Giá dầu thấp chuyển quyền lực địa chính trị về tay Mỹ

Bối cảnh nguồn cung năng lượng dồi dào và giá cả thấp hiện nay đã làm xoay chuyển bức tranh địa chính trị của thế giới. Một số quốc gia trở nên lao đao trong khi số khác lại hưởng lợi.

Hoạt động sản xuất dầu tăng vọt của Mỹ đã thúc đẩy Washington cùng các đồng minh áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Iran mà không hề lo ngại sẽ mất lượng dầu nhập khẩu từ quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, Nga lại phải đối mặt với viễn cảnh mà Tổng thống Vladimir Putin gọi là “một thảm kịch có khả năng xảy ra” khi giá dầu lao dốc và Moskva phải vật lộn với những cấm vận khắc nghiệt từ Washington và phương Tây.

Khoảng cuối những năm 1980, chính việc mất đi nguồn doanh thu quan trọng do giá dầu mỏ và khí đốt sụt giảm trầm trọng là một nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Xôviết. Cuộc suy thoái trên thị trường dầu mỏ cũng phần nào tác động đến quyết định của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đem quân đánh Kuwait năm 1990, châm ngòi cho cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên.

Bên cạnh Nga, biến động trong giá dầu mỏ cũng khiến Iran và Venezuela lâm vào thế khó. Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc lại có cơ hội dẫn đầu.

Cuộc cách mạng khí đốt và dầu đá phiến của Mỹ đã mở ra “một thời đại của dầu giá rẻ”. “Không còn nghi ngờ gì nữa, những thay đổi về địa chính trị sẽ là điều tất yếu”, ông Ed Morse – Giám đốc Công ty nghiên cứu hàng hóa Citigroup hàng đầu thế giới – nhận định.

Thương phẩm địa chính trị quan trọng

Theo bà Reva Bhalla – Phó chủ tịch Công ty tư vấn toàn cầu Stratfor, dầu mỏ – tập trung chủ yếu ở vùng Trung Đông – là “thương phẩm địa chính trị quan trọng nhất”, có khả năng định hướng nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu Benchmark tại thị trường New York đã giảm hơn 30% trong vòng 5 tháng qua, dao động ở mức 75 USD một thùng, trong khi năng suất dầu thô của Mỹ đã đạt đỉnh cao nhất của 3 thập kỷ trở lại đây, nhờ hoạt động sản xuất nhộn nhịp tại các mỏ khai thác dầu từ đá phiến tại Bắc Dakota và Texas.

Theo số liệu hàng tuần do Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ công bố, trong tuần đầu tiên của tháng 11, sản lượng dầu của Mỹ đạt 9,06 triệu thùng/ngày – cao nhất kể từ tháng 1/1983.

“Trong 10 năm qua, yếu tố quyết định thị trường dầu dựa trên sự tăng trưởng và nhu cầu sử dụng của Trung Quốc. Nay sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của ngành dầu khí Mỹ chính là yếu tố quyết định mới”, ông Daniel Yergin – Phó giám đốc Tập đoàn tư vấn công nghiệp HIS có trụ sở tại Colorado cho biết.

Cuộc chiến giá dầu

Saudi Arabia và Kuwait đã thực hiện “cuộc chiến giá cả cần thiết” nhằm bảo vệ thị trường của họ cũng như ép các nhà sản xuất tại Mỹ và các nước khác phải giảm sản lượng sản xuất.

Cho đến nay, các công ty Mỹ vẫn chưa hề nao núng trước “âm mưu lũng đoạn thị trường” của Saudi Arabia, đồng thời tin tưởng rằng họ còn vững mạnh hơn nhiều thành viên trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

“Saudi Arabia đang chơi một ván bài lớn. Nếu cường quốc dầu mỏ này giảm giá dầu còn 60 – 70 USD/thùng thì thị trường Mỹ sẽ bị chững lại, tuy nhiên không có nghĩa là ngừng tăng trưởng” – đó là nhận định của ông Archie Dunham, Giám đốc hãng sản xuất dầu đá phiến Chesapeake Energy ở Oklahoma.

