Người đời có câu “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới biết bạn là ai”. Hy Lạp đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc vì nợ nần chồng chất. Châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Quốc thể hiện cách quan tâm của họ với Hy Lạp như thế nào?
Điện Kremli sẽ khai thác “đường đứt gãy” Hy Lạp?
Hy Lạp là thành viên trong Liên minh châu Âu và Khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nên đương nhiên châu Âu và Mỹ phải quan tâm. Là thành viên trong ngôi nhà EU, Hy Lạp được các nước châu Âu quan tâm hơn cả. Chả thế mà trong suốt mấy năm qua và nhất là thời gian gần đây, nếu không có sự hỗ trợ tài chính của châu Âu thì có lẽ giờ này Hy Lạp đã “đi đời”.
Sự giúp đỡ của EU kèm theo điều kiện. Đó là chính phủ Hy Lạp phải khắc khổ. Nói nôm na là phải tiết kiệm đủ mọi thứ, không được phung phí như trước nữa thì người ta mới cho vay tiền. Nhưng mấy năm bóp mồm bóp miệng, dân Hy Lạp thấy khổ càng thêm khổ, vả lại chính sách thắt chặt chi tiêu của các chủ nợ không giúp cho kinh tế Athens hồi phục, thậm chí ngày càng đi xuống. Chính vì thế mà cử tri Hy Lạp “nổi loạn”, bầu một đảng mới lên nắm quyền.
Đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras kiên quyết bảo vệ người dân và chống lại các điều kiện của các chủ nợ EU. Chính điều này đã gây ra biết bao sóng gió trong quan hệ Athens – Brussels trong thời gian gần đây. Và đỉnh điểm nhất là khả năng Hy Lạp vỡ nợ và nguy cơ bị đẩy ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone.
Mỹ cầm trịch khối NATO, trong đó Hy Lạp là một thành viên. Thời gian gần đây, lãnh đạo Mỹ liên tiếp lên tiếng hối thúc cả châu Âu và Hy Lạp phải cứu lấy Athens trước bờ vực vỡ nợ và nguy cơ ra khỏi Eurozone. Đằng sau sự lo lắng này của Washington là gì? Về mặt chính thức, Mỹ sợ Hy Lạp vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tới thị trường kinh tế và tài chính thế giới.
Ngày 1/7, Tổng thống Barack Obama đã tìm cách trấn an rằng người Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng: “Đây là một mối vấn đề chủ yếu gây lo ngại cho châu Âu”. Nhưng ông Obama thừa nhận rằng không thể hoàn toàn làm ngơ đối với cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Ông cho biết, Mỹ đang làm việc với Ngân hàng Trung ương châu Âu và các định chế tài chính quốc tế để đảm bảo rằng mọi trở ngại trong các thị trường tài chính được san bằng.
Nói nôm na, đối với người Mỹ thì đây không phải là một điều gì sẽ gây ảnh hưởng nghiệm trọng cho hệ thống tài chính, nhưng rõ ràng đó là điều rất đau khổ cho người dân Hy Lạp và có thể có một ảnh hưởng đáng kể đối với tỉ lệ tăng trưởng của châu Âu. Theo ông Obama, nếu kinh tế châu Âu chậm lại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Trước đó ngày 25/6, Tổng thống Obama đã thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về điều mà Nhà Trắng gọi là tầm quan trọng vô cùng lớn của việc Hy Lạp cải cách và tăng trưởng bên trong EU.
Gary Hufbauer, một chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói: “Mỹ e rằng sự hỗn loạn ở Hy Lạp có thể có tính chất truyền nhiễm và sẽ tạo ra những sự nghi ngờ về Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia, và sẽ tạo ra những vấn đề khó khăn và sẽ gây bất hòa ở châu Âu ảnh hưởng tới quyết tâm của châu Âu đối với Nga về tình hình Ukraine”.
Tuy nhiên, về sâu xa, mối lo của Mỹ không phải là vấn đề kinh tế tài chính mà là địa chính trị. Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Jack Lew đã lần đầu tiên can dự vào nội tình châu Âu khi lên tiếng rằng, các nước châu Âu nên cố tìm giải pháp duy trì Hy Lạp trong Eurozone.
Về kinh tế, Hy Lạp chỉ là một nước nhỏ và cạn tiền. Từ góc độ địa chính trị, nước này nằm tại miền Đông Địa Trung Hải, tiếp cận với các điểm nóng Trung Đông như Syria và Libyia, là cửa ngõ giao lưu và xâm nhập của hàng hóa và cả thuyền nhân hay khủng bố đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Đã vậy, lãnh thổ Hy Lạp còn là địa bàn cạnh tranh của hai dự án khai thác khí đốt Turkish Stream và Southern Corridor do Liên bang Nga và EU bảo trợ.
Khi vụ khủng hoảng về nợ nần lên tới cao độ, Tổng thống Nga Putin mới đây đã ngỏ ý yểm trợ Hy Lạp. Mỹ thấy đó là dấu hiệu xấu. Khi Chiến tranh lạnh xảy ra từ năm 1949, Mỹ kéo Hy Lạp vào NATO để chặn đường Liên Xô tiến vào Địa Trung Hải. Sau đó, trong nhiều thập niên cho đến khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ tiếp tục yểm trợ Hy Lạp để ngăn ngừa các tổ chức khủng bố tấn công quyền lợi của phương Tây.
Hiện nay, Mỹ vẫn muốn Hy Lạp ngả về Tây, không bị loạn và khỏi là hậu cứ của các tổ chức khủng bố cực tả, cực hữu và Hồi giáo. Và trước mắt là không ngả theo Nga.
Về phía Nga, một ngày sau khi 61% cử tri Hy Lạp nói “Không” với các đề nghị của chủ nợ, Thủ tướng Alexis Tsipras đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguyên thủ Nga đã bày tỏ “sự ủng hộ đối với nhân dân Hy Lạp” và đã “thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển quan hệ hợp tác Nga – Hy Lạp”.
Alexandre Baounov, cựu nhân viên ngoại giao Nga làm việc tại Athens, hiện là chuyên gia thuộc Trung tâm Carnegie, có trụ sở tại Moscow, nhận định: “Ông Tsipras cần từ 2 đến 3 tỉ euro để mở cửa sớm nhất các ngân hàng Hy Lạp. Chính vì thế mà ông ta đã gọi điện tới ông Putin”.
Thế nhưng, phát ngôn viên điện Kremli, Dmitri Peskov, khẳng định là Hy Lạp, thành viên EU và Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã không đề nghị Moscow giúp đỡ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel chất vấn Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Kể từ khi lên cầm quyền, hồi tháng 1/2015, ông Tsipras không ngừng có những động thái xích lại gần Nga. Trong vòng 3 tháng, Thủ tướng Hy Lạp đã tới Nga 2 lần. Ngày 19/6 vừa qua, hai bên đã ký một thỏa thuận nguyên tắc trị giá khoảng 2 tỉ euro, liên quan đến việc kéo dài hệ thống ống dẫn khí đốt của Nga tại Hy Lạp.
Theo ông Baounov, các trừng phạt của phương Tây đang làm cho kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn, rơi vào suy thoái, trong lúc giá dầu lửa giảm mạnh trên thế giới. Đây là hai trong số những nguyên nhân chính giải thích thái độ chờ đợi của Tổng thống Putin, chưa thể ra tay can thiệp.
Đến Trung Quốc cũng phập phồng…
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp không phải là một tin kinh tế tốt đẹp gì đối với Nga. Hôm 8/7, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Oulioukaiev cho biết: Lo ngại của thị trường về nguy cơ Athens ra khỏi Eurozone đã làm cho đồng rúp bị sụt giá mạnh vào thời điểm trước khi có cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp. Quan chức này cũng thông báo là vấn đề tài trợ cho Hy Lạp sẽ không được thảo luận nhân thượng đỉnh nhóm các nước đang trỗi dậy – BRICS (bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi), được tổ chức ở Oufa, Nga.
