Chi gấp đôi TQ, Nhật vẫn bị ‘bóng ma’ ngáng cửa?

Trong bối cảnh nỗ lực gia nhập Hội đồng bảo an LHQ của Nhật Bản vẫn chưa có hồi kết, nhiều nhà phân tích đã nêu nghi vấn: “Phải chăng nguyên nhân của rào cản mập mờ này là do bóng ma của chủ nghĩa phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ II ?!”.

Nhật Bản luôn được đánh giá là thành viên tích cực của Liên hợp quốc (LHQ) với những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực như: môi trường, y tế, giáo dục, giải trừ quân bị… Những đóng góp này được thể hiện qua số tiền lớn thứ hai sau Mỹ mà Nhật Bản dành cho ngân sách LHQ hàng năm.

Nhưng hơn 20 năm qua, dù Nhật Bản nhiều lần đề xuất tham gia vào Hội đồng bảo an LHQ (HĐBA LHQ) với tư cách Thành viên thường trực, nhưng nguyện vọng này vẫn chưa được đáp ứng.

Có nhiều lý do đưa ra nhưng chưa thực sự thuyết phục. Dường như vẫn có một bức màn bí ẩn che phủ lộ trình gia nhập HĐBA LHQ của Nhật Bản. Đây vẫn là “bức tường sững sững” đối với Nhật Bản trong tiến trình “trở lại” của mình.

Thành viên tích cực

Đại đa số các nước thành viên LHQ không hề ngần ngại khi đánh giá Nhật là một trong những thành viên tích cực, chủ chốt nhất của diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này. Số tiền mà Nhật Bản đóng góp hàng năm cho LHQ là một minh chứng cụ thể.

Theo thống kê, hàng năm Nhật đóng góp khoảng từ 10,5%~12% ngân sách của LHQ. Trong các năm 2013, 2014 và 2015 này, con số cụ thể lần lượt là: 2 tỷ 761 triệu USD, 2 tỷ 765 triệu USD và 2 tỷ 940 triệu USD.

Như vậy, Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ (đóng góp khoảng hơn 6,5 tỷ USD) trong việc gánh vác những chi phí của LHQ và vượt xa các nước thành viên thường trực khác của HĐBA LHQ. Trong đó, gấp hơn hai lần Trung Quốc – nước đang ngày một gia tăng ảnh hưởng trên khắp thế giới chứ không riêng gì tại diễn đàn LHQ.

Ngoài tài chính, Nhật còn tích cực tham gia các hoạt động trọng yếu của LHQ, trong đó phải kể tới hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) mặc dù nước này bị “trói chân trói tay” bởi chính hiến pháp nước mình trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Nhật Bản chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ 1992. Khởi đầu chỉ vẻn vẹn 3 thành viên được cử tham gia Đoàn Quan sát viên LHQ tại Angola lần II (UNAVEM II) vào tháng 9 cùng năm. Tới nay, Nhật Bản đã cử tới hơn 9.000 lượt chuyên gia, sỹ quan, binh lính tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại hầu hết các điểm nóng trên thế giới như Campuchia, Iraq, Sudan…

Ngoài ra, những đóng góp về nhân tài, vật lực, ý tưởng của Nhật cho các hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, thiếu niên nhi đồng của LHQ cũng được đánh giá là đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều nước thành viên.

Rào cản mập mờ

Mong muốn trở thành Thành viên thường trực HĐBA LHQ của Nhật Bản được hai Thủ tướng của nước này là Miyazawa và Hosokawa đề xuất từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước ngay sau Chiến tranh vùng Vịnh và đúng vào thời điểm việc cải cách LHQ đang trở thành vấn đề nóng, cho đến nay vẫn không thể trở thành hiện thực.

Theo đề xuất đó của Nhật, LHQ cần bổ sung nước này cùng với ba nước khác đang được coi là có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới là Đức, Ấn Độ và Brazil vào danh sách các nước thành viên thường trực HĐBA LHQ.