Ngoài ra sự tấn công của các nhóm khủng bố vào các mỏ dầu lớn ở Trung Đông có thể khiến giá năng lượng tăng trở lại.

Nguồn thu từ xuất khẩu dầu

Ngày 29/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo doanh thu xuất khẩu dầu của nước này đã giảm khoảng 30%. Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, Iran cần đạt tới mức giá kỷ lục 143USD/ thùng để có thể giữ ngân sách quốc gia được ổn định. Tương tự Nga, nền kinh tế Iran đã yếu đi bởi những cấm vận kinh tế bắt nguồn từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Các “đòn đánh kinh tế” từ Mỹ và đồng minh đã đóng lại hầu hết nguồn đầu tư vào các mỏ dầu và khí đốt của Iran trong suốt một thập kỷ qua cũng như bị kìm kẹp mọi khả năng tiếp cận với công nghệ mới.

Giá dầu thô giảm và hạn chót của một thỏa thuận hạt nhân vào ngày 24/11 tới đã gia tăng áp lực lên vai ông Rouhani, người vừa đắc cử năm ngoái trong một cuộc cải tổ nhằm chấm dứt nạn lạm phát và phục hồi nền kinh tế Iran. Nếu ông Rouhani có thể bứt phá được một thỏa thuận chung và các lệnh cấm vận được gỡ bỏ, kinh tế Tehran mới có hy vọng thoát khỏi “bóng đen”.

Đối với Venezuela, giá dầu lao dốc cũng là một tin xấu. “Đoàn tàu” kinh tế Venezuela vốn đã cận kề mép vực sâu với tỉ lệ lạm phát lên tới 63%. Tổng thống Nicolas Maduro ngày 13/11 thông báo trong tháng trước Caracas đã mất 30% nguồn thu ngoại hối bởi giá dầu giảm. Ông Maduro cho biết đã cử Ngoại trưởng nước này tới 5 quốc gia xuất khẩu dầu lớn mạnh, bao gồm Mexico và Nga, để thu hút thêm sự ủng hộ trước thềm cuộc họp OPEC sắp tới diễn ra vào ngày 27/11.

Nâng vị thế của Mỹ

Nước Mỹ đang nổi lên như một kẻ thắng lớn. Càng gia tăng tính độc lập trong lĩnh vực năng lượng thì càng giúp Mỹ giảm rủi ro khi các nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn. Sự tự chủ năng lượng cũng làm củng cố thêm tiếng nói của Washington trong các đàm phán quốc tế, ví dụ như với Iran về vấn đề hạt nhân hay với Nga về khủng hoảng Ukraine.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ sản lượng dầu khí Mỹ đã nâng cao uy tín của nước này trên trường quốc tế, vốn đã bị lu mờ sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ bất ổn thị trường nhà ở tại Mỹ.

Ngoài ra trong bối cảnh dầu mất giá, Trung Quốc cũng được xem là một kẻ thắng lớn bởi 60% lượng dầu thô của nước này là nhập khẩu từ bên ngoài. Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã ký một hợp đồng cung cấp khí đốt lịch sử trị giá 400 tỉ USD kéo dài trong 30 năm. Tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tháng 11, nhà lãnh đạo hai nước đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc xây dựng đường ống khí đốt thứ hai chạy thẳng từ Nga tới Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ luôn là phía có lợi trong hợp đồng cung cấp này cho đến khi nào giá dầu thô vẫn còn ở mức thấp. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này nhiều khả năng sẽ sử dụng khoản tiết kiệm trên để xây dựng các khu dự trữ chiến lược hơn là chi tiêu vào quốc phòng và cải thiện môi trường.

Nguồn: Báo Tin tức


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề