Khi hiệu ứng Hy Lạp lan tràn ở Châu Âu

Châu Âu đang trải qua những ngày bận rộn và căng thẳng, khi phải căng mình lên giải quyết ít nhất là ba vấn đề nan giải ở thời điểm hiện tại. Đó là dư âm vụ xả súng ở Paris mà có lẽ sẽ rất lâu nữa mới thực sự lắng xuống, đó là việc triển khai gói kích thích kinh tế QE trị giá 1100 tỷ Euro để tránh nguy cơ giảm phát lớn nhất mà EU đang phải đối mặt.

Và cuối cùng là cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề mang tên Hy Lạp, khi quy mô vấn đề đã không còn chỉ gói gọn trong phạm vi một quốc gia, mà nó đã thực sự trở thành một đám cháy đang bắt đầu bén lửa sang các thành viên khác, đe dọa một sự tháo chạy ồ ạt hàng loạt có thể khiến EU tan rã.

Chỉ một tuần sau khi cuộc bầu cử Hy Lạp kết thúc với thắng lợi dành cho đảng cánh tả Syriza, vốn là đảng chủ trương yêu cầu EU giảm nợ và nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng cho nước này để tránh việc Hy Lạp có thể sẽ rời khỏi liên minh Châu Âu, điều mà các nhà lãnh đạo EU e sợ nhất cuối cũng đã xảy ra.

Vấn đề Hy Lạp đang thực sự là một mồi lửa thổi bùng lên những phản ứng ở hàng loạt các quốc gia thành viên khác vốn cũng đang kiên nhẫn chịu đựng cuộc sống khó khăn do thắt chặt chi tiêu, mà điển hình là Tây Ban Nha và Italia.

Tây Ban Nha đang là nước đầu tiên hưởng ứng cho yêu cầu nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp là người khởi xướng. Theo đó, đã có những tiếng nói kêu gọi người dân Tây Ban Nha hãy hành động theo gương người dân Hy Lạp, mà cụ thể là đảng Podemos, đảng đang kỳ vọng có thể đạt được thành công giống như đảng Syriza ở Hy Lạp trong cuộc bầu cử quốc gia Tây Ban Nha vào cuối năm nay.

Cũng giống như Syriza trước khi lên nắm quyền ở Hy Lạp do tận dụng sự bất mãn của người dân do điều kiện sống khó khăn, Podemos cũng không phải là một đảng có uy thế chính trị lớn ở xứ sở bò tót, nhưng lại đang đạt được sự ủng hộ ngày càng tăng từ người dân nước này.

Một số chuyên gia đang nói đùa rằng, việc hứa hẹn thay đổi chính sách thắt lưng buộc bụng đang thực sự trở thành một chiếc đũa thần ở Châu Âu, khi nó đem lại quyền lực tối cao cho những kẻ chỉ trước đó không lâu còn chẳng ai biết đến, ở Hy Lạp và giờ đây có thể là ở Tây Ban Nha.

Nhưng thực tế đang cho thấy người phải nhận trách nhiệm về điều này là chính phủ hơn là người dân, dù khó khăn mà Tây Ban Nha đang phải chịu đựng là ít hơn Hy Lạp, nhưng nó cũng đang đè nặng lên vai người dân nước này, và tạo ra yêu cầu đòi cải thiện cuộc sống.

Theo đó, dù Tây Ban Nha đang đạt mức tăng trưởng 2% trong quý 4 năm 2014, gấp đôi mức tăng trưởng trung bình trên toàn khu vực đồng Euro, thì các chỉ số khác của xứ sở bò tót vẫn khá bi quan. Tỷ lệ thất nghiệp đạt 23,7%, tỷ lệ nợ công trên GDP của Tây Ban Nha vẫn đạt 92% vốn là một mức quá cao, cùng với đó là việc phân bổ ngân sách không đồng đều giữa các vùng đang tạo ra một sự bất mãn lớn ở các khu vực kinh tế phát triển nhất như Catalonia.

Người dân vùng đông bắc Tây Ban Nha này đang đe dọa sẽ trưng cầu ý kiến người dân để tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập. Nguyên nhân chủ đạo mà Catalonia đưa ra là chính phủ ở Madrid đã thu quá nhiều thuế từ vùng có nền kinh tế phát triển nhất cả nước này trong khi tái đầu tư quá ít do phải cứu trợ các vùng nghèo hơn ở Tây Ban Nha, điều này dẫn đến thất nghiệp tăng và cuộc sống ở Catalonia khó khăn hơn bao giờ hết.

Italia thậm chí còn gay gắt hơn thế, dù vẫn chưa thấy đảng phái nào ra mặt vận động người dân ở xứ sở mỳ ống. Theo điều tra vào năm 2014, có tới 40,1% người Ý muốn nước mình rời khỏi EU, trong khi một năm trước đó con số này chỉ là 25,7%. 90% người Ý cho rằng tình hình kinh tế nước này tệ hơn rất nhiều so với các năm trước đó, trong khi đó có tới 55,7% không tin rằng sẽ có những dấu hiệu hồi phục trong năm nay.

Giới phân tích cho rằng Italia thậm chí đang là mối đe dọa với EU còn lớn hơn Tây Ban Nha rất nhiều, sự thiếu kiên nhẫn của người dân Italia đang trở thành một đống cỏ khô lớn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào, và chỉ cần một mồi lửa là nguy cơ đó sẽ xảy ra.

Sở dĩ hiệu ứng được gọi là Domino này phát sinh sau khi cuộc bầu cử Hy Lạp kết thúc, là do hầu hết các chuyên gia đều nhận định EU sẽ nhượng bộ phần nào các đòi hỏi của Hy Lạp để giữ nước này ở lại trong liên minh Châu Âu.

Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra một tiền lệ sẽ lan tràn ra khắp Châu Âu, không có lý do gì người dân Hy Lạp được nới lỏng còn người dân ở Tây Ban Nha, Italia hay Pháp thì không.
Và một khi mà hầu hết các nước thành viên đều đòi nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng, thì EU chỉ có thể lựa chọn một trong hai con đường, một là chấp nhận nhượng bộ đồng nghĩa với chính sách kinh tế vĩ mô của EU sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, còn thứ hai là chấp nhận để một lượng không nhỏ các nước thành viên rời khỏi khu vực đồng tiền chung, đồng nghĩa với một thảm họa thực sự.

Nguồn: Bloomberg, Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề