Mặt trận thông tin Biển Đông – Bài 1: Phân tích từ sự kiện giàn khoan HD981

Khi các sự kiện trên thực địa tại Biển Đông giữa 2015 đang nóng lên với “chiến lược đảo hóa” và sự xuất hiện trở lại của giàn khoan HD981, thì một trận chiến khác đang manh nha bùng nổ. Đó là cuộc chiến thông tin và tuyên truyền của Trung Quốc, mà được biết dưới các tên “Tam chủng chiến pháp”.

Trong sự kiện giàn khoan HD981 năm 2014, chiến lược này thể hiện qua bốn kênh khác nhau bao gồm cả pháp lý, tâm lý, truyền thông và học giả. Khảo sát lại bài học năm 2014 và thảo luận cho 2015 là mục đích của bài viết này. Qua đó, chúng tôi lập luận rằng, mức độ thành công của “tứ chủng chiến pháp” của Trung Quốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, những điểm mà các nước ASEAN và Việt Nam cần tận dụng để tạo ưu thế ngôn luận bằng một chiến lược “hiệp đồng binh chủng” trong mặt trận thông tin.

“Tam chủng chiến pháp”

“Tam chủng chiến pháp” (còn được gọi là “Ba mặt trận – Three Warfares”) của Trung Quốc được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Quân sự Trung ương đưa ra từ năm 2003. Học thuyết này định hình một chiến thuật hữu hiệu giúp cường quốc này nắm thế chủ động trong những cuộc “chiến tranh thông tin”. Mục đích nhằm đẩy ngược sức ép dư luận về phía đối phương. Theo Bản báo cáo thường niên của Bộ Quốc Phòng Mỹ năm 2011, học thuyết này có nội hàm bao gồm: mặt trận tâm lý, mặt trận truyền thông và mặt trận pháp lý.

Mặt trận tâm lý (Psychological Warfare), bao gồm các hoạt động ngăn chặn, đe doạ, gây rối loạn nhằm làm tê liệt khả năng chống trả của đối phương. Đây được xem là mặt trận chủ chốt trong học thuyết, và cũng là mặt trận được sử dụng linh hoạt tất cả các công cụ về chính trị. Nó bao gồm các bài phát biểu ở nhiều cấp, trong quan hệ song phương và đa phương, các công cụ kinh tế (gián tiếp thông qua hoạt động của các công ty quốc doanh hoặc trực tiếp trừng phạt kinh tế, cứu trợ kinh tế) và trong một số trường hợp có cả các hoạt động quân sự nhằm mục tiêu răn đe (như các cuộc tập trận, phô trương công nghệ quân sự, điều động quân đội v.v). Dựa trên sự linh hoạt và đa dạng trong việc sử dụng nhiều công cụ chính sách, mặt trận này không chỉ tác động đến khả năng ra quyết định trên lĩnh vực chính trị, mà còn ảnh hưởng đến cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế hay quốc phòng.

Thứ hai là mặt trận truyền thông (Media Warfare). Mục tiêu của mặt trận này nhắm đến các hoạt động tuyên truyền gây ảnh hưởng lên sự nhận thức của công chúng trong nước và quốc tế. Mục tiêu là tạo nên các luồng dư luận ủng hộ quan điểm của chính phủ Trung Quốc, đồng thời gây nhiễu tất cả các quan điểm trái chiều. Mặt trận này được thực hiện triệt để về đối nội thông qua sự phối hợp các phương tiện truyền thông đại chúng và chính sách đóng mở thông tin của chính phủ Trung ương.

Và cuối cùng, trên mặt trận pháp lý (Legal Warfare). Theo đó, Trung Quốc sử dụng phối hợp cả luật quốc gia và luật quốc tế để tạo nền tảng “hợp pháp” cho các hoạt động thực địa, đồng thời làm suy yếu cơ sở pháp lý trong các hoạt động nhằm đáp trả của đối phương.

Đến tháng 1 năm 2005, giới quân sự Trung Quốc lại cho xuất bản tài liệu về 100 trường hợp nghiên cứu cho mỗi loại hình trong ba mặt trận nói trên, nhằm định hướng ứng dụng thực tiễn cho học thuyết được đề ra ba năm trước. Sau hơn 10 năm hoàn thiện dần học thuyết “ba mặt trận” trong vấn đề cô lập đảo Đài Loan, Trung Quốc hiện nay đã chuyển hướng sang áp dụng tại Biển Đông, và đặc biệt đẩy mạnh tấn công trên cả ba mặt trận (truyền thông, tâm lý và pháp lý). Nói một cách ngắn gọn, cả ba mặt trận đều được hoạch định một kế hoạch tổng thể, hỗ trợ lẫn nhau và triển khai đồng loạt trong cùng một thời điểm để đạt hiệu quả tác động tối đa trên mặt trận thông tin.