Cho đến nay có tới hơn 150 nước trên tổng số 191 nước thành viên LHQ tán thành đề xuất của Nhật. Đây là một tỷ lệ ủng hộ có thể nói là ấn tượng nhất từ trước đến nay với một vấn đề cụ thể của LHQ. Ba trong số năm Thành viên thường trực HĐBA LHQ là Anh, Pháp, Mỹ cũng có cùng quan điểm với Nhật Bản.

Đặc biệt, Tổng thư ký LHQ lúc đó là ông Kofi Annan vào tháng 3/2005 cũng ủng hộ Nhật Bản và đưa ra phương án mở rộng HĐBA LHQ từ 5 thành viên lên 11. Nhưng một số ít nước được coi là sẽ bị ảnh hưởng lợi ích như Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hoạt động phản đối mạnh mẽ.

Nhiều lý do được đưa ra, trong đó có cả những lý do rất “dễ nghe” như: “Việc Nhật Bản trở thành Thành viên thường trực HĐBA LHQ sẽ khiến Nhật Bản bị cô lập tại châu Á”, hoặc “Có đầy đủ lý do khiến Trung Quốc giận dữ”. Thậm chí, người ta còn viện dẫn cả việc một số lãnh đạo Nhật Bản đi viếng đền Yasukuni – nơi có thờ một nhân vật bị kết án là tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ II để từ chối.

Tuy nhiên, không có lý do nào có tính thuyết phục trước tỷ lệ hơn 150/191 nước thành viên LHQ tán thành đề xuất của Nhật Bản như nêu trên. Mặc dù vậy, ngay cả Mỹ và Pháp là hai nước thực chất đã công nhận Nhật Bản và Đức là Thành viên thường trực HĐBA LHQ cũng tạm gác lại việc xem xét đề xuất của Nhật Bản trong bối cảnh công cuộc cải cách của LHQ bị đình trệ.

Câu trả lời “Có hay không” đối với việc mở cửa HĐBA LHQ cho Nhật Bản vẫn đang bị bỏ ngỏ. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà phân tích đã nêu nghi vấn: “Phải chăng nguyên nhân của rào cản mập mờ này là do bóng ma của chủ nghĩa phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ II ?!” nhưng không hề có kiểm chứng.

Nỗ lực không mệt mỏi

Tuy vậy, Nhật Bản vẫn không ngừng nỗ lực nhằm mở cánh cửa vẫn “im ỉm đóng” của HĐBA LHQ. Ngày 27/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố cho biết nước này sẽ tiếp tục ứng cử trong cuộc bầu cử Thành viên không thường trực HĐBA LHQ trong năm nay.

Thủ tướng Sinzo Abe, trong một thông điệp gửi LHQ đã nhấn mạnh: “Nhật Bản là nước tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và luôn đề cao những giá trị bất biến được nêu trong Hiến chương LHQ, mong muốn được đóng góp vào các hoạt động của LHQ như phòng chống thiên tai, giải trừ quân bị, tăng cường pháp trị trong các lĩnh vực hải dương, vũ trụ, không gian mạng. Theo đó, việc tham gia HĐBA LHQ là bước để Nhật Bản thực hiện đầy đủ mục tiêu của mình”.

Ngay sau đó, ngày 30/3 vừa qua, ông Yoshikawa – Đại sứ Nhật Bản tại LHQ cho biết: “Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy công cuộc cải cách LHQ mà nòng cốt là việc mở rộng HĐBA, theo đó sẽ thúc đẩy đàm phán một cách thực chất trong năm nay – năm quan trọng đánh dấu 70 năm ra đời của tổ chức lớn nhất hành tinh này”.

Đại sứ Yoshikawa nhấn mạnh quyết tâm: “Việc tham gia HĐBA LHQ vừa là nguyện vọng vừa là trách nhiệm của Nhật Bản”.

Các nhà bình luận nhận định, trong bối cảnh hiện nay, con đường đưa Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ vẫn còn mờ mịt, tuy nhiên không phải là tuyệt đối không thể. Bởi, xét cho cùng, điều này sẽ đóng góp vào việc lấy lại thăng bằng cho cán cân lực lượng đang thiên lệch một cách đáng ngại cho các nước nhỏ tại khu vực châu Á hiện nay.

VietNamnet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề