Báo chí mới đây đăng ý kiến của một người Nhật sống ở Việt Nam hơn 20 năm, nhận xét rằng người Việt lười hơn 20 năm trước. Một số báo khác thì đăng các bài về những “tỉ phú thời gian”, tức là những người, đa số là trẻ, có rất nhiều thời gian rảnh rỗi, chuyên ngồi quán cà phê, lướt web, chơi game… mà “nhàn cư” thì thường gắn với “vi bất thiện”.
Nói một số người Việt đang lười hay đang lười hơn đều dễ gây ra “tự ái dân tộc”, nhất là khi điều đó xuất phát từ một người nước ngoài. Có người cho rằng thời nào cũng có những kẻ lười nhác nhưng không thể nói bây giờ người Việt lười hơn trước đây vì không có một nghiên cứu, khảo sát khoa học nào chứng tỏ việc này. Hoặc, nhìn vào sự gia tăng của năng suất lao động thì thật khó tin rằng người Việt đang lười hơn…
Gần như tất cả chúng ta đều từng được dạy hoặc từng được đọc rằng người Việt có truyền thống siêng năng, cần cù… Thực tế với phần lớn người Việt hiện nay cũng như vậy. Hãy nhìn những người nông dân trên đồng, chăm chút cho từng bụi lúa, dù rằng hiệu quả làm lúa hiện rất thấp.
Nhưng xin hãy bỏ qua “tự ái dân tộc” để nghiêm túc nhìn lại mình với tinh thần thật sự cầu thị, xem người Việt ta có lười hay lười hơn không trong bối cảnh xã hội đang thay đổi, nội hàm của chuyện “lười” cũng mở rộng.
Này đây, người học ít chịu đọc sách, ít tìm hiểu mà thường sao chép từ bài giảng, từ giáo trình, từ tài liệu trên mạng, sao chép lẫn nhau và kể cả gian lận trong thi cử. Này đây, không ít học sinh muốn thi vào đại học để làm “thầy”, không thích học nghề, phải làm “thợ”; một số người thích học ngành nào dễ kiếm tiền mà không quan tâm đến năng lực thực sự của mình. Này đây, một số người thường xuyên “nhảy việc” không phải vì tìm thử thách mới hay để có môi trường làm việc tốt hơn mà bởi tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.
Này đây, các nhà khoa học ngồi ỳ nơi bàn giấy, phòng máy mạnh, không biết được nhu cầu của thực tiễn cuộc sống để mà nghiên cứu, phát minh, sáng tạo, cải tiến ra những công cụ, thiết bị mới. Này đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hay né việc, ít quan tâm đến vai “đầy tớ” của dân, vẫn còn tham mưu và ban hành những quyết sách không phù hợp thực tế hoặc chủ yếu có lợi cho nhà quản lý…
Này đây, có không ít người hay “chém gió”, làm “anh hùng bàn phím” khi gặp những vấn đề của xã hội nhưng bản thân chẳng mấy khi chịu động tay hay làm điều gì thiết thực.
Những điều này có thể ta thấy không nhiều hồi hai ba mươi năm trước hoặc trước nữa.
Nhận xét kia nên xem là một cảnh báo. Cần quan tâm, giúp những người trẻ hôm nay có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Toàn xã hội phải mạnh mẽ lên án những người lười nhác, những kẻ ăn bám để họ phải lao động thực sự, làm ra của cải thực sự. Hẳn ai cũng thấy đau lòng khi nói người Việt lười hơn, nhưng nếu không quyết liệt ngăn chặn thì chắc sẽ có nhiều người càng lười hơn nữa!
Trí Lê (Theo TBKTSG)
Trả lời