Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2014 cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.990 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn là 1.559,8 tỷ đồng, giảm lỗ 4.720 tỷ đồng; giảm khấu trừ 99,9 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy rằng, tình trạng trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Đặc biệt, tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI luôn khai báo lỗ nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam cho thấy cơ quan chức năng cần phải nỗ lực hơn nữa đối với hành vi gian lận kinh tế này.
Vấn đề không chỉ của Việt Nam
Theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục thuế Nguyễn Thị Cúc, nói về chuyển giá thì trước hết cũng phải đánh giá vai trò của doanh nghiệp FDI trong đối với nền kinh tế. Cùng với những đóng góp về vốn, lao động, tay nghề cho lao động Việt Nam, ứng dụng khoa học công nghệ…khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khá ổn định trong thời gian qua.
Cụ thể, từ 2008, khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào ngân sách gần 44 nghìn tỷ, đến 2013 đã 111 nghìn tỷ, dự kiến năm 2014 là gần 112 nghìn tỷ.
Trên thực tế, bên cạnh một số doanh nghiệp làm ăn có lãi, tất yếu phải mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ triền miên nhưng vẫn tiếp tục tăng vốn đầu tư, kinh doanh. Đây có thể là biểu hiện của hành vi trốn thuế, chuyển giá khiến dư luận bức xúc trong thời gian gần đây.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, qua khá nhiều vụ việc chuyển giá cho thấy cơ quan thuế của Việt Nam đã chậm phát hiện các thủ đoạn chuyển giá và trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, và các luật về thuế và phí của Việt Nam cần được bổ sung và hoàn chỉnh để có thể xử lý được những thủ đoạn trốn thuế, chuyển giá của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình trạng chuyển giá các nước đều gặp phải, không chỉ xuất hiện ở các hãng bán lẻ hay sản xuất bia, nước ngọt, mà xuất hiện cả ở các ngân hàng và các công ty tài chính. Và việc phát hiện và xử lý là hoàn toàn không dễ dàng vì các công ty đó có các chuyên gia về tài chính – kế toán.
Theo bà Cúc, khi nói về chuyển giá, có thể chúng ta biết, nhưng để kiểm tra, có chứng cứ, thu được thuế là điều không dễ. Vì chuyển giá là một hình thức trốn thuế, phần lẽ ra phải nộp thuế ở Việt Nam thì họ chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài, từ đó khiến Việt Nam bị thiệt thòi.
Do đó, vấn đề chuyển giá là vấn đề của quốc tế. Trong khi đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam nên kinh nghiệm và trình độ để đối phó với hành vi này là còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Cần “chuyên đề” đối phó chuyển giá
Theo nhìn nhận của Bộ Tài chính, chuyển giá thông thường được doanh nghiệp FDI thực hiện thông qua 2 phương thức, hoặc nâng giá thiết bị, công nghệ, vật liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài vào Việt Nam…từ đó khiến chi phí của công ty ở Việt Nam cao lên, dẫn tới thua lỗ.
Hoặc là chiều từ Việt Nam đi, tức là lẽ ra phải xuất hàng hoá bằng giá thị trường thì họ lại khai thấp đi để bán ở nước ngoài từ đó khiến công ty ở Việt Nam bị lỗ.
Doanh nghiệp FDI cũng có thể dùng các công ty tư vấn của công ty mẹ để định giá tư vấn cao lên, mục đích cuối cùng là tăng chi phí, giảm doanh thu để từ đó tránh được thuế.
TS Lê Đăng Doanh cho biết, hiện tượng chuyển gia cũng xuất hiện ở nhiều nước và ngay cả những nước có nền kinh tế thị trường rất phát triển, bộ máy giám sát có tính chuyên nghiệp cao cũng vẫn phát hiện ra được những vụ trốn thuế, lậu thuếlên tới hàng tỷ USD, và mức phạt là rất cao. Vì vậy, Việt Nam cần có một chuyên đề về đối phó với chuyển giá và trốn thuế đồng thời nâng cao trình độ, kỹ năng đối phó với tình trạng này.
“Có thể nói, tình trạng chuyển giá và trốn thuế của các doanh nghiệp FDI là phổ biến và thiệt hại đối với nguồn thu ngân sách về nghiêm trọng. Rất mong cơ quan thuế sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thuế các nước có công ty mẹ của doanh nghiệp để có thể thu thuế một cách công bằng, đúng pháp luật”, ông Doanh nói.
Còn theo ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), chống chuyển giá là công tác vô cùng phức tạp. Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động chuyển giá; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho công tác phân tích rủi ro và thanh tra hoạt động chuyển giá; mở rộng phạm vi thanh tra và tích cực đẩy mạnh công tác thanh tra, công tác truyền thông; và trên hết là cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan.
Tuy nhiên, theo ông Thăng, để chống chuyển giá có hiệu quả, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, cần có các quy định về thời hạn thanh tra; quy định về vốn mỏng, quy định về thông tin, chính sách tăng cường nhân sự có trình độ cao trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, hiện tượng chuyển giá xuất hiện ở nhiều nước và Việt Nam cũng không nên quá “hốt hoảng” hay “bi kịch hóa” hiện tượng này. Không nên có những phản ứng có tính chất kỳ thị hay lên án dựa trên cảm tính. Trong cái sai của họ cũng có cái yếu kém của mình.
Vì vậy, phải hoàn chỉnh khung pháp luật và nâng cao tính chuyên nghiệp của các cơ quan và chuyên viên của Việt Nam.
Theo Vneconomy
- Ukraina đã quyết định tích cực "nuôi" Trung Đông
- Ngân hàng Thế giới đang đặt hy vọng vào Ukraina
- Anton Siluanov so sánh nước Nga với Liên bang Xô viết trước sụp đổ
- Lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn và vừa của Ukraina trong nửa đầu năm 2017 đã tăng 44,2%
- Ukrain đã dẫn đầu thế giới về việc cung cấp bột mì
- Một trong những thương nhân lớn nhất thế giới đã vào thị trường khí đốt Ukraina
Trả lời