Chuyên gia Baounov nhắc lại: “Lợi ích gì khi đưa tiền cho Hy Lạp trong lúc bản thân chúng ta đang bị khủng hoảng kinh tế? Hơn nữa, Hy Lạp không có nhiều ảnh hưởng đối với chính trị châu Âu”. Vả lại, Moscow cũng bị một vố đau khi Hy Lạp đã bỏ phiếu ủng hộ việc kéo dài trừng phạt của châu Âu nhắm vào Nga, chỉ vài ngày sau khi ông Tsipras, về từ Saint-Petersbourg, kêu gọi chấm dứt vòng luẩn quẩn của trừng phạt.
Chuyên gia Baounov khẳng định: Tổng thống Nga “là một người thực dụng, chứ không phải là một người lý tưởng hóa. Trước khi đưa tiền cho Hy Lạp, ông tự hỏi điều này sẽ giúp gì cho nước Nga. Và hiện nay, ông còn đang tính toán hơn thiệt”.
Theo một số nhà phân tích, ngoại giao Nga có thể lợi được đôi chút do việc cử tri Hy Lạp nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông Baounov nêu ví dụ: “Các nhà ngoại giao Nga sẽ nói với châu Âu rằng các vị không giải quyết nổi cuộc khủng hoảng Hy Lạp, vậy thì làm cách nào các vị có thể hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, hơn nữa đây là một nước đang có xung đột vũ trang?”.
Đây cũng chính là bằng chứng cho thấy EU là một tập hợp mong manh, như nhìn nhận của Moscow. Hy Lạp là một đường đứt gãy mà Điện Kremli sẽ khai thác.
Đối với ông James Nixey, chuyên gia về Nga tại trung tâm tư vấn Chatham House, ở Moscow, thì Nga không có chiến lược dài hạn đối với Hy Lạp mà hành động theo từng tình huống cụ thể.
Về phần mình, chuyên gia khoa học chính trị Nga Serguei Karaganov lưu ý là Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sử dụng Moscow để hù dọa các chủ nợ châu Âu trong các cuộc đàm phán. Nhật báo tài chính Nga Vedomosti coi đây là một trò “dọa dẫm tống tiền”.
Về phần Trung Quốc, kết quả “Không” của người dân Hy Lạp càng làm tăng mối lo của Bắc Kinh với Athens. Trong chuyến công du châu Âu mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố không chỉ có châu Âu mà cả Trung Quốc cũng đang theo dõi sát tình tình Hy Lạp, nhưng không cho biết có ý định giúp đỡ Athens để trụ lại trong khu vực Eurozone hay không. Đối với Trung Quốc, Hy Lạp là một đối tác chiến lược để mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Âu.
Hy Lạp là một lá chủ bài để Bắc Kinh thực hiện giấc mơ đã ấp ủ từ lâu: đó là tái lập con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc với châu Âu. Đây sẽ là trục giao thương để đưa hàng của Trung Quốc sang Hy Lạp, chính xác hơn là từ bến cảng Thượng Hải đến Athens. Trung Quốc đã đầu tư hơn 4 tỉ euro để khai thác hai khu vực tại hải cảng Piraeus. Khi lên cầm quyền, Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố đình chỉ chương trình tư hữu hóa cảng Piraeus.
Báo chí Bắc Kinh mạnh mẽ chống đối quyết định trên và thậm chí coi đó là một sự bội ước của Hy Lạp. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh: “Hy Lạp là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào châu Âu, là một đối tác chiến lược, do vậy Bắc Kinh mong muốn đóng một vai trò tích cực, tránh để Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone”.
Nhật báo China Daily chạy tựa lớn: “Trung Quốc chống đối kịch bản Grexit do việc Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro đe dọa trực tiếp đến các quyền lợi kinh tế của Trung Quốc. Năm 2014 tổng trao đổi mâu dịch hai chiều đạt 4,5 tỉ euro, tăng 24% so với một năm trước đó”.
Trí Lê (Theo CAND)
- KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2019. DỰ BÁO CỦA CHUYÊN GIA MỸ
- FSB Nga: nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay tại Ai Cập là do khủng bố
- Thắng lợi của đảng Syriza: Hy vọng cho Hy Lạp và Châu Âu
- Người dân Hy Lạp đi tổng tuyển cử
- Tại sao EU cứu trợ cho Hylap nhiều hơn Ukraina?
- Yatsenyuk: Ukraina đã đóng cửa không phận cho máy bay Nga
Trả lời