Sự kiện giàn khoan HD 981: bốn mặt trận ra quân

Trong sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu HD981 hồi tháng 5/2014, Trung Quốc ứng dụng học thuyết “Tam chủng chiến pháp” với nhiều điểm phát triển mới.

Về mặt phát ngôn cấp Nhà nước, người phát ngôn của Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh liên tục bác bỏ những thông tin chi tiết do chính phủ Việt Nam cung cấp với truyền thông quốc tế. Phát biểu này kết hợp với những bài phát biểu của người đứng đầu Vụ Biên giới và các vấn đề đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh để nhấn mạnh rằng chính phủ Việt Nam đã gây hấn trước và đâm va tàu chấp pháp của Trung Quốc gần 560 lần. Ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình (8/5) và Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy (13/5) khẳng định Trung Quốc không chịu nhượng bộ về vấn đề giàn khoan HD981.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (20/5), đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố về Biển Đông. Ở cấp độ nguyên thủ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (21/5) đã lên tiếng về chủ trương “hoà bình” của Trung Quốc trên Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) ở Thượng Hải. Những bước đi này đã nhất quán góp phần tăng cường tác động trên mặt trận tâm lý, khiến các chủ thể liên quan dễ rơi vào trạng thái cho rằng khó có thể ngăn chặn quyết tâm của Trung Quốc.

Song song với các hoạt động trên, Trung Quốc còn tích cực gây nhiễu loạn thông tin bằng cách phát động một mặt trận truyền thông quy mô với sự tham gia từ các phương tiện thông tin đại chúng trong nước cho đến các biện pháp tuyên truyền từ những đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở nước ngoài. Cách tuyên truyền này có nhiều kênh, thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Từ những trang thông tin đối nội được đánh giá là có quan điểm công kích như Thời báo Hoàn Cầu hoặc có quan điểm chính thống của chính phủ Trung Quốc như Tân Hoa xã, Kinh Hoa thời báo, Nhân dân Nhật báo.

Các đại diện của Trung Quốc tại các lãnh sự quán, đại sứ quán ở nước ngoài cũng lên tiếng mạnh mẽ. Cụ thể, ngày 20/5, Đại biện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia Lưu Hồng Dương đã đăng bài trên tờ Jakarta Post với nội dung nhằm giải thích các quan điểm “rất kiềm chế” của chính phủ Trung Quốc, đồng thời công khai chỉ trích các hành động “gây hấn nguy hiểm” của chính phủ Việt Nam. Đến ngày 29/5, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã sử dụng phỏng vấn trên kênh truyền thông quốc tế CNN để khẳng định lần nữa lập trường của Trung Quốc, đồng thời dùng quan hệ ngoại giao nước lớn – nước lớn để “nhắc nhở” thái độ “không phù hợp” của cả Mỹ và Nhật Bản – hai cường quốc đang chống lại Trung Quốc nhiều nhất trong vấn đề giàn khoan HD981.

Các bài viết của đại sứ Trung Quốc tại Úc Mã Triều Húc (đăng trên tờ The Australian của Úc ngày 13/6, đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa (đăng trên tờ Yomiuri Shimbun của Nhật ngày 17/6), đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Ninh Phú Khôi (đăng trên tờ Matichon của Thái Lan này 23/6) có nhiều nội dung khác nhau, nhưng chủ yếu nhắm vào các kênh truyền thông quốc tế ở những quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và thế giới. Kết hợp với bộ máy truyền thông đại chúng trong nước, mục đích của các hành động này bảo vệ các quan điểm của Bắc Kinh.

Một điểm khác cần nhấn mạnh, đó là sự xuất hiện của mặt trận học giả – mặt trận không công bố chính thức. Học giả đi cùng với các nhà ngọai giao tạo thành mặt trận thông tin nhiều chiều. Chẳng hạn khi bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Úc vừa đăng, thì có ngay bài viết hỗ trợ của Giám đốc Trung tâm an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Triệu Thanh Hải. Cùng ngày 20/5, TS. Ngô Sĩ Tồn, giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, đã cho đăng bài trả lời phỏng vấn trên hãng tin quốc tế Deutsche Welle của Đức với nội dung tương tự, nhấn mạnh vào công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một cách nhắc lại tính “pháp lý” theo cách hiểu cố hữu của Trung Quốc (dù cộng đồng học giả và chính phủ Việt Nam đã nêu quan điểm chính thức với thế giới về những yếu tố không mang tính ràng buộc về pháp lý trong vấn đề này).

Chỉ trong tháng 5/2014, Trung Quốc đã triển khai đồng loạt cả ba mặt trận truyền thông, pháp lý và tâm lý. Một cuộc chiến tranh truyền thông tổng lực được phát động với dư luận quốc tế là đích đến. Qua đó, Trung Quốc tìm cách khống chế toàn diện các kênh ngoại giao chính thức cấp Nhà nước (kênh 1), đồng thời vô hiệu hoá kênh ngoại giao học giả (kênh 2).

Phản ứng của Việt Nam

Ứng biến trên cả ba mặt trận, Việt Nam đã trả lời lại Trung Quốc theo các con đường khác nhau. Ngày 11/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar về tình hình đang căng thẳng trên Biển Đông. Tiếp sau đó, ngày 21/5, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã có bài phát biểu tại diễn đàn CICA ở Thượng Hải. Để hỗ trợ các phát ngôn chính thức cấp Nhà nước, các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam đã đồng loạt sử dụng các kênh ngoại giao đa phương để truyền tải lập trường.

Ngày 7/5, Việt Nam đã cho lưu hành công hàm phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 tại Liên Hợp Quốc. Ngày 20/5, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva, Thuỵ Sĩ đã gửi thông cáo chính thức trình bày đầy đủ các sự kiện xoay quanh giàn khoan HD981. Thông cáo đó gửi trực tiếp đến Văn phòng của Liên Hợp Quốc, các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như trụ sở các tổ chức quốc tế đặt tại Geneva. Sau đó, tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 15 về Đại dương và Luật biển (từ ngày 27 – 30/5), Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu đề cập đến các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc và những thiệt hại do quốc gia này gây ra cho các hoạt động ngư nghiệp hợp pháp của ngư dân Việt Nam tại các ngư trường đánh bắt truyền thống. Ngày 28/5, tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 của phong trào Không Liên kết (NAM) tại Algeria, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc có bài phát biểu để cập nhật tình hình giàn khoan HD981 vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên phong trào Không liên kết thể hiện tình đoàn kết và đóng góp cho hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Việt Nam còn liên tiếp tổ chức các buổi họp báo quốc tế (7, 17, 23/5; 5,17/6) đồng thời kết hợp với nhiều hãng thông tấn quốc tế trong việc đưa tin về tình hình quanh khu vực giàn khoan. Bên lề Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại thủ đô Manila (Philippines), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài trả lời phỏng vấn các hãng tin AP (Mỹ) và Reuter (Anh) về vấn đề Biển Đông với thông điệp mang tính cảnh báo đối với Trung Quốc rằng Việt Nam không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để đổi lấy “hoà bình hữu nghị viển vông”. Tiếp sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh nhắc lại bản chất sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 với đông đảo đại diện của các cơ quan truyền thông thế giới như CNN (Mỹ), Reuters (Anh), Strait Times (Singapore), NHK (Nhật Bản).

Phương thức kết hợp giữa truyền thông và pháp lý qua sự xuất hiện của các đại sứ của Việt Nam trên truyền thông quốc tế là một bước đi mới. Ngày 27/5, đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thuỷ đã có bài viết trên tờ The Jakarta Post để phân tích những lập luận sai trái về Biển Đông của Đại diện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia Lưu Hồng Dương nêu ra trong bài viết đăng ngay trước đó (20/5). Ngày 29/5, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường đã có buổi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNN nhằm hồi đáp những luận điểm công kích của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (21/5). Trong tháng 6/2014, lần lượt các đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản, Thái Lan và Úc cũng đã nhanh chóng có bài viết đáp trả các luận điểm vô căn cứ tương ứng của các đại sứ Trung Quốc. Các đại sứ quán Việt Nam ở châu Âu, Nam Phi và nhiều quốc gia khác cũng phát huy kênh ngoại giao nhân dân. Nhiều hình thức khác nhau được thực hiện như Hội thảo quốc tế, tuần hành, biểu tình v.v

Trung Quốc Việt Nam
Mặt trận tâm lý Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 (1/5) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi thư phản đối (4/5)
Phát ngôn từ lãnh đạo cấp cao (8, 13, 20, 21/5) Phát ngôn từ lãnh đạo cấp cao (11, 21, 27, 28/5)
Mặt trận pháp lý Sử dụng luật của Trung Quốc
(Luật cấm đánh bắt hải sản từ 16/5 – 1/8; Thông báo từ Cục Hải sự Trung Quốc về vùng cấm hoạt động xung quanh giàn khoan HD981)
Sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử các bên trên Biển Đông (DoC)
Tuyên cáo lập trưởng gửi Liên Hợp Quốc (9/6) Công hàm phản đối lưu hành trên Liên Hợp Quốc (7, 28/5)
Sử dụng lực lượng Hải giám, Hải cảnh Sử dụng lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển
Mặt trận truyền thông Sử dụng các đơn vị truyền thông trong nước để gây nhiễu thông tin Tổ chức các cuộc họp báo quốc tế (7, 17, 23/5)
Khuyếch trương các lập luận của cộng đồng học giả trong nước Kết nối quan điểm giữa cộng đồng học giả trong nước và cộng đồng học giả quốc tế
Bài viết của các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài Bài viết phản biện của các đại sứ Việt Nam
  Truyền tải các hoạt động tuần hành hoà bình của người Việt Nam ở nước ngoài

 

Bảng 1: “Tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc trong sự kiện HD981 và phản ứng của Việt Nam

Một chiến thuật “hiệp đồng”

Việt Nam đã cố gắng tận dụng tối đa tất cả các kênh ngoại giao để khai thác triệt để điểm yếu về pháp lý trong các tuyên bố của Trung Quốc. Lý lẻ là lợi thế quan trọng giúp Việt Nam đạt được sự ủng hộ trên ngoại giao kênh 2 (kênh học giả) và các hoạt động đối ngoại nhân dân. Những kết quả ban đầu cho thấy tiếp cận “phản ứng linh hoạt” của Việt Nam đã có một lan tỏa nhất định. Sự lan tỏa này không chỉ được đẩy mạnh trên ba mặt trận (ngoại giao, truyền thông và pháp lý), mà còn có cốt lõi là mặt trận học thuật.

Sức mạnh trên thực tiễn có được từ học thuyết “ba mặt trận” của Trung Quốc chứng tỏ được tầm quan trọng trong phương thức phối hợp giữa các cơ quan đối nội và đối ngoại, và giữa các cơ quan này với cộng đồng học giả của họ. Vì thế, đây cũng là thời điểm cần thiết để Việt Nam phát huy những kinh nghiệm rút tỉa được trong sự kiện giàn khoan HD-981; một khởi điểm để chuyển từ một cách ứng phó cụ thể sang một chiến lược phối hợp đồng bộ và dài hạn. Một hình dung đơn giản nhất là sự liên kết giữa “các nhà”, bao gồm nhà ngoại giao, nhà báo, học giả và Nhà nước (theo ý nghĩa các cơ quan thẩm quyền với các sự kiện diễn ra trên thực địa). Qua đó, Việt Nam có thể đúc kết và triển khai một “hợp đồng đa binh chủng” giữa các cơ quan truyền thông – ngoại giao – pháp lý và học thuật.

Quan trọng hơn cả với các nhà hoạch định chính sách, một bài học từ sự kiện HD981 năm 2014 sẽ luôn là kinh điển: khi các sự kiện thực địa càng nóng lên, thì “tam chủng” hay “tứ chủng chiến pháp” từ phía Trung Quốc sẽ mở hết công suất. Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc chính là thắng lợi trên mặt trận thông tin, nhằm che phủ được những hành động phi pháp trên thực địa. Đây cũng là những gì chúng ta đã chứng kiến từ đầu năm 2015 đến nay, và sẽ còn tiếp tục chứng kiến trong 6 tháng cuối năm. Tạo sự liên kết các tác nhân, cùng thiết lập một chiến lược phù hợp đang là bài toán cần xác định câu trả lời cả trong góc nhìn ngắn hạn, lẫn lâu dài.


TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học KHXH&NV tp HCM (SCIS), đồng thời là ủy viên Hội đồng giám sát hoà bình Thái Bình Dương thuộc Diễn Đàn Toàn Cầu Boston (www.bostonglobalforum.org).

ThS Lục Minh Tuấn, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trí Lê (theo Nghiên cứu Biển đông)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Mặt trận thông tin Biển Đông – Bài 1: Phân tích từ sự kiện giàn khoan HD981”:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề