Khí đốt: Yếu tố chính của mối quan hệ phức tạp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria – nơi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phiến quân ôn hòa trong cuộc chiến chống lại chính chính phủ Assad – có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ năng lượng giữa điện Kremlin và Ankara – hoặc những lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Cuộc xung đột ở Syria đã ảnh hưởng đến mối quan hệ năng lượng giữa Moscow và Ankara. Một số vi phạm cố ý gần đây của máy bay chiến đấu Nga vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ đã làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đặc biệt khó chịu.

Nói chung, sự ủng hộ của Kremlin đối với chế độ ở Damascus (thủ đô Syria) đã làm người Thổ Nhĩ Kỳ và chế độ của ông Erdogan khó chịu. Chế độ ông Erdogan đã từ lâu hỗ trợ và bỏ nhiều công sức để hạ bệ Bashar al-Assad ra khỏi quyền lực.

Trong năm 2014, Recep Tayyip Erdogan, khi đó là Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong số ít các quan chức phương Tây đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Sochi. Nhân dịp đó, ông đã gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin và ca ngợi mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai người đứng đầu nhà nước bây giờ đang bất hòa về Syria và điều này đe dọa tới mối quan hệ quan trọng về năng lượng: Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiêu thụ lớn thứ hai khí đốt tự nhiên của Nga. Ngoài ra, một đường ống dẫn mới dưới Biển Đen cũng sẽ củng cố mối quan hệ này, nhưng bây giờ tương lai của đường ống này là không chắc chắn, website Zero Hedge cho biết.

Tuần trước, ông Erdogan đã cảnh báo rằng, do sự can thiệp quân sự tại Syria, Nga có nguy cơ mất một hợp đồng trị giá 20 tỷ USD để xây dựng một nhà máy hạt nhân trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara có thể mua khí đốt từ các nơi khác, ông cảnh báo.

Khoảng 75% năng lượng sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhập khẩu từ các nguồn bên ngoài, Nga chỉ chiếm một phần năm lượng năng lượng tiêu thụ của Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty Rosatom được lên kế hoạch để bắt đầu xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 và hai nước cũng là đối tác trong một dự án cho một đường ống dẫn khí mới – có tên Stream Thổ Nhĩ Kỳ hoặc TurkStream – mà sẽ cho phép Nga dẫn ga tự nhiên của mình đến trung tâm châu Âu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp bỏ qua Ukraina, đất nước mà Nga cũng đang có bất hòa.

Gazprom, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là bên tham gia ký vào dự án TurkStream, gần đây đã thông báo rằng dự án sẽ bị trì hoãn và công suất của dự án sẽ giảm xuống.

Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường lớn thứ hai cho Gazprom, sau Đức.

“Putin dựa vào Nord Stream, nhưng sự đặt cược này là nguy hiểm”, Sijbren de Jong, một chuyên gia phân tích an ninh năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Hague cho biết. “Ngay cả khi Gazprom có ​​thể cho phép việc làm giận Thổ Nhĩ Kỳ và từ bỏ các khoản thu nhập từ khí đốt? Thật khó tin”.

Châu Âu nhập khoảng một phần ba nhu cầu khí đốt từ Nga, và một phần ba trong lượng này được dẫn qua đường ống Ukraina. Gazprom đang theo đuổi để dừng hoặc ít nhất là giảm lượng khí đốt của mình quá cảnh qua nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này sau khi hợp đồng quá cảnh hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2019.

Năm ngoái, ông Putin đã tuyên bố rằng tuyến đường ống mới qua Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Nga đạt được mục tiêu này. Sau khi những thảo luận về dự án này đã bị đình chỉ trong mùa hè, Gazprom cho biết đường ống dẫn từ Biển Baltic đi trực tiếp đến Đức và được gọi là Nord Stream-2, bây giờ là một ưu tiên.

Việc Putin dựa vào Nord Stream-2 là mạo hiểm vì dự án có thể phải đối mặt với sự phản đối của EU, Jong cho biết thêm. Ủy viên EU về Năng lượng EU, Miguel Arias Canete cho biết tuần trước rằng đường ống dẫn này có nguy cơ tập trung 80% lượng nhập khẩu khí đốt Nga của châu Âu vào một tuyến duy nhất.

Gazprom cho biết hôm thứ Ba rằng thị trường thiết yếu đối với Nord Stream-2 sẽ gia tăng mua khí đốt của Nga. Công ty này cũng nói thêm rằng tổng lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu vào đầu tháng 10 đã tăng gần 36% so với năm ngoái.

Về phát biểu của ông Erdogan rằng nước ông có thể mua khí đốt từ các nguồn khác ngoài Nga, xét theo các số liệu gần đây và theo môi trường địa chính trị hiện nay, có lẽ Ankara nên nghĩ hai lần trước khi đưa ra một quyết định táo bạo như vậy.

Trí Lê (Theo Đại Kỷ Nguyên)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề