đã hy vọng chính quyền của mình ít nhất duy trì trong vòng 6 năm, nhưng do Nội các vướng vào những vụ bê bối tài chính khiến uy tin ngày càng giảm. Nếu uy tín giảm xuống dưới 30%, nguy cơ trỗi dậy của các đảng đối lập càng cao. Chính vì lẽ đó, ông Abe ngay lập tức cho giải tán Hạ viện, hy vọng một sự “thay da đổi thịt” cho chính quyền của mình.
Thay đổi cục diện chính trị
Bầu cử Hạ viện lần này sẽ ảnh hưởng tới cục diện chính trị và tương lai của Nhật Bản. Theo diễn biến chính trường Nhật Bản hiện tại, Đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Abe chiếm ưu thế và có khả năng thắng trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, sự phân bố phiếu bầu giữa đảng Dân chủ tự do và các đảng đối lập khác cũng được dư luận chú ý. Đó là liệu đảng của Thủ tướng có thắng lớn hay không và khoảng cách ghế trong Hạ viện sẽ như thế nào, và nếu đảng Tự do Dân chủ thắng thì người lãnh đạo của đảng tiếp theo sẽ là ai?
Cuộc bầu cử Hạ viện lần này cũng sẽ mang lại cơ hội cho ông Abe trong việc tăng cường và mở rộng quân bị khi trước đó ông đã thông qua Luật thực thi quyền phòng vệ tập thể. Nhưng việc này cũng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều chuyên gia, lãnh đạo một số đảng đối lập.
Nền kinh tế Nhật vẫn chưa thấy hồi phục thực sự
Theo tổng kết của báo Mainichi, thời điểm cao nhất mà dư luận phản đối việc thực thi quyền phòng vệ tập thể lên tới 30 tổ chức, đoàn thể, trong đó đáng chú ý có cả tổ chức thuộc giới văn hóa, tôn giáo.
Ông Yamada-một đạo diễn phim cho rằng việc thông qua quyền phòng vệ Nhật Bản thực chất là phá vỡ điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, biến nước Nhật thành “nước chiến tranh”. Đạo diễn này cũng kêu gọi sự tán đồng của những lập trường không muốn biến nước Nhật thành nước chiến tranh như trước kia. Một loạt những đạo diễn nổi tiếng như Takada, nhà viết kịch Koyama, diễn viên Masako… đã ủng hộ lập trường này của Đạo diễn Yamada.
Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Abe giải tán Hạ viện được coi là “nút gỡ” cho những mâu thuẫn chưa được giải quyết trong chính quyền Abe. Tuy nhiên, có một số chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử này khó có thể mang lại sức sống mới cho ông Abe./.
Nguồn: VOV News
Trả lời