Liên minh quân sự Mỹ – Nhật sắp “lột xác”?

Theo các quy tắc quốc phòng sắp sửa đổi xong giữa Mỹ và Nhật Bản, quân đội Nhật sẽ có thêm nhiều quyền hạn mới, cho phép hành động khi quân đội Mỹ bị một nước thứ 3 đe dọa.

Phát biểu trong chuyến thăm tới Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh, việc sửa đổi “các hướng dẫn quốc phòng” sẽ làm biến đổi hẳn quan hệ quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản, cho phép quân đội hai nước “hợp tác vô biên” trước những thách thức trên toàn thế giới.

Lần cuối cùng thỏa thuận giữa hai bên được sửa đổi là vào năm 1997 và vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật chỉ giới hạn ở mức bảo vệ quân Mỹ khi hành động trên cơ sở tự vệ và chỉ ở xung quanh khu vực địa lý của Nhật.

Với những sửa đổi lần này, Lực lượng Phòng vệ Nhật có thể hỗ trợ và bảo vệ Mỹ trong nhiều tình huống hơn và ở phạm vi địa lý rộng hơn.

Bản sửa đổi dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này, trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington, đánh dấu một sự phát triển vượt bậc trong quan hệ quân sự Mỹ – Nhật.

Theo một hiệp ước năm 1960, Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản khỏi sự xâm lược từ bên ngoài. Khoảng 50.000 lính Mỹ hiện đang đóng tại Nhật Bản.

Liên tiếp nhiều thay đổi đã diễn ra khi Thủ tướng Abe nỗ lực “đại tu” cách thức Nhật Bản sử dụng sức mạnh quân sự của mình – vốn bị hạn chế nghặt nghèo kể từ Thế chiến II.

Ông Abe đang tìm kiếm một hành lang pháp lý để cung cấp quyền hạn lớn hơn cho quân đội nhằm bảo vệ Nhật và các đồng minh, và để tham gia hợp tác quân sự hạn chế ở hải ngoại.

Ely Ratner, một thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (một nhóm cố vấn ở Washington), cho rằng, những quy tắc sửa đổi sẽ tạo ra “một liên minh bảo vệ nhau bình đẳng hơn, chứ không chỉ đơn thuần là bảo vệ nước Nhật”.

Và rốt cuộc “điều này có tiềm năng mở ra rất nhiều hoạt động phòng thủ mới cho Nhật ở châu Á và vượt khỏi những gì đang bị cấm hiện nay”, ông cho biết thêm.

Thời gian gần đây, nhiều người ở Nhật lo ngại trước việc Trung Quốc nhanh chóng phát triển quân đội và nỗ lực phóng chiếu sức mạnh ra các vùng biển Đông và biển Hoa Đông, như quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp.

Chính quyền Obama, vốn cũng lo ngại trước sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc, hoan nghênh các động thái của ông Abe.

Giới chức ở Washington bày tỏ hy vọng rằng, một sự linh hoạt quân sự lớn hơn sẽ giúp cho nước Nhật có thêm lực bẩy để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao.

VietNamnet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề